Giúp người trẻ thiết lập “nguyên lý và nền tảng” cho cuộc đời

0
45

GIÚP NGƯỜI TRẺ THIẾT LẬP “NGUYÊN LÝ VÀ NỀN TẢNG” CHO CUỘC ĐỜI

Mục lụcI. Dẫn nhập

II. Tìm hiểu “Nguyên lý và Nền tảng”

      1. Cùng đích sự hiện hữu của con người

      2. Vai trò của các loài thụ tạo khác và tương quan của chúng với con người

      3. Sự bình tâm

III. Giúp thiết lập “Nguyên lý và Nền tảng” cho giới trẻ

      1. Hiểu được ý nghĩa sự hiện hữu của mình

      2. Biết được vai trò của các loài thụ tạo

      3. Khả năng nhận định để chọn lựa đúng đắn theo nguyên tắc “cùng đích – phương tiện”

IV. Kết luận

I. Dẫn nhập

Vì là niềm hy vọng và tương lai của Giáo Hội cũng như xã hội, giới trẻ luôn là mối bận tâm hàng đầu của mọi người. Ở lứa tuổi này, họ đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời. Họ chưa thực sự lớn hẳn nhưng cũng không còn nhỏ. GS.TS Trần Ngọc Thêm chia sẻ rằng: “Bối cảnh hội nhập đòi hỏi xã hội phát triển đi lên. Và khi cần đi lên thì chính các đặc điểm dương tính, hướng ngoại, năng động của giới trẻ là nền tảng cho sự phát triển, là thế mạnh cần được khai thác và phát huy. Xu hướng hoài nghi, thích kiểm chứng, phản biện của người trẻ cũng là một phẩm chất không thể thiếu cho một xã hội phát triển”.[1] Tuy vậy, giới trẻ ở Việt Nam ngày nay cũng bị đánh giá là thế hệ lười đọc, khả năng tư duy độc lập hạn chế, thích chạy theo những giá trị ảo, bệnh vô cảm, vội vàng. [2]

Xét cho cùng, những vấn đề của giới trẻ phần lớn xuất phát từ việc họ đã không được giúp đỡ cách thích đáng để xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc. Vừa mới chập chững bước vào đời, cộng với tính bồng bột xông pha thiếu trưởng thành của tuổi trẻ, họ dễ bị những cám dỗ cuốn hút, vội vàng xây dựng đời mình trên những giá trị ảo như người ta xây nhà trên cát, mưa sa nước cuốn bão táp ập đến thì sụp đổ tan tành (x. Mt 7,26-27). Vì thế, “đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đưa ra như đích nhắm cho hoạt động mục vụ người trẻ trong năm 2020, thiết nghĩ trước hết phải là giúp các em xây dựng lại nền tảng cho cuộc đời mình. Rồi từ đó, mới có thể tiến hành những hoạt động tô vẽ cho tòa nhà cuộc đời được tươi đẹp và giúp ích cho người khác.

Kinh Thánh đã mặc khải cho chúng ta biết rằng quy hướng mọi sự về Thiên Chúa là bí quyết của hạnh phúc đích thực. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh cho dân Israel “không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3; Đnl 5,7). Trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng không ngừng căn dặn các môn đệ phải “trước hết, tìm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33), và xây dựng đời mình trên nền đá qua việc “lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành” (Mt 7,24-25)., Thánh Inhaxio Loyola đã diễn tả lại điều này cách cụ thể hơn trong tập sách Linh Thao (LT) ngang qua điều được biết đến như là “Nguyên lý và Nền tảng” (LT 23). Bất cứ cuộc Linh Thao nào cũng được bắt đầu bằng “Nguyên lý và Nền tảng” này. Nhưng trong LT 19, thánh Inhaxio khuyên người hướng dẫn Linh Thao trình bày nó cho đối tượng là “người bận rộn, có học thức, sự nghiệp”. Phải chăng vì những người này thường dễ bị những quyến luyến lệch lạc lôi kéo? Nếu là như thế, nó thật sự cũng rất phù hợp để trình bày cho những người trẻ, đặc biệt là người trẻ của thời đại ngày nay, vốn đang trong tiến trình hấp thụ nhiều tri thức, bận rộn với biết bao toan tính cho tương lai.

Bài viết nhỏ dưới đây sẽ cố gắng triển khai nội dung của số Linh Thao này, đồng thời tìm cách ứng dụng nó cho việc giúp giới trẻ xây dựng nguyên lý và nền tảng cho mình, hướng đến huấn luyện một con người hoàn thiện nơi bản thân họ.

II. Tìm hiểu “Nguyên lý và Nền tảng”[3]

“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế, người ta nên sử dụng thụ tạo tùy theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở. Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thụ tạo mà ta được phép sử dụng, đến nỗi chúng ta không muốn sức khoẻ hơn bệnh tật, giàu có hơn nghèo khó, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết sớm và tương tự như thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn những gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn.” [4]

Thánh Inhaxiô đã phát biểu như thế trong số 23, tập sách Linh Thao do chính ngài soạn thảo. Ngài đã đặt nó trước khi đưa thao viên bước vào tuần 1 của Linh Thao. Nó dường như không được trình bày như một bài cầu nguyện với những bước theo trình tự nhưng chỉ đơn thuần là một diễn giải mà thao viên phải chân nhận thì mới có thể làm Linh Thao được. Nội dung của nó lại có vẻ khá khô khan, hệt như lặp lại bài giáo lý chứ không có tác dụng khơi lên “hành vi tôn kính và khiêm cung” (LT 75) như yêu cầu cần phải có. Tuy vậy, nó đóng một vai trò hết sức quan trọng khi thường xuyên được Inhaxio lặp đi lặp lại nhiều lần một cách giản lược ở nhiều nơi khác trong tập sách.[5] Thánh Inhaxiô gọi nó là “Nguyên lý và Nền tảng” mà không giải thích gì thêm, như thể nó có vai trò như là nguyên lý vận hành và là nền tảng cho toàn bộ cuộc linh thao đến nỗi những bài cầu nguyện hay những hướng dẫn được viết sau đó chỉ là triển khai của điều này.

