Ngày Giáng Sinh đầu tiên như thế nào?

0
221

Mỗi độ Giáng Sinh về, không ngạc nhiên gì cũng chẳng phải là chuyện tầm phào khi các tín hữu cứ muốn thử tưởng tượng ra ngày Giáng Sinh đầu tiên như thế nào.

ChristmasNativity.jpg

Thật vậy, Trong cuốn Linh Thao, Thánh Inhaxiô Loyôla chiêm niệm về ngày Giáng Sinh, mời gọi người tĩnh tâm hãy tưởng tượng ra mình như là “người tôi tớ hèn mọn và bất xứng” để cảm nhận hết mọi nhu cầu của Thánh Gia lúc bấy giờ. Cũng thế, Thánh Phanxicô Assisi khuyến khích các tín hữu chiêm niệm máng cỏ Giáng Sinh; và rõ ràng chính ngài là người đã đem “bò lừa” vào trong Máng Cỏ vì đã tìm thấy trong đoạn sách Isai 1, 3 nơi vị ngôn sứ sỗ sàng so sánh mối tương quan của dân Israel với Thiên Chúa như những con vật đần độn với chủ mình (loài vật còn biết nhận ra Thiên Chúa trong khi dân Israel thì chẳng biết). Hoặc nếu bạn có khi nào nhìn thấy hình những chú lạc đà chúi mũi vào con trẻ Giêsu thì đó là vì các thế hệ tín hữu đã suy niệm đoạn Is 60, 6 để lấp đầy những chi tiết về câu chuyện các đạo sĩ trong Tin Mừng Matthêu.

Như vậy không có gì sai khi vẽ vời ra cảnh tượng cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu như thế nào, quan tâm đến những gì đã xảy ra để cầu nguyện. Thật vậy, tôi khuyến khích bạn làm như thế để tiếp cận với mầu nhiệm mà Mùa Vọng đang hướng về. Và nếu bạn dùng Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, để giúp mình có tâm trạng thì bạn đang làm đúng những gì mà các Kitô hữu đã làm trước bạn vào thời gian này trong năm, kể cả các tác giả Tin Mừng. Chỉ có điều bạn đừng cho rằng những gì mình biết đó chính xác đã xảy ra vào nửa đêm ngày 25 tháng Mười Hai năm 0.

Nhưng bạn lại bồn chồn không yên, hiện nay chúng ta thật sự biết gì về hoàn cảnh sinh hạ của Chúa Giêsu? Tôi phải thú nhận rằng không được nhiều cho lắm. Luca và Matthêu, mỗi người đều theo đuổi kế hoạch thần học của riêng mình, họ kể lại câu chuyện Tin Mừng theo cách họ nhìn nhận cho những người đồng thời với mình; và hầu như không thể nào hoà hợp hai trình thuật của họ với nhau.

