Kinh Truyền Tin CN XXIV TN A: Tha thứ có thể giúp tránh được chiến tranh, đau khổ

0
30

Kinh Truyền Tin CN XXIV TN A:

Tha thứ và thương xót có thể giúp tránh được chiến tranh, đau khổ và đổ vỡ

***

Vatican News (13.9.2020) – Đức Thánh Cha nhận định rằng trong cuộc sống, không phải mọi việc đều có thể giải quyết bằng công lý; tình yêu thương xót có thể ngăn chặn được bao đau thương, đổ vỡ, chiến tranh. Ngài mời gọi các tín hữu hãy có tình yêu thương xót trong mọi tương quan, từ gia đình đến cộng đoàn, xã hội và chính trị.

Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 13 tháng 9, như thường lệ, từ cửa sổ Dinh Tông tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô.

Đức Thánh Cha bắt đầu buổi đọc kinh với bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXIV Thường niên, nói về việc phải tha thứ luôn luôn.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha phân tích khoảng cách to lớn giữa hai món nợ được nói đến trong dụ ngôn: Trong dụ ngôn chúng ta đọc trong bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn về vị vua nhân từ thương xót (x. Mt 18,21-35), hai lần chúng ta gặp thấy lời cầu xin: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc.26.29). Lần đầu tiên, lời cầu xin này được thốt lên bởi người đầy tớ phải trả cho ông chủ mười ngàn nén bạc, một số bạc khổng lồ, ngày nay có thể là hàng triệu hàng triệu euro. Lần thứ hai, nó được lập lại bởi một đầy tớ khác của cùng ông chủ đó. Anh ta cũng mắc nợ, nhưng không nợ ông chủ mà nợ người đầy tớ đang mắc món nợ khổng lồ, và món nợ của anh ta vô cùng ít ỏi, có thể chỉ bằng một tuần lương.

Chạnh lòng thương

Từ đó, Đức Thánh Cha giải thích dụ ngôn: Trọng tâm của dụ ngôn là sự tha nợ của ông chủ đối với người đầy tớ mắc món nợ khổng lồ. Thánh sử nhấn mạnh rằng “tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương cho y về và tha luôn món nợ.” (c. 27). Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Đừng bao giờ quên từ chạnh lòng thương, đó là lời của chính Chúa Giê-su: “Chạnh lòng thương xót”, Chúa Giê-su luôn thương xót. Một món nợ khổng lồ, do đó sự ân xá rất lớn! Nhưng ngay lập tức sau đó, người đầy tớ đó đã tỏ ra không thương xót đối với người bạn của mình, người chỉ nợ ông ta một số tiền nhỏ. Ông không lắng nghe anh ta, mắng nhiếc anh và tống anh vào ngục cho đến khi trả xong món nợ nhỏ đó (x. c. 30). Ông chủ biết được điều đó đã tức giận, gọi người đầy tớ gian ác đến và kết án ông (x. cc. 32-34): “Nhưng tôi đã tha cho ông rất nhiều và ông không thể tha thứ cho người nợ ít ỏi này sao?”

Lòng thương xót thắng vượt công lý

Đức Thánh Cha phân tích thái độ của hai chủ nợ: Trong dụ ngôn, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau: thái độ của Thiên Chúa – được biểu trưng bởi vị vua – Người tha thứ rất nhiều, bởi vì Thiên Chúa luôn tha thứ – và thái độ của con người. Trong thái độ của Thiên Chúa, lòng thương xót thắng vượt công lý, trong khi thái độ của con người chỉ giới hạn ở công lý. Đức Thánh Cha nhận định: Chúa Giê-su mời gọi chúng ta can đảm mở lòng ra với sức mạnh của tha thứ, bởi vì trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng công lý. Chúng ta biết điều đó. Cần có tình yêu thương xót, cũng là nền tảng trong câu Chúa Giê-su trả lời thánh Phê-rô trước dụ ngôn: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (c. 21). Và Chúa Giêsu trả lời ông: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (c. 22). Trong ngôn ngữ tượng trưng của Thánh Kinh, điều này có nghĩa là chúng ta được kêu gọi luôn luôn tha thứ!

Tha thứ và thương xót có thể giúp tránh chiến tranh, đau khổ

Bao nhiêu đau khổ, đổ vỡ rách nát, chiến tranh sẽ có thể tránh được, nếu tha thứ và lòng thương xót là cách chúng ta sống! Ngay cả trong gia đình, bao nhiêu gia đình chia ly vì không biết tha thứ cho nhau , bao nhiêu anh chị em mang lòng thù ghét nhau. Cần áp dụng tình yêu thương xót vào trong tất cả các tương quan của con người: giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, trong cộng đoàn của chúng ta, trong Giáo hội và cả trong xã hội và trong chính trị.

“Hãy nghĩ đến điều sau hết và thôi hận thù”

Đức Thánh Cha chia sẻ: Hôm nay trong khi cử hành Thánh lễ, tôi đã dừng lại, tôi bị đánh động bởi một câu trong sách Huấn ca, nói thế này: “Ngươi hãy nhớ đền điều sau hết và chấm dứt hận thù”. Một câu thật hay! Hãy nghĩ đến sự chết! Hãy nghĩ rằng bạn sẽ nằm trong quan tài và bạn sẽ mang theo thù hận xuống đó. Hãy nghĩ về điều sau hết và  chấm dứt hận thù! Chấm dứt thù ghét. Chúng ta hãy nghĩ đến câu rất đánh động này: “Hãy nghĩ đến điều sau hết và thôi hận thù.”

Không dễ để tha thứ bởi vì trong lúc bình an người ta nói: “Đúng, người này đã gây cho tôi đủ điều nhưng tôi cũng đã gây nhiều điều cho họ. Thà tha thứ để được tha thứ ”. Nhưng rồi sự oán hận lại quay về, như con ruồi làm cho khó chịu trong mùa hè, cứ đến, cứ quay lại … Tha thứ không phải chỉ là chuyện trong chốc lát, nó là một điều liên tục chống lại sự giận ghét, sự thù ghét cứ trở lại trong tâm trí. Hãy nghĩ đến điều sau hết, đừng thù ghét nữa.

Nếu chúng ta không tha thứ và yêu thương thì cả chúng ta cũng không được thứ  tha và thương yêu

Dụ ngôn hôm nay giúp chúng ta hiểu trọn vẹn ý nghĩa của câu chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Những lời này chứa đựng một chân lý tuyệt đối. Chúng ta không thể mong đợi ơn tha thứ của Thiên Chúa nếu chúng ta không tha thứ cho người lân cận. Đó là một điều kiện: hãy nghĩ về điều sau hết, hãy nghĩ về ơn tha thứ của Thiên Chúa để thôi thù hận, vất bỏ giận hờn. Nếu chúng ta không cố gắng tha thứ và yêu thương thì cả chúng ta cũng không được tha thứ và yêu thương.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi hãy phó thác cho lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Thiên Chúa: xin Mẹ giúp chúng ta ý thức mình là những người mắc nợ Thiên Chúa và giúp chúng ta luôn nhớ điều này, để chúng ta mở rộng tâm hồn ra với lòng thương xót và thiện hảo.

Hồng Thủy

Nguồn: vaticannews.va/vi