Khi nào cất dọn Máng cỏ Giáng Sinh?

0
53

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Câu hỏi của con là đơn giản nhưng gây ra sự nhầm lẫn đôi khi giữa chúng con: Khi nào Máng cỏ trong nhà thờ được cất dọn? Nó phải được cất dọn trước lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hay sau lễ này? – M. M., Cape Town, Nam Phi.

Đáp: Câu hỏi này và nhiều câu hỏi tương tự phát sinh hầu như mỗi năm trong khoảng thời gian này, vì vậy một số những gì chúng ta nói bây giờ đã được công bố trong một số bản văn trước đây. Hiện không có nhiều điều có thể được gọi là “huấn quyền” về Máng cỏ Giáng Sinh và truyền thống Giáng Sinh khác. Hầu hết các truyền thống đó là tục lệ, và do đó không được xác định trong các quy chuẩn chính thức. Bởi vì sự đa dạng hợp pháp trong tục lệ vẫn tồn tại, không nhất thiết phải có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này.

Các tranh vẽ, tranh khảm nổi và phù điêu đã mô tả cảnh Giáng Sinh từ thời cổ đại. Có thể rằng một trong các trình bày đầu tiên của một máng cỏ là một nhà nguyện được xây dựng bởi Đức Giáo Hoàng Sixtus III (432-440), như là sự trình bày hang đá Bê lem. Nhà nguyện nhỏ bé này, bây giờ hoàn toàn không còn nữa, là phần bổ sung cho Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, mà việc xây dựng cũng được khởi xướng bởi cùng Giáo Hoàng này. Di tích được cho là máng cỏ gốc ban đầu được đặt trong nhà nguyện này vào thế kỷ VII, và bây giờ được tìm thấy dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường.

Tuy nhiên, có một số hướng dẫn chính thức cho thấy suy nghĩ của Giáo Hội về chủ đề Máng cỏ. Ở tầm vóc phổ quát, tài liệu Hướng dẫn về Lòng Đạo Bình Dân và Phụng Vụ có một số chỉ dẫn thích hợp, vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt một Máng cỏ ở nhà và trong nhà thờ trong mùa Giáng Sinh. Do đó, số 104 nêu rõ:

“Máng cỏ: Như được biết rõ, ngoài việc trưng bày Máng cỏ trong nhà thờ từ thời cổ đại, tục lệ làm Máng cỏ ở gia đình đã được quảng bá rộng rãi từ thế kỷ XIII, chịu ảnh hưởng chắc chắn bởi Máng cỏ của thánh Phanxicô Átxidi ở Greccio . Việc chuẩn bị Máng cỏ, mà trong đó trẻ em đóng một vai trò quan trọng, là dịp để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với mầu nhiệm Giáng Sinh, khi họ tụ tập cho một khoảnh khắc cầu nguyện, hay để đọc các trình thuật Kinh Thánh về việc Chúa giáng sinh”.

Việc này được minh chứng qua số 111:

“Ở Lễ Nửa Đêm, một sự kiện có ý nghĩa phụng vụ lớn và sự cộng hưởng mạnh mẽ trong lòng đạo bình dân, việc sau đây có thể được làm nổi bật: […]

“- vào cuối Thánh Lễ, các tín hữu có thể được mời để hôn kính tượng Hài Nhi Giêsu, sau đó tượng được đặt trong một Máng cỏ được dựng lên trong nhà thờ hoặc ở một nơi gần đó”.

Bản dịch tiếng Anh của Sách các Phép (số 1544) có sự làm phép cho một hang đá Giáng sinh tại nhà thờ, nhưng cấm đặt hang đá trong cung thánh. Luật này không ngăn cấm vị trí của hang đá trong khu vực tổng quát của cung thánh (chẳng hạn trên một bàn thờ cạnh không còn sử dụng nữa), nhưng không cho phép đặt Máng cỏ xung quanh bàn thờ hoặc ở phía trước bàn thờ, ghế chủ toạ, bục giảng hoặc nhà tạm. Tôi không tin rằng qui định này sẽ loại trừ tục lệ đặt một tượng Hài Nhi Giêsu trong khu vực cung thánh. Tục lệ này là khá phổ biến ở nhiều nơi, kể cả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, vì nơi đây tượng Hài Nhi Giêsu thường được đặt trên một bệ để sát đất ở phía trước bàn thờ chính. Ngoài tượng này, cũng có một hang đá Giáng sinh đầy đủ nhân vật ở một nơi khác của nhà thờ, và một hang đá thật lớn ở quảng trường bên ngoài.