Đối với Thánh Matthêu, Chúa Giêsu là cao điểm của mối quan hệ giữa Thiên Chúa với Israel, bắt đầu từ lời hứa với Abraham, rồi rõ ràng đã hoàn tất trong triều đại của Đavít và con ông là Salomon, nhưng sau đó bị sụp đổ hoàn toàn trong cuộc lưu đày Babylon và cuối cùng theo Matthêu, mối quan hệ giữa Dân Chúa với Đấng đã mang họ ra khỏi Ai Cập đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc sinh hạ của Chúa Giêsu, ‘Người được gọi là “Đấng Cứu Thế”’. Hiện nay, các độc giả của Matthêu không cần phải giải mã bản văn, họ hiểu ngay lập tức. Trái lại, chúng ta thấy ngớ ngẫn khi nhìn vào bản phả hệ mà Matthêu bắt đầu Tin Mừng của mình và có vẻ như đây là “câu chuyện nhàm chán nhất trong toàn thể sách Tân Ước”. Kết quả là bản văn được dùng để đọc trong phụng vụ vào ngày 17 tháng Mười Hai hằng năm, nhiều linh mục chùm bước và giả vờ hôm nay là ngày 16 hoặc 18 để tránh khỏi phải giảng về một danh sách bất tận “người này sinh ra người kia”. Nhưng từ “Abraham sinh Isaac” mãi cho đến “Giacóp sinh Giuse, chồng của Đức Maria, người sinh ra Chúa Giêsu, được gọi là Đấng Cứu Thế”, Matthêu đã phác hoạ ra một kế hoạch không ngừng nghỉ của Thiên Chúa. Lại nữa, Matthêu đã đưa 4 người phụ nữ vào trong danh sách. Họ là các bà Tamar, Rahab, Ruth và Bathsheba. Để tìm hiểu thêm về họ, tôi đề nghị bạn đọc câu chuyện của họ trong: St 38, 6-30; Gs 2, 1-24 và 6, 22-25; toàn bộ sách Ruth (chỉ có 4 chương); và dĩ nhiên là cả câu chuyện về cách hành xử sai trái của Vua Đavít trong 2 Sm 11-12. Matthêu muốn nói gì khi đề cập đến những phụ nữ này? Tất cả họ đều có hoàn cảnh bất thường: Tamar là một cô điếm; Rahab cũng hành nghề cổ xưa này; Ruth là người phụ nữ rất ấn tượng nhưng chương 4 của sách Ruth kể lại những cuộc đi đêm của bà với ông Bôoz và kết quả là bà trở thành bà cố của Vua Đavít; và vợ của ông Uria người Hittite lén lút với Đavít trong khi chồng bà đang ở nơi chiến trận (điều này gây nên cái chết của Uria). Như vậy, có thể Matthêu muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa có thể “vẽ đường thẳng với những đường cong”. Hoặc có thể ngài muốn nói rằng họ là những người ngoại quốc, giống như các đạo sĩ: Tamar là người Canaan, Rahab là cư dân thành Giêricô, Ruth là người Moab, và Bathsheba kết hôn với người Hittite. Trong trường hợp này, chủ ý của Matthêu đơn giản chỉ muốn nói rằng tất cả họ đều không phải là người Do Thái, và ở đoạn kết của Tin Mừng Matthêu, mười một môn đệ được “sai đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ”. Như vậy, Matthêu đang làm thần học khi viết gia phả này và bổn phận của chúng ta là lắng nghe sứ điệp của ngài.

Đây cũng là trường hợp mà thánh sử đã giới thiệu với chúng ta về Giuse, người đã có một giấc mơ như một Giuse khác trong sách Sáng Thế Ký và rồi cũng kết thúc ở đất nước Ai Cập. Ông Giuse này vâng lời sứ giả Thiên Chúa và kết quả là Giêsu Đấng Cứu Thế được Giuse chấp nhận làm con; và vì đức vâng lời của Giuse mà Giêsu đã được cứu thoát khỏi những người trong đất nước mình muốn tìm giết Ngài.

Và các đạo sĩ của Matthêu, họ là ai? Họ không phải là người Do Thái, họ có hiểu biết về Chúa Giêsu ngay từ đầu trong khi giới quyền lực (Hêrôđê và các lãnh đạo tôn giáo) không hiểu gì về Chúa Giêsu ngay từ đầu, hay có hiểu thì cũng theo nghĩa Ngài là một mối đe doạ nghiêm trọng cho địa vị của họ đến nỗi cần phải loại bỏ Ngài bằng bất cứ giá nào. Trái lại, các đạo sĩ xuất hiện bí ẩn “từ phương Đông” đến để thờ lạy “Vua Do Thái vừa hạ sinh”, và dâng tặng Ngài vàng, nhủ hương và mộc dược trong khi Hêrôđê ngỏ ý muốn “thờ lạy con trẻ” nhưng thật sự để che đậy ý đồ thủ tiêu. Kết quả là con trẻ và người cha vâng phục của Ngài phải trốn sang Ai Cập.

Nhưng bạn sẽ tự hỏi rằng mọi chuyện có xảy ra đúng như thế không? Tôi cũng không biết nữa. Ta đã thấy lý do tại sao Matthêu lồng câu chuyện vào và làm thế với ý gì. Điều đó không có nghĩa là nó không xảy ra, nhưng tôi e rằng nó cũng không có nghĩa là mọi chuyện đã xảy ra chính xác như đã được kể lại. Chẳng thể nào biết được chính xác câu chuyện xảy ra như thế nào vì làm như thế có khác nào chúng ta phải tìm hiểu về sự kết hợp giữa các hành tinh và chòm sao để giải thích một vì sao rồi xác định tuổi của nó chỉ trong vòng vài phút. Bổn phận chúng ta là đọc câu chuyện theo như Matthêu muốn chúng ta đọc nó.

