Tôn vinh Lòng Thương Xót

0
16

TÔN VINH LÒNG THƯƠNG XÓT

Cách đây không lâu, tôi nhận được thư của một giáo dân nêu thắc mắc về lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu. Người giáo dân nói rằng ông quan sát tượng Thánh Giá trong các nhà thờ cũng như trong các gia đình Công giáo, có tượng thì Chúa bị đâm vào cạnh sườn bên phải, có tượng lại đâm vào bên trái! Theo ông, chân lý chỉ có một nên phải xác định rõ là bên nào, nếu sai thì phải sửa. Và ông muốn tôi có câu trả lời rõ ràng: bên trái hay bên phải!

Tin Mừng thánh Gioan 19,34 cho biết: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra”, nhưng không nói là cạnh sườn phải hay trái. Khi Chúa Kitô sống lại từ cõi chết và hiện đến với các môn đệ, Chúa nói với Tôma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27), nhưng cũng không nói là cạnh sườn phải hay trái. Giá mà thời Chúa Giêsu đã có điện thoại thông minh như ngày nay thì mọi sự đã rõ, chỉ cần chụp một tấm hình là xong.

Theo suy luận bình thường, nhiều người nghĩ là bên trái vì là phía trái tim, thế nhưng tượng ảnh không nhất thiết chỉ là chụp hình chân dung mà còn muốn chuyển tải ý nghĩa và nội dung bên trong, vì thế phần lớn các tượng Thánh Giá lại mô tả Chúa bị đâm vào cạnh sườn bên phải. Bên phải thường được hiểu là tốt, chẳng hạn trong dụ ngôn Ngày phán xét chung, Chúa Giêsu nói: “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (Mt 25,32-33).

Sâu xa hơn, chúng ta phải nhớ lại thị kiến của tiên tri Ezechiel 47,6-12 : Dòng nước từ phía dưới bên phải đền thờ mang sự sống cho vạn vật, nước chảy tới đâu thì ban sự sống tới đó, nước chảy ra Biển chết và làm cho biển hóa lành. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, các Tông đồ hiểu rằng Chúa Giêsu chính là Đền thờ. Khi Ngài thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem và bị người ta chất vấn, Chúa Giêsu đã nói: “Hãy phá Đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Và thánh Gioan nói thêm: “Đền thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Chúa Giêsu đã nói” (Ga 2,21-22).

Thân thể Chúa Giêsu là Đền Thờ và dòng nước từ Đền thờ Giêsu mang sự sống cho nhân loại, vì thế trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, Hội Thánh hát: “Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi và reo lên Alleluia”. Và trong Kinh Tiền Tụng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Hội Thánh tuyên xưng: “Vì tình thương lạ lùng, khi chịu treo trên thập giá, Người đã tự hiến thân vì chúng con. Từ cạnh sườn bị đâm thâu, Người đã để máu và nước chảy ra, hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh”.

Chính ở đây chúng ta hiểu được thế nào là Lòng Chúa thương xót. Chúa đã chết nhưng một người lính vẫn lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người. Ngọn giáo ấy là hình ảnh của cái ác tột cùng, nhưng để đáp lại cái ác, Chúa không chỉ tha thứ mà còn hơn nữa, Ngài đã biến thương tích của Ngài thành suối nguồn ân phúc cho tất cả mọi người.

Lòng thương xót ấy được cụ thể hóa qua hình ảnh Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, ngày Chúa sống lại (Ga 20,19-31). Ngài “cho các ông xem tay và cạnh sườn,” tức là xem những dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu. Những dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu ấy từ đâu mà có? Chắc chắn là từ những nhát búa chát chúa của những tên lính đóng đinh Người vào thập giá, và từ ngọn giáo của một tên lính đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu. Đúng thế, nhưng nếu nhìn lại toàn bộ cuộc khổ nạn của Chúa, chẳng lẽ không thấy ở đó sự phản bội của Giuđa, sự hèn nhát của Phêrô, và sự trốn chạy của các Tông đồ khác sao? Vì vậy khi các môn đệ xem tay và cạnh sườn Chúa, các ông cũng nhớ lại tội lỗi của mình. Thế nhưng cùng với việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Giêsu nói với các ông: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Lòng thương xót là thế đấy, và một khi các môn đệ cảm nhận được lòng thương xót ấy – không bằng lý thuyết nhưng bằng trải nghiệm sống thật, các ông sẽ có thể nhiệt thành thi hành sứ mạng làm chứng và loan báo lòng Chúa thương xót mà Thầy Giêsu trao ban: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Đó cũng là lời mời gọi gửi đến tất cả chúng ta.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

nguồn: WGPMT

#tonvinhlongthuongxot #gmpheronguyenvankham