Chương Trình Mục Vụ Giới Trẻ 2020-2022:
Mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giê-su Ki-tô (21)
Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 09 năm 2021
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG THA THỨ TỘI LỖI
Các bạn trẻ thân mến,
Tháng 8 vừa qua, chúng ta đã suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Kiện Toàn Lời Chúa. Tháng 9 này, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề Đức Giê-su Ki-tô – Đường Tha Thứ Tội Lỗi. Con người kiêu căng, bất tín, tội lỗi, còn Thiên Chúa nhân từ, trung tín, tha thứ là một trong những chủ đề xuyên suốt nội dung mặc khải Ki-tô Giáo. Với hành trình dương thế, Đức Giê-su tham dự trọn vẹn vào môi trường tội lỗi của con người và đương đầu với muôn hình thức tội lỗi cũng như hậu quả của chúng trong môi trường này. Hành trình trần thế của Người là hành trình diễn tả tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.
Trong tiếng Hy Lạp, động từ ‘tha thứ’ là ἀφίημι (aphiemi/ to forgive), còn danh từ ‘tha thứ’ là ἄφεσις (aphesis/ forgiveness). Động từ và danh từ này xuất hiện khá nhiều trong Kinh Thánh, đặc biệt là Tin Mừng Nhất Lãm. Dưới nhãn quan Kinh Thánh, tha thứ cũng có nghĩa là giải cứu, ân xá, miễn giảm, đem lại tự do đích thực. Tha thứ tội lỗi trong Kinh Thánh còn được diễn tả qua nhiều từ khác nữa, chẳng hạn như ‘bao phủ tội lỗi’, ‘quét sạch tội lỗi’, ‘quên đi tội lỗi’, ‘lấy đi tội lỗi’, ‘xóa đi tội lỗi’, ‘rửa sạch tội lỗi’, ‘xá giải tội lỗi’, ‘tẩy trừ tội lỗi’. Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa là Chủ Thể của các hành động này. Cũng như các chủ đề khác, sự tha thứ của Thiên Chúa trong Tân Ước được diễn tả cách rõ ràng, mạch lạc và đầy đủ hơn so với Cựu Ước. Theo đó, người tội lỗi là người xúc phạm và gây phương hại đến các tương quan trong đời sống mình, đặc biệt là tương quan với Thiên Chúa và anh chị em đồng loại. Khi được tha thứ tội lỗi, con người được hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em mình cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.
Để diễn tả Đức Giê-su là Đường Tha Thứ Tội Lỗi, chúng ta cần hiểu khái quát về nguyên nhân của tội lỗi. Theo mặc khải Ki-tô Giáo, con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh Người và được mời gọi tham dự sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, “vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24). Nói cách cụ thể hơn, Nguyên Tổ nhân loại đã vô ơn, kiêu ngạo, bất tuân phục Thiên Chúa, nghe theo quỷ dữ, vì vậy tội lỗi đã xâm nhập trần gian và gây nên cái chết. Do liên đới với Nguyên Tổ, mọi người trong gia đình nhân loại đều mang bản tính tội lỗi. Điều này có nghĩa là ngay giây phút đầu tiên hình thành trong lòng mẹ, con người đã mang lấy Tội Nguyên Tổ. Thánh vương Đa-vít diễn tả rất khúc chiết chủ đề này: “Ngài thấy cho: Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Tiếp tục truyền thống Cựu Ước, thánh Phao-lô viết: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,23). Thánh nhân cũng viết: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Còn thánh Gio-an thì khẳng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8).
Các tác giả Tân Ước giúp chúng ta ý thức về hậu quả khôn lường của tội lỗi. Theo thánh Gio-an Tông Đồ: “Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa” (1 Ga 3,4). Thánh Phao-lô chỉ ra nhiều cách thức con người phạm tội, một trong những cách thức đó là con người làm những điều ngược với niềm tin của mình. Ngài viết: “Bạn xác tín điều gì, thì cứ giữ lấy cho mình trước mặt Thiên Chúa. Phúc thay ai không cho mình là có lỗi khi quyết định làm điều gì! Còn ai hồ nghi mà cứ ăn, thì bị kết án, vì hành động không do xác tín. Hành động nào không do xác tín đều là tội” (Rm 14,22-23). Về căn bản, người tội lỗi là người xúc phạm Thiên Chúa, bởi vì tư tưởng, lời nói hay hành động của họ theo đường ma quỷ, thế gian, xác thịt, ngược lại với đường lối Thiên Chúa. Nội dung đức tin Ki-tô Giáo và kinh nghiệm các thánh trong lịch sử Giáo Hội cho chúng ta nhận thức rằng tội lỗi của con người càng lớn bao nhiêu thì ‘khoảng cách’ giữa con người với Thiên Chúa, với chính mình, với anh chị em đồng loại và thế giới thụ tạo càng xa bấy nhiêu.
Nhìn chung, trong Cựu Ước, Thiên Chúa diễn tả Người là Đấng yêu thương, đồng thời cũng là Đấng công minh chính trực. Người là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương (Tv 103,8). Người không thích tiêu diệt, thay vì muốn cho tội nhân phải chết, Người muốn họ ăn năn hối cải, từ bỏ đường tà để được sống (Hs 11,8; Ed 18,23). Để có thể hòa giải với Thiên Chúa, mỗi cá nhân cũng như các hình thức tập thể phải hoán cải, dâng lễ vật với mong muốn là được Thiên Chúa tha thứ và ban phát ơn lành. Người ta cũng có thể nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ những người công chính, thánh thiện được Thiên Chúa chọn gọi để thực hiện vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chẳng hạn, Mô-sê là trung gian dâng những lời cầu khẩn, sự ăn năn hối cải của dân Do-thái lên Thiên Chúa và xin ơn tha thứ. Đồng thời, Mô-sê cũng đại diện cho Thiên Chúa hướng dẫn dân Do-thái thực hiện giới răn, mệnh lệnh và những chỉ dẫn của Thiên Chúa trong hành trình bốn mươi năm về với Đất Hứa. ‘Hối – cứu’ là hai mắt xích quan trọng trong việc thiết lập và tái lập tương quan giữa con người và Thiên Chúa trong lịch sử Dân Thánh. ‘Hãy trở về’, ‘hãy thay đổi đường lối’, ‘hãy tùng phục Thiên Chúa’ là những lời kêu gọi phổ biến trong Cựu Ước giúp mọi người lãnh nhận ơn tha thứ của Người.
Cựu Ước không chỉ trình bày Thiên Chúa là Đấng luôn tha thứ tội lỗi cho dân Do-thái, mà còn để lại cho hậu thế nhiều gương lành trổi vượt về sự tha thứ. Chẳng hạn, ông Giu-se bị các anh mình bán sang Ai-cập làm nô lệ, nhưng khi gặp lại, ông không oán hận. Theo tác giả sách Sáng Thế, Giu-se đã được ‘thăng quan tiến chức’ ở Ai-cập. Khi nạn đói xảy ra, con cháu Gia-cóp sang tận Ai-cập cầu viện và gặp lại Giu-se thì ông đã tha thứ những lỗi lầm cho họ. Sự tha thứ của Giu-se còn được thể hiện qua việc ông đặt tên cho hai con trai của mình với người vợ là bà Át-nát, con gái ông Pô-ti Phê-ra, tư tế thành Ôn (St 41,50). Ông đặt tên cho con trai đầu là Mơ-na-se (מְנַשֶּׁה/ forget/ quên đi) bởi vì “Thiên Chúa đã làm cho tôi quên đi mọi gian khổ của tôi và tất cả nhà cha tôi” (St 41,51); con trai thứ hai là Ép-ra-im (אֶפְרָיִם/ fruitful/ sinh lợi) bởi vì “Thiên Chúa đã cho tôi sinh sôi nảy nở trong xứ tôi phải chịu khổ cực” (St 41,52). Qua việc đặt tên cho hai con trai, Giu-se diễn tả mình là người cao thượng. Hơn nữa, Giu-se tin tưởng vững chắc rằng trong biến cố ông bị các anh mình bán sang Ai-cập làm nô lệ, Thiên Chúa đã biến đổi sự dữ thành sự lành. Bởi vì, nếu ông không hiện diện ở Ai-cập cùng với danh tiếng và vai trò quan trọng ở triều đình, thì con cháu Gia-cóp có thể đã chết đói.
Cuộc đời của Đa-vít và Sa-lô-môn để lại cho nhân loại nhiều bài học, đặc biệt là bài học về cám dỗ, sa chước cám dỗ, đắm mình trong tội, biết ăn năn sám hối và được tha thứ. Đa-vít được gọi là vua thánh (thánh vương). Sự thánh thiện của Đa-vít là ‘sự thánh thiện hối cải’, trở về đường ngay nẻo chính, tùng phục Thiên Chúa. Ngược lại, thuở ban đầu, Sa-lô-môn là người được Thiên Chúa chúc phúc, bởi vì ông không xin Thiên Chúa cho sống lâu, giàu có hay mọi kẻ thù bị tiêu diệt. Ông xin Thiên Chúa cho mình được khôn ngoan, biết lắng nghe, biết phân định mọi việc để hướng dẫn dân chúng và Thiên Chúa đã cho ông được toại nguyện: “Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12). Tuy nhiên, càng ngày Sa-lô-môn càng sống xa đường lối Thiên Chúa. Vì nghe theo những bà vợ ngoại bang, Sa-lô-môn trở thành người hư hỏng. Ông không trung tín với Thiên Chúa, không vâng lời Người, phụng thờ các thần của các bà vợ (1 V 11,1-25). Sa-lô-môn không biết ăn năn hối cải, hậu quả là triều đại của ông dần dần suy sụp, lụi tàn. Đa-vít và Sa-lô-môn đại diện cho hai hạng người: (1) hạng người biết ăn năn hối cải, cộng tác với Thiên Chúa trong việc biến đổi bản thân và (2) hạng người không biết ăn năn hối cải, nhu nhược, chiều theo cảm tính của mình, làm cho ân sủng Thiên Chúa không phát huy tác dụng.
Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su trong hành trình trần thế, chủ đề tội lỗi của con người và sự tha thứ của Thiên Chúa được diễn tả cách mạch lạc hơn. Khởi đầu Tin Mừng, thánh Mác-cô trình thuật rằng Gio-an Tẩy Giả xuất hiện và kêu gọi mọi người chịu phép rửa để tỏ lòng ăn năn sám hối. Đức Giê-su cũng chịu phép rửa của Gio-an Tẩy Giả. Chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Đấng Thánh, Người chịu phép rửa để thánh hóa nước, đồng thời, phép rửa của Người là biểu tượng giúp con người nhận thức rằng Người tham dự vào môi trường tội lỗi và mang lấy tội lỗi của mọi người trong gia đình nhân loại. Chúng ta chỉ có thể hiểu được phép rửa của Đức Giê-su cách đầy đủ hơn nhờ ánh sáng của những đau khổ, cái chết và phục sinh của Người. Trong Biến Cố Đức Giê-su chịu phép rửa, thánh Mác-cô trình thuật: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’” (Mc 1,10-11). Sau đó, Đức Giê-su vào hoang địa bốn mươi đêm ngày và chịu Xa-tan cám dỗ. Khi nghe tin Gio-an Tẩy Giả bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê loan báo Tin Mừng. Lời đầu tiên của Đức Giê-su đối với mọi người là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đây được xem là ‘lời giới thiệu’ sứ mệnh của Người, sứ mệnh công bố sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại để tha thứ tội lỗi, mời gọi mọi người ăn năn sám hối, trở về cùng Thiên Chúa.
Khi Đức Giê-su diễn tả tình yêu thương và sự tha thứ đối với các tội nhân thì những người Pha-ri-sêu và các kinh sư tố cáo Người vì đã giao du với ‘phường bất hảo’. Đức Giê-su nói với mọi Người: “Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,18-19). Câu hỏi được đặt ra là ‘tại sao Đức Giê-su làm bạn với những người như vậy?’ Thưa, chính Đức Giê-su trả lời: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,31-32). Có lẽ, trong thâm tâm của mình, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư luôn suy nghĩ: ‘Hãy cho tôi biết bạn thân với ai, tôi sẽ cho bạn hay bạn là người thế nào’. Điều này hoàn toàn không đúng với trường hợp Đức Giê-su. Bởi vì, Đức Giê-su làm bạn với phường thu thuế và những người tội lỗi để cho họ biết lầm lỗi của mình, đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và biến đổi bản thân theo đường lối Người. Nói cách khác, Đức Giê-su làm bạn với họ để cho họ biết rằng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động giữa họ. Quả thực, tội lỗi gắn liền với con người; tội lỗi không độc lập với con người. Đức Giê-su sống tinh thần ‘yêu thương con người và xóa bỏ tội lỗi’. Thánh Au-gút-ti-nô viết: “Yêu con người và ghét tội lỗi” [cum dilectione hominum et odio vitiorum] (Thư 211, c. 424). Mahatma Gandhi (1869 – 1948) cũng có tư tưởng tương tự: “Ghét tội lỗi nhưng không ghét tội nhân” (Tự Truyện 1929).
Theo Cựu Ước, chỉ Thiên Chúa là Đấng tha tội như lời Người trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Vì danh dự của Ta, Ta sẽ xóa bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43,25). Khi Đức Giê-su chữa người bại liệt, Người nói: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” (Mt 9,2). Các kinh sư cho rằng Đức Giê-su đã nói phạm thượng, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới làm việc đó. Đức Giê-su khẳng định: “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mt 9,6). Sau đó, Người nói với người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà” (Mt 9,6). Chúng ta biết rằng phạm thượng là một trong những bằng cớ mà những người lãnh đạo Do-thái dựa vào đó để kết tội Đức Giê-su. Thật trớ trêu, lời của Đức Giê-su ‘ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội’ đáng lẽ là tin vui cho những người Do-thái cũng như mọi người trong gia đình nhân loại lại trở thành ‘tin buồn’, bởi vì đây là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn tới cái chết của Người trên thập giá.
Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình giúp chúng ta hiểu biết hơn về tình yêu tha thứ được Đức Giê-su thực hiện (Ga 8,1-11). Theo luật Mô-sê, người phụ nữ đó sẽ bị ném đá cho đến chết (Lv 20,10; Đnl 22,22). Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su về cách thức xử lý trường hợp này. Chúng ta biết rằng nếu Đức Giê-su bảo ‘tha thứ’ thì họ sẽ kết án Người lỗi luật; nếu Đức Giê-su bảo ‘hãy ném đá’ thì họ sẽ cười nhạo Người về giáo lý tình yêu tha thứ. Đức Giê-su nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Thế rồi, đám đông bỏ đi, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Quả thực, con người thường giơ tay chỉ về lầm lỗi của những người khác và sẵn sàng phê bình họ, trong khi lại nương thứ cho bản thân mình. Nói theo ngôn ngữ biểu tượng của Đức Giê-su, con người rất tinh tường trong việc nhận diện ‘cái rác’ trong mắt anh chị em nhưng lại mù tối trong việc nhận diện ‘cái xà’ trong mắt mình (Mt 7,3-4).
Đối diện với người mù từ lúc mới sinh, các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Điều đó cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su không quan tâm cũng không giải thích tại sao anh ta lại mù. Điều Người quan tâm là ‘công trình Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh’: Với quyền năng của Thiên Chúa, người mù bẩm sinh được sáng. Những người Pha-ri-sêu, các môn đệ Đức Giê-su hay nhiều người khác qua mọi thời đại thường quan tâm đến nguyên nhân bệnh tật hơn là sự chữa lành cũng như tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Quả thực, bệnh tật hay các hình thức sự dữ trong môi trường thế giới thụ tạo thật nhiệm mầu, vượt quá sự hiểu biết và giải thích của con người. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su không dành nhiều thời gian để giải thích nguyên nhân hay nguồn gốc bệnh tật cũng như các hình thức sự dữ mà dành nhiều thời gian đến với những nạn nhân của bệnh tật hay các hình thức sự dữ và cứu chữa họ. Đặc biệt, Người đã chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh để minh chứng rằng tiếng nói cuối cùng của gia đình nhân loại là tiếng nói của Thiên Chúa tình yêu chứ không phải là tiếng nói của ma quỷ hay các hình thức sự dữ trong thế giới thụ tạo.
Khi các môn đệ xin Đức Giê-su hướng dẫn cách thức cầu nguyện, Người đã dạy họ Kinh Lạy Cha. Kinh này có bảy lời nguyện xin, trong đó lời nguyện xin thứ năm là: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Đồng thời, Người cũng nói với họ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Hơn nữa, Đức Giê-su còn dạy cho các môn đệ ‘tiến trình bốn bước’ trong việc sửa lỗi anh chị em (Mt 18,15-17): (1) Gặp gỡ người đó để nói chuyện riêng; (2) Nếu không giải quyết được thì mời một hoặc hai người nữa; (3) Nếu không ổn thỏa thì đưa ra cộng đoàn (Giáo Hội); (4) Nếu vẫn bế tắc thì biện pháp cuối cùng là xem như người ngoại hay người thu thuế. Hành trình bốn bước trong việc sửa lỗi anh chị em của Đức Giê-su rất quan trọng. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy rằng nhiều Ki-tô hữu không thực hiện việc sửa lỗi anh chị em theo sự hướng dẫn của Đức Giê-su: Họ không quan tâm ba bước đầu nhưng lại quan tâm bước thứ tư. Hậu quả là không có sự hòa giải giữa người bị xúc phạm và người xúc phạm, lầm lỗi của anh chị em bị thêu dệt, lan truyền khắp nơi và không ai được hưởng hoa trái tốt đẹp trong việc xử sự như vậy.
Thánh Mát-thêu trình thuật: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giê-su đáp: ‘Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy’” (Mt 18,21-22). Khi Đức Giê-su nói tha thứ bảy mươi lần bảy không có nghĩa rằng hãy tha thứ cho người anh em bốn trăm chín mươi lần. Với Đức Giê-su, sự tha thứ không diễn ra như là các biến cố rời rạc trong những khoảng không gian, thời gian nào đó mà là luôn mãi. Thông thường, những người theo truyền thống Do-thái chính thống thời Đức Giê-su chỉ tha thứ ba lần. Với thánh Phê-rô, tha thứ bảy lần là quá nhiều rồi. Phê-rô diễn tả mình thánh thiện, công chính hơn những người Pha-ri-sêu, các kinh sư cũng như nhiều người vị vọng trong xã hội Do-thái (Mt 5,20). Với Đức Giê-su, không có hình thức tội lỗi nào lớn hơn hay nhiều hơn sự tha thứ của Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra: Tại sao sự tha thứ của Thiên Chúa là vô trương độ? Thưa, tại vì con người thường phạm tội, không ai có thể đếm hết được số lần mình phạm tội trong đời. Khi số lần phạm tội không thể đếm được thì số lần tha tội cũng vậy. Hơn nữa, vì Thiên Chúa là ‘Đấng vô biên’, những gì thuộc về Thiên Chúa thì luôn thánh thiện, tốt đẹp và cao thượng hơn sự nhận thức của con người. Do đó, vấn đề không phải là số lần phạm tội mà là tâm hồn con người biết luôn đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và luôn biết tha thứ cho anh chị em mình.
