Cộng hòa Trung Phi chờ đợi ĐTC trong bất an

0
55

Trong các ngày từ 25 tới 30 tháng 11 ĐTC Phanxicô sẽ lên đường công du ba nước Phi châu là Kenya, Uganda và cộng hòa Trung Phi. Tuy tình hình tại Trung Phi rất bất ổn, nhưng ĐTC không huỷ bỏ chương trình viếng thăm.

Papa-VIAJE-AFRICA.jpg

Trung Phi rộng hơn 623.000 cây số vuông, có gần 5 triệu dân. Theo thống kê của chính quyền có 80% tổng số dân theo Kitô giáo, trong đó 51% theo Tin Lành, 29% theo Công Giáo. Số còn lại gồm 10% theo Hồi giáo và 10% theo đạo thờ vật linh. Thật ra tín hữu công giáo chiếm 37,3%, các tôn giáo cổ truyền Phi châu chiếm 20%, tín hữu tin lành chiếm 16% và tín hữu hồi chiếm 15%.

Công việc truyền giáo tại Trung Phi đã bắt đầu năm 1894 khi các cha dòng Thánh Thần Brazaville thành lập cứ điểm truyền giáo Ubanghi-Chari ở mạn nam Trung Phi và nhiều cứ điểm truyền giáo trong các năm sau đó. Năm 1909 Toà Thánh thành lập giáo quận tông tòa Ubanghi-Chari. Giáo quận này sẽ trở thành giáo quận Bangui năm 1940. Năm 1914 các thừa sai tiến sâu hơn vào mạn bắc Trung Phi. Năm 1938 Giáo Hội Trung Phi có linh mục bản xứ đầu tiên và năm 1968 vị Giám Mục bản xứ đầu tiên được tấn phong. Năm 1985 Đức Gioan Phaolô II đã công du mục vụ Trung Phi và từ năm 2004 các Kinh sĩ dòng Lateranensi đã mở cứ điểm truyền giáo tại Safa. Giáo Hội Trung Phi hiện có 16 Giám Mục cai quản 9 gíáo phận  với 197 linh mục giáo phận. 153 linh mục dòng , 44 tu huynh, 343 nữ tu, 141 đại chủng sinh, 6.279 giáo lý viên.  Giáo Hội cũng diều khiển 305 cở sở giáo dục và 118 trung tâm bác ái xã hội.

Tín hữu công giáo được hơn, 1,7 triệu chiếm 37,3% tông số dân. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chính quyền Trung Phi và Toà Thánh đã thiết lập liên lạc ngoại giao ngày mùng 4 tháng 11 năm 1967 trên cấp bậc đại sứ và toà Sứ Thần.

Trung Phi giáp giới với các nước Ciad, Bắc Sudan, nam Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, và Camerun và không có đường thông ra biển. Dưới thời thuộc địa Pháp vùng đất này có tên gọi là Ubanghi Shari, Chỉ tử khi được độc lập năm 1960 nó mới được gọi là Cộng hòa Trung Phi. Vùng này đã có người ở từ rất lâu đời trước khi đế quốc Ai Cập nảy sinh. Qua bao thế kỷ đã có các vương quốc và đế quốc tiếp nối nhau như đế quốc Kanem-Bornu, đế quốc Uaddai, vương quốc Baguirmi. Các nhóm gốc Fur sống chung quanh hồ Ciad và dọc sông Nilô. Sau này Trung Phi nằm dưới quyền cai trị của các Sultan hồi và là vùng cung cấp nô lệ bị bán tại Bắc Phi qua sa mạc Sahara, nhất là tại Cairo. Trong các thế kỷ XVIII-XIX có nhiều chủng tộc mới tìm đến sinh sống tại đây như chủng tộc Asandes, Banda và Baya-mandjia. Vào năm 1875 Sultan Rabih az-Zubayr cai trị vùng Ubangi Thượng bao gồm cả Trung Phi ngày nay. Vào năm 1885 người Pháp và người Bỉ đặt chân lên vùng đất này. Sau khi chiến thắng Sultan Rabih trong trận đánh tại Kousseri năm 1903 người Pháp thiết lập chế độ thuộc địa trên toàn Trung Phi. Năm 1906 Trung Phi được hiệp nhất với Ciad và năm 1910 trở thành một trong bốn vùng đất của Liên hiệp Phi châu xích đạo Pháp. Chính quyền  Pháp khai thác tài nguyên qua các đồn điền trồng bông và các quặng mỏ như kim cương. Trong thời đệ nhị thế chiến nhiều người dân Trung Phi nghe lời hiệu triệu của tướng Charles De Gaulle chiến đấu cho nước Pháp tự do. Sau đệ nhị thế chiến năm 1946 chính quyền Pháp đã đưa ra một loạt các cải tổ cho phép người dân trong liên hiệp có quốc tịch pháp và thành lập các quốc hội địa phương.

