Vấn đề sự sống đời sau

0
22

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 59: VẤN ĐỀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

Hỏi: Xin cho con hỏi trong kinh Tin Kính, có tín điều “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Cha xứ dạy chúng con rằng chúng ta sẽ không sống lại với thân xác hiện nay vì nó đã bị hoen ố bởi tội lỗi rồi nhưng thân xác sẽ phục sinh là một thân xác khác đang do chính Chúa Thánh Thần cất giữ. Xin cho con biết có đúng như thế không ạ? Nhiều khi nghĩ sau khi chết, vợ chồng, con cái có còn biết nhau không? Hoặc Kinh thánh nói gì về tương quan sự sống đời sau? Con cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn thật thú vị. Hẳn là bạn sẽ đồng ý với chúng tôi một điều là chúng ta đang nói về điều mà chúng ta không hề biết nó là cái gì. Bởi lẽ, chẳng ai trong chúng ta đã từng chết để có thể biết được khi ấy “tình trạng” của chúng ta sẽ ra thế nào. Chúng tôi cũng không thể không thừa nhận sự bất lực của mình trước câu hỏi của bạn. Tuy nhiên, chúng tôi dựa vào những mặc khải của Kinh Thánh cùng những lời giảng dạy của Giáo hội, để đưa ra câu trả lời mà lý trí có thể chấp nhận được. Để làm điều đó, trước hết, vì chỉ có Đức Giêsu là Đấng từ trời xuống nên biết rõ mọi sự trên trời, chúng ta cùng lược lại Tin Mừng, xem Ngài mặc khải cho chúng ta biết điều gì. Sau đó, chúng ta hãy cùng chiêm ngắm chính Đức Giêsu phục sinh, vì sự phục sinh của Ngài cho chúng ta biết về tình trạng phục sinh mà chúng ta sẽ trải qua. Nào, chúng ta cùng bắt đầu!

Mặc khải của đức Giêsu về sự sống sau cái chết

Thời kỳ đầu của Cựu Ước, người ta chỉ biết đến đời này. Cuộc sống hiện tại là nơi sự hiện diện của Thiên Chúa được phô bày cách trọn vẹn. Vì thế, giàu có được xem là điềm may, một diễm phúc, được Thiên Chúa ân thưởng. Đến thời Hy Lạp hoá, dân ngoại chà đạp Thiên Chúa, xúc phạm Đền Thờ, dẫn đến cuộc nổi dậy của anh em nhà Macabe. Trong trình thuật về cuộc tử đạo của bảy anh em (x.2Mcb 7,1–41), ta thấy thấp thoáng bóng dáng tư tưởng về sự sống đời sau. Tất cả đều sẵn sàng chết chứ nhất quyết không vi phạm luật Chúa vì tin rằng Chúa sẽ cho họ sống lại để vui hưởng sự sống đời đời. Khi có ý thức về sự sống đời sau, người ta bắt đầu phóng tầm nhìn ra xa hơn. Cái nghèo nói riêng và những đau khổ ở đời này nói chung không còn là một mối hoạ, một điềm gở hay một sự chúc dữ của Thiên Chúa nữa, bởi vì “sự sống đời sau” mới quan trọng.

Quả vậy, từ thời xa xưa, người ta đã tin là có cái gì đó nơi con người sẽ tồn tại ngay cả sau khi chết. Người ta gọi đó là “linh hồn”. Có rất nhiều cách hiểu về linh hồn, đôi khi là sai lệch, mà chúng tôi không tiện nói rõ ở đây. Cách chung, người ta nói và tin vào “linh hồn bất tử”.[1] Đôi khi, người ta còn đồng hoá “linh hồn” ấy với chính người chết. Chúng ta sẽ ra sao sau khi chết? Nhiều người sẽ tưởng tượng ra một kiểu “bóng ma” nào đấy, vất vưởng, hoặc sẽ tiến về cõi đầy ánh sáng, hoặc sẽ bị đưa vào chốn tối tăm. Có người còn cho rằng khi chết, chúng ta “bị tách” ra làm hai: thân xác bị thối rữa trong lòng đất, còn linh hồn thì tiêu diêu tự tại siêu thoát. Những kiểu suy tưởng này chỉ do con người chúng ta dùng kinh nghiệm ở cuộc sống này để thoả mãn cho sự tò mò của mình. Đây cũng là cũng suy nghĩ mang tính nhị nguyên, nghĩa là phân chia cách rõ ràng hai thực thể “hồn” và “xác” đối nghịch nhau (thân xác là ngục tù giam cầm linh hồn, chết là hồn lìa khỏi xác).

Thế nhưng, nếu con người là một hợp thể giữa “hồn” và “xác” thì sẽ không còn là con người nữa khi chỉ có “hồn” hoặc “xác”. Khi ta trút hơi thở cuối cùng, ta đi vào trong tình trạng “chết”, tình trạng không có sự sống. Dân gian hay dùng từ “an giấc ngàn thu” để nói về cái chết, như muốn diễn tả nó tựa một giấc ngủ dài, người ta buông ra tất cả, nghỉ ngơi, sống vô ý thức, quên cả không gian và thời gian. Đây chính xác là điều mà chúng ta không hề biết nó là gì, nhưng chỉ có thể dùng những hình ảnh tương đương của thế giới hữu hình này để diễn tả.

Tuy vậy, chúng ta vẫn tin là sau khi chết, chúng ta vẫn tồn tại ở một dạng thức nào đó, có “cái gì đó” bất biến và cái chết thể lý không thể xâm phạm đến. Đó là lý do chúng ta cầu nguyện cho những người qua đời, hoặc xin sự chuyển cầu của các thánh. Có thể nói, người chết đang tạm thời “vắng bóng”, đang “ngủ”, tách khỏi những tương quan thể lý với người còn đang sống và trong niềm tin Kitô giáo, họ “chờ” để được “trỗi dậy”, “sống lại” để sống đời sống mới. Khi ấy, từng người trong chúng ta sẽ trở về là chính chúng ta trong tình trạng đã được biến đổi nhờ Thánh Thần.

Nhóm Xađốc vào thời Chúa Giêsu đã không tin vào điều này, nên đã có lần chất vấn Chúa Giêsu bằng cách tạo ra một câu chuyện (x.Lc 20,27–38). Họ hỏi Chúa Giêsu rằng:

“Thưa Thầy, ông Mô–sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

Dụng ý của họ là muốn đưa Chúa Giêsu vào thế bí, vì nếu có sự sống lại sẽ rất khó để xác định thân phận của người đàn bà trong câu chuyện trên. Nhưng Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết rằng:

Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô–sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp–ra–ham,Thiên Chúa của tổ phụ I–xa–ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia–cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

Như thế, chúng ta không hề biết “sau khi chết” mình sẽ thế nào, nhưng “khi sống lại”, chúng ta sẽ giống như các thiên thần, sống sự sống của Thiên Chúa, quy hướng về Thiên Chúa, chứ không còn lệ thuộc vào những cơ cấu và quy định của thế giới này. Vì chính chúng ta sẽ sống lại, nên chắc là chúng ta sẽ “nhận ra” nhau, thậm chí, có thể “nhận ra” luôn cả những người thân bao đời trước mà khi còn sống tại thế, chúng ta chưa từng biết họ. Tuy nhiên, chuyện ấy sẽ không còn là vấn đề bận tâm và quan trọng nữa. Khi sống lại, tất cả sẽ được “hợp đoàn cùng muôn thần thánh, phúc miên trường vui hưởng ánh vinh quang” (Thánh Thi “Lạy Thiên Chúa” – Te Deum). Đó hẳn sẽ là một tình trạng hạnh phúc miên viễn mà không một lời lẽ nào có thể diễn tả cho được.

Tại sao Giáo hội lại tin rằng thân xác cũng phải phục sinh?

Là bởi vì chúng ta chỉ có thể là con người trọn vẹn khi có cả hồn (phần linh thiêng) và xác (phần vật chất). Nếu chỉ có hồn hoặc chỉ có xác thôi thì không phải là ta. Thân xác là một phần của ta, hay thậm chí có thể nói, ta chính là nó, như nhiều triết gia nói, theo nghĩa ta sẽ không thể nhận ra, tiếp xúc, đụng chạm với ai nếu người đó không có thân xác, và ngược lại. Trong khi đó, Đức Giêsu đến thế gian này là để cứu con người của ta một cách trọn vẹn, chứ không chỉ cứu linh hồn ta mà thôi. Nếu Ngài chỉ cứu linh hồn ta thì Ngài đang cứu “cái gì đó”, chứ không phải là ta. Đấng Cứu Thế đã muốn mặc lấy xác phàm và trở thành một con người thực thụ chính là muốn cứu lấy cả “xác phàm”, phần vật chất của con người, chứ không chỉ là phần thiêng liêng. Bởi thế, nếu thân xác không được phục sinh thì việc xuống thế làm người của Đấng Cứu Thế trở nên vô nghĩa.

Nhưng phải làm sao để giải quyết những vấn đề khúc mắc ở trên liên quan đến thân xác? Hay nói cách khác, chúng ta cần phải hiểu như thế nào về sự phục sinh của thân xác? Dựa vào mặc khải của Kinh Thánh và dựa vào lý trí, chúng ta có thể tìm được câu trả lời dù rằng trong chúng ta, chưa ai trải nghiệm được điều này. Hơn hết, chúng ta có một mẫu gương rõ ràng và khả tín nhất là chính Đức Giêsu phục sinh. Căn cứ vào những gì Kinh Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu sau khi Ngài đã phục sinh, chúng ta có thể biết chắc hai điều:

Thứ nhất, thân xác được phục sinh phải là một thân xác đã chết vì nếu không chết thì cũng sẽ không có chuyện phục sinh. Đó cũng phải là thân xác mà ta đang sở hữu đây vì nếu hồn của ta kết hợp với một thân xác của người khác thì sẽ trở thành người khác, chứ không phải là ta. Nếu Thiên Chúa làm nên một cái xác khác hoặc sử dụng cái xác của ai đó để kết hợp với hồn của ta thì càng không phải là ta.

Quả vậy, khi Đức Giêsu phục sinh, thân xác phục sinh của Ngài là chính thân xác Ngài đã sống trước đó, với tất cả những dấu đinh, vết sẹo (x. Lc 24,39). Thân xác Ngài phải như trước thì các môn đệ mới nhận ra Ngài được. Nếu Đức Giêsu phục sinh với một thân xác khác thì hẳn là xác chết của Ngài vẫn còn trong mộ. Nhưng thực tế là từ sau ngày phục sinh, không ai – kể cả những kẻ thù của Ngài – có thể tìm thấy xác Ngài.

Ngoài ra, thân xác được phục sinh phải là thân xác mà ta có thể đụng chạm được cách cụ thể, chứ không phải là một cái bóng mờ mờ ảo ảo. Đức Giêsu cũng khẳng định với các môn đệ rằng Ngài vẫn “có xương có thịt”, chứ không phải ma (x. Lc 24,39). Chính Tôma là người đã được Đức Kitô phục sinh cho đụng chạm vào cạnh sườn mình (x. Ga 20,27). Dù ta không biết chắc chắn là Toma có đụng vào cạnh sườn của Chúa không, nhưng lời mời gọi của Đức Giêsu cho thấy Người có thịt xương như bao con người khác.

Điều thứ hai rất quan trọng: thân xác phục sinh là một thân xác được biến đổi theo một cách thức mà thánh Phaolô gọi là “mầu nhiệm” (1Cr 15,51), bởi “xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (1Cr 15,50). Ngài còn nói thêm: “…tất cả chúng ta sẽ được biến đổi trong một giây lát… Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1Cr 15,52–53).

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô nói: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,31). Ở đây, ta thấy thánh nhân nói rằng Đức Giêsu sẽ biến đổi “thân xác chúng ta” (chứ không phải một thân xác lạ lẫm nào khác), và thân xác được biến đổi ấy sẽ giống như “thân xác vinh hiển của Người”; nghĩa là thân xác phục sinh của Đức Giêsu thế nào thì thân xác phục sinh của chúng ta cũng sẽ giống như vậy.