Trong sách Sáng Thế, sau khi giết em mình là A-ben, Ca-in nói với Đức Chúa: “Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con” (St 4,14). Đức Chúa phán: “Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy” (St 4,15). La-méc (thế hệ thứ năm sau Ca-in) nói với các bà vợ: “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4,24). Ý của La-méc là nếu ai làm hại ông thì phải chịu cảnh báo thù bảy mươi lần bảy. Chúng ta biết rằng cùng là bảy mươi lần bảy nhưng La-méc nói về sự báo thù, Đức Giê-su nói về sự tha thứ. Trong sứ mệnh của mình, Đức Giê-su minh chứng rằng, với Người, tha thứ không phải là ngôn ngữ lý trí, ngôn ngữ pháp lý hay ngôn ngữ toán học mà là ngôn ngữ trái tim, ngôn ngữ tâm hồn, ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ gắn kết với lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn rằng trong lịch sử nhân loại chưa có ai dạy người khác phải tha thứ và thực hành sự tha thứ như Đức Giê-su đã dạy và thực hành trong đời sống Người. Điều Đức Giê-su muốn nói là Thiên Chúa luôn là Đấng tha thứ, tha thứ và tha thứ không điều kiện.
Trong ‘bảy lời’ của Đức Giê-su trên thập giá, lời đầu tiên là lời Người cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho những ai gây nên những đau khổ và sự chết của Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). ‘Họ’ là ai vậy? Thưa, họ là những người đóng đinh Đức Giê-su, họ là Phi-la-tô, họ là những người Pha-ri-sêu hay các kinh sư, họ là đám người đang cười nhạo Đức Giê-su, họ là tất cả mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế như được tóm gọn trong Kinh Tin Kính: ‘Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta’. Lời thứ hai của Đức Giê-su là lời trao ban Nước Trời cho người tội lỗi cùng chịu đóng đinh với Người. Anh ta xin ở ‘thì tương lai’: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Tuy nhiên, Đức Giê-su nói với anh ở ‘thì hiện tại’: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Đây là điều đáng để chúng ta quan tâm, bởi vì ai tin tưởng vào Đức Giê-su và thực hiện thánh ý Người cách chân thành thì thực sự đã diện kiến Nước Thiên Chúa ngay trong hành trình trần thế rồi.
Nhìn lại lịch sử mặc khải, chúng ta ngạc nhiên vì sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta còn ngạc nhiên hơn về cách thức Thiên Chúa tha thứ tội được diễn tả trong Biến Cố Đức Giê-su. Là Đấng toàn năng, toàn thiện, Thiên Chúa có thể tha thứ cho con người theo nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như Người chỉ phán một lời thì mọi người trong gia đình nhân loại đều được tha thứ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi con người theo cách thức là cho Con của Người nhập thể, sống thân phận con người, giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi và Người đã chịu chết vì tội lỗi con người. Dung nhan của Người trên thập giá là dung nhan của một tội nhân, không chỉ là tội nhân thông thường mà là tội nhân với bản án nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại. Đây là dung nhan đáng ngạc nhiên đối với chúng ta chứ không phải là dung nhan của Người biến đổi trên núi Ta-bo. Quả thực, biến cố Ta-bo phản ánh căn tính vốn có của Người, còn biến cố thập giá thì ngược lại. Chúng ta nhận thức rằng nơi Đức Giê-su chịu đóng đinh, mọi sự đều đến cực điểm: Yêu thương cực điểm, hạ mình cực điểm, trút bỏ cực điểm, đau khổ cực điểm và tha thứ cực điểm.
Đức Giê-su không chỉ tha thứ tội lỗi, Người còn ủy thác cho các môn đệ thực hiện tác vụ này nhân danh Người. Tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, khi thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là ‘Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống’, Người nói với thánh nhân: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19). Đặc biệt, sau khi sống lại, Đức Giê-su trao ban Chúa Thánh Thần và ủy thác cho các môn đệ tác vụ tha thứ tội lỗi: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Nói cách khác, Giáo Hội do Đức Giê-su thiết lập là Thân Thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện lịch sử và hoạt động nhân danh Người, trong đó có tác vụ tha tội.
Thánh Tê-pha-nô là một trong bảy phó tế đầu tiên đã tin tưởng vào Đức Giê-su và giáo huấn của Người. Thấm nhuần chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giê-su, trước những kẻ bách hại, ngài đã trình bày nội dung đức tin Ki-tô Giáo cách trung tín và hùng hồn nhất. Đồng thời, ngài đã trình bày về niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu cho những ai bước theo chân Đức Giê-su trong hành trình trần thế này. Ngài đã minh chứng cho niềm tin và hy vọng của mình bằng cái chết tử đạo. Người ta đã ném đá ngài trong lúc ngài cầu nguyện. Đặc biệt, noi gương Đức Giê-su, lời cuối cùng của thánh Tê-pha-nô trong hành trình trần thế là lời cầu xin tha thứ cho những người bách hại mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Đời sống và chứng tá của thánh nhân đáng để mọi người qua mọi thời đại, đặc biệt trong thế giới hôm nay, học hỏi, suy niệm và noi gương bắt chước.