Ngoài ra, nếu đọc nó một cách độc lập, ta dễ dàng nhận ra rằng nó như muốn nhắn nhủ thao viên rằng để sống cuộc sống cách đúng đắn và để sự hiện hữu của mình được trọn vẹn, chúng ta phải biết đặt nền tảng đời mình trên Ai.

1. Cùng đích sự hiện hữu của con người

“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình”

Thánh Inhaxiô đang nói đến toàn thể nhân loại qua việc sử dụng đại từ “con người” cách chung, chứ không phải chỉ định rõ “chúng ta” là những người đang đọc số Linh thao này. Tình trạng “được dựng nên” của con người cho thấy thụ tạo tính của mình: họ được cho phép hiện hữu chứ không tự mình mà có. Vì thế, con người có một mối tương quan với Tạo Hóa. Con người, vì được Tạo Hóa dựng nên, nên phải luôn lệ thuộc vào Ngài, không thể tồn tại mà tách khỏi Ngài. Việc tạo dựng ấy không phải là hành vi của quá khứ nhưng là hiện tại: Thiên Chúa vẫn đang dựng nên con người, mỗi con người vẫn đang được Ngài tạo dựng.

Vì nợ Ngài ơn hiện hữu và rất nhiều ơn khác trong quá trình hiện hữu của mình nên con người phải luôn quy hướng về Ngài ngang qua ba hành vi căn bản nhất là “ngợi khen, tôn kính và phụng sự”. Con người là loài thấp hèn nhưng nhờ có ba hành vi này mà có được sự tương tác với Thiên Chúa. Nó xuất phát từ lòng biết ơn của con người với Tạo Hóa, chứ không phải do Tạo Hóa cần điều này. Bởi lẽ, việc ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa sẽ giúp mang đến cho con người ơn cứu độ, là thụ hưởng sự sống viên mãn của Thiên Chúa mà con người sẽ được nếm trước ngang qua sự thành toàn, hoàn thiện, trọn vẹn nơi cuộc sống hiện tại của mình.

“Ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa” chính là một lối sống khiêm tốn căn bản: đặt mình trong sự thấp hèn trước Thiên Chúa và ý thức là mình cần đến Ngài, đòi hỏi phải quy hướng mọi lời khen, danh dự về Ngài (chứ không dành cho mình). Đồng thời, nó cũng làm cho cá nhân được triển nở, vì càng hướng về Chúa, con người càng “là người” hơn. Việc hướng về Chúa cũng tự khắc đưa người ta đến một lối sống liên đới với người khác qua hành vi yêu thương, phục vụ, bỏ minh…

Như thế, câu đầu tiên trong Linh Thao 23 thoạt tiên nghe có vẻ như một kiểu “chuyên chế” của Thiên Chúa, muốn con người phải lệ thuộc vào mình, bắt con người phục vụ mình, nhưng hóa ra lại nhắc nhở con người về cùng đích của mình: con người được cho hiện hữu là để hưởng hạnh phúc với Chúa là nguồn gốc mọi điều thiện hảo và con người sẽ chỉ đạt được điều đó khi biết đặt Chúa làm nền tảng, trung tâm và điểm hướng đến của mình.

2. Vai trò của các loài thụ tạo khác và tương quan của chúng với con người

“Mọi loài khác được dựng nên cho con người, để giúp con người đạt tới cùng đích Tạo Hóa đặt cho họ”

Cùng hiện diện trên đời không chỉ có con người, nhưng còn có các loài thụ tạo khác. “Thụ tạo” ở đây không chỉ có ý nói đến thế giới tự nhiên nhưng còn là nhiều yếu tố khác như gia đình, tương quan, danh vọng, sự nghiệp, tiền tài. Theo lời thánh Inhaxio, chúng cũng “được dựng nên” và được dựng nên là để “cho con người”, có vai trò giúp con người đạt đến cùng đích mà chúng ta vừa nói ở trên. Điều này trước hết giả định một sự hoà hợp giữa con người với các loài ấy. Các loài thụ tạo ngoài việc phục vụ cho sự sống thường hằng của con người, còn giúp làm cho sự hiện hữu của con người thêm đẹp và ý nghĩa. Hay nói cách khác, chúng phải giúp con người “ngợi khen, tôn kính, phụng sự Thiên Chúa” để con người có thể lãnh nhận được ơn cứu độ.

Mỗi loài khi được dựng nên đều có một mục đích. Cùng đích của con người là Thiên Chúa, còn của thụ tạo là giúp con người hướng về Thiên Chúa. Mỗi người khác nhau sẽ tiến về cùng đích bằng những cách thức khác nhau. Vì thế, các loài thụ tạo phải rất phong phú vì có thể một vài thứ sẽ giúp người này mà không giúp người kia, giúp lúc này mà không giúp lúc khác. Cũng từ sự phong phú này của thụ tạo mà biết bao vấn đề nảy sinh.

