“Sự nhận định” mà Thượng Hội Đồng Giám mục nói về những người ly dị tái hôn dân sự

0
43

Bản phúc trình chung kết của Thượng Hội Đồng giám mục đã dành riêng cách cụ thể ba điểm, số 84, 85 và 86, để đề cập đến vấn nạn của người ly dị tái hôn: ba điểm này đã được chuẩn nhận với sự đồng thuận của đa số hai phần ba nghị phụ, thậm chí điểm số 85 đã đạt được sự đồng thuận hai phần ba sau chỉ một lần bỏ phiếu.

PopeFrancis24Oct2015-7.jpg

Đức Hồng Y Schönborn, Tổng giám mục Viên, Áo quốc, đã nhận xét rằng đối với chủ đề này từ khoá mấu chốt là “sự nhận định” (discernimento): về việc cho phép rước lễ, những tiêu chuẩn nền tảng đã được đưa ra để nhận định về những hoàn cảnh khác nhau.

Người ly dị tái hôn cần được liên kết hơn nữa trong cộng đồng Ki tô giáo

Những tín hữu ly dị và rồi tái hôn dân sự – điểm 84 trong bản phúc trình chung kết đã khẳng định – phải được liên kết hơn nữa với cộng đồng Kitô giáo bằng những phương thức khả dĩ khác, nhưng phải tránh cơ hội có thể gây ra xì-căng-đan. Luận lý về sự liên kết là chìa khoá của sự tháp tùng mục vụ đối với những người ly dị tái hôn, bởi vì họ cần biết rằng mình không chỉ thuộc về Thân Mình của Đức Kitô đó chính là Giáo Hội, nhưng họ cũng cần có cả một kinh nghiệm vui mừng và sinh sản. Họ đã được rửa tội, họ là anh chị em, Chúa Thánh Thần đổ đầy trên họ ân huệ và đặc sủng vì lợi ích cho tất cả mọi người. Sự dự phần của họ có thể được diễn tả trong nhiều hoạt động khác nhau của Giáo Hội: vì thế cần phải nhận định đâu là những dạng thức khác nhau của việc loại trừ vốn đang được thực thi hiện nay trong địa hạt phụng vụ, mục vụ, giáo dục và cơ cấu để có thể vượt qua chúng. Họ không chỉ cần phải cảm nhận mình không bị dứt phép thông công, nhưng họ còn phải có thể sống và trưởng thành như là những chi thể sống động trong Giáo Hội, để cảm nhận Giáo Hội như một người mẹ luôn sẵn sàng đón nhận họ, quan tâm chăm sóc đến họ cùng với tất cả lòng yêu mến và khuyến khích họ trên hành trình của cuộc sống và Tin Mừng. Sự liên kết này cần thiết ngay cả đối với sự chăm sóc và giáo dục Kitô giáo đối với các con cái của họ; cả hai điều này phải luôn được xem là điều quan trọng nhất. Đối với cộng đồng Kitô giáo, việc chăm sóc những người ly dị tái hôn không phải là một sự sa sút trong chính đức tin và trong lời chứng cho sự bất khả phân ly của hôn nhân: tuy nhiên, Giáo Hội diễn tả chính sự bác ái của mình trong sự chăm sóc này.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi nhận định

