Hiện diện giữa dòng đời này, ta được Tạo Hóa đặt vào một mớ chằng chịu những mối liên hệ với người khác. Điều trớ trêu là: dù muốn hay không, ta vẫn phải có những tương tác với họ, với những cái “khác” bên ngoài ta, nếu không, ta sẽ thấy mình cô quạnh và lẻ loi vô cùng. Bởi thế, nhiều người đã cho rằng sống một cuộc sống sao cho thật tròn đầy và ý nghĩa là điều chẳng dễ. Không dễ là bởi vì ngoài việc vun đắp cho chính mình, ta còn phải biết xây dựng những tương quan tốt đẹp với người khác. Mà người khác thì rất nhiều, rất phong phú, rất phức tạp. Nó đòi ta phải rất khôn ngoan và khéo léo trong từng hành vi và cử chỉ. Cứ nghiệm lại mà xem, phần lớn những đau khổ, bức bối, khó chịu làm chúng ta mệt mỏi, đều do người khác gây ra, do có trục trặc gì đó giữa ta với họ. Đã đành hạnh phúc là tại tâm, tâm yên lành thì sẽ có bình an tự tại. Nhưng tâm ấy của ta có yên lành hay không lại liên hệ rất nhiều với mức độ tốt đẹp trong tương quan giữa ta với người khác.
Ta sẽ chẳng biết mình là ai, nếu không có một người khác đứng đối diện với ta. Ta cũng sẽ không có ý thức gì về mình nếu giữa thế giới này chỉ có một mình ta trơ trọi. Dù mọi sự dưới gầm trời này có nằm dưới quyền điều khiển của ta, dù ta có trong tay mọi thứ của cải quý giá nhất, nhưng ta không có ai để bầu bạn, không có người để nói chuyện, không có ai để trao gửi tâm tình, không có ai chia sẻ cùng ta những thao thức, ta cũng sẽ chẳng thấy gì là hạnh phúc. Cứ thử tưởng tượng như mình đang sống cô đơn trên một hoang đảo, cuộc sống của ta sẽ héo úa biết chừng nào. Người khác đang đứng trước mặt mình là hình ảnh phản chiếu của chính mình. Họ cho ta biết mình là ai, họ cho ta thấy con người của mình, và họ cũng bồi đắp cho những khiếm khuyết của mình. Có thể nói thế này, nhờ có người khác, mà ta mới là ta cách trọn vẹn và ta thấy sự hiện hữu của mình trở nên có ý nghĩa.
Ta được Tạo Hóa dựng nên là một cá thể độc lập và độc nhất. Không ai có thể “là” ta được cả. Nếu có một ai đó giống ta hoàn toàn, thì người đó cũng chỉ “giống” ta thôi, chứ không phải “là” ta. Cả những người có máu huyết với ta cũng không thể “là” ta. Nhưng mỗi người chúng ta là cá thể “độc nhất”, chứ không “duy nhất”. Ta biết mình độc nhất là vì cũng có những cá thể độc nhất khác ở bên ngoài kia, độc lập với ta, đập vào trong tư duy của ta một ý thức rằng giữa ta và họ có một sự phân biệt mang tính hiện sinh. Tạo Hóa đã ban cho chúng ta một đặc tính “bất khả thay thế”, nhưng Ngài cũng đặt giữa chúng ta một sợi dây tình thân để nối kết chúng ta lại, để nhìn dưới cái nhìn tổng thể, chúng ta tuy nhiều, nhưng giống như chỉ là một vậy. Bất cứ khi nào sợi dây tình thân ấy được chúng ta vun đắp, dựng xây để có được sự hài hòa, ta và tất cả những người khác sẽ mỗi ngày triển nở hơn và hưởng nếm hạnh phúc. Ngược lại, ta sẽ thấy mình chơi vơi lạc lõng như kẻ đi lang thang giữa dòng đời.
Sống cuộc sống của mình trong sự hài hòa những tương quan cũng hệt như một nghệ sĩ vẽ nên một bức tranh tuyệt tác. Nó đòi hỏi sự chú tâm, óc quan sát, sự tế nhị và cả một chút tài năng. Một bức họa sẽ thu hút người khác và mang giá trị cao khi nó có sự kết hợp tài tình giữa từng đường nét, màu sắc. Chỗ này cần đậm, chỗ kia cần nhạt, chỗ nọ phải thẳng, chỗ khác phải cong. Trong cách thức ta tương tác với người khác cũng vậy, phải nhẹ nhàng khi cần mềm mỏng, phải cứng rắn để củng cố thêm. Từng lời nói, từng cử chỉ của ta phải tùy hoàn cảnh, tùy người, tùy lúc mà thể hiện sao cho phù hợp. Đó không phải là giả dối, lươn lẹo và ba phải. Nhưng giống như ngọn cỏ, ta biết cách uốn mình theo chiều gió tự nhiên để không bị gãy, hay như con nước biết uốn mình vào từng bối cảnh khác nhau để thích nghi và tồn tại. Trong từng mối tương quan, ta phải biết trân trọng hết mức vì khi một tương quan bị đổ vỡ, ta như tự chặt đứt một “kênh” thông chuyển hạnh phúc cho mình. Với ông bà cha mẹ người thân, với hành xóm láng giềng, với thầy cô bạn hữu, với đồng nghiệp đối tác, ta cần thận trọng để sống hết mình và trao ban con người mình trong khả năng cao nhất có thể. Có như thế, ta mới được đón nhận và lãnh nhận lại tình thương mà ta đã hết lòng trao gửi cho người khác. Điều này đòi hỏi ta phải có một con tim cởi mở, biết quan tâm, biết cảm thông và yêu mến.