Vào ngày 26 tháng 10 năm 1946, trong sứ điệp Radio gửi các thành phần tham dự đại hội giáo lý toàn quốc Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha Pi-ô XII nói: “Có lẽ tội lỗi lớn nhất trên thế giới hôm nay là con người mất cảm thức về tội lỗi”. Trong Cựu Ước, cảm thức bén nhạy về tội lỗi đã làm cho vua Đa-vít trăn trở: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,5-6). Quả thực, câu nói của Đức Thánh Cha Pi-ô XII vẫn còn nguyên giá trị cho thế giới đương đại. Xem ra khi xã hội càng thăng tiến về mặt vật chất, con người càng bị ánh sáng trần đời và các hình thức chủ nghĩa vị kỷ làm lóa mắt, họ không còn quan tâm đến tội lỗi, do đó, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là điều đó khuất mắt thiên hạ. Chúng ta biết rằng khi con người mất cảm thức về tội lỗi, con người cũng mất cảm thức về căn tính đích thực của mình. Khi con người mất cảm thức về căn tính đích thực của mình, con người cũng mất cảm thức về Thiên Chúa. Khi con người mất cảm thức về Thiên Chúa cũng là khi con người sa vào ‘bẫy kiêu ngạo’ cho rằng con người là trên hết, con người tự làm chủ vận mệnh của mình. Theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo, vô ơn, kiêu ngạo là nguồn gốc của muôn vàn tội lỗi trong gia đình nhân loại. Kinh nghiệm cuộc sống cũng cho chúng ta nhận thức rằng khi con người cho mình là trên hết cũng là khi con người mất định hướng căn bản của cuộc đời, tự hủy hoại chính mình và gây nên thảm họa cho anh chị em đồng loại.
Nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình chẳng nóng cũng chẳng lạnh. Trong một thị kiến, tác giả sách Khải Huyền được Đức Giê-su phục sinh truyền dạy viết cho Hội Thánh Lao-đi-ki-a như sau: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15). Tình trạng hâm hẩm thật nguy hại cho chúng ta. Đời sống của một số nhân vật trong Tân Ước soi sáng thêm cho chúng ta về kinh nghiệm này. Chẳng hạn, tình trạng lầm lỗi bột phát của những người như Phê-rô hay Phao-lô thì tốt hơn là tình trạng hâm hẩm, ngấm ngầm của những người như Giu-đa cũng như những ai tiếp bước ông trong lịch sử nhân loại. Do đó, chúng ta hãy cộng tác với Đức Giê-su và giúp đỡ nhau trong việc cải biến con tim mình hầu có thể thoát khỏi tình trạng hâm hẩm trong đời sống đức tin cũng như các tương quan của mình giữa lòng nhân loại.
Thông thường, khi nói đến tội, chúng ta hay quan tâm đến những tư tưởng, lời nói, việc làm. Tuy nhiên, giáo huấn của Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng chúng ta không chỉ ‘giữ đạo’ mà còn ‘sống đạo’ nữa, nghĩa là chúng ta cần thực hiện tình bác ái Ki-tô Giáo giữa dòng đời. Thánh Gia-cô-bê diễn tả rõ hơn về điểm này rằng: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,17). Có lẽ đây là thứ tội mà chúng ta lỗi phạm nhiều nhất bởi vì thông thường chúng ta quá chú tâm đến việc giữ luật nhưng lại không quan tâm đến việc làm những điều tốt. Dụ ngôn ‘người Sa-ma-ri tốt lành’ hay dụ ngôn ‘ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó’ trong Tân Ước là những dẫn chứng cụ thể (Lc 10,29-37; Lc 16,19-31). Dụ ngôn ‘người Sa-ma-ri tốt lành’ cho chúng ta biết rằng thầy tư tế và thầy Lê-vi (những người có đạo) đi qua thấy người bị nạn thì không quan tâm vì họ đang ‘bận việc đạo’. Trong khi đó, người Sa-ma-ri (ngoại đạo) đã yêu thương người bị nạn và làm tất cả những gì có thể để cứu anh ta. Dụ ngôn ‘ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó’ cũng tương tự: Ông nhà giàu lãnh đạm trước sự hiện diện của La-da-rô nằm trước cổng nhà mình. Trong thế giới hôm nay, sự lãnh đạm xem ra ngày càng phổ biến và lan rộng hơn nữa.