Năm 1960 Trung Phi được độc lập, nhưng lại rơi vào ách cai trị của các chế độ quân phiệt kéo dài trong 30 năm, với các tổng thống David Dacko, Jean Bédel Bokassa tự phong làm hoàng đế Trung Phi năm 1972, Kolingba và Ange-Félix Patassé. Mãi cho tới năm 1993 Trung Phi mới có chính quyền dân sự đầu tiên kéo dài 10 năm. Năm 2003 tổng thống Patassé bị tướng Françcois Bozizé đảo chánh. Ông Bozizé thành lập một chính quyền chuyển tiếp. Trong cuộc bầu cử năm 2005 ông được bầu làm tổng thống,  nhưng chính quyền Bangui đã không kiểm soát được toàn lãnh thổ, vì có những vùng bất hợp pháp tại vùng quê và các tỉnh miền bắc, là nơi xảy ra các vụ đụng độ thường xuyên giữa quân đội chính phủ và các phiến quân. Tình hình bất ổn tại các nước láng giềng cũng ảnh hưởng trên Trung Phi. Nhưng một trong các ký do của bất ổn đó là sự kiện Châu Âu tài trợ cho chiến tranh tại Trung Phi để trục lợi qua các trao đổi thương mại, nhập cảng tài nguyên bất hợp pháp và các qùa tặng. Trong số các dịch vụ thương mại có việc buôn bán gỗ và các quặng mỏ của Trung Phi. Trung quốc cũng là một khách hàng lớn của Trung Phi, trong khi 50% gỗ của Trung Phi được bán cho các nước Âu châu.

Cuộc nội chiến tại Trung Phi bùng nổ hồi năm 2012, khi một nhóm người Hồi Seleka nổi lên đánh nhau với quân đội chính phủ và chỉ nội trong ba tháng đã tiến chiếm thủ đô Bangui khiến cho tổng thống Bozizé phải chạy trốn ra nưóc ngoài vào tháng ba năm 2013, ban đầu tại Cộng hóa dân chủ Congo, sau đó tại Camerun. Đi tới đâu lực lượng hồi Seleka gieo chết chóc, kinh hoàng và tàn phá tới đó. Chính sự tàn ác và chính sách bạo lực này đã khiến cho các nhóm kitô cầm súng chiến đấu và thành lập các lực lượng dân quân Anti Balaka có nghĩa là “chống dao phay” trong tiếng Sango. Họ trả thù và bách hại mọi tín hữu hồi. Thế là nội chiến bùng nổ. Lực lượng Seleka đưa lãnh tụ của mình là Michel Djotodia lên làm tông thống. Nhưng vào tháng giêng năm 2014 ông Djotodia từ chức vì không kiểm soát nổi tình hình hỗn loạn trong nước. Thủ tướng Alexandre Ferdinand Nguendet được chỉ định làm tổng thống lâm thời. Và ngày 20 tháng giêng năm 2014 bà Catherine Samba Paanza, nguyên thị trưởng thủ đô Bangui được Quốc hội Trung Phi bầu làm tổng thống lâm thời thay thế ông Nguynet cho tới khi có cuộc bầu cử dân chủ mới.

Tuy nhiên, từ đó tới nay bạo lực vẫn tiếp diễn. Các dân quân Anti Bakala bắt đầu tấn công thiểu số Hồi và đốt phá các làng mạc của họ, đến độ Liên HIệp Quốc đã phải coi các vụ tán sát có hệ thống này là thanh lọc chủng tộc. Đã có hàng chục ngàn người hồi chạy trốn sang hai nưóc Camerun và Ciad, trong khi hàng ngàn người khác sống trong các trại tỵ nạn bên trong biên giới. Một bản báo cáo đệ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên HIệp Quốc cho biết có tới 6.000 bị giết và 800.000 người phải chạy trốn chiến tranh. Cả hai lực lượng Seleka và Anti-Bakala đều có các hành động vi phạm nhân quyền trẩm trọng và phạm các tội chống lại nhân loại.

