ĐTC trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Nam Sudan về Rôma

0
10

ĐTC trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Nam Sudan về Rôma

1. Jean-Baptiste Malenge (RTCE-Radio Catolique Elikya ASBL)

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã rất mong mỏi được đến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo… ngài đã nhìn thấy niềm vui… Ngài đánh giá hiệp ước được ký kết vào năm 2016 giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Dân chủ Congo về giáo dục và y tế có tầm quan trọng nào?

– Tôi không biết hiệp ước đó; tuy nhiên, Quốc vụ khanh có thể đưa ra ý kiến. Tôi biết gần đây có một hiệp ước đang được tiến hành, nhưng tôi không thể trả lời điều đó. Tôi thậm chí không biết sự khác biệt của cái mới đang được tiến hành. Những vấn đề này được xử lý bởi Phủ Quốc vụ khanh, hay bởi [Đức Tổng Giám mục] Gallagher, và họ rất giỏi trong việc thực hiện các hiệp ước vì lợi ích của tất cả mọi người. Tôi đã thấy CHDC Congo rất khát khao tiến lên phía trước, và rất giàu văn hóa. Trước khi đến đây, vài tháng trước, tôi đã có một cuộc họp Zoom với một nhóm sinh viên đại học châu Phi rất thông minh. Các bạn có những người có trí thông minh vượt trội – đây là một trong những tài sản của các bạn: những người trẻ tuổi thông minh và chúng ta phải dành chỗ cho họ, thay vì đóng cửa. Có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên thu hút mọi người đến và khai thác Congo – xin thứ lỗi cho tôi vì từ ngữ này. Có một ý tưởng hiện đang tồn tại: “Châu Phi phải được khai thác.” Một số người nói – tôi không biết có đúng không – rằng các nước thuộc địa cũ đã trao độc lập từ mặt đất lên, nhưng không phải ở dưới lòng đất, vì vậy họ đến để lấy khoáng sản. Nhưng chúng ta phải loại bỏ ý tưởng rằng châu Phi là để bóc lột. Và tôi đau lòng khi nói về sự bóc lột; những vấn đề ở phía đông khiến tôi đau đớn. Tôi đã có thể gặp gỡ những nạn nhân của cuộc chiến đó, bị thương, bị cụt chân tay, vô cùng đau lớn, tất cả để lấy các tài sản. Điều này là không tốt. Không tốt. Congo có rất nhiều khả năng.

2. Jean-Luc Mootosamy (CAPAV)

Chúng ta đã thấy bạo lực vẫn lan rộng ở CHDC Congo và Nam Sudan, bất chấp sự hiện diện của các phái bộ Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập kỷ. Làm thế nào các ngài có thể, cùng với nhau, giúp cổ võ một mô hình can thiệp mới, trước cám dỗ ngày càng tăng của nhiều quốc gia châu Phi trong việc chọn các đối tác khác để bảo đảm an ninh, những đối tác có thể không tôn trọng luật pháp quốc tế như một số công ty tư nhân của Nga hay các tổ chức ở vùng Sahel chẳng hạn.

Bạo lực là một chủ đề hàng ngày. Chúng ta vừa thấy nó ở Nam Sudan. Thật đau lòng khi thấy bạo lực được kích động như thế nào. Một trong những vấn đề là việc buôn bán vũ khí. Đức Tổng Giám mục Welby cũng đã nói đôi điều về điều này. Buôn bán vũ khí: Tôi nghĩ đây là tai họa lớn nhất trên thế giới. Việc kinh doanh… buôn bán vũ khí. Một người am hiểu những vấn đề này đã nói với tôi rằng nếu không bán vũ khí trong vòng một năm thì nạn đói trên thế giới sẽ chấm dứt. Tôi không biết nếu đó là sự thật. Nhưng đứng đầu hiện nay là việc bán vũ khí. Và không chỉ giữa các cường quốc. Ngay cả giữa các nước nghèo này… họ gieo rắc chiến tranh với nhau. Thật tàn bạo. Họ bảo nhau, “Hãy ra trận!” và họ đưa cho nhau vũ khí. Vì đằng sau đó là những lợi ích kinh tế để khai thác đất đai, khoáng sản, của cải. Đúng là chủ nghĩa bộ lạc ở Châu Phi không có ích. Bây giờ tôi thực sự không biết tình hình ở Nam Sudan như thế nào. Tôi nghĩ ở đó cũng vậy. Nhưng cần phải có sự đối thoại giữa các bộ lạc khác nhau. Tôi nhớ khi tôi ở Kenya trong sân vận động đầy người. Mọi người đứng lên và nói không với chủ nghĩa bộ lạc, nói không với chủ nghĩa bộ lạc. Mọi người đều có lịch sử của riêng mình, có những kẻ thù cũ, những nền văn hóa khác nhau.

Nhưng cũng đúng khi bạn kích động cuộc chiến giữa các bộ tộc bằng cách bán vũ khí và sau đó bạn khai thác cuộc chiến của cả hai bộ tộc. Đây là việc của ma quỷ. Tôi không thể nghĩ ra một từ nào khác. Đây là hủy diệt: hủy diệt thụ tạo, hủy diệt con người, hủy diệt xã hội. Tôi không biết liệu điều đó có xảy ra ở Nam Sudan hay không nhưng nó xảy ra ở một số quốc gia: các cậu bé được tuyển dụng để trở thành một phần của lực lượng dân quân và chiến đấu với những cậu bé khác. Tóm lại, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là sự nôn nóng muốn lấy tài sản của đất nước đó – coltan, lithium, những thứ này – và thông qua chiến tranh, họ bán vũ khí, họ cũng bóc lột trẻ em.

3. Claudio Lavanga (NBC NEWS)

Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi ngài, vì Đức Tổng Giám mục Welby đã nhắc lại khoảnh khắc đáng kinh ngạc đó vào năm 2019 khi ngài quỳ gối trước các nhà lãnh đạo của Nam Sudan để yêu cầu hòa bình. Thật không may, trong hai tuần nữa, sẽ là ngày kỷ niệm một năm của một cuộc xung đột khủng khiếp khác, cuộc xung đột ở Ucraina, và câu hỏi của con là: Ngài có sẵn sàng thực hiện cử chỉ tương tự với ông Vladimir Putin nếu ngài có cơ hội gặp ông ấy không, vì những lời kêu gọi hòa bình của ngài cho đến nay đã bị bỏ ngoài tai? Và con muốn hỏi cả ba vị rằng liệu các ngài có muốn đưa ra lời kêu gọi chung cho hòa bình ở Ucraina hay không, vì đây là khoảnh khắc hiếm hoi khi có cả ba vị [cùng nhau]?

Tôi sẵn sàng gặp cả hai tổng thống: Tổng thống Ucraina và Tổng thống Nga – tôi sẵn sàng gặp gỡ. Nếu tôi chưa đi Kyiv là bởi vì vào lúc đó không thể đi Mátxcơva; nhưng tôi đã đối thoại. Trên thực tế, vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đã đến Đại sứ quán Nga để nói rằng tôi muốn đến Mátxcơva để nói chuyện với ông Putin, với điều kiện có một cơ hội nhỏ để đàm phán. Và Bộ trưởng Lavrov trả lời rằng ông đang cân nhắc điều này nhưng [đã nói], “Chúng ta hãy xem xét nó sau.” Cử chỉ đó là điều mà tôi đã nghĩ, tôi nghĩ rằng “Tôi đang làm điều đó vì ông ấy” [vì ông Putin]. Nhưng cử chỉ của cuộc họp năm 2019, tôi không biết nó diễn ra như thế nào; nó không được nghĩ trước, và bạn không thể lặp lại những điều không được nghĩ trước – chính Thánh Linh sẽ đưa bạn đến đó. Không thể giải thích được, hoàn toàn không. Và tôi cũng đã quên nó. Đó là một sự phục vụ, tôi là công cụ của một số thúc đẩy nội tâm, không phải là một điều đã được lên kế hoạch.

Hôm nay chúng ta đang ở thời điểm này, nhưng đó không phải là cuộc chiến duy nhất. Tôi muốn thực thi công lý: Syria đã có chiến tranh trong 12 đến 13 năm, Yemen đã có chiến tranh trong hơn 10 năm; hãy nghĩ đến Myanmar, đến những người Rohingya nghèo khổ đi khắp thế giới vì họ bị đuổi khỏi quê hương. Ở khắp mọi nơi, ở Mỹ Latinh… có biết bao nhiêu là điểm nóng của chiến tranh! Vâng, có nhiều cuộc chiến quan trọng hơn vì tiếng ồn mà chúng tạo ra, nhưng, tôi không biết, cả thế giới đang có chiến tranh và đang tự hủy diệt. Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc: đó là tự hủy diệt. Chúng ta phải dừng lại đúng lúc, bởi vì một quả bom sẽ trả lại bạn một quả lớn hơn và một quả lớn hơn, và trong sự leo thang chiến tranh, bạn không biết mình sẽ kết thúc ở đâu. Chúng ta cần phải có một cái đầu lạnh.

Đức Tổng Giám mục và mục sư Greenshields đều nói về phụ nữ. Tôi đã thấy những người phụ nữ ở Nam Sudan: họ nuôi nấng con cái, đôi khi một mình, nhưng họ có sức mạnh để tạo dựng một đất nước; phụ nữ thật tuyệt vời. Những người đàn ông ra trận, đi chiến đấu, và những người phụ nữ này với hai, ba, bốn, năm đứa con tiếp tục tiến bước. Tôi đã thấy họ ở Nam Sudan. Và nói về phụ nữ, tôi muốn nói một lời về các nữ tu, những nữ tu can thiệp vào những gì đang xảy ra – Tôi đã thấy một số họ ở đây tại Nam Sudan, và rồi trong Thánh lễ hôm nay, các bạn đã nghe thấy tên của nhiều nữ tu đã bị giết… Chúng ta hãy quay trở lại với sức mạnh của “phụ nữ.” Chúng ta phải nhìn nhận chúng một cách nghiêm túc và không sử dụng chúng như một quảng cáo mỹ phẩm: xin đừng làm như thế, đây là một sự xúc phạm đến phụ nữ; phụ nữ là dành cho những điều lớn lao hơn! Về điểm khác, tôi đã nói với các bạn rồi, hãy nhìn vào các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới.

4. Bruce De Galzain (Đài phát thanh Pháp)

Thưa Đức Thánh Cha, trước khi khởi hành bắt đầu chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã tố cáo việc cho rằng đồng tính là một tội phạm, một điều không được các gia đình ở Nam Sudan hay Congo chấp nhận. Tuần này ở Kinshasa, con đã gặp năm người đồng tính, mỗi người họ đã bị từ chối và thậm chí bị trục xuất khỏi gia đình của họ. Họ giải thích với con rằng việc họ bị chối từ xuất phát từ sự giáo dục tôn giáo của cha mẹ họ – một số người trong số họ được đưa đến các linh mục trừ tà vì gia đình họ tin rằng họ bị ám bởi những thần ô uế. Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con là: Ngài nói gì với các gia đình ở Congo và Nam Sudan, những người vẫn từ chối con cái của họ, và nói gì với các linh mục, với các giám mục?

Tôi đã nói về vấn đề này trong hai chuyến viếng thăm; lần đầu tiên [khi tôi trở về] từ Brazil: “Nếu một người có khuynh hướng đồng tính là một tín hữu và tìm kiếm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét anh ta?” Tôi đã nói điều này trong chuyến đi đó. Lần thứ hai, từ Ireland về, một chuyến đi hơi có vấn đề bởi vì hôm đó lá thư của chàng thanh niên đó vừa được đăng… nhưng lần đó tôi đã nói rõ ràng với các bậc cha mẹ: “Những đứa con có khuynh hướng này có quyền ở lại trong nhà; quý vị không thể đuổi họ ra khỏi nhà.” Và rồi gần đây tôi đã nói một điều, tôi không thực sự nhớ chính xác những lời của mình, trong cuộc phỏng vấn với Associated Press. Việc cho rằng đồng tính là tội phạm là một vấn đề không được phép bỏ qua. Người ta ước tính rằng, ít nhiều, năm mươi quốc gia, bằng cách này hay cách khác, thúc đẩy hình thức tội phạm hóa này – họ nói với tôi nhiều hơn, nhưng hãy nói ít nhất là năm mươi – và một số trong số này – tôi nghĩ là mười, thậm chí còn kết án tử hình [dành cho người đồng tính]. Điều này không đúng, những người có khuynh hướng đồng tính là con cái Thiên Chúa, Thiên Chúa yêu thương họ, Thiên Chúa đồng hành với họ. Đúng là một số người rơi vào tình trạng này vì nhiều tình huống không mong muốn khác nhau, nhưng kết tội những người như vậy là một tội lỗi; hình sự hóa những người có khuynh hướng tình dục đồng giới là một sự bất công. Tôi không nói về các nhóm, mà là về con người. Một số người nói: họ tham gia vào các nhóm tạo ra tiếng ồn. Tôi đang nói về con người; các nhóm là một cái gì đó khác nhau. Tôi đang nói về con người. Và tôi tin rằng Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói rằng họ không nên bị gạt ra ngoài lề xã hội. Điểm này, tôi tin, là rõ ràng.

5. Alexander Hecht (Truyền hình ORF)

Một câu hỏi dành cho Đức Giáo Hoàng: trong những ngày gần đây đã có nhiều cuộc nói chuyện về sự hiệp nhất. Cũng đã có sự thể hiện về sự hiệp nhất Kitô giáo ở Nam Sudan, và cả sự hiệp nhất trong chính Giáo hội Công giáo. Con muốn hỏi ngài rằng ngài có cảm thấy rằng sau cái chết của Đức Biển Đức XVI, công việc và sứ vụ của ngài trở nên khó khăn hơn cho ngài không, bởi vì những căng thẳng giữa các phe cánh khác nhau của Giáo hội Công giáo đã trở nên mạnh mẽ hơn?

Về điểm này, tôi muốn nói rằng tôi đã có thể nói về mọi thứ với Đức Biển Đức. [Cũng] để thay đổi ý kiến. Ngài luôn ở bên cạnh tôi, ủng hộ tôi, và nếu ngài có vấn đề gì, ngài sẽ nói với tôi và chúng tôi sẽ nói chuyện. Không có vấn đề gì. Có lần tôi đã nói chuyện với ngài về hôn nhân của những người đồng tính, về thực tế rằng hôn nhân là một bí tích và chúng ta không thể tạo nên một bí tích, nhưng có khả năng đảm bảo tài sản thông qua luật dân sự, điều vốn đã bắt đầu ở Pháp, [nơi] bất kỳ người nào cũng có thể tạo thành một kết hợp dân sự, không nhất thiết phải là một cặp vợ chồng. Ví dụ, những cụ bà đã nghỉ hưu… bởi vì họ có thể kiếm được rất nhiều tiền.

Một người tự coi mình là một nhà thần học vĩ đại, đã đến gặp Đức Giáo hoàng Biển Đức, thông qua một người bạn của ngài, và phàn nàn về tôi. Đức Biển Đức không quan tâm. Ngài gọi bốn Hồng y, là những nhà thần học cấp cao nhất, và nói: “Hãy giải thích điều này cho tôi”, và họ đã giải thích điều đó. Và như vậy, câu chuyện đã kết thúc.

