Thánh giá và đời tu

0
174

Khi chọn chủ đề Thánh giá và đời tu, tôi không cố ý nói chuyên đề về những đau khổ trong đời sống tu trì, nhưng cố ý nói tới điều cơ bản hơn là tương quan giữa mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô và đời sống thánh hiến.

Hiến tế Thập Giá là ngôn ngữ diễn tả tình yêu sống động và tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa và nhân loại. Hy tế này mang hai chiều kích liên kết chặt chẽ với nhau: chiều kích thứ nhất liên quan đến mối tương giao với Thiên Chúa: đó là sự tuân phục, sự gắn bó toàn thân với Thánh Ý Thiên Chúa; chiều kích thứ hai liên quan đến loài người; đó là sự trao ban toàn thân, biểu lộ tình liên đới huynh đệ.

Hy tế của Đức Kitô đã bắt đầu với việc Nhập Thể (Dt 10, 5-7). Người bước vào trần gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Hy tế ấy trải dài suốt cuộc đời Người tại thế và được biểu lộ cách hoàn hảo qua cái chết trên Thập Giá. “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người là còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)

1. Bước theo Chúa là chấp nhận theo con đường khổ giá

Khi chọn chủ đề Thánh giá và đời tu, tôi không cố ý nói chuyên đề về những đau khổ trong đời sống tu trì, nhưng cố ý nói tới điều cơ bản hơn là tương quan giữa mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô và đời sống thánh hiến. “Vì hội còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1 Cr 2,2)

Theo Tông Huấn Đời sống thánh hiến, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô (số 23). Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến.

Nói đến Thập Giá của Chúa là nói đến chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa mà mỗi người kitô-hữu đều thông phần khi chịu phép rửa. “Tôi sống, những không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20)

Người kitô-hữu là con người của thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Con đường của người Kitô hữu, của Hội Thánh chúng ta không là một giấc mơ về Đấng Mesia trần thế. Vị Thiên Chúa đầy nhân tính, Chúa Giêsu của các sách Tin Mừng loại trừ hình ảnh Đấng Messia theo mơ ước quyền năng của con người. Thập giá đảo lộn các ước mơ của con người, những ước mơ bắt đầu bằng tội của Eva.

Theo nhà thần học Karl Rahner, muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra. Tìm Thiên Chúa nơi nào khác là tư duy theo kiểu loài người, chứ không theo đường lối của Thiên Chúa .

Những người sống đời thánh hiến là thế hệ những người đi tìm Thiên Chúa. Thập Giá Chúa Kitô đối với họ hết sức quan trọng, vì họ chỉ có thể tìm thấy Thiên Chúa nơi mà Người tự mạc khải. Theo cái nhìn của thánh Mác-cô huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế chỉ được bộc lộ rõ rệt khi Người bị chết treo trên thập giá với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thực người này là Con Thien Chúa” (Mc 15,39). Con đường dẫn đến cảm nghiệm tâm linh không thể tách rời khỏi thập giá. Theo con đường thập giá có nghĩa là từ bỏ bản thân (Mc 8,35), sống liên đới với tha nhân: Bán tài sản để phân phát cho người nghèo (Mc 10,21), phục vụ (Mc 10,45).

2. Cơn cám dỗ thoát khỏi thập giá:

Đây là cơn cám dỗ thường xuyên đối với chúng ta hôm nay, là tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá, là muốn một thứ “Kitô Giáo” dễ dãi và hợp thời hơn, là khát khao một thứ “Tin Mừng” không nhuốm nước mắt.

Cũng giống như Phêrô, ta muốn kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về chuyện Ngài muốn tuyên bố quá rõ ràng về thập giá. Nhưng rồi cần phải nhận rằng, tin mừng của Chúa Giêsu là một thứ tin mừng khổ luỵ, nghĩa là không phải chỉ có rao giảng mà chủ yếu là thực thi, làm chứng (tử đạo trong cuộc sống hằng ngày), nghĩa là chết đi cho bản thân mình để Chân Lý và Tình Yêu được tỏ hiện. Nếu không như thế, thì tin mừng trở nên mơ hồ, thập giá trở thành món đồ trang sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết để che chắn và làm bình phong cho một số hạng người nào đó được yên thân an vị.

Nếu ta cố tìm một Đức Giêsu không thập giá, ta sẽ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu. Sự khôn ngoan và sức mạnh của thập giá chỉ được hiểu khi người ta đảm nhận và trực tiếp kinh nghiệm nó một cách sâu xa, để từ đó không còn nhìn thập giá như một chướng ngại, nhưng là một cơ hội và cách thế thể hiện chính mình một cách cao độ nhất trong Đức Kitô, tạo nên sự say mê và niềm thâm tín như thánh Phaolô:

– “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).

– “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).

– “Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).

Quả thật, chúng ta có một khoa học tuyệt vời hơn mọi thứ khoa học, đó là khoa học thánh giá. Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định trong mọi trường hợp, chính trong tâm thái này mà tâm hồn ta vẫn luôn được bình an và thanh thoát cả trong những nỗi ngặt nghèo. Nhưng rồi trong thực tế, cuộc sống nhiều khi cũng làm ta giằng co và nhức nhối khôn nguôi do những nỗi trăn trở tuỳ chính tâm hồn mình, giữa cái muốn mà không muốn, giữa cái làm mà không làm, giữa cái cho đi và khước từ, giữa cái dấn thân và đòi hỏi, giữa cái sống và cái chết… Bởi vậy, Thomas Kempis trong sách “Gương Chúa Giêsu” có viết như sau:

– Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người.

– Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.

– Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

– Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.

– Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.

– Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người.

3. Sống đời hy tế

Theo định nghĩa của Tông Huấn Đời sống thánh hiến, người tu sĩ sống đời thánh hiến là người nghe tiếng gọi của Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã chọn con đường đặc biệt bước theo Đức Kitô (sequela Christi), để tự hiến cho Đức Chúa với một con tim không chia sẻ (số 1).

Bước theo Đức Kitô là anh chị em định hướng đi cho đời mình một cách dứt khoát và quyết liệt, chứng tỏ mình đang thực hiện một cuộc trở về liên tục, vì khi khám phá ra những điều kiện, những yêu sách và những đòi hỏi khác nhau của việc theo Đức Kitô, anh chị em có cơ hội xác định lại mối tương giao giữa mình với Đấng mà mình đang bước theo, hầu kiện toàn tương quan ấy một cách bền vững hơn.

Bước theo Chúa là đi theo con đường khổ nạn của Thầy. Yêu mến Đức Giêsu và bước theo Ngài là góp phần làm dịu các nỗi khổ đau của loài người, là đấu tranh bằng lời nói và cuộc sống chống mọi nguồn gốc của sự dữ, của khổ đau. Thánh Giá Cứu Độ của Chúa Giê su đòi hỏi giải phóng khỏi mọi thứ thập ác của tội lỗi và sự chết. Bước theo Chúa Giêsu là biến các thập giá hằng ngày thành môi trường và cơ hội cho sự phục sinh, cho tình yêu và công lý.

Khi chọn đời sống dâng hiến la anh chị em tự nguyện “cởi bỏ con người cũ”  một cách chính chắn và ý thức hơn, từ bỏ quyền sở hữu để sống thanh bần trong tinh thần và trong thực tế; quyết sống khiết tịnh vì nước trời để trung kiên với Thiên Chúa bằng một tình yêu không san sẻ; sẵn sàng từ bỏ ý riêng để hoàn toàn tuân phục với lòng yêu mến Thiên Chúa.

Vì thế, anh chị em hãy loại trừ khỏi lòng mình những khát vọng tư lợi, vị kỷ, hãy quên đi “cái tôi” và cả nếp sống dễ dãi, buông thả của con người tự nhiên nơi chính mình nữa. Chính nhờ sự từ bỏ này mà chị em được trở nên trống rỗng trước Thiên Chúa, hầu xứng đáng đón nhận cuộc sống mới nơi Đức Kitô phục sinh, để chỉ chuyên tâm phụng sự Thiên Chúa và làm cho mọi người nên giàu có trong ân sủng của chính Người.

Từ bỏ mình cách tuyệt đối làm cho anh chị em khám phá ra rằng những của cải, khả năng tiện nghi mà mình chiếm hữu được không phải là kho tàng để cho mình dừng lại ở đó. Nhưng xác tín rằng kho tàng mà chị em tìm kiếm chính là “Nước Trời”, là “viên ngọc quý” mà người thương gia trong Tin Mừng tìm được, và ông đã bán tất cả những gì mình có mà mua cho được “viên ngọc quý” ấy (x. Mt 13,45-46)

Sống đời dâng hiến đòi phải từ bỏ và thông phần mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, trước hết hãy để cho Chúa Thánh Thần, Đấng mình lãnh nhận trong Phép Rửa, tháp nhập chính mình vào cuộc khổ nạn của Chúa. Sống đời thánh hiến là sống ơn gọi Phép Rửa cách triệt để. Ơn gọi đời sống thánh hiến là đỉnh cao của ơn gọi Phép Rửa. Trong Phép rửa, mỗi người chúng ta cùng chết với chúa Kitô để cùng sống lại với Người, chúng ta được thông phần mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, tức là thông phần vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, trót cuộc đời của người dâng hiến là chết đi và sống lại với Người.

4. Một chút tâm tình của bản thân với tình yêu thập giá

 

 

Chúa cũng mời gọi tôi hãy say mê và chiêm ngắm thập giá Chúa Ktiô để góp phần tôn vinh tình thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Với tất cả tâm tình yêu mến với Đấng chịu đóng đinh, tôi xin chia sẻ một chút cảm nghiệm của mình trong cuộc sống mà mỗi ngày tôi đang cố vươn lên để ơn gọi của tôi ngày càng chín mùi và thơm hương tình yêu thập giá Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh.

Bằng cuộc sống mỗi ngày, tôi liên kết mọi vui buồn sướng khổ, mọi biến cổ nhỏ to trong tâm tình phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa thương xót tôi và thương xót toàn thế giới. Tôi cầu xin cho từng người, từng việc, trong từng thời điểm, theo ý nguyện sứ mạng ơn gọi của tôi là làm cho nhiều người, nhiều nơi nhận biết Thiên Chúa và tin nhận Chúa Giêsu Kitô vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật.

Điều tôi tâm niệm lúc này là tôi không còn khả năng tham gia mục vụ nơi các môi trường tông đồ. Tôi không thể truyền đạt, không thể thuyết phục người khác qua những khái niệm, những hiểu biết về Thiên Chúa. Hơn nữa, cuộc sống của tôi đầy dẫy những bất toàn và yếu đuối. Ý thức những giới hạn của mình, tôi cố gắng sửa mình nhưng tôi không buồn, không trách Chúa vì sao để tôi xấu như thế, chắc chắn Thiên Chúa có sẵn một kế hoạch tuyệt vời cho tôi. Và tôi dâng lên Thiên Chúa những bất toàn này để tôn vinh thập giá của Chúa Giêsu Kitô, để cầu xin cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.

– Tôi sợ hãi những gì là đau khổ nơi tâm hồn cũng như thể xác. Tôi e ngại trước những hi sinh lâu dài, nhưng tôi tin Thiên Chúa yêu thương tôi và Ngài luôn chọn cho tôi điều tốt nhất. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng: không bao giờ Thiên Chúa gửi cho tôi thánh giá quá sức của tôi và một kinh nghiệm khá ngọt ngào đối với tôi là: Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với tôi ngay cả khi tôi không cảm nhận được Ngài.

Ngày nay, tinh thần đó vẫn ấp ủ trong lòng tôi qua việc bỏ mình tập luyện nhân đức, loại bỏ các nết xấu, thắng dẹp những thói quen ươn ái, dẫn đến việc dễ dàng chấp nhận một cuộc sống tầm thường và cuối cùng sẽ cản trở tôi không đạt tới đích ơn gọi đời tu là hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Sống yêu thương và tha thứ đó là tất cả những gì tôi đang thực hiện theo tinh thần phúc âm (Ga 15,12); (Lc 17,3-4). Bước đầu tiên tôi thực hiện đó là cầu nguyện, từ đó tôi thấy ơn Chúa giúp tôi có thể sống yêu thương và tha thứ theo lời Chúa Giêsu đã dạy qua Kinh Lạy Cha (Mt 6,15).

 

     Thay lời kết: Ngài có đó

 

Sống đời Kitô hữu là bước theo thập giá Chúa Kitô, chấp nhận đau khổ vì Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Đối với người Do Thái thập giá là sự chúc dữ, đối với dân ngoại là hình khổ ghê tởm, còn với thánh Phao-lô là niềm hãnh diện. Người vui sướng được khổ vì Chúa Kitô.

Chúng ta sống đời thánh hiến, chúng ta còn cảm nghiệm rằng: Ngài vẫn hiện diện với chúng ta trong mọi tình huống của cuộc đời.

Ngài có đó, giữa những ký ức ngọt ngào thân thương nơi phòng tiệc.

Ngài có đó, bao dung, tha thứ và rất dịu hiền.

Ngài có đó, chẳng có vẻ gì chì chiết hay khiển trách.

Ngài có đó, chữa vết thương lòng, ban thêm sức mạnh.

Ngài có đó, biến tuyệt vọng thành hân hoan.

Ngài có đó, củng cố niềm tin, ban sức sống.

Ngài có đó, hồi sinh và ban sinh lực.

Ngài có đó, khi ta tưởng mình đang cô đơn.

Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lời.

Ngài yêu ta khi mọi người bỏ xa ta.

Khi tình đời là mối dây oan, ân tình Ngài hằng luôn luôn chan chứa.

 

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên

nguồn:WebGP Long Xuyên