Niềm Mong Đợi

0
428

Mùa Vọng lại về, khởi đầu một Năm Phụng Vụ mới. Mùa Xuân Phụng Vụ không nhộn nhịp cũng chẳng rực rỡ sắc màu như Tết Nguyên Đán hoặc các dịp lễ hội khác.

Mùa Xuân Phụng Vụ có vẻ lặng lẽ và thâm trầm trong sắc tím, nhưng lại không là màu buồn ảm đạm. Sắc tím biểu hiện sự chung thủy, hy vọng trong khoảng mong chờ – đặc biệt là mong chờ Con Thiên Chúa đến cứu độ nhân gian, giải thoát khỏi mọi thứ đau khổ, mọi bất công, áp bức, bóc lột,… nhất là cứu chúng ta thoát khỏi sự kềm kẹp của ma quỷ, ách tội lỗi.

Trong tâm tình ngưỡng vọng Đấng Thiên Sai, chúng ta vững tâm tín thác và cùng với ngôn sứ Isaia (Is 45:8 – Thánh ca Rorate Cœli hoặc Rorate Cæli) chân thành dâng lời cầu nguyện:

Trời cao hỡi, hãy gieo sương

Xin mây mưa xuống đức công chính Người

Nẩy mầm cứu độ, đất ơi!

Để cho chính trực đồng thời vươn lên

Triết gia Jean Jacque Rousseau (1712-1778, Pháp quốc) bộc bạch: “Tôi đã đau khổ quá nhiều ở thế giới này để hy vọng một thế giới khác”. Còn sử gia Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đưa ra một hệ lụy tất yếu: “Nếu không nhờ có hy vọng, trái tim sẽ tan vỡ”. Niềm hy vọng thực sự quan trọng trong cả cuộc sống thường và cuộc sống tâm linh – đặc biệt là cuộc đời Kitô hữu.

Hy vọng là Đức Cậy, một trong ba nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến). Có tin tưởng mới hy vọng, có hy vọng mới mong chờ – tức là luôn kiên tâm vững chí hướng về tương lai. Mong chờ thì phải tỉnh thức, nghĩa là khôn ngoan, nếu mong chờ mà không tỉnh thức thì chỉ là khờ dại (x. Mt 25:1-13). Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta phải tỉnh thức, luôn “dầu, đèn” sẵn sàng, một lòng kiên tâm mong đợi Đức Giêsu Kitô.

Có câu chuyện ngụ ngôn thế này…

Trong một căn phòng, không gian tĩnh lặng tới mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của những ngọn nến. Cây nến thứ nhất than vãn: “Tôi là biểu tượng của Bình An và Hoà Thuận. Thế nhưng thời nay, những cái đó thật chênh vênh, chông chênh. Thế giới hiếm khi không có gươm đao, súng đạn, tranh chấp, cãi cọ,… giữa người với người – thậm chí vợ chồng, anh em trong một nhà”. Thế rồi ngọn nến leo lét, ngọn lửa mờ dần, mờ dần,… cho tới khi ánh sáng lụi tắt hoàn toàn.

Ngọn nến thứ hai vừa lắc đầu vừa kể lể: “Tôi là Niềm Tin. Thế nhưng trong thế giới này hình như tôi trở nên thừa thãi, như một thứ xa xỉ. Biết bao kẻ sống theo thời không cần tới niềm tin”. Nói rồi ngọn nến từ từ tắt, tỏa ra một làn khói trắng luyến tiếc.

Ngọn nến thứ ba than phiền: “Tôi là Tình Yêu, nhưng tôi không còn đủ sức để tỏa sáng nữa. Người ta gạt tôi ra một bên và không thèm hiểu giá trị của tôi. Cứ nhìn thế giới mà xem, không thiếu những kẻ quên luôn cả tình yêu đối với chính những người ruột thịt của mình”. Dứt lời, ngọn nến vụt tắt.

Căn phòng trở nên tối tăm. Chỉ còn một ngọn nến nằm ở góc xa vẫn tiếp tục phát ra ánh sáng, như ngôi sao đơn độc giữa đêm tối âm u. Bất chợt, một cô bé bước vào phòng. Thấy ba ngọn nến đã tắt, cô bé thốt lên: “Tại sao các bạn không cháy nữa? Cuộc sống này luôn cần các bạn. Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu phải luôn tỏa sáng chứ!”.

Riêng cây nến thứ tư vẫn lặng lẽ cháy trong góc phòng khe khẽ đáp lời cô gái:“Đừng lo! Tôi là Hy Vọng. Nếu tôi còn cháy, mặc dù ngọn lửa rất mong manh, chúng ta vẫn có thể thắp sáng lại Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu”. Mắt cô bé sáng lên. Cô bé dùng cây nến Hy Vọng để thắp sáng lại các cây nến khác.

Niềm Hy Vọng rất quan trọng. Nếu trái tim luôn cháy lên “ngọn lửa hy vọng”, dù chỉ leo lét và âm ỉ, chúng ta sẽ tìm lại được những điều tốt đẹp khác cho cuộc sống: Tình Yêu, Niềm Tin và Bình An. Một danh nhân cũng đã nhận định:“Thà thắp sáng lên một ngọn lửa, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Ngọn lửa đó là Hy Vọng.

Chúng ta là các Kitô hữu, chính xác phải nói là tín hữu Công giáo, chúng ta luôn sống trong hy vọng và mong chờ Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, cả cuộc đời Kitô hữu là miệt mài sống Mùa Vọng liên lỉ và kéo dài, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời. Thật vậy, Chúa Cha đã hứa ban Con Một cho nhân loại, và chính Người Con ấy đã thực sự đến, hiện hữu trong xác phàm, nên giống chúng ta mọi thứ – ngoại trừ tội lỗi, đồng lao cộng khổ với chúng ta. Người Con ấy là Đức Giêsu Kitô, là Thiên-Chúa-Con-Người với thần tính và nhân tính. Trước khi về trời, Chúa Giêsu lại hứa sẽ đến đón chúng ta, để Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó (Ga 14:3).

Điều gì Chúa hứa thì luôn nên trọn, gọi là ứng nghiệm. Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết về “định chế cho tương lai” qua sấm ngôn của Đức Chúa:“Này, sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa” (Gr 33:14). Ngày đó như thế nào? Ngôn sứ Giêrêmia cho biết: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: Đức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta!” (Gr 33:15-16).

Thiên Chúa là Nguồn Chân Lý và Công Lý, tất nhiên Ngài toàn thiện, và cũngchỉ một mình Ngài nhân lành (Mc 10:18; Lc 18:19). Tác giả Thánh Vịnh ộc bạch qua lời tuyên xưng: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngàivà bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Và đó cũng là điều khấn nguyện mà mỗi chúng ta đều phải biết cầu xin không ngừng.

Chúa Giêsu mà chúng ta khao khát và mong đợi chính là Đấng Em-ma-nu-en, là Đấng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Lc 1 :23). Ngài đến không chỉ làm gương cho chúng ta noi theo, mà Ngài còn hướng dẫn và giáo huấn chúng ta biết cách đến với Chúa Cha, biết con đường về trời: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người. Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa” (Tv 25:8-10). Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cha nào, con nấy”. Chúa Giêsu là Con của Đấng Nhân Lành Giàu Lòng Thương Xót nên Ngài cũng giống như Chúa Cha. Tác giả Thánh Vịnh nói rõ: “Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Người” (Tv 25:14). Câu tục ngữ kia cũng khả dĩ áp dụng cho đời sống tâm linh, nghĩa là chúng ta cũng phải có máu-thương-xót như Chúa Cha và Chúa Con.

Thật vậy, Thánh Phaolô đã cầu chúc: “Xin Chúa cho tình thương của anh emđối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3:12-13). Chúa Giêsu cũng chỉ mong chúng ta biết sống như vậy mà thôi, vì yêu người là yêu Chúa, là giữ trọn lề luật (Rm 13:8; Rm 13:10).

Với tâm trạng chờ đợi, Thánh Phaolô nhắn nhủ thêm, đồng thời cũng là mệnh lệnh: “Thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giêsu mà ra những chỉ thị nào cho anh em” (1 Tx 4:1-2).

Mùa Vọng là dịp mong chờ Chúa Giêsu giáng sinh, ngày Con Thiên Chúa mặc xác phàm và là dịp Ngài đến thế gian lần thứ nhất. Nhưng quan trọng hơn, Mùa Vọng là dịp nhắc nhở chúng ta mong chờ ngày Con Thiên Chúa đến thế gian lần thứ hai, tức là ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, cũng gọi là Ngày Tận Thế, Ngày Cánh Chung, hoặc Ngày Chung Thẩm.

Trong khi chờ đợi, người ta phải tích cực hành động cụ thể chứ không thể thụ động theo “chủ nghĩa” MaKeNo (mặc kệ nó), ra sao thì biết vậy. Chuẩn bị càng tốt thì kết quả càng mãn nguyện, không chuẩn bị thì có hối cũng không kịp. Nước đến chân mới nhảy thì sẽ bị nước cuốn trôi.

Trình thuật Lc 21:25-28 (tương đương Mt 24:29-31 và Mc 13:24-27) cho chúng ta biết những điềm lạ trên trời và dưới đất ngay trước khi Con Người quang lâm: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.

Cảnh tượng chắc chắn rất khủng khiếp, bây giờ chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Quang cảnh dữ tợn như núi lửa, sóng thần, động đất, bão lụt, các vụ khủng bố – như vụ tòa tháp đôi WTC (World Trade Center) ở Hoa Kỳ ngày 11-9-2001 hoặc vụ khủng bố tại Pháp hồi đầu tháng 11-2015 – cũng chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi.

Tất cả đều bất ngờ, không thể kịp phản ứng bất cứ một động thái nào, dù là động thái nhỏ nhất. Và rồi ai cũng kinh ngạc và hốt hoảng. Vì thế, chúng ta “phải tỉnh thức và cầu nguyện” không ngừng, như Chúa Giêsu đã khuyến cáo:“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày Ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày Ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:34-36).

Chúa Giêsu nói ngắn gọn nhưng rõ ràng. Chắc chắn Ngày Ấy vô cùng khủng khiếp, đến nỗi người ta “hồn xiêu phách lạc” kia mà. Người nào có “lì lợm” tới mức nào cũng phải rung động và kinh ngạc. Do đó, hãy luôn van xin Thiên Chúa: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết khao khát Đấng Thiên Sai, biết mong chờ và chuẩn bị tâm hồn bằng cách tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, đồng thời thể hiện rõ nét Tôn Nhan Thương Xót của Ngài. Xin Mưa Giêsu gội mát và tẩy rửa trần gian để mọi người biết thương xót lẫn nhau, nhờ đó mà không còn những kẻ xấu tìm cách khủng bố người khác. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng ban hòa bình cho nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU