Năm Mục vụ Gia đình 2017: Gặp gỡ VIII: Chúng mình sẽ tạo lập một gia đình – Hội thánh tại gia

0
70

Mục đích:

Giúp đôi bạn nhận ra tầm quan trọng của gia đình. Gia đình là nơi chốn của yêu thương, gia đình hiện diện tích cực trong cộng đoàn Hội thánh Kitô. Giúp đôi bạn nảy nở một niềm tin tưởng đối với cộng đoàn Hội thánh hướng dẫn họ và đồng hành dọc dài suốt hành trình hôn nhân của mình.

Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:

Lời dẫn:

Gia đình Kitô hữu, được khai sinh với bí tích Hôn phối, gắn kết thâm sâu với Hội thánh, với đời sống và sứ mạng của Hội thánh. Bởi thế, gia đình cũng được gọi là “Hội thánh tại gia”. Gia đình là một cộng đoàn Kitô hữu sống tại gia, trong đó Chúa Phục sinh hiện diện như người bạn đường.

Các anh chị đang chuẩn bị xây dựng cho mình một gia đình Kitô hữu nơi đó chúng ta giúp nhau lớn lên trong đức tin và đức cậy, trong đối thoại và hiệp thông với Chúa, trong bác ái huynh đệ và phục vụ lẫn nhau.

Lời Chúa: trích trong sách Sáng thế

“Sau đó, ông Phaolô rời Athêna đi Côrintô. Tại đây, ông gặp một người Do Thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa mới từ Italia đến, cùng với vợ là Priskila, vì hoàng đế Clauđiô đã ra lệnh cho mọi người Do Thái phải rời Rôma. Ông Phaolô đến thăm hai ông bà, và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. Mỗi ngày sabat, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp. Ông Phaolô còn ở lại Côrintô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt biển sang miền Syria, cùng với bà Priskila và ông Aquila. Khi đến Êphêsô, ông Phaolô từ biệt hai người kia. Phần ông, ông vào hội đường và thảo luận với người Do Thái.

Có một người Do Thái tên là Apôlô, quê ở Alêxanđria, đã đến Êphêsô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gioan. Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Priskila và ông Aquila mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn” (Cv 18,1-4.18a.19.24-26).

Linh mục: Lạy Thánh Gia Nadarét,

Cộng đoàn yêu thương của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, và thánh Giuse,

là gia đình mẫu và lý tưởng của mọi gia đình Kitô hữu;

chúng con xin phó dâng cho Thánh Gia các gia đình sẽ khai sinh ra

từ hôn phối của những người con cái này của Người.

Tất cả: Xin hãy làm cho gia đình chúng con trở thành một “Hội thánh tại gia”, một cộng đoàn sống đức tin, đức cậy, và đức mến, để phục vụ Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.

Xin cho chúng con tìm thấy được nguồn dưỡng nuôi trong cầu nguyện chung và lắng nghe Lời Chúa, khám phá một nguồn mạch ân sủng và thánh thiện trong cử hành các bí tích. Như thế, gia đình chúng con có thể cộng tác vào việc xây dựng Hội thánh và tham dự vào sứ vụ cứu độ của Hội thánh trong thế giới.

Câu hỏi giúp suy tư:

– Khi nào và tại sao sự kết hợp giữa hai người được xác định là một gia đình? Nền văn hóa hiện nay có chấp nhận định nghĩa này không?

– Đâu là những mối tương quan chính yếu mà gia đình được kêu gọi bảo vệ và phát triển?

– Diễn ngữ “Gia đình là một Hội thánh tại gia” có thể mang những ý nghĩa nào?