“Bởi thế, người ta nên sử dụng thụ tạo tùy theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh”

Thánh Inhaxiô tiếp tục nói về cách con người tương tác với các thụ tạo. Theo đó, tiêu chuẩn để sử dụng thụ tạo là xem nó có giúp mình đạt được sự thành toàn không, hay nói cách khác, có giúp mình “ngợi khen, tôn kính và thờ phượng” Thiên Chúa và có được ơn cứu độ không. Con người phải sử dụng thụ tạo cách đúng mực, đúng thời điểm, đúng cái, đúng nơi, đúng hoàn cảnh… Các thụ tạo tự bản chất là “trung tính”, đều có thể có ích hoặc có hại, tuỳ người sử dụng nó hoặc trong hoàn cảnh khác nhau.

Khi có cái gì đó làm cho sự thành toàn của mình bị cản trở, nghĩa là nó khiến mình không thể “ngợi khen, tôn kính, phụng sự” Thiên Chúa, thì mình phải loại bỏ nó, ngay cả khi chính cái đó đã từng giúp ích mà giờ đây không còn giúp nữa. Ta loại bỏ nó, không phải vì nó xấu, nhưng chỉ đơn giản là vì nó “cản trở”, hay “không giúp ích” ta vào lúc này. Phải gạt bỏ nó với một thái độ dứt khoát, không để bị nó ảnh hưởng. Ở đây, thánh Inhaxio giả định là người ta biết cái nào giúp ích, cái nào không; đồng thời, giả định một sức mạnh để quyết tâm gạt bỏ cái không giúp ích sau khi đã nhận ra, cũng như giả định một sự tự do được phú bẩm nơi con người để thực hiện việc chọn lựa và quyết định đó.

3. Sự bình tâm

“Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo mà ta được phép sử dụng, đến nỗi chúng ta không muốn sức khoẻ hơn bệnh tật, giàu có hơn nghèo khó, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết sớm và tương tự như thế đối với mọi sự khác”

Inhaxiô đã bắt đầu chuyển đại từ từ “con người” sang “chúng ta”. Phạm vi được thu nhỏ lại. Sự bình tâm là điều được nhắc đến, và được diễn tả bằng hình thức không ao ước cái này hơn cái kia: “sức khoẻ hơn bệnh tật, giàu có hơn khó nghèo, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết sớm”. Bình tâm được ví như trạng thái cân bằng của cán cân, không để lòng bị lôi kéo thiên lệch về phía nào. Về mặt tự nhiên, ta luôn mong vế đầu hơn (sức khỏe, giàu có, danh vọng, sống lâu), chứ ít ai thích mình gánh chịu vế sau (bệnh tật, nghèo khó, nhục nhã, chết sớm). Cụm từ “và tương tự như thế đối với mọi sự khác” như muốn kéo dài thêm những chuyện khác mà chính kinh nghiệm của chúng ta hoặc điều mà chúng ta đang đối diện sẽ cho chúng ta biết.

Những lời này thánh Inhaxio có thể làm chúng ta ngạc nhiên và khó chịu. Làm sao có thể đừng mong muốn sức khoẻ hơn bệnh tật, giàu có hơn nghèo khó, danh vọng hay sỉ nhục, sống lâu hay chết yểu…? Cho dù không mong giàu có, danh vọng, sống lâu, nhưng sức khỏe là cái căn bản mà ai cũng khao khát. Không có sức khoẻ, cũng sẽ chẳng có gì. Hơn nữa, không mong giàu hơn nghèo khó có vẻ cổ võ cho một kiểu an phận thủ thường? Ngoài ra, một kiểu hư danh thì không nên tìm kiếm, nhưng một sự tôn trọng đúng mực mà cá nhân cần có cũng là điều chính đáng mà?… Dĩ nhiên, thánh Inhaxio không phải không biết được điều đó. Nhưng ý hướng mà ngài diễn tả ở đây là trong khi vẫn phải cố gắng để gìn giữ sức khoẻ, đời sống được đảm bảo, nhân phẩm được tôn trọng, cuộc sống trường thọ, hạnh phúc bên người thân, chúng ta cũng cần một thái độ là giả như đã nỗ lực hết sức mà vẫn không có được thì cũng không nản lòng hay thất vọng, vì ý thức rằng bệnh tật, nghèo khó, sỉ nhục, chết yểu và những điều tiêu cực khác chưa hẳn là tồi tệ. Chúng ta được mời gọi để ý thức về “tính phương tiện” của thụ tạo để trái tim mình được bình lặng, không bị tác động dẫn đến ngả nghiêng, xáo động. Nó đòi hỏi một thái độ làm chủ cao và nhìn vấn đề rộng hơn, bao quát hơn. Quả vậy, giữ thế cân bằng (không nghiêng về điều này hay điều kia) là điều không dễ, vì nó đòi khả năng làm chủ xu hướng tự nhiên và trưởng thành rất lớn.

“chỉ ước muốn và lựa chọn những gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn”

Trong kinh nghiệm nhân sinh, có những điều xảy đến hay những cái nằm ngoài “chọn lựa” của mình. Sức khỏe, giàu có, danh vọng, sống lâu … đôi khi không phải do mình muốn mà có, hoặc cứ sự thường ai cũng muốn tránh bệnh tật, nghèo khó, sỉ nhục, chết yểu. nhưng tự dưng trên trời rơi xuống. Mình đâu có quyền “chọn” cái nào để vinh danh Chúa hơn. Trong trường hợp đó, thái độ bình tâm có nghĩa là cố gắng chấp nhận hoàn cảnh không thể thay đổi với một thái độ tích cực, vì tin rằng cái có vẻ là tốt chưa chắc là tốt; cái có vẻ là xấu chưa hẳn là xấu! Tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Chúa.

Sự bình tâm mà thánh Inhaxiô nói đến không phải là một kiểu bất cần hay lãnh đạm với mọi sự. Ta phải giữ lòng mình không bị lôi kéo bởi bất cứ điều gì chính là để có được sự sáng suốt mà ước muốn và lựa chọn cái nào thích hợp, giúp ích cho mình trong việc “ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa”, hay nói cách khác, giúp mình được thành toàn trong sự hiện hữu của mình. Thánh Inhaxiô gọi những gì lôi chúng ta ra khỏi đích nhắm hướng về Thiên Chúa là “quyến luyến lệch lạc”. Nó bị cho là “lệch lạc” không hẳn vì nó xấu, nhưng chỉ đơn thuần là vì nó không giúp ích cho tiến trình quy hướng về Chúa của chúng ta. Thoát ra khỏi những quyến luyến lệch lạc ấy, nghĩa là giữ cho lòng không bị chi phối bởi những thụ tạo không giúp ích, chúng ta mới có thể sáng suốt để ao ước và chọn lựa những gì giúp đưa tới cứu cánh, là hạnh phúc đích thực của chúng ta.

Như thế, nội dung của “Nguyên lý và Nền tảng” mà thánh Inhaxio trình bày dường như chẳng có gì mới so với giáo lý mà chúng ta đã biết. Nhưng bằng ngôn ngữ bình dân, ngài chỉ cho chúng ta thấy mình cần phải có thái độ như thế nào đối với thụ tạo dựa trên nguyên tắc phân biệt giữa phương tiện và cùng đích. Từ việc ý thức được phẩm giá cao quý mà Tạo Hóa ban cho, con người tự nhận thấy là mình chỉ có thể làm cho sự hiện hữu của mình được tròn đầy ý nghĩa và đúng mục đích khi quy hướng tất cả về Ngài như điểm đến tối hậu của mình; đồng thời biết giữ một sự tự do nội tâm cần thiết với các thụ tạo, để biết chọn lựa cái nào giúp mình trong tiến trình ấy.

III. Giúp thiết lập “Nguyên lý và Nền tảng” cho giới trẻ

Giới trẻ ngày nay thường chạy theo guồng máy của công cuộc hiện đại hóa nên sống quá vội vàng. Vội trong thời gian, vội cả trong suy nghĩ. Vì vội nên quên nhiều thứ. Vội nên bỏ qua nhiều chuyện, không có thời giờ để thưởng ngoạn từng giây phút Trời ban. Vội nên thích những gì nhanh chóng, bề mặt, chạy theo hiệu quả. Đã đành là với sự phát triển của kinh tế thị trường, người ta không thể chậm trễ để mất đi những cơ hội làm giàu, nhưng một kiểu sống vội như thế sẽ dần dần làm cho con người quên là mình cần phải “sống”. Từ đó, họ dần dần sống thiếu chiều sâu, chỉ thấy những điều trước mắt, dễ mất niềm tin, mất định hướng, rồi dễ dàng nảy sinh một cách sống hời hợt, không tìm thấy ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình. Có khi họ chạy theo những cám dỗ của cuộc đời mà đánh mất chính bản thân, dẫn đến những cách hành xử nông nổi, bộp chộp, gây ra những hậu quả tai hại khôn lường.

Tại sao phải đặt lại vấn đề “giúp người trẻ thiết lập nguyên lý và nền tảng đúng đắn cho cuộc đời”? Là vì con người ngày nay nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng đang gặp một khủng hoảng nghiêm trọng về điều này. Họ cũng có một nền tảng cho mình, nhưng nền tảng ấy vừa mỏng manh, vừa yếu ớt, không đủ sức giúp họ đứng vững giữa những xô đẩy của dòng đời, nếu không muốn nói là có nguy cơ dẫn họ đến những ngẫu tượng mà họ cứ ngỡ đó là chân lý. Thật ra, không phải là người trẻ không có khao khát, không nỗ lực để sống tốt đời sống của mình. Có rất nhiều bạn trẻ đã luôn sống rất nhiệt thành, hết mình phục vụ, tham gia các hội đoàn và giúp ích nhiều cho giáo xứ hoặc các nhóm mà họ tham gia. Nhưng chẳng qua là vì không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Vậy chúng ta cần giúp họ ra sao, xuất phát từ ý tưởng “Nguyên lý và Nền tảng” mà chúng ta vừa tìm hiểu ở trên?

1. Hiểu được ý nghĩa sự hiện hữu của mình

Giới trẻ cần được giúp để ý thức về cùng đích cuộc đời mình: mình được dựng nên là để thụ hưởng hạnh phúc của Chúa, mà để có được điều này, họ phải luôn quy hướng về Chúa như là nguồn hạnh phúc của mình, phải luôn đặt nền tảng cho mọi chọn lựa của mình trên Chúa, chứ không phải bất cứ thứ gì khác.

Có nhiều bạn trẻ tỏ ra hoang mang: sống trên đời để làm gì? Đây là một câu hỏi chẳng dễ trả lời chút nào. Thực ra thì, giả như không có ta hiện diện trên đời, thế giới này cũng chẳng ảnh hưởng gì. Chắc là vũ trụ này cũng chẳng tan biến đi khi ta chết! Xã hội này vẫn cứ tồn tại, thậm chí là thịnh vượng hơn, dù ta có ra sao! Trước khi ta ra đời, chẳng phải mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường đấy thôi, cả hàng tỷ năm rồi. Quãng thời gian từ lúc ta sinh ra đến lúc chết đi, so với dòng chảy của lịch sử, chẳng khác nào một khoảnh khắc bé xíu. Họ lại tiếp tục đặt câu hỏi: nếu như có ta hay không có ta, thế giới này cũng chẳng khác nhau mấy, thì tại sao Tạo Hóa lại muốn cho ta được “hiện hữu” chứ không phải nằm trong cõi “hư vô”? Nhiều bạn trẻ cảm thấy mất định hướng vì chẳng biết mình tồn tại để làm gì, đặc biệt, khi họ đang gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, họ chẳng thiết tha gì chuyện phải sống cho ý nghĩa, giúp ích cho người khác. Chỉ cần cuộc sống của mình được thoải mái là được. Rồi ai cũng sẽ chết thôi, mà chết là hết!

Người trẻ cần được giúp đỡ để hiểu rằng khi đưa ta từ chỗ “không” ra chỗ “có”, Thiên Chúa có một khát khao to lớn dành cho ta: Ngài muốn ta hưởng hạnh phúc với Ngài. Tạo Hóa ban cho ta một hình hài để được nhìn thấy, ban cho ta một cái tên để được gọi, một khuôn mặt để được nhận diện, và một chỗ đứng trong thế giới hữu hình này. Đối với nhiều người, ta chỉ là một trong thế giới. Nhưng đối với một số người khác, ta là cả thế giới đầy yêu thương. Ta có một vị thế độc tôn mà không ai trên đời này, dù giỏi giang và thánh thiện mấy, có thể thay thế được. Bố mẹ ta chỉ có thể sinh ra ta một lần thôi. Những người khác do bố mẹ ta sinh ra trước và sau đó, được gọi là anh chị em của ta, chứ không phải là ta. “Tính độc nhất” của sự hiện hữu làm cho ta cảm thấy mình thật giá trị vô cùng. Giữa hai thái cực của cái “không” và “có”, Tạo Hóa đã chọn cái “có” cho ta. Ngài có lý do để làm điều ấy và nhiệm vụ của ta là vâng phục Ngài, đón nhận món quà hiện hữu Ngài ban cho với một lòng biết ơn thành kính.

Chúng ta có một khởi đầu trong tiến trình hiện hữu và cũng có một đích đến trong việc “trở nên người hơn”. Đấng Tạo Hóa cho ta điểm xuất phát, để ta vươn đến cùng đích mà bởi đó ta được dựng nên. Con người nối kết với Đấng ấy qua hành vi ngợi khen, tôn kính và phụng sự, nghĩa là đặt mình hoàn toàn trong bàn tay của Ngài, trao dâng cho Ngài trọn vẹn tâm tình mến yêu và quy hướng mọi sự về Ngài với ý thức rằng ta hiện hữu là hiện hữu trong Ngài và cho Ngài. Việc chúng ta có mặt trên đời không phải là kết quả của một sự tình cờ nào đấy, nhưng được kết tinh từ ý định của Tạo Hóa. Ngài muốn ta hiện hữu và trao ban cho chúng ta một sứ mạng để thực thi để qua đó chúng ta được chung hưởng hạnh phúc với Ngài và nơi Ngài.

Giới trẻ sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa của đời mình khi biết rằng mình không thể tách ra khỏi Ngài vì bất cứ khi nào ta lìa xa Ngài, ta tự biến mình thành hư không. Càng gắn kết với Ngài, ta càng thấy mình được tròn đầy hơn, “người” hơn, sức sống thần linh trong ta sẽ dồi dào mãnh liệt hơn, cuộc đời của ta sẽ ý nghĩa hơn vì đã tìm thấy được điểm tựa cho vòng tuần hoàn bất tận của kiếp lưu vong trần thế. Ngài chính là đích đến của ta, là nơi ta sẽ tiến về bởi vì ta được dựng nên là để hướng về Ngài và thụ hưởng sự sống nơi Ngài. Chính nét đẹp và vinh quang của Ngài thu hút ta, làm cho lòng ta sẽ chẳng bao giờ được mãn nguyện hoàn toàn khi chưa tìm gặp được Đấng đó. Thiên Chúa chính là điểm tựa bất biến cho sự hiện hữu của ta giữa dòng đời vạn biến này. Những quyết định và chọn lựa nào đặt nền tảng trên Ngài thì sẽ trường tồn và vững chắc; ngược lại, nó sẽ bị tan biến và cuốn trôi.