Tha thứ là việc của Thiên Chúa, đón nhận là việc của con người, tha thứ và đón nhận cần đi đôi với nhau. Giáo huấn Đức Giê-su cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho con người. Tuy nhiên, sự tha thứ của Thiên Chúa chỉ mang lại hiệu quả khi con người biết đón nhận, bằng không, sự tha thứ đó không có tác dụng. Chẳng hạn, một thửa ruộng khô cằn đang cần nước, nhưng nếu chúng ta che chắn thửa ruộng đó thì dù trời có mưa nhiều, thửa ruộng vẫn khô cằn. Sự tha thứ của Thiên Chúa ‘như mưa như mưa’ nhưng chúng ta đóng tâm hồn lại thì ‘mưa’ không bao giờ tới được. Do đó, vấn đề không phải là sự tha thứ của Thiên Chúa mà là tâm hồn đóng kín, không biết đón nhận của chúng ta. Như đã được đề cập ở trên, sự tha thứ của Thiên Chúa là vô biên, vô tận, do đó, không ai tội lỗi đến mức không được Người tha thứ. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi cho mọi người, tuy nhiên, hiệu quả của sự tha thứ đó tùy thuộc vào sự cộng tác của con người. Về điểm này, thánh Au-gút-ti-nô diễn đạt rất rõ: “Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không cần có chúng ta cộng tác; nhưng Người đã không muốn cứu độ chúng ta mà không có chúng ta góp phần” (Bài Giảng 169,11,13).
Con người không chỉ được mời gọi đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa mà còn biết ăn năn hối cải và biến đổi đời sống theo thánh ý Người nữa. Con người cần biết hoán cải, biết trở về để nhìn nhận những tội lỗi, bất xứng của bản thân mình và quyết tâm biến đổi. Khi có sự hòa hợp giữa tha thứ, hoán cải và biến đổi, con người sẽ được giải phóng và cứu độ. Tha thứ, hoán cải và biến đổi trở thành tiến trình trong đời sống của mỗi người. Khi tha thứ, hoán cải và đổi mới trở thành kinh nghiệm cá nhân, con người được lớn lên cách mạnh mẽ về đức tin, đức cậy và đức mến giữa những sóng cồn của thế sự. Khi tha thứ, hoán cải và biến đổi trở thành hiện thực cũng là khi con người nhận diện căn tính của mình cách rõ nét hơn và ý thức hơn về sự cần thiết để kết hợp với Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống.
Thiên Chúa tha thứ tội lỗi không có nghĩa rằng Thiên Chúa ‘quên’ hay không còn quan tâm tội lỗi của chúng ta. Quả thực, khi Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta cũng là khi Người ‘không chấp tội’ hay ‘không hạch tội’ chúng ta nữa. Tương tự như vậy, khi chúng ta tha thứ cho người xúc phạm chúng ta không có nghĩa rằng chúng ta không còn đau đớn vì sự xúc phạm của họ. Chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta có kinh nghiệm về sự bịa đặt hay vu oan giáng họa từ người khác (chính danh hoặc nặc danh). Theo gương Đức Giê-su, chúng ta hãy tha thứ cho họ và cầu xin Người giúp sức để chúng ta có thể vượt qua nghịch cảnh. Những biến cố như vậy cho chúng ta kinh nghiệm rằng chúng ta cần tránh xa đường lối của họ, gắn bó với Đức Giê-su, học nơi Người cách thức chấp nhận nghịch cảnh, sống đời thánh thiện, chú tâm làm việc tốt và luôn phó thác mọi sự cho Người.
Trong tương quan giữa người với người, thánh Phao-lô dạy: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4,32). Thánh nhân cũng dạy: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13). ‘Hãy tha thứ để được thứ tha’ trở thành châm ngôn sống của mọi người trong hành trình trần thế này. Tuy nhiên, thông thường con người ưa thích vế thứ hai (muốn được Thiên Chúa tha thứ cho mình), nhưng miễn cưỡng với vế thứ nhất (tha thứ cho anh chị em mình). Quả thực, hận thù chỉ đem lại thù hận, chiến tranh chỉ đem lại chiến tranh, không tha thứ chỉ đem đến tai họa cho mình cũng như người khác. Đây là vòng luẩn quẩn của con cái A-đam và E-và. Đức Giê-su dạy mọi người cách thức để thắng hận thù, chiến tranh, chia rẽ là thực hiện tình yêu tha thứ, tình yêu hy sinh, tình yêu trút bỏ. Hành trình gian lao và cái chết đau khổ của Người trên thập giá là minh chứng sống động cho những điều Người đã loan báo và giảng dạy.
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng người biết tha thứ là người được ‘hưởng lợi’ trước, cả về đời sống tâm linh cũng như đời sống thể chất. Người biết tha thứ là người luôn được bình an trong mọi hoàn cảnh. Người biết tha thứ là người có lương tâm trong sạch, ngay thẳng và luôn cảm nghiệm được những giới hạn của bản thân cũng như cảm thông với những giới hạn của người khác. Người biết tha thứ cũng là người biết nhận thức rằng, trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11,25-26). Như vậy, nhờ suy niệm, học hỏi, chiêm ngắm Đường Đức Giê-su, Đường Tha Thứ Tội Lỗi, chúng ta có thể tạo cho mình con tim biết tha thứ cho anh chị em theo thánh ý Người.