Chẳng ai có thể đếm được số lượng tương quan ta có với người khác, bởi vì chúng là vô cùng vô hạn. Ta không thể cùng một lúc chu toàn tất cả mọi trách nhiệm và bổn phận của mình trong hết tất cả mọi tương quan. Sự khôn ngoan trong cách hành xử của ta cũng hệ ở việc ta biết nhận định và sắp xếp: đâu là tương quan quan trọng và bất khả thay thế, cần được ưu tiên; đâu là tương quan chỉ nên dừng lại ở sự niềm nở, giao tiếp. Mức độ trưởng thành và trung nghĩa của một người sẽ được thể hiện nơi chọn lựa của người ấy trong bậc thang giá trị này. Cách hành xử của ta với một người cũng sẽ đứng đắn khi ta biết và xác định được “tên” cho tương quan giữa ta với người đó. Nếu xác định là tình bạn, ta không được đối xử với người ấy như người yêu, để rồi có những lời nói hay cử chỉ của hai người yêu nhau. Nếu xác định là tình yêu, thì đừng tệ bạc, phản bội, lọc lừa, lợi dụng hay lạnh nhạt như thể người ngoài. Trong gia đình, hãy là một người cha, người chồng, một người mẹ, người vợ, một người anh, người chị, người em đúng nghĩa và chân thực nhất, ta tự khắc sẽ biết mình cần phải hành xử ra sao để làm cho ngôi nhà trở thành mái ấm.
Chúng ta sống là sống trong một thế giới thực. Được gặp mặt, chạm tay, ôm ấp người khác sẽ làm cho ta thích thú và an vui. Những sự tiếp xúc trực tiếp như vậy mới giúp đổ đầy sự trống vắng vốn có trong cõi lòng ta. Điều đáng buồn là ngày nay, các bạn trẻ thường xa tránh thế giới thực để đi tìm những tương quan trên thế giới ảo. Bạn của ta trên facebook nhiều khi lên đến cả ngàn, nhưng chẳng có ai hiểu và là bạn của ta thực sự. Khi đăng một status hay một tấm hình, ta thích thú khi thấy có nhiều người “like” và để lại những bình luận, ta ngỡ rằng mình được nhiều người quan tâm, yêu mến, nhưng đêm về sao ta cứ thấy cô đơn. Thế giới ảo bày vẻ ra trước mắt ta những khung cảnh mơ huyền lấp lánh làm ta vui thú, nhưng chính nó cũng dẫn ta vào một khung trời giả tạo, khiến ta chìm đắm trong đó và có khi biết mình đã lạc lối, mình cũng không muốn thoát ra.
Thế giới ảo hệt như màn kịch sân khấu. Khán giả ngồi bên dưới vỗ tay tán thưởng liên hồi khiến ta vui trong thoáng chốc. Nhưng rồi sau tấm màn, lúc khán phòng trống trơn, phấn son lấm lem vì mệt mỏi, ta thấy mình chẳng khác nào một chiếc lá bị gió cuốn bay. Ta ngỡ rằng những tiếng vỗ tay kia đã đủ để xây dựng mối tương quan tốt đẹp, nhưng ta đã lầm, đó chỉ là những gì ta nghĩ mà thôi. Một tương quan đích thực đến từ sự hiểu biết lẫn nhau, đi vào trong nhau, quan tâm săn sóc lẫn nhau. Đó là sự đồng điệu của hai con tim, là nối kết của hai tâm hồn, là khi tình yêu phát ra một tần số và nhận được lời đáp của một sóng âm đi ngược chiều. Chính nó mới làm ta thỏa mãn, chính nó mới mang đến cho ta nguồn an vui bất diệt. Bởi thế, khi nói rằng cần phải xây dựng tương quan, chính là khi ta tự nhủ với mình rằng hãy dành cho nhau tình thương, sự chân thành, lòng bác ái. Đó là con đường dẫn đưa ta về bến bình an.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
http://dongten.net