2. Biết được vai trò của các loài thụ tạo

Ý thức Thiên Chúa là cùng đích đời mình và cuộc sống của mình chỉ có ý nghĩa thật sự khi quy hướng tất cả về Ngài là điều có thể khá trừu tượng. Nhưng cẩn thận với sự lôi kéo của các loài thụ tạo là điều rất cụ thể mà nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ đang gặp phải. Về mặt lý thuyết, ta biết rằng thụ tạo được dựng nên cho con người và để giúp con người đạt đến cứu cánh đời mình là Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng mặc khải cho chúng ta biết con người được dựng nên để làm chủ mọi thứ chim trời cá biển (x.St 1 và 2), hay mọi loài “ngang dọc khắp trùng dương” (x.Tv 8). Thế nhưng, nhiều người đã xem thụ tạo như là chúa của mình, chứ không còn xem nó là phương tiện trợ giúp. Họ đánh mất đi tư cách làm chủ của mình, tự biến mình trở thành nô lệ cho thụ tạo.

Gọi là thụ tạo vì những điều đó cũng có cùng một nguồn gốc như ta, cũng “được dựng nên”. Con người được mời gọi để có tương quan hài hoà với nó. Nó có thể là thế giới tự nhiên, cây cối muôn vật, và thậm chí là những con người khác sống trên trái đất này. Hoặc là những thứ có giá trị như bạc tiền, kim cương, điện thoại, macbook… Nó cũng là những thứ mang giá trị tinh thần như gia đình, tình bạn hữu, niềm đam mê, âm nhạc, hội hoạ, ước mơ. Có những điều ở ngay bên chúng ta, nhưng cũng có những điều ở xa tít mà có khi ta chẳng biết đến sự tồn tại của nó. Có những điều ở ngoài ta, nhưng cũng có những điều ở trong lòng ta. Có những điều chỉ đến với ta trong thoáng chốc, nhưng cũng có những điều gắn liền với ta, thậm chí là đã trở thành máu thịt của ta. Có những điều đang nằm trong tầm tay ta, nhưng cũng có thể là những thứ mà ta đang cố gắng vươn tới. Chúng ta bị vây bủa bởi nhiều loại thụ tạo khác nhau. Chúng và ta đan kết với nhau và làm nên cuộc sống. Tuy vậy, vai trò mà Tạo Hóa ấn định cho chúng là “trợ giúp” con người, chứ không phải làm chủ con người.

Vậy mà nhìn thoáng qua xã hội, ta dễ dàng nhận thấy lối nhìn sai lạc của nhiều bạn trẻ về thụ tạo. Họ nỗ lực rất nhiều để thành đạt, nhưng lại đi quá đà, xem việc có nhiều của cải, bạc tiền, danh tiếng là cái nhất quyết phải có. Họ sai lầm cho rằng hạnh phúc đích thực của mình hệ ở ngôi nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, quen biết những người quyền cao chức trọng. Từ đó, họ bất chấp tất cả, kể cả đánh đổi lương tri, sự công bằng, tương quan tốt đẹp chỉ để đạt được nó. Xã hội của chúng ta ngập tràn những dối gian lọc lừa có lẽ cũng xuất phát từ cái nhìn sai lạc này về cùng đích đời mình cũng như về thụ tạo.

Vì thế, các bạn trẻ cần được giúp để nghiệm được “thụ tạo tính” của tất cả mọi sự trên thế gian này, thể hiện qua sự “chóng tàn” của nó. Chúng không trường tồn mãi mãi, nhưng lệ thuộc vào không gian thời gian. Chúng không có quyền phép để hứa hẹn cho chúng ta một sự trường cửu. Chúng không đủ sức để khỏa lấp những trống vắng trong lòng ta một cách trọn vẹn. Chúng cũng như ta, có một thời được hiện diện, rồi cũng có một thời tan biến. Nó có thể cho ta một chút nồng nàn nào đấy, nhưng rồi sẽ để lại trong ta một khoảng trống to lớn vô cùng. Chạy theo những giá trị ảo chỉ là một cuộc chạy đua đuổi hình bắt bóng. Sống chết cho những điều ấy đến độ đánh đổi những giá trị tốt đẹp là tự giết mình.

3. Khả năng nhận định để chọn lựa đúng đắn theo nguyên tắc “cùng đích – phương tiện”

Hai điều mà chúng ta vừa nói ở trên xem chừng mang nặng tính lý thuyết và nằm trên bình diện ý thức. Yếu tố thứ ba này thực tiễn hơn và giúp cụ thể hóa chúng. Quả vậy, dù có thể biết được Thiên Chúa là cùng đích và thụ tạo chỉ là phương tiện, nhưng không có một khả năng nhận định thì cũng sẽ không biết phải làm gì để chọn lựa phương tiện đúng đắn, giúp mình hướng về cùng đích. Bởi lẽ, cùng đích chỉ có một nhưng phương tiện thì rất nhiều. Có khi nó tốt trong hoàn cảnh này nhưng lại trở nên xấu trong hoàn cảnh khác. Có khi nó tốt tại thời điểm này nhưng không còn tốt ở thời điểm khác. Một khả năng phân định tốt sẽ giúp mình nhận ra giữa muôn vàn phương tiện đang có, cái nào giúp ích cho mình trong hành trình tìm về với Chúa, cái nào không.

Nhưng trước hết, cần phải xác định lại nguyên tắc “cùng đích- phương tiện”. Theo thánh Inhaxio, tâm trí của chúng ta phải luôn hướng về cùng đích trước, rồi sau đó mới tìm phương tiện. Ngài nói như sau:

“Để lựa chọn đúng, ý muốn của chúng ta phải trở nên đơn thuần, chỉ hướng về mục đích vì sao ta được dựng nên, ấy là để ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình. Như thế, dù ta lựa chọn điều gì thì cũng phải giúp đạt tới mục đích ấy, không được dùng mục đích làm phương tiện mà phải dùng phương tiện để đạt tới mục đích.