Còn về Luca? Giọng điệu của Luca hoàn toàn khác hẳn với Matthêu. Luca là một nghệ sĩ đại tài và không phải ngẫu nhiên mà các câu chuyện cũng như dụ ngôn của ông là những bức tranh đẹp đẽ hơn bất kỳ tác giả nào khác trong Cựu Ước cũng như Tân Ước. Luca dâng tặng cả một phòng triển lãm tranh để chúng ta đến chiêm ngưỡng và rồi sau đó hành xử giống như Đức Maria, người “nhìn xem và giữ kín tất cả trong lòng”. Đó là bổn phận của chúng ta khi chiêm niệm hình ảnh những đôi vợ chồng dễ mến như Zacharia và Êlisabét, hình ảnh của Simêon và Anna, hình ảnh của một cô gái quá đỗi tầm thường lạc lõng nơi một làng quê heo hút trong một miền đất hẻo lánh nhất của Đế Quốc Roma – “và tên người trinh nữ đó là Maria”. Luca giới thiệu những nhân vật quan trọng nhất trong thế giới lúc bấy giờ: Vua Hêrôđê (1, 5); Cêsarê Augustô, Pontiô Philatô, những liên minh chính trị và thần dân của họ, các Thượng Tế Annas và Caiaphas (3, 1-2). Nhưng không một ai trong những nhân vật đầy quyền lực trên sân khấu thế giới này lại có thể làm cho Luca chú ý lâu hơn một giây. Thay vào đó, những người mà Luca xem là quan trọng, những người mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngưỡng chính là những người hèn mọn, không ai lưu ý đến, những người phục vụ Thiên Chúa: ông bà Zacharia, Anna và Simêon, Gioan Tẩy Giả và trên hết tất cả chính là người mà bà Êlisabét đã gọi là “Thiên Chúa của tôi” trong lần đầu gặp gỡ. Đấng này đã là chủ đề của toàn thể Tin Mừng, Ngài đã không làm gì trong hai chương đầu, cứ để mặc cho mọi việc xảy đến cho Ngài bởi vì chính Thiên Chúa đang hành động và Ngài chính là Con Thiên Chúa.

Và một lần nữa bạn lại hỏi có phải mọi chuyện đã xảy ra đúng như Luca kể lại không? Tôi cũng chẳng biết nói làm sao nữa. Bổn phận của chúng ta là cứ nhìn nhận những gì mà Luca nói với chúng ta về Thiên Chúa là Đấng hành động trong thế giới, về Chúa Thánh Thần và về Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến.

Vậy thì chúng ta biết gì về ngày giáng sinh đầu tiên? Có điều gì mà cả Matthêu lẫn Luca đều đồng thuận với nhau? Cả hai đều đồng ý rằng Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem và sống tại Nazareth: lý do ư? Đối với Matthêu chính là vì Hêrôđê vẫn còn người cai trị miền đất Giuđêa khi Giuse và Maria từ Ai Cập trở về; còn đối với Luca chính vì Nazareth là quê hương của Giuse và Maria.

Cả hai đều đồng ý rằng Đức Maria là một trinh nữ khi thụ thai và sinh hạ, và dường như họ dựa vào những truyền thống độc lập. Cả hai đều có cái nhìn rằng Thiên Chúa đã làm tất cả mọi chuyện và lịch sử của Israel đạt đến đỉnh điểm trong Đức Giêsu. Họ nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu được sinh hạ (chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa Giêsu đã là và luôn là một con người). Cả hai đều đồng ý, nhưng với cách thế khác nhau, rằng để đem lại công bình cho sự thật về Đức Giêsu thì từ nay trở đi khi nói về Ngài thì nhất thiết phải dùng một ngôn ngữ được dành riêng cho Thiên Chúa. Thật can trường khi cả hai khẳng định điều đó và chúng ta phải xem đó là điều rất nghiêm túc.

Vậy thì đã đủ cho bạn chiêm niệm trong suốt mùa đang đến này chăng? Hy vọng rằng bạn sẽ có được niềm hạnh phúc lớn lao khi đọc những dòng này.

Lm. Nicholas King S.J
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính