Tại sân bay cũ Kololo ở Kampala, 150.000 người trẻ Uganda chờ đợi dưới trời nắng nôi, nhưng đầy háo hức hát và nhảy, chào đón Đức Phanxicô.
Đức Giáo hoàng lắng nghe các lời chứng của Winnie Nansumba, 24 tuổi, mắc bệnh AIDS từ lúc mới sinh, và cha mẹ cô qua đời từ khi cô 7 tuổi. Đức Phanxicô cũng lắng nghe Emmanuel Odokonyero, từng bị LRA [Lord’s Resistance Army] một nhóm nổi dậy Kitô giáo, bắt cóc hồi năm 2003. Anh đã chứng kiến các chủng sinh bạn của mình bị tra tấn, có người bị giết, nhưng rồi đã tìm được sức mạnh để trốn thoát. Hai lời chứng đầy xúc động. Một lần nữa, Đức Phanxicô bỏ qua bài diễn văn soạn sẵn, và nói từ đáy lòng mình.
‘Cha lắng nghe mà lòng đau đớn vô cùng trước những lời chứng của Winnie và Emanuel. Khi nghe, cha tự hỏi mình rằng. Trong đời, một kinh nghiệm tiêu cực có mục đích hay không? Câu trả lời là có.Cả Emanuel và Winnie đều có những kinh nghiệm rất tiêu cực trong đời mình. Winnie nghĩ là mình không có tương lai, nghĩ cuộc sống như một bức tường chắn lối. Nhưng Chúa Giêsu cho cô thấy rằng trong đời, có thể có những phép lạ lớn lao. Một bức tường có thể biến thành con đường đến tương lai. Một con đường mở ra với tương lai. Nhiều người chúng ta ở đây đã có những kinh nghiệm rất tiêu cực. Nhưng luôn luôn có khả năng mở ra một con đường đến với tương lai, và con đường đó mở ra với quyền năng của Chúa Giêsu. Hôm nay, Winnie đã biến cơn trầm cảm khủng hoảng và trải nghiệm tồi tệ của mình thành hi vọng, và đây không phải chuyện ảo thuật. Đây là việc Chúa Giêsu Kitô làm. Bởi Chúa Giêsu là Thiên Chúa.’
Đức Phanxicô tiếp lời: ‘Chúng ta hãy thử tưởng tượng Emanuel đau khổ đến thế nào khi anh thấy bạn mình bị tra tấn. Khi anh biết bạn mình bị giết. Emanuel đã can trường. Anh dũng cảm. Anh biết nếu anh trốn chạy mà họ bắt được, thì anh sẽ bị giết. Anh đã dám mạo hiểm. Anh tin vào Chúa Giêsu và đã trốn thoát, và hôm nay anh ở đây với chúng ta, sau 14 năm anh đã tốt nghiệp trường Khoa học.’
Rồi Đức Phanxicô nói về các thánh tử đạo. ‘Đời sống như một hạt giống. Để sống chúng ta phải chết đi. Và đôi khi, chúng ta chết về thể xác, như những người bạn của Emanuel. Chết như thánh Charles Lwanga, chết tử đạo. Nhưng qua cái chết đó, là sự sống cho tất cả. Nếu tôi biến một sự tiêu cực thành tích cực, thì tôi chiến thắng. Nhưng điều này chỉ có thể được với ơn Chúa Giêsu Kitô.’
Đức Giáo hoàng đặt ra một loạt câu hỏi với những người trẻ hiện diện, và câu nào cũng được đáp lại bằng một lời ‘Có’ đồng thanh dõng dạc. ‘Các con có sẵn sàng biến tất cả những chuyện tiêu cực trong đời thành chuyện tích cực không? Các con có sẵn sàng biến thù hận thành yêu thương không? Các con có sẵn sàng biến chiến tranh thành hòa bình không? Tất các các con có nhận thức rằng mình là một dân tộc của các bậc tử đạo không? Trong huyết quản các con đang chảy dòng máu tử đạo. Đây là lý do vì sao các con có đức tin mạnh mẽ và sự sống hân hoan lúc này.’
Khi chúng ta không làm tốt, chúng ta cần xin Chúa Giêsu giúp cho. Chúa Giêsu có thể thay đổi đời các con. Chúa Giêsu có thể phá vỡ mọi bức tường đang dựng lên quanh các con. Chúa Giêsu có thể biến đời sống các con thành việc phục vụ tha nhân. Nếu các con cần giúp đỡ, thì hãy xin. Nghĩa là hãy cầu nguyện. Cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất của một người trẻ. Chúa Giêsu yêu thương tất cả mọi người. Chúa muốn giúp tất cả mọi người. Các con phải mở lòng mình ra để Chúa đi vào. Khi Chúa Giêsu mở đời sống của các con ra, thì Ngài chiến đấu chống lại tất cả những vấn đề mà Winnie đã nói đến. Ngài giúp chống lại trầm cảm, chống lại bệnh AIDS. Chúng ta hãy xin Chúa giúp đỡ để thắng những tình trạng này.’
Cuối cùng, Đức Phanxicô mời gọi các bạn trẻ cùng chung lời cầu nguyện với Đức Mẹ. ‘Khi một cậu bé bị ngã và bị thương, cậu chạy đến với mẹ mình. Khi chúng ta có vấn đề, việc tốt nhất có thể làm, là chạy đến với mẹ chúng ta, và cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ chúng ta.’
Vatican Insider – Andrea Tornielli – 28/11/2015
Từ Kampala
J.B. Thái Hòa chuyển dịch