Đó là một giai thoại cho thấy cách Đức Biển Đức đã hành động khi có lời phàn nàn. Một số câu chuyện nói rằng Đức Biển Đức đã cảm thấy cay đắng trước những gì vị tân Giáo hoàng đã làm, đó là những câu chuyện từ “một trò chơi điện thoại”. Trên thực tế, tôi đã tham khảo ý kiến ​​của Đức Biển Đức về một số quyết định sẽ được thực hiện. Và ngài đã đồng ý. Ngài đã đồng ý.

Tôi tin rằng cái chết của Đức Biển Đức đã bị lợi dụng bởi những người muốn thêm lúa mì vào cối xay của họ. Và những người lợi dụng một người tốt như vậy, một người của Chúa như vậy, tôi xin nói là một người cha thánh thiện của Giáo hội, tôi xin nói họ là những người vô đạo đức, họ là những người thuộc đảng phái, không thuộc Giáo hội… Bạn có thể thấy ở khắp mọi nơi xu hướng biến các quan điểm thần học thành các bè phái.

Những điều này sẽ tự sụp đổ, hoặc nếu không sụp đổ, chúng sẽ tiếp tục như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử của Giáo hội. Tôi muốn nói rõ Đức Biển Đức là ai: ngài không cay đắng.

6. Jorge Barca Antelo (RNE)

Con chào Đức Thánh Cha. Hôm nay chúng ta trở về từ hai quốc gia là nạn nhân của điều mà ngài gọi là sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ. Ngài đã nói về điều này từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài và kể từ chuyến đi của ngài đến Lampedusa. Theo một cách nào đó, một vòng tròn đã được khép lại trong tuần này. Ngài có vẫn đang nghĩ đến việc mở rộng bán kính của vòng tròn này, đến việc đi nơi khác, đến thăm các quốc gia bị lãng quên khác không? Ngài đang nghĩ đến việc đi đến những nơi nào? Và sau hành trình dài và bận rộn này, ngài cảm thế nào? Ngài vẫn cảm thấy mạnh mẽ chứ? Ngài có cảm thấy sức khỏe của mình đủ tốt để đi hết những nơi này không?

Có sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ ở khắp mọi nơi. Trong một đất nước, nhiều người đã quên nhìn vào những đồng bào, những đồng hương của họ, gạt họ sang một bên để không nghĩ đến họ. Nghĩ rằng vận may lớn nhất trên thế giới nằm trong tay của một thiểu số. Và những người này không nhìn vào những người khốn cùng, trái tim của họ không mở lòng để giúp đỡ.

Về các chuyến viếng thăm: Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ là tiếp theo, vào năm tới. Vào ngày 29 tháng 9 tôi sẽ đi Marseilles, và có khả năng từ Marseilles tôi sẽ bay đến Mông Cổ, nhưng điều đó vẫn chưa được quyết định. Nó có thể. Tôi không nhớ một chuyến khác trong năm nay. Đó là Lisbon.

Tiêu chí là: Tôi đã chọn đến thăm các quốc gia nhỏ nhất ở Châu Âu. Mọi người sẽ nói: “Nhưng ngài đã đến Pháp,” không, tôi đã đến Strasbourg; tôi sẽ đến Marseilles, không phải đến Pháp. Những phần nhỏ, những nơi nhỏ bé. [Tiêu chí là] để biết một chút về Châu Âu còn ẩn giấu, Châu Âu giàu văn hóa nhưng không được biết đến. Để đồng hành với các nước, ví dụ như Albania, nước đầu tiên và là nước chịu ách độc tài tàn ác nhất, dã man nhất trong lịch sử. Và sự lựa chọn của tôi là thế này: cố gắng không rơi vào sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ.

[Về sức khỏe:] Bạn biết rằng cỏ dại xấu không bao giờ chết. Không như khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng, cái đầu gối này gây khó chịu, nhưng nó tiến triển từ từ, vì vậy hãy chờ xem. Xin cảm ơn.

Vatican News

nguồn: Vatican News Tiếng Việt

#tongdunamsudan #dtctraloiphongvan