Truyền Thống Mùa Vọng và Giáng Sinh

0
88

Giáo hội Công giáo đã dành 4 tuần trước lễ Giáng Sinh làm mùa Vọng, khoảng thời gian “dọn đường” cho Ngôi Hai Thiên Chúa, Thiên Vương và Đấng Cứu Độ. Giáo hội dạy rằng…

Giáo lý Công giáo, số 524, cho biết: Hằng năm, khi cử hành phụng vụ mùa Vọng, Giáo hội mong chờ Đấng Thiên Sai thể hiện qua việc chuẩn bị cho Đấng Cứu Độ đến lần thứ nhất, đồng thời các tín hữu cũng mong chờ Ngài đến lần thứ hai. Khi cử hành sinh nhật và sự tử đạo của Thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội liên kết chính mình với ước muốn của Thánh Gioan: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30).

Nhờ tham dự các truyền thống lâu đời, chẳng hạn làm cây Nô-en tại gia đình, người Công giáo có thể sống Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh.

Chúng ta sống Năm Phụng Vụ với các màu sắc vui và buồn, người Công giáo sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Là cha mẹ Công giáo, chúng ta phải tái lập sự ưu tiên và giáo dục con cái sống đức tin, cả trong và ngoài gia đình.

Mùa Vọng bắt đầu Năm Phụng Vụ mới, đó là thời gian chuẩn bị tâm linh, đánh dấu bằng sự khao khát mong chờ Chúa Cứu Thế Giêsu giáng sinh. Có những cách thực hành Mùa Vọng theo lối cổ xưa, một số được nhắc tới trong YẾU TỐ ĐỨC TIN, giúp chúng ta sống kết hiệp với Đức Kitô mật thiết hơn. Các việc thực hành này đã được kiểm chứng qua thời gian. Người ta dạy giáo lý về ơn cứu độ và sống rộng lòng với Thiên Chúa (x. Giáo lý Công giáo, số 2222-2226). Sống đức tin mạnh mẽ trong gia đình sẽ trở thành gia sản và là cách củng cố tôn giáo tập trung vào phụng vụ.

Hang đá hoặc máng cỏ là gia đình, đầy những cọng rơm là những sự hy sinh nhỏ, cây nến Đức Maria được thắp sáng khi hát Thánh vịnh hoặc đọc kinh nhắc nhở con cái hướng tới lễ Giáng Sinh. Chuẩn bị như vậy trong Mùa Vọng làm cho chúng ta thực sự mừng lễ Giáng Sinh với lòng thành kính thánh thiện. Giáo hội khuyến khích tham dự Thánh lễ hằng ngày trong Mùa Vọng, vì qua Thánh Thể, chúng ta tìm được nguồn sống và mục đích của Mùa Vọng: Chính Đức Kitô đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa (x. Giáo lý Công giáo, số 1436; Eucharisticum Mysterium, số 29).

Giáo hội cử hành Mùa Giáng Sinh từ lễ Giáng Sinh tới lễ Hiển Linh, Đức Kitô tỏ mình cho thế gian biết Ngài là Đấng Cứu Thế (x. Mt 2:1-12). Theo truyền thống, Giáo hội cũng mừng lễ Giáng Sinh trong 40 ngày, đỉnh điểm là lễ Đức Mẹ Dâng Con (ngày 2 tháng Hai).

Đây là một số truyền thống Mùa Vọng:

Vòng lá Mùa Vọng: Có nguồn gốc từ Đức quốc, và là tục lệ Mùa Vọng được biết đến nhiều nhất. Đó là những lá xanh được kết lại thành vòng tròn, là biểu tượng thời gian chờ đợi từ ông Adam tới khi Đức Kitô giáng sinh; đó cũng là những năm tháng chúng ta chờ đợi Đức Kitô tái lâm. Vòng lá có bốn cây nến với khoảng cách đều nhau, ba cây màu tím thắp sáng vào các Chúa Nhật Mùa Vọng “sám hối” và cây màu hồng thắp sáng vào Chúa Nhật “vui mừng” (Gaudete), tức là Chúa Nhật III Mùa Vọng.

Máng cỏ, Hang đá: Các gia đình thường làm máng cỏ hoặc hang đá, lớn hoặc nhỏ, đầy đủ chi tiết hoặc đơn giản. Hang đá nói lên tinh thần phục vụ, hy sinh, hoặc tử tế, làm vậy để mừng Hài Nhi Giêsu như món quà sinh nhật ý nghĩa, trẻ em đặt những cọng rơm vào máng cỏ cho Chúa Giêsu ấm. Hãy khuyến khích trẻ em làm “giường êm” cho Thánh Nhi Giêsu, đó là cố gắng thực hiện các việc làm tốt. Hãy cho trẻ biết rằng dâng Chúa Hài Đồng “món quà” gì cũng được, không cần giá trị vật chất, chủ yếu là tinh thần và nói lên sự đoàn tụ trong gia đình của Chúa.

