Cả một đời viết thánh ca…

0
87

Hơn 50 năm gắn bó với công việc viết thánh ca, cha Phêrô Nguyễn Kim Long (linh mục nhạc sĩ Kim Long) đã sáng tác được hơn 3.500 bài hát. Dù nay tuổi đã cao, cha vẫn ngày ngày tìm kiếm nguồn cảm hứng viết tiếp những giai điệu ca tụng Chúa…

Lời nguyện cầu

Một buổi chiều Thu, chúng tôi ghé thăm cha tại nhà riêng nằm trong con hẻm nhỏ thuộc quận Tân Bình – TPHCM. Ngài ngồi trên ghế đặt ở góc phòng khách, cạnh cây piano phím đã ngả màu và chiếc giá đầy ắp sách. Bằng giọng từ tốn, cha bắt đầu chia sẻ những câu chuyện trong đời mục tử của mình.

Linh mục nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Kim Long

Cha Kim Long được thụ phong linh mục từ năm 1968. Nhưng ơn gọi đến với thánh ca đã có từ nhiều năm về trước, khi còn là một đứa trẻ lên chín tham gia vào ca đoàn của họ đạo Bách Tính, giáo phận Bùi Chu. Ngày tháng đem hết tâm tình bé con để phục vụ hát lễ đã nhóm lên những cảm hứng đầu tiên dành cho thánh ca. Năm 1954, cậu cùng gia đình di cư vào Nam và học tại Tiểu chủng viện Thánh Phanxicô. Tại đây, với sự động viên ân cần của cha giáo Ngô Duy Linh, thầy Kim Long viết nên tác phẩm đầu tay “Con hân hoan” khi vừa tròn 17 tuổi. Thời điểm ấy là trước Công Đồng Vaticanô II. Lấy ý tưởng từ đoạn Thánh vịnh được các linh mục đọc trước khi bước lên bàn thờ, cha cho ra đời ca khúc với giai điệu vui tươi. “Con hân hoan bước lên bàn thờ Chúa, Chúa là hoan lạc tuổi xuân xanh con. Con nâng muôn phím tơ ngợi khen Chúa, tiếng lòng rung nhịp với muôn tâm hồn” trong bài hát chính là khởi đầu cho “tiếng lòng” và tâm huyết với thánh ca.

Sau khi nhận lãnh chức linh mục, năm 1969, cha được cử đi du học tại Giáo hoàng Học viện ở Rôma, chuyên ngành bình ca. Cha cho rằng bình ca là một trong những thể loại thánh ca phụng vụ có giá trị riêng biệt. Nhưng còn một dấu ấn sâu xa hơn, chính những bài bình ca được nghe từ thơ ấu, in sâu trong tâm thức đã thôi thúc cha đến với một thể loại âm nhạc rất khó. Học ở xứ khác, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Bước đầu tiếp cận tiếng Ý, mỗi lần nghiên cứu tài liệu, cha phải tra cứu từ điển Ý – Pháp, được phụ trợ thêm từ điển Pháp – Việt. Thành ra có nhiều ngày, cha phải thức đến thâu đêm để học từ ngữ với cả hai quyển từ điển bày trên bàn.

Đêm thánh ca Ca vang suốt đời mừng Kinh hòa bình tròn 50 tuổi

Cha tâm sự, mình được Chúa ban cho một trí nhớ tốt. Chính vì thế, nghĩ ra ý tưởng nào để viết thành khúc ca, cha không ghi ra. Chỉ đến khi bài hát đã hoàn chỉnh trong đầu, lúc đó mới chép lại hoặc gõ trên máy tính để lưu. Đối với cha, mỗi một bài thánh ca là một lời nguyện cầu. Cha quan niệm thánh ca hay là bài ca được cầu nguyện hai lần, lần thứ nhất tác giả phải cầu nguyện để viết ra, lần thứ hai là lời nguyện của người hát. Bởi thế trong công việc của mình, cha luôn kiên nhẫn, tận tụy để làm cho lời nguyện cầu trọn vẹn hơn. Cha khẳng định: “Viết thánh ca không vì mục đích để lại tác phẩm lưu danh. Hát thánh ca cũng không phải là dịp để phô trương tài năng của mình. Viết và hát thánh ca là để cầu nguyện với Thiên Chúa. Viết và hát là vì Chúa, vì Giáo hội và vì cộng đoàn”.

Dấu ấn cuộc đời

Nhắc đến những “đứa con tinh thần” của linh mục nhạc sĩ Kim Long, không thể không nói đến bài “Kinh hòa bình”, lời kinh của Thánh Phanxicô, bản dịch của cha Philipphê Nguyễn Kim Điền (sau này là Giám mục Cần Thơ rồi Tổng Giám mục TGP Huế). Cha kể: “Cha Điền đưa cho tôi bản dịch nháp khi tôi mới 20 tuổi. Kiến thức về âm nhạc đâu có nhiều nên cứ đọc đi đọc lại rồi nó thành nhạc thôi”. Lời củaKinh hòa bìnhban đầu có đoạn “đem ủi an đến chốn ưu sầu”. Về sau, cảm thấy hai vế không mấy đối nhau, cha sửa “ủi an” thành “niềm vui” như hiện tại vẫn được hát.