Suy tư:

Gia đình ngày nay và gia đình trong ý định của Thiên Chúa

Nói về gia đình ngày nay có nghĩa là nói về một điều gì đó mà những đường nét phân định ranh giới rất mờ nhạt hay thậm chí nghi nghĩa (hàm hồ). Ở những cấp độ khác nhau, người ta luôn có xu hướng không nói nhiều về “gia đình” cho bằng là nói về “các gia đình”. Nói thế là ám chỉ không những về những hình thái khác nhau mà thực tại gia đình có thể đang mang, mà còn ám chỉ các ý tưởng và quan niệm khác nhau về gia đình. Trong bối cảnh đó, ta cần phải tái khám phá gia đình là gì theo ý định của Thiên Chúa, điều này đã được biểu lộ ra ngay từ thuở tạo dựng ban đầu. Khi ấy chúng ta có thể mô tả gia đình như là “cộng đồng các ngôi vị, tạo lập bởi một người nam và một người nữ kết hợp trong hôn nhân và các con cái của họ, một cộng đoàn bền vững và được xã hội nhìn nhận, gắn chặt với nhau bởi những mối liên kết luân lý, tôn giáo và pháp lý trong sự kính trọng, yêu thương, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Gắn kết với hạt nhân gia đình có thể có các thành viên khác, thường là những người bà con thân thuộc với lai lịch khá khác biệt”. Do bản tính này, dù đang thể hiện dưới bất cứ hình thái lịch sử nào, mỗi gia đình phải được nhìn như là “một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu” (Gaudium et spes 48; Amoris laetitia 80). Căn tính chính xác này của gia đình còn xác định sứ vụ và nhiệm vụ trong lịch sử của gia đình. Một sứ vụ được xác định bởi tình yêu nhằm giữ gìn, biểu lộ và thông truyền tình yêu qua việc hình thành nên một cộng đồng đích thật gồm những con người, những nhân vị, để phục vụ sự sống, tham dự vào sự phát triển xã hội (Familiaris Consortio 17).

Gia đình Kitô hữu: một Hội thánh tại gia

Tất cả những điều nói trên đây dành cho mọi gia đình cũng như cho mọi gia đình Kitô giáo. Nhưng đối với gia đình Kitô hữu, ta còn phải nhấn mạnh đến sứ vụ do bản chất của nó và không thể loại bỏ, đó là: tham dự vào đời sống  và sứ mạng của Hội thánh (ibid.).

Trong gia đình, ‘vốn có thể gọi là Hội thánh tại gia’ (Lumen Gentium, 11), ta được dần trưởng thành kinh nghiệm trong Hội thánh về mối hiệp thông giữa các ngôi vị, nơi đó, nhờ ân sủng, phản ánh chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. “Ở đó, người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thậm chí tha thứ nhiều lần, và nhất là việc phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và sự hiến dâng cuộc đời mình’ (GLHTCG, 1657)” (Amoris laetitia 86).

Nếu đối chiếu giữa Hội thánh và Gia đình, người ta không khó nhận ra hình ảnh tương tự và mối liên kết thông dự giữa hai bên. Một điều đã rất có ý nghĩa là hình ảnh gia đình là một trong những hình ảnh gợi mở nhất để diễn đạt phẩm chất của Hội thánh: “gia đình của Thiên Chúa”. Kế đến, hình ảnh Hội thánh như là Thân Mình Đức Kitô gợi lên ý tưởng các gia đình, như đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã nhấn mạnh, là “những tế bào của Hội thánh”. Cần nhắc lại là cả hai có nguồn gốc từ một bí tích: thật vậy, cũng như Hội thánh xuất thân từ bí tích Rửa tội, cũng thế gia đình Kitô hữu khai sinh từ bí tích hôn phối. Hơn nữa, Hội thánh cũng như gia đình đều là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hội thánh là hình ảnh của Ba Ngôi xét như là “dân được quy tụ trong sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Gia đình Kitô hữu là hình ảnh của Ba Ngôi vì nơi đó người ta gặp được một sự hiệp nhất thâm sâu, cởi mở ra với sự sống phong nhiêu, một tình yêu vốn có ở trong Ba Ngôi. Lại nữa, cũng như trong Hội thánh có thừa tác vụ dưới nhiều hình thức, cũng thế trong gia đình có một “thừa tác vụ hôn nhân và gia đình” được trao ban bởi bí tích Hôn phối vì thiện ích của hai vợ chồng cho nhau và, khi gia đình cởi mở đón nhận con cái, vì thiện ích và giáo dục đức tin cho con cái.

“Hội thánh là Gia đình của các gia đình, thường xuyên được làm phong phú bởi đời sống của tất cả các Hội thánh tại gia. Bởi thế, nhờ bí tích Hôn phối, mỗi gia đình thực sự trở thành một thiện ích cho Hội thánh. Trong viễn ảnh này, việc xem xét mối tương tác giữa gia đình và Hội thánh chắc chắn sẽ là một ơn ban quý giá cho Hội thánh ngày nay: Hội thánh là một phúc lành cho gia đình, và gia đình là một phúc lành cho Hội thánh. Việc gìn giữ hồng ân Bí tích của Chúa không chỉ liên hệ đến các gia đình riêng lẻ, nhưng còn đến chính cộng đoàn Kitô hữu” (AL 87).

Bởi thế, khi suy tư về cuộc sống gia đình của mình, đôi bạn cần phải xác tín mỗi ngày một hơn rằng, ngay cả khi đã kết hôn, họ cần phải tiếp tục sống và tham dự vào đời sống của Hội thánh và sẵn sàng đón nhận những lời đề nghị mà cộng đoàn Hội thánh sẽ gợi mời đôi bạn và gia đình để họ được lớn lên và sống sung mãn. Hơn nữa, gia đình còn tham dự vào sự sinh sôi nảy nở của Hội thánh. Cách tương tự, gia đình tự biểu lộ mình như “cộng đoàn được cứu độ” bởi tình yêu của Chúa Kitô, Đấng tự hiến cho cộng đoàn, và như “cộng đoàn cứu độ”, vì được kêu gọi loan báo và thông truyền cho anh em chính tình yêu này của Chúa và được ban cho khả năng hoàn tất nhiệm vụ này.

Gia đình tham dự vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh

Đặc tính bẩm sinh là “Hội thánh tại gia” này của gia đình làm cho gia đình Kitô hữu lặn ngập trong cuộc sống của Hội thánh: gia đình tham dự cách cụ thể vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh. Có thể nói: gia đình cư xử và hành động giống như cách Hội thánh cư xử và hành động. Và vì Hội thánh là cộng đoàn tin và loan báo Tin mừng, hiệp thông với Thiên Chúa và phục vụ con người, nên gia đình Kitô hữu cũng phải như thế, tất cả mọi người, cha mẹ lẫn con cái, đều dấn thân. Đó cũng là thành phần của dự phóng mà các anh chị cần phải suy nghĩ và quyết định trong khi chuẩn bị cử hành bí tích Hôn phối (cf. FC 49-64).

Trước hết, gia đình Kitô hữu được kêu gọi trở thành là một cộng đoàn tin và loan báo Tin mừng. Để được như thế, đôi bạn và gia đình cần phải được giáo dục đức tin không ngừng nhờ nghe và đọc Lời Chúa, học giáo lý, được chỉ dẫn sống đức tin, giúp đỡ lẫn nhau đọc ý nghĩa và các biến cố của cuộc sống dưới ánh sáng Tin mừng… Thứ đến, cần quan tâm đến chính sứ vụ loan báo Tin mừng, ngoài nhiệm vụ giáo dục đức tin cho con cái không những bằng lời nói mà còn bằng gương sáng đời sống cụ thể qua những chọn lựa và việc làm hằng ngày. Sau cùng, gia đình biết mình còn phải biểu lộ ra bên ngoài, đặc biệt sẵn sàng phục vụ như các cặp hôn phối trong Hội thánh để giúp đào tạo các đôi vợ chồng trẻ, các đôi đính hôn, các bạn trẻ thanh thiếu niên, như thế là đồng thời họ cũng thực thi “thừa tác vụ” được trao ban bởi bí tích hôn phối phục vụ toàn thể Hội thánh. Vì thế, người ta có thể khẳng định rằng gia đình Kitô hữu loan báo Tin mừng bằng chính cuộc sống của họ.

