Buổi tiếp kiến chung thứ 100 của Đức Phanxicô

0
20

Buổi tiếp kiến chung ngày 26 tháng 8 sẽ là buổi tiếp kiến thứ 100 của Đức Phanxicô. Theo Phủ Giáo hoàng, từ khi được bầu chọn vào tháng 3 năm 2013, Đức Phanxicô đã “gặp gỡ” ba triệu người hành hương đến Rôma trong các buổi tiếp kiến chung, Kinh Truyền Tin và các buổi tiếp kiến khác.

PopeFrancis.jpg

Truyền thống tiếp kiến chung có được là do sáng kiến của Đức Giáo hoàng Piô XI năm 1925. Mỗi Giáo hoàng có một cách riêng để thực hiện buổi tiếp kiến của mình. Chẳng hạn Đức Gioan-Phaolô II, ngay từ đầu triều của mình, ngài đã để ra bốn năm để nói về thần học thân xác, đưa ra một học thuyết về giới tính và sự bổ túc của người nam và người nữ. Còn Đức Bênêđictô XVI thì giảng dạy ở tầm mức đại học về các thánh lớn và các hình ảnh của thần học, đặc biệt là các Tổ phụ Giáo hội.

Còn Đức Phanxicô thì sau khi nói về các nền tảng của đời sống Kitô (bảy phép bí tích, bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần hay một loạt bài giáo lý về Giáo hội) thì trong những tháng gần đây ngài chú trọng đến các niềm vui và đau khổ của đời sống gia đình, những chủ đề cụ thể như tang tóc, bệnh tật, vai trò của ông bà nội ngoại, của cha mẹ, hay trong những thời gian đặc biệt của gia đình như vào cuối hè 2015, ngài nói đến lễ hội, công việc và cầu nguyện. Những bài nói chuyện của Đức Phanxicô là một cách để bám rễ trong giáo huấn của năm “liên-thượng hội đồng” về mục vụ gia đình, quan tâm đến đời sống thực tế của các gia đình trên khắp thế giới. Như thế các bài này là chuỗi suy nghĩ liên tục nhắm đến Thượng Hội Đồng Gia đình sẽ diễn ra ở Vatican từ ngày 5 đến 26 tháng 10 năm nay.

Thêm 12 buổi tiếp kiến trong năm thánh 2016

Trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016, sẽ có thêm các buổi tiếp kiến ngoại thường vào một số ngày thứ bảy, chính xác là các ngày 30 tháng 1, 20 tháng 2, 12 tháng 3, 9 tháng 4, 30 tháng 4, 14 tháng 5, 18 tháng 6, 30 tháng 6 (đặc biệt vào ngày thứ năm trước khi nghỉ hè), 10 tháng 9, 1 tháng 10, 22 tháng 10 và 12 tháng 11.

Đức giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng đặc biệt của Đức Bênêđictô XVI và cũng là Chủ tịch Phủ Giáo hoàng đã tuyên bố vào đầu tháng 8: “Đối với Đức Phanxicô, các buổi tiếp kiến chung là những buổi gặp gỡ ngài rất mong muốn và giáo dân thấy ngài luôn thoải mái. Họ có thể nhìn và nghe ngài. một tiếp xúc trực tiếp, đối với nhiều người đây là dịp duy nhất trong đời của họ và buổi gặp gỡ này đánh dấu cả một cuộc đời. Họ nghe ngài nói nhưng họ đến đây cũng vì bầu khí, cũng vì một ánh mắt nhìn. Buổi gặp gỡ cũng là buổi gặp gỡ có nhiều ý nghĩa mà đối với Đức Phanxicô là rất quan trọng. Không những cho ngài mà còn cho giáo dân, cho các người đi hành hương.”

Một triều giáo hoàng hiện thân

Hàng tuần các hình ảnh cảm động được chiếu trên màn hình, hình ảnh Đức Giáo hoàng ôm giáo dân, ôm người đi hành hương nhưng thường ngài ôm trẻ em, người bệnh, người khuyết tật, như mùa thu năm 2013, ngài đã ôm ông Vinicio Riva, một người Ý bị hội chứng Recklinghausen làm biến dạng khuôn mặt. “Đầu tiên tôi hôn tay ngài, còn tay kia của ngài thì ngài xoa đầu và các vết thương của tôi. Rồi ngài kéo tôi về phía ngài, ngài ôm tôi mạnh và hôn lên mặt tôi. Đầu tôi chạm vào ngực ngài và hai tay ngài choàng ôm tôi. Rồi ngài siết chặt tôi, siết chặt thêm, như ngài muốn âu yếm tôi, ngài không thả tôi ra. Tôi muốn nói, muốn tìm chữ để nói với ngài nhưng tôi tìm không ra: tôi bị xúc động quá mạnh. Giây phút đó kéo dài khoảng một phút mà tôi có cảm tưởng như vô tận,” ông nói với tuần báo Ý Panorama sau đó.

Trong sự đa dạng của mình, các Giáo hoàng của thời đại này bổ túc cho nhau khi các ngài đề cập đến nhiều ý nghĩa khác nhau, khi đưa ra hình ảnh của Chúa Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người, sống động, thông cảm và đau khổ. Vào cuối thế kỷ 20, giáo dân hành hương đến Rôma để “nhìn” Đức Gioan-Phaolô II. Đầu thế kỷ 21, họ đến để “nghe” Đức Bênêđictô XVI. Và ở thời buổi kỹ thuật số hiện nay, một kỹ thuật đã làm cho truyền thông toàn thế giới trở thành dễ dàng hơn nhưng cũng gây ra hụt hẫng trong các quan hệ thì cũng với những người hành hương này, họ dễ xúc động qua va chạm thể lý, qua sự hiện thân của triều giáo hoàng này, bây giờ họ đến Rôma để “sờ” vào Đức Phanxicô.

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 26.08.2015/
Radio Vatican, 2015-08-25)