Chẳng hạn, trong thực tế, có nhiều người, trước tiên chọn hôn nhân, vốn chỉ là phương tiện, thứ đến mới chọn phụng sự Thiên Chúa trong hôn nhân. Mà thực ra, phụng sự Thiên Chúa là cứu cánh và là mục đích chính, còn lập gia đình tuy cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng. Cũng thế, có những người trước hết muốn được bổng lộc và sau đó mới muốn phụng sự Thiên Chúa nhờ bổng lộc đó.

Như vậy, những người ấy không đi thẳng tới Thiên Chúa, nhưng muốn Thiên Chúa đồng ý với những quyến luyến lệch lạc của họ, và do đó họ lấy phương tiện làm cứu cánh và cứu cánh làm phương tiện. Như thế, cái mà lẽ ra họ phải đặt lên hàng đầu thì họ lại để xuống hàng cuối, vì trước hết, chúng ta phải lấy ý muốn phụng sự Thiên Chúa làm cứu cánh và thứ đến mới là nhận bổng lộc hay kết hôn, tuỳ điều nào sẽ giúp tôi đẹp lòng Chúa hơn, là mục đích chính đời tôi. Như vậy, không gì có thể thúc đẩy tôi chọn hoặc bỏ một phương thế, nếu không phải là để phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi đời đời.” (LT 169)

Nhiều bạn trẻ ngày nay cũng nhầm lẫn như thế. Chẳng hạn khi chọn lựa nghề nghiệp, họ thường bận tâm chuyện tiền bạc và chỗ đứng, hơn là chọn cái nào giúp mình sống cuộc sống được ý nghĩa hơn và phụng sự Chúa tốt hơn. Đã đành đôi khi chuyện tiền nong cũng rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng nếu để nó chi phối luôn cả lương tri và đạo đức thì cứu cánh và phương tiện đã bị đảo lộn. Hay trong chọn lựa ơn gọi, phần lớn thường chọn đời sống nào thoải mái hơn, nhiều thuận lợi hơn, có tương lai tiền đồ hơn, chứ không đặt mục tiêu phụng vụ Chúa lên hàng đầu. Nhiều bạn trẻ muốn trở thành linh mục không phải vì muốn phục vụ như Đức Kitô mà chỉ muốn được nể trọng và tiếng tăm. Ngược lại, nhiều bạn khác chọn đời tu chẳng phải vì yêu mến hay thấy được Chúa mời gọi, nhưng chỉ là vì bố mẹ dòng họ muốn thế và họ không dám làm trái ý những người ấy. Sự lẫn lộn giữa hai chiều kích này sẽ khiến cuộc sống của mình bị mất định hướng. Đến một lúc nào đó, họ sẽ thấy mệt mỏi và chán chường.

Sau khi đã rõ thứ bậc ưu tiên của cùng đích so với phương tiện, việc tiếp theo là phải huấn luyện khả năng nhận định để chọn lựa phương tiện nào giúp ích và loại trừ phương tiện gây cản trở. Đây không phải chỉ là một kiểu hoạt động thuần lý trí, máy móc, cứng nhắc, nhưng là một sự mềm mỏng để cảm thấy và nhận biết những tác động của Chúa trong lòng mình. Để làm được điều đó, họ cần biết điểm dừng và luôn giữ mình có một khoảng cách tự do đủ để không bị những quyến luyến lệch lạc lôi kéo. Chẳng hạn, khi làm việc, mình phải cố hết sức để có được đồng lương xứng đáng. Có được nhiều tiền cũng sẽ giúp cuộc sống được thoải mái. Nhưng nếu không cẩn thận, ta có thể bị sức hút của đồng tiền lôi kéo, khiến mình chạy theo nó, rồi vì nó, ta bất chấp tất cả và đánh mất tất cả. Hoặc xây dựng được nhiều tương quan xã hội là điều rất tốt vì nó làm cho cuộc sống của ta thêm mở rộng. Nhưng nếu không cẩn thận, ta có thể dây mình vào những tương quan không cần thiết, thậm chí là vô bổ, có hại; lại bỏ bê những tương quan quan trọng với mình. Sự nhận định đòi hỏi một sự tỉnh táo, đồng thời cũng đòi buộc mình phải quyết liệt và dứt khoát để gạt bỏ cái gì đó mà cứ sự thường, những thứ ấy cũng rất thu hút và dính bén ít nhiều đến ta.

Đến đây, ta thấy được vai trò của sự “bình tâm”. Muốn biết nên chọn cái nào cho tốt và giúp ích hành trình thiêng liêng của mình, ta cần giữ mình không bị phía nào lôi kéo. Như đã nói ở phần trên, bình tâm không phải là thái độ lãnh đạm với thụ tạo, nhưng là giữ cho tâm mình được yên ắng để có thể cảm nhận được những tác động của chúng, “nghe” được tiếng lòng của mình, hệt như “cây kim trong bàn cân, chỉ nghiêng theo đàng nào tôi ‘cảm thấy’ (sentir) sẽ làm vinh danh, ngợi khen Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi hơn.” (LT 179). Như vậy, sự bình tâm đóng vai trò như là bước chuẩn bị để chọn lựa của mình được sáng suốt và đúng đắn hơn. Người sống sự bình tâm không phải là người sống tách lìa khỏi thế giới hiện tại, nhưng là người luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng lắng nghe và đón nhận bất cứ lời mời gọi nào của Chúa dành cho mình. Muốn vậy, các bạn trẻ phải được giúp đỡ để hình thành trong mình lòng khao khát tìm biết ý Chúa, luôn đặt những giá trị hướng thiện lên trên và không để mình bị lôi kéo bởi những điều thấp hèn lôi kéo mình ra xa nguồn hạnh phúc.