Điểm 85 trích dẫn Tông Huấn Familiaris Consortio của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua đó Đức Giáo Hoàng Wojtyla đã đề nghị “một tiêu chuẩn toàn thể, vốn duy trì nền tảng cho việc đánh giá những hoàn cảnh [của người ly dị tái hôn dân sự – người dịch] này: “Vì lòng yêu sự thật, các chủ chăn phải biết rằng mình có nghĩa vụ phân biệt rõ những tình cảnh khác nhau. Thật thế, những người đã thành tâm cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân thứ nhất nhưng đã bị ruồng bỏ một cách bất công, thì khác hẳn với những người do sai lỗi trầm trọng đã phá huỷ cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau nữa cũng có trường hợp những người đã lấy một người khác để giáo dục con cái và đôi khi trong lòng cứ chủ quan tin chắc rằng cuộc hôn nhân trước, mà bây giờ đã bị phá huỷ không sao cứu vãn được, xưa nay vẫn không hề thành sự.” (Tông Huấn Familiaris Consortio, số 84). Và vì thế bổn phận của các linh mục phải đồng hành những người có liên quan trên con đường của nhận định dựa theo giáo huấn của Giáo Hội và những định hướng của giám mục. Trong tiến trình này sẽ rất hữu ích khi thực hiện một cuộc xét mình, thông qua những giây phút suy gẫm và ăn năn. Những người ly dị tái hôn phải tự vấn chính mình xem họ đã cư xử thế nào đối với con cái của mình khi tương quan của vợ chồng bắt đầu bước vào khủng hoảng; liệu đã có những nỗ lực để hoà giải hay chưa; hay tình trạng của người phối ngẫu bị bỏ rơi như thế nào; đâu là những hậu quả mà tương quan vợ chồng mới ảnh hưởng trên toàn bộ gia đình và cộng đồng các tín hữu; đâu là mẫu gương mà tương quan vợ chồng mới này có thể mang lại cho những người trẻ vốn sẽ phải chuẩn bị cho hôn nhân trong tương lai. Một sự suy xét cẩn trọng có thể củng cố niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa vốn là điều chẳng khước từ bất cứ ai.

Giáo lý: Trách nhiệm không là như nhau trong tất cả mọi trường hợp

Mặt khác – vẫn trong bản phúc trình chung kết người ta đọc thấy – không thể nào chối bỏ rằng trong một vài hoàn cảnh “việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ” (Giáo lý Giáo Hội Công Giáo, số 1735) do nguyên nhân của những điều kiện khác nhau. Kết quả là, phán đoán về một tình huống khách quan không cần phải được thực hiện bởi một phán đoán do “việc quy lỗi chủ quan” (Hội Đồng Giáo Hoàng về giải thích các văn bản Giáo luật, Tuyên ngôn ngày 24.07.2000, số 2a). Trong hoàn cảnh cụ thể, người ta sẽ gặp phải những khó khăn to lớn để hành xử theo cách thức khác nhau. Do vậy, dù chỉ đưa ra một quy luật tổng quát nhưng cần phải ý thức là trách nhiệm tương ứng đối với những hành động và quyết định cụ thể sẽ không phải là như nhau trong tất cả mọi trường hợp. Sự nhận định mang tính mục vụ, sau khi đã xem xét lương tâm ngay thẳng của những người ly dị tái hôn, cần phải thi hành bổn phận của mình trong những hoàn cảnh này. Thậm chí kết quả của những hành vị đã thực hiện không nhất thiết phải là như nhau trong mọi trường hợp.

Sự nhận định trong chân lý và trong đức ái

Cuối cùng, điểm 86 nhắc nhớ rằng: “tiến trình để đồng hành và nhận định sẽ hướng dẫn các tín hữu ly dị tái hôn suy xét trong lương tâm mình về hoàn cảnh của họ trước Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ cùng với các linh mục, nơi toà trong, góp phần cho việc định hình một phán đoán đúng đắn về những điều ngăn trở có thể có đối với khả năng tham dự tròn đầy hơn của họ vào đời sống của Giáo Hội và những cách thức mà họ có thể làm cho điều đó trở nên dễ dàng hơn và làm cho nó được tăng trưởng. Biết rằng trong chính luật này không có sự tiệm tiến (Tông Huấn Familiaris Consortio, số 34), nên sự nhận định này không thể nào bỏ qua đòi hỏi của chân lý và bác ái của Tin Mừng vốn được đề ra bởi Giáo Hội. Để điều này xảy ra, cần đảm bảo các điều kiện cần thiết của sự khiêm nhường, sự kín đáo, tình yêu đối với Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội, trong nỗ lực thành thật đi tìm ý Chúa và trong ước muốn để đạt đến một lời giải đáp hoàn hảo hơn cho điều này.”

Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai

(dongten.net 27.10.2015/ theo Radio Vatican)