Thuộc Về Chúa- Suy niệm Chúa Nhật XiX Thường niên A
Trang Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một vấn đề căn bản trong đời sống đức tin: Khi ta chọn Chúa, khi ta theo sự hướng dẫn của Chúa thì đời ta bình an, hạnh phúc dù dưới chân ta sóng thần, động đất đang ập đến, dù trước mặt ta sóng gió phong ba đang ùa về, dù chung ta quanh ta ngàn hiểm nguy đang bủa vây giăng mắc… Ngược lại, những lúc ta không chọn Chúa, ta không hướng lên Chúa thì là những lúc ta cảm thấy sợ hãi và mất bình an dù xung quanh ta có đủ đầy mọi thứ, cũng chẳng có sự dữ nào… Phêrô xin Chúa cho ông đi trên mặt biển mà đến với Chúa, Chúa cho ông làm được điều đó. Nhưng khi gặp gió nổi lên thì ông sợ hãi và bắt đầu chìm xuống. Cũng may lúc đó ông còn nhớ đến Chúa và van xin: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Chúa đã đưa tay nắm lấy ông và hai thầy trò cùng nhau lên thuyền, lúc đó trời yên biển lặng. Hình ảnh Phêrô có thể đi trên mặt nước là vì ông đang tin tưởng vào Chúa, ông đang nhắm mục đích đời mình là đến với Chúa. Đến khi sóng gió nổi lên, ông sợ quá không còn nhìn lên Chúa nữa mà nhìn xuống dưới chân mình nên ông đã bắt đầu chìm.
Có một vị tu sĩ trẻ đến gặp Mẹ Têrêxa để than phiền về việc bề trên của thầy đã thuyên chuyển thầy đi chỗ khác trong khi thầy đang phục vụ người cùi. Anh ta nói với Mẹ Têrêxa: “Thưa Mẹ, ơn gọi của con là phục vụ người cùi, vậy mà bề trên của con đã thuyên chuyển con đi lo việc dạy học, con rất bất bình về việc này”. Mẹ Têrêxa từ tốn nhìn thẳng vào mắt chàng tu sĩ trẻ và nói: “Ơn gọi của con không phải là lo cho người cùi, cũng không phải lo cho học sinh, nhưng ơn gọi của con là thuộc về Đức Kitô”. Ơn gọi chúng ta không phải là làm được điều này việc nọ chuyện kia, nhưng làm sao để chúng ta thuộc về Đức Kitô. Đây cũng là kinh nghiệm của tôi tớ Chúa, ĐHY Px. Nguyễn Văn Thuận. Khi ngài bị bắt và biệt giam trong tù. Ban đầu ngài không chấp nhận nổi việc mình là một Giám Mục trẻ, tài năng, Giáo Phận và Giáo hội đang mong đợi sự dẫn dắt của mình. Vậy mà bây giờ mình bị biệt giam, không làm gì được cho Giáo hội… Bỗng một hôm có tiếng từ đáy lòng nói cho ngài biết: “Con phải biết phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa. Những việc con làm cho Giáo hội, cho Giáo phận là tốt, nhưng đó là việc của Chúa chứ không phải là chính Chúa. Nếu Chúa muốn con giao những việc đó lại cho Chúa thì con cứ giao lại cho Ngài, Ngài làm tốt hơn con nhiều, phần con hãy chọn Chúa chứ đừng chọn việc của Chúa”. Và từ lúc đó ngài nhận ra cùng đích của cuộc đời mình là thuộc về Chúa, là sống gắn bó với Chúa, chứ không phải để làm những việc của Chúa. Khi đã thuộc về Chúa, khi đã gắn bó với Chúa thì Chúa muốn mình làm việc gì, Chúa muốn mình ở đâu, Chúa định đoạt số phận mình ra sao, mình cũng sẵn sàng vâng theo, vì mình đang chọn Chúa, nên chọn luôn thánh ý của Chúa.
Đời sống đạo của ta phải là sự chọn theo Chúa một cách liên lỉ. Ngày xưa dân Do Thái đã đi khập khiểng, lúc chọn Chúa, lúc chọn thần Ba-an, lúc chọn thần A-sê-ra… Thiên Chúa gọi đó là tội ngoại tình. Ngày hôm nay thần minh của ta không còn là Ba-an, hay A-sê-ra nữa, nhưng ta vẫn tôn thờ nhiều vị thần minh khác. Ta chưa hẵn loại trừ Chúa, nhưng ta tôn thờ những thần minh khác ngang hàng với Thiên Chúa.