Nói tóm lại, huấn luyện người trẻ nên khởi sự từ việc giúp họ hiểu được ý nghĩa sự hiện hữu của mình là được dựng nên để thụ hưởng hạnh phúc nơi Thiên Chúa. Sau đó, cũng phải giúp họ thấy được vai trò phương tiện của các loài thụ tạo. Rồi, để biết được thụ tạo nào giúp ích, họ cũng cần được trang bị một khả năng nhận định, đặt nền trên một thái độ bình tâm đúng đắn. Có được những điều này, họ sẽ có thể xây dựng được cho mình một “Nguyên lý và Nền tảng” đúng đắn và vững chắc cho hành trình tìm về nguồn hạnh phúc của mình ngang qua một cuộc sống thật ý nghĩa, triển nở và giúp ích cho mình cũng như cho người khác.

IV. Kết luận

Nhắc đến con người là nhắc đến một huyền nhiệm khôn tả. Con người vừa giống lại vừa khác các loài động vật khác. Giống ở chỗ, cả hai đều có khả năng sinh trưởng và phát triển, có cảm giác, biết nỗ lực tìm khoái cảm cho mình. Nhưng chỉ con người là biết được mình có khả năng như vậy và thao thức về một cái gì đó trổi vượt hơn. Một con mèo không cần phải cố gắng để trở thành “mèo” hơn. Nó thậm chí cũng chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó. Nó sinh ra đã là con mèo trọn vẹn. Nhưng con người thì không là “người” cách tròn đầy khi mới sinh ra. Dường như mỗi con người đều nhận thấy dù mình vẫn là mình nhưng vẫn chưa thật sự là “mình” cách trọn vẹn. Đó chính là nền tảng sâu xa của việc huấn luyện toàn diện.

Quả vậy, nơi cốt lõi của nó, một nền huấn luyện đúng nghĩa phải nhắm tới việc đào tạo cá nhân một cách toàn diện để giúp người đó mỗi ngày một thăng tiến hơn mà vẫn giữ được những nét riêng của mình. Thông thường, việc huấn luyện ấy dựa trên các phương diện: thể lý, tâm cảm, trí thức, thiêng liêng, vốn là những yếu tố làm nên một con người tổng thể. Việc huấn luyện các yếu tố không tách rời nhau nhưng phải đan xen và bổ trợ cho nhau. Trong đó, huấn luyện thiêng liêng được xem là nền tảng và có sức chi phối mạnh mẽ nhất.

“Nguyên lý và Nền tảng” mà thánh Inhaxiô nói đến tưởng chừng khá cũ kỹ xét về mặt nội dung, nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho con người thời nay nói chung và cho giới trẻ nói riêng. Nếu họ biết luôn quy mọi sự về Chúa trong mọi chọn lựa của mình, ý thức được vai trò trợ giúp của thụ tạo để giữ một khoảng cách đúng đắn với nó và đồng thời biết nhận định để chọn lựa cái nào thật sự giúp ích cho mình để thăng tiến tương quan với Chúa, họ sẽ có được một nền tảng vững chắc cho mọi định hướng trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Sống được “Nguyên lý và Nền tảng” này cũng chính là trở thành một con người trưởng thành về nhân bản và hoàn thiện về thiêng liêng. Đó chẳng phải là điều mà xã hội và Giáo Hội đang mong chờ nơi người trẻ sao?.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)

Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ
WHĐ (12.05.2021)

[1] Ngọc Tuyết, Tọa đàm “Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp”, tại http://edufac.edu.vn/toa-dam-gioi-tre-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-nhung-van-de-dat-ra-ve-van-hoa-giao-duc-va-nhung-giai, truy cập ngày 12.5.2021

[2] Trung Dũng – Lê Na, Mổ xẻ những “vấn đề” của giới trẻ Việt Nam hiện nay, http://itcd.edu.vn/mo-xe-nhung-van-de-cua-gioi-tre-viet-nam-hien-nay.html/, truy cập ngày 12.5.2021

[3] Tham khảo: William A.M. Peter, SJ, the Spiritual Exercises of St.Ignatius, Exposition and interpretation, Jersey   City, 1968.

[4] Bản dịch của Lm. Eli Thành, SJ, NXB Tôn Giáo

[5]  LT 15: Thái độ của người giúp Linh thao; LT 19: Cách cho linh thao người bận rộn; LT 46: Kinh dọn lòng; LT 155: Mẫu người thứ 3; LT 166: Bậc khiêm nhường thứ 2; LT 169: Lời phi lộ cho việc chọn lựa; LT 177: Chọn lựa thi thứ 3; LT 179: Cách thứ hai chọn lựa theo thi thứ 3; LT 189: Canh tân đời sống.

#thietlapnguyenlyvanentang #nguyenlyvanentangchodcuocdoi