Ngoài ra, gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa nhờ một đời sống bí tích sâu xa và trung thành, kéo dài ra trong gia đình bằng giờ kinh nguyện chung. Gia đình Kitô hữu dâng lên Chúa một phụng tự thiêng liêng qua kinh nguyện chung và hy lễ là chính sự quy hợp cùng nhau. “Gia đình hiệp nhau cầu nguyện thì hiệp nhất bên nhau” (Families that pray together stay together) (AL 227). Trong gia đình nên có một góc không gian nơi đó ta để bàn thờ, tượng ảnh Chúa, Mẹ Maria để cả nhà cầu nguyện chung. Những ngày nghỉ lễ, những ngày giỗ chạp, Tết nhất là dịp thích hợp để cả gia đình cùng cầu nguyện chung. Cùng tham dự thánh lễ Chúa nhật theo gia đình là điều tuyệt vời.

“Kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình. Qua những hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống này được diễn giải như một tiếng gọi từ Thiên Chúa và được gia đình sống như lời đáp trả của con cái: những vui mừng và sầu muộn, hy vọng và thất vọng, ngày sinh và ngày kỷ niệm sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những chuyến đi xa và trở về, những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, sự ra đi mãi mãi của những người thân yêu … đều là những dấu hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình; những biến cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn nguyện, tin tưởng phó thác của gia đình trong bàn tay Cha chung trên trời” (FC59).

Cha mẹ phải đồng hành với con cái trong hành trình khai tâm Kitô giáo. Ngoài ra, thật tốt cho họ và cho Hội thánh nếu các thành viên có thể tham gia các hội đoàn, các cộng đoàn nhỏ, các phong trào linh đạo hôn nhân gia đình.

Thứ đến, gia đình Kitô hữu được kêu gọi phục vụ con người trong tinh thần bác ái. Những chứng từ yêu thương như thế là chứng từ và là lời loan báo Tin mừng Tình yêu của Thiên Chúa. Biểu lộ một tình yêu bác ái như thế, cụ thể có thể là đón tiếp các cụ cao niên và giúp đỡ các gia đình khó khăn, phục vụ những người nghèo bị bỏ rơi, bị nạn. Thế nhưng trước hết, chúng ta phải thực thi bác ái như thế, theo cung cách riêng của đời sống hôn nhân gia đình, đối với người thân cận là những thành viên trong gia đình: bác ái giữa vợ chồng với nhau, sống trung tín với nhau trong hôn nhân, quảng đại chu toàn trách nhiệm làm cha làm mẹ, giáo dục con cái.

“Như vậy gia đình Kitô hữu được luật mới của Thánh Thần sinh động, hướng dẫn và được mời gọi sống “thừa tác vụ” vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh là dân vương đế. […] trong khi phụng sự Đức Kitô nơi tha nhân, họ có thể khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến với Đức Vua, Đấng mà ta phụng sự Người cũng lại là cùng thống trị với Người” (FC 63).

Thảo luận theo nhóm:

– Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?

– Thế nào là hiện diện và tham dự tích cực vào đời sống của Hội thánh của các đôi bạn chọn kết hôn trong Hội thánh Kitô?

– Trong những chọn lựa cho dự phóng tương lai đời sống hôn nhân của anh chị, anh chị có dự định khả năng quay về gặp gỡ với các đôi vợ chồng trẻ khác cùng hoàn cảnh để chia sẻ, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau không?

– Một đôi vợ chồng tín hữu có thể có những cách thức sống chứng từ đặc biệt nào (như giáo dục con cái theo một định hướng nào đó, một cung cách phục vụ, một sự hòa hợp giữa lời nói và việc làm, sự can đảm…)?

– Cầu nguyện và “Hội thánh tại gia” có liên quan gì với nhau không?

Văn phòng HĐGMVN