Thánh gia là hình ảnh một gia đình hạnh phúc, nhắc nhở mọi người phải biết nhường nhịn và yêu thương nhau chân thành. Đức Mẹ và Đức Thánh Giuse vất vả suốt hành trình về quê hương, rồi Chúa Giêsu ra đời trong cảnh nghèo khó. Điều đó nhắc nhở chúng ta hướng về những người nghèo, có thể thì chia sẻ với họ một chút quà thì thật là ý nghĩa, thiện cử này rất đẹp lòng Chúa.

Cây Gie-se: Cây Gie-se nhắc chúng ta nhớ tới gia phả Đức Kitô (x. Mt 1:1-17). Cây Gie-se là biểu tượng gia phả Chúa Giêsu, liên quan Kinh thánh với lịch sử cứu độ, từ khai thiên lập địa tới Đức Kitô. Có thể dùng một cây xanh nào đó để nhắc nhở mọi người về ý nghĩa cứu độ trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh.

Lễ Thánh Nicôla: Lễ Thánh Nicôla ngày 6 tháng Mười Hai, làm nổi bật Mùa Vọng. Thánh Nicôla được quen gọi là Ông Già Nô-en, một ông già tốt bụng và hào phóng với các trẻ em ngoan ngoãn. Trẻ em hy vọng nhận được quà của ông già này để biết mình là đứa trẻ ngoan.

Nến Đức Kitô: Đó là cây nến trắng và lớn, biểu tượng của Đức Kitô là Ánh Sáng Thế Gian, Nguồn Sáng Cứu Độ. Nến này được thắp suốt năm vào bữa cơm chiều Chúa Nhật, nhắc nhở mọi người mong chờ Đức Kitô, đồng thời cử hành sự giáng sinh và phục sinh của Ngài.

Nến Đức Maria: Một số gia đình có thói quen trang trí Nến Đức Kitô bằng miếng vải voan vào ngày 8 tháng Mười Hai, lễ Mẹ Vô Nhiễm. Vào ngày lễ trọng này, một số người đặt một cây nến có dải vải xanh trước tượng Đức Mẹ, người đã “xin vâng” để Chúa Con nhập thể làm người và giáng trần. Nến thắp sáng trong các bữa ăn để nhắc nhở việc Đức Maria mang thai Đấng là “Ánh sáng Thế gian”. Điều này cũng nhắc nhở các thành viên trong gia đình giữ cho ánh sáng ân sủng luôn cháy sáng khi mong chờ Đức Kitô đến thế gian.

Bánh Thánh Lucia: Lễ Thánh Lucia, trinh nữ tử đạo, ngày 13 tháng Mười Hai. Lễ này đánh dấu bắt đầu Mùa Giáng Sinh ở Thụy Điển. Người ta có những công thức làm loại bánh truyền thống này.

Bánh Giáng Sinh: Có nhiều công thức làm bánh này. Người ta làm bánh vào khoảng ngày 20 tháng Mười Hai. Đến lễ Giáng Sinh, mọi người trong gia đình cùng nướng bánh và thưởng thức bánh. Ngôi Hai giáng sinh làm người để cứu độ nhân loại, niềm hạnh phúc lớn lao biết bao!

Cây Nô-en: Cũng gọi là Cây Giáng Sinh. Càng ngày người ta càng muốn Cây Giáng Sinh được làm phép, như phước lành của gia đình trong dịp Giáng Sinh thánh đức. Cha mẹ nên nhắc con cái rằng Cây này liên quan các lĩnh vực của đức tin. Chẳng hạn, cha mẹ có thể nhắc nhở rằng cha mẹ đầu tiên của chúng ta không được phép ăn trái của một cây gọi là Cây Cấm, nhưng họ đã bất tuân vì nghe lời xúi dại của ma quỷ. Chúa Giêsu đã phải trả giá cho chúng ta bằng cách phải chết treo trên Cây Thánh Giá (x. Cv 5:29-32).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngôi Lời đã mặc xác phàm và nhập thể qua cung lòng Trinh Nữ Maria để cứu độ chúng con. Xin tạ ơn Ngài. Xin giúp chúng con biết dọn đường cho Chua Con đến, và biết dọn sạch “máng cỏ tâm hồn” để xứng đáng làm nơi ngự xuống hằng ngày. Xin Thánh Linh chuẩn bị cho chúng con để xứng đáng đón tiếp Đấng Cứu Thế. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ CatholicEducation.org)