Hành trình trần thế của Đức Giê-su cho chúng ta biết rằng tha thứ chính là ‘vắc-xin tiêu chuẩn’ chống lại nhiều loại vi-rút khác nhau trong xã hội loài người, nhất là vi-rút hận thù, ghen ghét mà hậu quả là những đau khổ, bất ổn, chia rẽ, chiến tranh cùng muôn hình thức bất hòa hợp khác trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Ở đâu con người ý thức và thực hiện tha thứ, ở đó con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình. Khi con người biết tha thứ cũng là khi con người tạo điều kiện cho nhau ‘cùng có lợi’ (win-win). Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng các thế hệ tương lai tưởng nhớ và cảm phục những người thuộc các thế hệ quá khứ biết tha thứ cho nhau hơn là những người dung dưỡng hận thù, ghen ghét. Tha thứ là động lực đem lại hòa bình, hòa giải, hòa hợp giữa các cá nhân, cộng đoàn, xã hội. Như vậy, thật là cần thiết để mọi người trong gia đình nhân loại cùng nhau kiến tạo ‘nền văn hóa tha thứ’. Nền văn hóa này đặt nền tảng trên sự tha thứ của Thiên Chúa được Đức Giê-su giảng dạy và thực hiện trong hành trình trần thế của Người.
Chúng ta biết rằng nội dung chính yếu của ‘Lời Loan Báo Tiên Khởi’ (Κήρυγμα/ Kerygma) mà các môn đệ Đức Giê-su diễn tả trong Giáo Hội sơ khai là sự tha thứ của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai…” (1 Cr 15,3-8) hay “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,7). ‘Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta’ luôn mãi là mầu nhiệm trọng tâm của Ki-tô Giáo. Chính Đức Giê-su đã ủy thác cho các môn đệ Người loan báo Đường Tha Thứ Tội Lỗi cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Lịch sử Giáo Hội minh chứng rằng những người có kinh nghiệm sâu xa về tội lỗi của bản thân và tình yêu tha thứ của Thiên Chúa (chẳng hạn như thánh Phê-rô, Phao-lô, Au-gút-ti-nô, I-nha-xi-ô Lôi-ô-la) đều là những chứng nhân vĩ đại của Đường Đức Giê-su, Đường Tha Thứ Tội Lỗi. Đối với các ngài, tha thứ vừa là ân ban của Thiên Chúa vừa là tác vụ của những ai tin nhận Đức Giê-su và giáo huấn của Người trong hành trình trần thế này. Ơn gọi và đời sống của các ngài giúp chúng ta nhận thức rằng Đường Tha Thứ Tội Lỗi của Đức Giê-su mở ra cho mọi người viễn cảnh tương lai xán lạn, trong đó các hình thức quyền lực đêm tối hoàn toàn bị tiêu diệt và ánh sáng phục sinh của Đức Giê-su hiển trị muôn đời.
Chúng ta có thể kết luận rằng Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường Tha Thứ Tội Lỗi, Đường đem lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao nhất là được cứu độ và giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Đường này có thể tóm lược trong bảy điểm chính sau: (1) Đức Giê-su là Thiên Chúa đến với môi trường tội lỗi của nhân loại; (2) Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi; (3) Người giảng dạy về sự tha thứ tội lỗi; (4) Người quan tâm đặc biệt những người tội lỗi và tha thứ cho họ; (5) Người mang lấy tội lỗi của mọi người trong gia đình nhân loại mà đưa lên cây thập giá; (6) Người tha thứ tội lỗi cho những người gây nên đau khổ và cái chết của Người trên thập giá; (7) Người trao ban sứ mệnh tha thứ tội lỗi cho Giáo Hội mà Người thiết lập. Nhờ Đường Tha Thứ Tội Lỗi của Đức Giê-su, chúng ta nhận biết rằng tha thứ thuộc về bản tính của Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa là tình yêu tha thứ. Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về thân phận tội lỗi của mình và lòng nhân từ vô bờ bến của Thiên Chúa. Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy đi theo Đường Tha Thứ Tội Lỗi của Người. Đây không chỉ là Đường của mỗi cá nhân mà còn là Đường của các hình thức gia đình, từ gia đình cơ bản đến gia đình cộng đoàn, từ gia đình Giáo Hội đến gia đình nhân loại. Do đó, ý thức thân phận tội lỗi của bản thân, thực hiện sự tha thứ cho nhau và trở nên chứng nhân của Đường Đức Giê-su, Đường Tha Thứ Tội Lỗi, là ‘ba thì chủ đạo’ của những ai nhận Đức Giê-su là Chúa, là Thầy và là Bạn của mình trong hành trình trần thế. Chúng ta hãy cùng nhau đi Đường Đức Giê-su để được tha thứ và biết thứ tha.
+ Pet. Nguyễn Văn Viên
#ducgiesukito #duongthathutoiloi #chuongtrinhmucvugioitre #