Những thần minh đó là tiền bạc. Sở dĩ gọi tiền là thần vì chúng ta tôn thờ nó, ta lệ thuộc vào nó và để cho nó chi phối cuộc sống mình. Để có được đồng tiền ta cậy dựa vào “thần bài”, “thần đề”, “thần gà”, “thần sắc” và nhiều phương thế bất chính khác. Còn khi ta sử dụng đồng tiền như phương thế để làm cho đời sống thêm hạnh phúc hơn, và là dịp để ta làm việc bác ái thì quá tốt.
Thần minh của ta đôi khi là “con heo”, biểu tượng của những đam mê nhục dục, của những ăn uống say sưa, bài bạc rượu chè.
Thần minh của ta đôi khi là “con công”, biểu tượng của những ăn mặc diêm dúa, lố bịch, chạy theo những kiểu thời trang hiện đại, những siêu xe, những điện thoại thông minh đời mới và hàng loạt những máy móc khác… Tất cả những điều này nếu không để ý nó sẽ là “thần minh” để lôi kéo ta khỏi Chúa, nó làm cho ta không còn giờ để nghĩ về Chúa, và lúc đó thuyền đời ta sẽ rất bấp bênh vì không có Chúa cùng đồng hành, cuối cùng sẽ có nguy cơ bị nhấn chìm giữa lòng đại dương.
Mặt khác, một khi đã xác định lý tưởng đời mình là “thuộc về Chúa”, thì ta sẽ hướng lên Chúa để nghe lời Chúa dạy, để theo đường Chúa đi và làm theo những điều Chúa hoạch định.
Tuy nhiên, làm sao để ta luôn hướng lên Chúa mới là điều quan trọng. Một số lý do để ta không còn hướng lên Chúa.
Lý do trước tiên là vì ta hướng đến những đối tượng khác ngoài Chúa. Khi ta để cho tâm hồn mình bị một “bóng hồng” nào đó lôi kéo thì ta không còn thời giờ, sức lực, năng lực hướng đến Chúa nữa. Có “anh thanh niên” lâu ngày không đi lễ, hỏi ra mới biết thất tình. Cô gái dễ thương, xinh đẹp, ngoan hiền, đạo đức lâu ngày không thấy sinh hoạt với cộng đoàn, tìm hiểu kỹ mới biết cô đã là “thư ký riêng” của một giám đốc… Rõ ràng vì một đối tượng nào đó đã làm cho ta xa Chúa.
Lý do thứ hai để ta không hướng lên Chúa là vì ta đang “hướng xuống” những xấu xa, những thấp hèn. Sở dĩ Phêrô đi được trên mặt biển là vì ông hướng nhìn lên Chúa. Đến khi ông nhìn xuống mặt biển, thấy hãi hùng quá nên ông đã sợ và mất niềm tin. Khi tâm hồn ta cao thượng, nghĩa là ta hướng đến những giá trị cao siêu trên trời, thì chúng ta sẽ gặp Chúa. Nhưng khi tâm hồn ta bị những thứ thấp hèn lôi kéo thì ta không thể thấy Chúa được. Những thứ thấp hèn đó là những đam mê, những nết xấu, nó cứ trì trệ khiến con người của ta không thể vươn lên được mà cứ ì ạch mãi thôi. Có người tốt lành lắm, nhưng bị nhục dục lôi kéo làm điều lỗi đạo với gia đình. Có người siêng năng làm việc lắm, nhưng làm được bao nhiêu tiền là đổ vào sòng bạc…
Khi đã nhìn thấy được hai nguyên nhân chính để ta không thể hướng lên Chúa là vì ta hướng đến đối tượng khác ngoài Chúa, hoặc vì ta nhìn xuống những thứ thấp hèn, thì chúng ta hãy biết nhìn lại chính mình đang bị những thứ nào lôi kéo để ta biết gỡ bỏ những ràng buộc đó, cho tâm hồn của mình thanh thoát để thuộc về Chúa.
Một sự thật làm ta thêm mạnh mẽ là Chúa vẫn hiện diện trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời ta. Dù ta thế nào Chúa vẫn yêu thương ta. Nhưng nếu ta không hướng về Chúa, không làm theo những gì Chúa chỉ dạy, con người của ta sẽ dần hư hoại và mất đi bình an, hạnh phúc. Chúa vẫn hiện diện và cứu giúp ta trong từng biến cố. Vì vậy ta hãy biết gạt bỏ những lôi kéo, những ràng buộc để hướng nhìn lên Chúa, nhất là trong những lúc khó khăn, nguy hiểm để nói như thánh Phê rô: “Lạy Chúa xin cứu giúp con”.
Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria, thánh cả Giuse, Cha Phanxicô và các thánh, cho con thanh thoát, nhẹ nhàng mà sống theo thánh ý Chúa để con mãi thuộc trọn về Chúa thôi!
Lm. Giuse Nguyễn