Từ năm 1961, cha Kim Long cho ra mắt tuyển tập thánh ca đầu tiên “Ca lên đi”, tuần tự đến tập số 10 thì tạm dừng. Sau khi du học trở về, cha tiếp tục cho ra đời các tập Ca lên đi kế tiếp cho đến số 25 thì kết thúc. Cũng trong giai đoạn này, các ca đoàn bắt đầu nở rộ. Nhận thấy nhu cầu của các ca đoàn tại Sài Gòn và các giáo phận khác, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cha mày mò viết những trang hợp xướng. Từ đó, hai tuyển tập hợp ca đã ra đời. Năm 1994, cha lâm bệnh nặng phải vào viện. Khi ấy, việc soạn Thánh vịnh đáp ca dùng trong phụng vụ còn đang dang dở. “Tôi đã cầu nguyện rất nhiều cùng Chúa, xin Người cho tôi thêm thời gian và sức lực để hoàn thành. Cuối cùng Chúa cũng nhậm lời”, cha xúc động nhớ lại.

Dạy thanh nhạc tại Houston

Mấy năm gần đây, cha tiếp tục với đề tài thánh ca suy niệm để phục vụ cho các buổi tĩnh tâm. Nay đã viết được trên 1000 bài. Nói về tác phẩm của cha Kim Long, linh mục Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc HĐGMVN nhận định: “Trong những tuyển tập sáng tác của linh mục Kim Long, người ta thấy một dòng nhạc mới xuất hiện, lời ca được dệt mang nhiều chất thơ hơn và nhiều trăn trở hơn”. Mỗi khúc ca cha viết đều chất chứa một kỷ niệm. Nhưng có lúc, lời bài hát lại tạo nên một sự liên tưởng khác cho người nghe. Trường hợp này xảy ra ở bài hát “Ngày về” rất quen thuộc: “Khi Chúa thương gọi con về…”, được sử dụng thường xuyên trong các thánh lễ an táng. Thật ra, bài hát này lại được viết ra từ tâm tình của một người con đi xa chủng viện, mong chờ ngày được quay về.

Hướng dẫn dàn hợp xướng

Ngoài sáng tác, cha dành thời gian còn lại cho công việc giảng dạy. Khi về nước năm 1973, cha được giao trông coi xứ Đức Hòa (giáo phận Mỹ Tho). Bên cạnh việc lo chu toàn cho giáo xứ, trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, cha đi dạy thánh nhạc tại Đại học Đà Lạt, Đại học Thành Nhân (Sài Gòn), Đại Chủng viện Sài Gòn. Một tuần di chuyển không dưới 200 cây số. Sau năm 1975, ngài tiếp tục dạy tại Trung tâm Mục Vụ Tổng giáo phận TP.HCM; các Đại Chủng viện Hà Nội, Huế, Sài Gòn; các Hội dòng và giáo phận khắp nước. Ông Phaolô Nguyễn Ngọc Linh (nhạc sĩ Ngọc Linh) hồi tưởng lại về người thầy của mình: “Tôi được học với cha năm 1979 ở nhà thờ Huyện Sĩ, trong một khóa nhạc dành cho các ca trưởng. Cha Long là một người thầy cực kỳ nghiêm túc và tận tâm. Chưa bao giờ ngài vắng mặt trong các buổi học và giờ giấc thì luôn chính xác. Ngài tâm niệm rằng Giáo hội đã cho ngài đi học nên việc giảng dạy này là một niềm vui cống hiến, vì có thể gìn giữ những kiến thức mà mình học hỏi được bằng việc truyền đạt lại cho thế hệ tiếp nối”.

Vì nguồn sách giáo khoa về âm nhạc ở Việt Nam còn ít ỏi, cha đã tự biên soạn nhiều giáo trình, các tập sách nghiên cứu để phục vụ cho việc giảng dạy như “Một vài kinh nghiệm để viết thánh ca”, “Hướng dẫn đánh nhịp”, “Nhạc lý căn bản”, “Hòa âm”, “Đối âm”…

Không chỉ chú tâm vào việc hiện tại, cha Kim Long còn lập kế hoạch cho tương lai để giữ gìn và phát triển nền thánh ca Việt Nam. Ngài có một căn nhà ở Bình Hưng Hòa từ năm 2002 và gọi tên là Thư viện thánh nhạc. Ở đó lưu trữ tất cả những gì cha có về âm nhạc, cả những quyển sách được in năm 1945 mà cha tìm được trong quá trình giảng dạy từ Bắc chí Nam. Cha đã làm chúc thư tặng lại cho Ủy ban Thánh nhạc thư viện này cùng với một số tiền dùng để bảo trì thư viện , cũng như tổ chức một giải thưởng sáng tác thánh ca cho những tác giả trẻ hằng năm.

Nay tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như buổi đầu nhưng cha vẫn không ngừng thao thức cho nền thánh ca Việt Nam. “Tôi có nhiều việc muốn làm nhưng vì bây giờ tuổi tác không cho phép nữa. Chẳng hạn như nghiên cứu về nhạc dân tộc để làm sao cho nền thánh nhạc đi theo hướng đó. Có như vậy, thánh ca Việt mới có con đường riêng để phát triển…”, cha thao thức.

Cả cuộc đời cống hiến cho thánh nhạc, cha Kim Long đã khắc họa thêm một sắc thái riêng về những mục tử trong Giáo hội.

Thiên Lý