Như thế, thân xác phục sinh của chúng ta sẽ là một thân xác không còn bị huỷ hoại, không còn vết tích của sự dữ, không còn lệ thuộc vào thời gian không gian, không phải chịu một giới hạn nào, không bị lão hoá, không bệnh tật… Thân xác ấy sẽ như thân xác của Đấng Phục Sinh. Chúa sẽ thanh tẩy thân xác hư nát này của chúng ta thành một thân xác thanh khiết và ngập tràn ân sủng.

Thân xác ấy trông như thế nào, chẳng ai trong chúng ta biết được, nhưng với mạch suy tư này, ta có quyền đi đến kết luận rằng vào lúc phục sinh, người khác nhìn vào ta thì sẽ thấy ta và nhận ra ta (vì ta có thân xác) và sẽ nhìn thấy nơi ta một sự sáng láng tuyệt đẹp, thanh khiết đến lạ kỳ (vì những hậu quả xấu xa của sự dữ và tội lỗi làm cho thân xác của chúng ta bị huỷ hoại và xấu đi đã bị ơn cứu độ của Đức Giêsu gỡ bỏ).

Nhưng với những trường hợp như bị phanh thây, bị chặt đầu, tùng xẻo, hay thậm chí có rất nhiều các nhà truyền giáo đã bị thú dữ hoặc các bộ tộc hoang dã ăn thịt, họ sẽ phục sinh như thế nào? Họ đâu còn thân xác nữa mà phục sinh! Chúng ta biết rằng ngay cả những người chết với một thân xác bình thường, thì sau một thời gian bị chôn vào lòng đất, thân xác họ cũng không còn được nguyên vẹn. Thân xác của chúng ta, dù chết cách nào đi chăng nữa, cũng sẽ bị mục nát và không còn hình hài. Cơ thể của chúng ta sẽ tan ra, bị chia nhỏ, trở về với các nguyên tố hoá học.

Thật khó để chúng ta tưởng tượng là khi phục sinh, các nguyên tố này sẽ kết hợp lại với nhau ra sao để làm nên con người ta trở lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin rằng Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể biến từ không ra có tất cả mọi sự thì chuyện làm cho một cái xác bị thối rữa được sống lại và biến đổi chẳng có gì là khó với Ngài.[2]

Thánh Phaolô lấy hình ảnh hạt giống gieo vào đất và nảy mầm thành một cây mới để minh hoạ cho sự phục sinh này. Khi chẻ đôi một hạt lúa, ta không hề thấy trong đó có cây lúa nào. Vậy mà khi gieo xuống đất, tưới nước, bón phân, ta lại thấy chính tại nơi ta gieo hạt lúa nảy sinh một cây lúa. Cây lúa này chính là hạt lúa lúc trước chứ không phải từ một hạt gì khác, hay thậm chí là hạt lúa khác. Ta biết chắc rằng cây lúa này từ hạt lúa kia mà ra, nhưng ta không biết được là tại sao hạt lúa lại trở thành cái cây như vậy. Hạt lúa trước kia chính là cái cây mà ta đang thấy lúc này đây. Hạt lúa không còn nữa, chỉ còn lại cây lúa.

Nói cách khác, hạt lúa ấy đã được biến đổi để trở nên một cái gì đó khác đi, hoàn hảo hơn, tràn đầy sức sống hơn. Hình ảnh minh hoạ này giúp chúng ta hiểu về sự biến đổi thân xác diệu kỳ mà ơn phục sinh của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên chúng ta. Chúng ta chỉ đang ở trong giai đoạn “hạt lúa”, cần phải chết đi trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh, để Đấng ấy làm nơi ta một sự biến đổi lạ thường chỉ “trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên.” (1Cr 15,52).

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

WHĐ (04.10.2022)

#vandesusongdoisau #giaidapthacmacchonguoitreconggiao