Hồi tháng giêng năm nay một nhóm cựu phiến quân Seleka và dân quân Anti-Balaka đã ký một thoả hiệp ngưng bắn tại Nairobi bên Kenya trước sự hiện diện của hai ông François Bozizé và Michel Djotodia, bao gồm việc chấm dứt thù nghịch, giải giáp, giải tán và sát nhập các phiến quân. Thoả hiệp đã bị chính quyền Bangui khước từ, vì chính quyền đã không được mời tham dự cuộc thương thảo. Các thù nghịch giữa lực lượng Seleka và Anti-Bakala đã tiếp tục cho tới khi có thỏa hiệp mới hồi tháng 4 năm nay. Tiến trình hòa giải cho phép mở ra cuộc thương thảo để giải thoát hàng ngàn trẻ em bị bắt làm chiến binh trong hơn hai năm qua. Hồi trung tuần tháng 5 năm nay các lực lượng dân quân Trung Phi đã giải thoát 300 bé trai bé gái, bị lực lượng Seleka sử dụng như chiến binh, đầu bếp, liên lạc viên hay nô lệ tình dục, sau một thỏa hiệp ký kết với 8 nhóm vũ trang dấn thân trả tự do cho tổng số từ 6 tới 8 ngàn trẻ vị thành niên.

Trong chuyến viếng thăm trụ sử của tổ chức bác ái ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” ở thành phố Munich, Nam Đức ngày 11 tháng 11 vừa qua, Đức Cha Dieudonné Nzapailanga, TGM giáo phận thủ đô Bangui, hy vọng rằng cuộc viếng thăm của ĐTC tại Trung Phi sẽ đẩy mạnh sự hòa giải đất nước. ĐTC Phanxicô đến để mời gọi dân chúng xây dựng đất nước trong tình yêu thương và huynh đệ. Đức TGM cho biết từ sau cuộc đảo chánh của liên minh phiến quân Seleka hồi năm 2013, Trung Phi không còn được an ninh nữa. ”Tình hình như thể chúng tôi ngồi trên đống than còn bốc khói, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng đủ làm cho ngọn lửa bùng cháy”. Trong bối cảnh đó, cuộc viếng thăm của ĐTC cũng là điều quan trọng đối với quan hệ giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.

Đức Cha Cyr-Nestor Yapaupa, GM giáo phận Alindao ở miền nam Trung Phi, mô tả sự kiện ĐTC viếng thăm cộng đồng Hồi giáo và Tin Lành cũng là điều quan trọng và đầy ý nghĩa. Cả hai tôn giáo này đều được mời tham dự buổi lễ.  Đức Cha Yapaupa cũng nhắc lại rằng cuộc nổi dậy của phiến quân Seleka đã bắt đầu hồi năm 2013 tại vùng của ngài. Trong những tháng đầu tiên, phiến quân này đặc biệt chiếu cố cướp bóc các nhà xứ, các trung tâm y tế và cơ sở bác ái Caritas của Giáo Hội  Công Giáo. Năm 2014, tình hình được cải tiến. Sau khi quân đội quốc tế được gửi tới Cộng hòa Trung Phi, phiến quân đã rời bỏ thủ đô Bangui, tuy nhiên trong giáo phận Alindao của ngài vẫn còn những thành phần Seleka, họ được võ trang hùng hậu và rất nguy hiểm. Sự kiện này khiến cho nhiều tín hữu Kitô không dám hồi hương. Ngoài ra, tình hình y tế cũng rất khó khăn: trong số 273 ngàn dân cư tại đây chỉ có 3 bác sĩ. Cả các trường học cũng thiếu nhân sự. 7 trường Công Giáo ở Alindao là những cơ sở duy nhất mở cửa trong thời kỳ khủng hoảng. Vấn đề hiện nay là tái tạo các dịch vụ y tế lưu động, để có thể giúp đỡ dân chúng tại các làng quê.

 Lực lượng Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, tên là Sangaris, có 900 binh sĩ hỗ trợ cho 12 ngàn binh sĩ thuộc đạo quân Minusca của LHQ. Theo Bộ quốc phòng Pháp, quân số 900 người không đủ để bảo vệ an ninh, không những cho ĐGH, nhưng còn cho hàng trăm ngàn tín hữu đến từ Trung Phi và các nước lân cận như Camerun, Congo Brazaville… trên những con đường không được an toàn. Lực lượng Pháp bảo đảm an ninh tại Phi trường và di tản các giới chính quyền và giáo quyền trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhưng không thể làm hơn được”.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 23.11.2015)