Ở tầm vóc quốc gia, một số Hội Đồng Giám Mục đã ban hành các hướng dẫn. Thí dụ, Hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Mỹ về công trình nhà thờ, “Built of Living Stones” (Xây dựng các Viên Đá Sống động), đưa ra một số gợi ý hợp lý liên quan đến trang trí Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh, vốn có thể được áp dụng ở khắp nơi. Mời đọc:

“124. Kế hoạch trang trí theo mùa nên bao gồm các khu vực khác ngoài cung thánh. Các trang trí là nhằm thu hút mọi người đến với bản chất thực sự của mầu nhiệm đang được cử hành, chứ không phải là cùng đích trong chính chúng. Hoa tự nhiên, cây cỏ, vòng hoa và rèm vải treo, và các vật theo mùa có thể được bố trí để đề cao các điểm nhấn chính của phụng vụ. Bàn thờ cần được nhìn rõ ràng và đứng riêng, không có tường bao quanh bằng các dãy hoa lớn hoặc Máng cỏ Giáng sinh, và các lối đi trong gian hiên, gian giữa, và cung thánh cần để trống cho dễ nhìn.

“128. Các vật như vòng hoa Mùa Vọng, hang đá Giáng sinh, và các thiết bị truyền thống theo mùa tương xứng với kích thước của không gian và với các đồ nội thất khác có thể củng cố lời cầu nguyện và sự hiểu biết của cộng đồng giáo xứ”.

Giám mục Giáo phận cũng có thể ban hành các hướng dẫn địa phương, vốn luôn được thi hành.

Về câu hỏi khi nào dọn cất Máng cỏ Giáng Sinh, một lần nữa tục lệ thay đổi từ nơi này đến nơi khác, và không có qui định tuyệt đối. Ở một số nơi, có tục lệ cất dọn Máng cỏ sau lễ Hiển Linh. Ở một số nơi khác, và có lẽ là thông thường hơn, sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, vốn đánh dấu sự kết thúc của mùa Giáng Sinh chính thức trong lịch hiện tại.

Lễ này thường là vào Chúa Nhật sau Lễ Hiển Linh. Tuy nhiên, ở các nước mà có sự chuyển lễ Hiển Linh vào Chúa Nhật giữa ngày 2 và ngày 8-1, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được tổ chức vào ngày thứ Hai, ngày 9-1, khi lễ Giáng sinh rơi vào ngày Chúa Nhật và lễ Hiển Linh rơi vào ngày 8-1. Trong trường hợp này, Mùa Giáng sinh kết thúc vào ngày thứ Hai thay vì ngày Chúa Nhật.

Ở một số nước, người ta vẫn duy trì một số trang trí Giáng Sinh cho đến lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh ngày 2-2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Máng cỏ lần cuối trên Quảng trường Thánh Phêrô sau khi cử hành Thánh Lễ chiều ngày 2-2. Sau chuyến thăm này của Ngài, Máng cỏ Giáng Sinh được cất dọn.

Điều này tương ứng với một tục lệ lâu đời, mà trong đó ngày vọng lễ Nến là ngày cất dọn các trang trí Giáng Sinh, đặc biệt là những gì làm bằng cây xanh. Truyền thống này được làm chứng bởi nhà thơ Robert Herrick (1591-1654) trong hai bài thơ của ông, mà một trong đó là bài “Ceremony upon Candelmas Eve, nghi thức ngày Vọng lễ Nến”:

“Dọn cất hương thảo, cũng dọn cất cây nguyệt quế và cây tầm gửi; Dọn cất cây nhựa ruồi, cây thường xuân, và mọi cây, chúng đã trang trí Căn phòng Giáng sinh”

Ông lấy một chủ đề tương tự như trong các câu thơ đầu của bài thơ dài “Ceremonies for Candlemas Eve, các nghi thức cho ngày Vọng lễ Nến”:

“Dọn cất hương thảo và cây nguyệt quế, dọn cất cây tầm gửi; Thay vì cây nhựa ruồi, hãy trưng hộp xanh hơn (để triển lãm). Cất đi cây nhựa ruồi, để cho hộp xanh hơn thống trị, cho đến ngày lễ Phục sinh nhảy múa, Hoặc đêm Vọng Phục sinh sẽ tới”.

Vì vậy, để tránh nguy cơ đẩy mạnh hơn nữa tình trạng nhầm lẫn, tôi chỉ có thể nói rằng sự lựa chọn tốt nhất là duy trì những gì đã là tục lệ ở địa phương. (Zenit.org 15-12-2015)

Nguyễn Trọng Đa