Thời gian càng đến gần lễ Giáng Sinh, không khí càng nhộn nhịp. Giáng Sinh không còn riêng của Kitô giáo mà trở thành lễ hội của mọi người dù họ theo tôn giáo nào. Vì thế, dần dần ý nghĩa thuần túy cũng bị giảm sút, vì người ta chú trọng ngoại tại nhiều hơn nội tại, lo “phần nổi” nhiều hơn “phần sâu”.
Khắp nơi thấy những lời chúc như “Mừng Chúa Giáng Sinh”, “Giáng Sinh An Lành”, “Chúc Mừng Giáng Sinh”, “Merry Christmas”, “Season’s Greetings”, “Joyeux Noël”, “Joyeuses Fêtes”,… bên cạnh có thể là Hang Đá, Cây Thông, Tấm Thiệp, Ông Già No-en, Vòng Lá, Chiếc Giày, Linh Dương,… thậm chí có cả Chú Tễu, với những ánh điện lấp lánh đủ sắc màu và những vật trang trí lộng lẫy khác.
Giáng Sinh càng rộn ràng hơn vì các Kitô hữu ngày nay cũng đang bị “hút” vào vòng-xoáy-trần-tục đó, kể cả người Công giáo. Rõ nét nhất là hai lĩnh vực: Thánh Ca và Hang Đá. Thật buồn thay!
THÁNH CA
Mỗi dịp lễ Giáng Sinh, các nơi vui mừng tập dượt hoạt cảnh và thánh ca chuẩn bị trình diễn vào những ngày cận kề lễ hoặc chính đêm No-en. Hoạt động này có thể riêng từng giáo xứ hoặc liên xứ (giáo hạt). Truyền thống tốt đẹp này đáng trân trọng lắm, vì đó cũng là một cách ca tụng Thiên Chúa.
Tuy nhiên, có những nơi tổ chức như một cuộc thi, cũng có các giải thưởng. Nếu giải thưởng mang tính khuyến khích để động viên tinh thần phục vụ thì tốt, không có gì đáng nói. Thế nhưng có những nơi đã để lại “hậu quả” là chê ca đoàn này, phê bình ca đoàn kia theo chiều hướng tiêu cực.
Trong tiếng Việt, người ta nói thường kèm theo từ “láy” để nhấn mạnh, tăng mức độ, hoặc đỡ “cụt ngủn”. Ví dụ: Xanh lè, cao khều, mập ù,… Về ca hát thì người ta nói “hát hỏng”. Tiếng Việt độc đáo thật, HÁT thì phải HỎNG, ca sĩ chuyên nghiệp cũng còn phải hát đi hát lại nhiều lần, rồi thu âm năm lần bảy lượt mới “nghe được” kia mà, huống gì dân không chuyên. HÁT mà bị HỎNG là chuyện thường thôi!
Hát thánh ca là hát những bài hát thánh, hát để nâng tâm hồn lên tới Chúa, hát để ca tụng Chúa, hát để gần Chúa hơn, hát để gặp Chúa và gặp tha nhân – dù chương trình Thánh Ca Giáng Sinh không thuộc lĩnh vực phụng vụ.
Thế mà, sau chương trình Thánh Ca Giáng Sinh như vậy lại khiến người ta chê bôi, chỉ trích, chia rẽ, xa nhau,… nghĩa là ngược với tinh thần Giáng Sinh: Yêu thương.
HANG ĐÁ
Tương truyền rằng Thánh Phanxicô là người đầu tiên có sáng kiến làm Hang Đá để mừng Chúa giáng sinh. Phải công nhận rằng sáng kiến này độc đáo thật đấy!
Là Hang Đá nhưng khi nhìn thì không thể biết đó là Hang Đá, vì một ngọn núi lớn trắng toát. Thực tế làm gì có núi nào như thế? Gọi là Hang Đá mà không thấy “hang động”, thế nên Thánh Gia phải ở sườn chân núi, giữa trời đất, gọi là lộ thiên. Rồi có những nơi trang trí quá nhiều, lấy cái phụ làm cái chính, còn cái chính lại là cái phụ, vì cố gắng nhìn mãi mà không thấy Thánh Gia trú ở chỗ nào. Có lẽ họ nghĩ rằng Hang Đá Giáng Sinh thì tất nhiên phải có Thánh Gia, coi như không nhìn cũng… “thấy”. Siêu thật!
Hang Đá là nơi chẳng sang trọng gì, Chúa Giêsu sinh ra trong hoàn cảnh vô cùng khó nghèo, giản dị, đơn sơ,… thế nhưng Hang Đá ngày nay quá lộng lẫy, điện sáng chói, nhìn cứ tưởng khách sạn 5 sao. Các giáo xứ và các giáo họ, kể cả các giáo khu, đua nhau làm Hang Đá lớn hơn, đẹp hơn, tốn tiền hơn,… để “đẹp mặt” các nhà tài trợ cho nhà thờ. Đã và đang có những Hang Đá phải chi phí từ hàng chục triệu tới hàng trăm triệu VNĐ. Ngày nay, người ta “bắt” Chúa sinh ra ở nơi quá sang trọng, nhưng chắc chắn CHÚA KHÔNG THÍCH, vì Ngài là Đệ Nhất Hàn Vương kia mà!
Người ta cũng thường Việt hóa hình ảnh Đức Maria và Đức Giuse, thế mà sao người ta lại không thắp cây đèn dầu leo lét trong Hang Đá nhỉ? Có nơi đã làm Hang Đá kiểu này: Đức Maria ngồi trên võng và bế Chúa Hài Đồng, còn Đức Giuse đứng phía sau và tay cầm chiếc đèn bão. Cũng hay thật đấy! Nhìn vào là thấy phong cách Việt Nam và thấy nghèo rõ ràng. Thế mới đúng là Giáng Sinh chứ!
Hang Đá Giáng Sinh nhắc nhở và nhấn mạnh về các nhân đức: Vâng lời, Yêu thương, Khó nghèo, Đơn sơ, Hiền lành, Dịu dàng, Hèn mọn, Khiêm nhường, Tha thứ,… NHÌN để THẤY và để NÊN THÁNH theo ý muốn của Chúa.
Tất nhiên khi làm gì cũng phải tốn kém, dù ít hay nhiều, nhưng thiết nghĩ chúng ta vẫn có thể làm Hang Đá giản dị để bớt chi phí và dành số tiền đó chia sẻ với người nghèo dịp Lễ Giáng Sinh thì thật tốt lành biết bao. Xin đừng “chạy đua” mà đánh mất ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh!
Cũng đã có những nơi tổ chức tiệc giáng sinh cho giới lao động nghèo, cơ nhỡ, đơn chiếc, vô gia cư, mồ côi,… Có thể phần quà không nhiều, nhưng với họ vẫn có giá trị. Chắc chắn Chúa Giêsu Hài Đồng rất vui mà chúc lành cho nghĩa cử như vậy. Và như thế mới thực sự là Giáng Sinh An Lành!
Với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria dạy Thánh nữ Maria Kowalska Faustina (1905-1938) cách chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh: “Này con gái, hãy cố gắng giữ thinh lặng và khiêm nhường, để Chúa Giêsu, Đấng luôn ngự trong linh hồn con, có thể nghỉ ngơi. Hãy thờ lạy Ngài trong tâm hồn, đừng ra khỏi nội tâm” (Nhật Ký, số 785).
Đức Mẹ còn “tâm sự” với Thánh Faustina thế này: “Linh hồn trung thành theo linh hứng của ân sủng thì làm vui lòng Chúa biết bao! Mẹ đã trao Đấng Cứu Thế cho thế giới; đối với con, con phải nói cho thế giới biết về lòng thương xót bao la của Ngài và chuẩn bị cho thế giới về lần đến thứ hai của Đấng sẽ đến, không với tư cách là Đấng Cứu Thế nhân từ, mà là Vị Thẩm Phán công minh” (Nhật Ký, số 635).
TRẦM THIÊN THU