SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 19 TN B

0
53

Thứ hai

Ngày 10 tháng 08
Kính Thánh Laurensô phó tế tử đạo
Bài đọc 1
2 Cr 9,6-10
Anh em thân mến, ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: “Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời”. Ðấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em. 
Tin mừng
Ga 12,24-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.
Suy niệm
Cả hai bài đọc hôm nay đều nói lên tinh thần hy sinh vô vị lợi vì nước trời.
Bài đọc 1: Với nguyên tắc bình thường, ngoại trừ bất thường, Thánh Phaolô cho biết: “gieo nhiều” sẽ “gặt nhiều”. Theo nguyên tắc này, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Côrintô cũng như chúng ta hãy tích cực dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa. Nhưng để dâng hiến phục vụ, đòi hỏi ta phải hy sinh. Mà hy sinh là việc làm khó. Bởi lẽ ta thường cho rằng những gì ta dâng hiến là của ta. Nhưng thực ra những gì ta “Có” và ta “Là” đều do Thiên Chúa ban tặng. Nên “ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương”.
Còn bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại đưa ra cho chúng ta hiểu được quy luật căn bản: “chết để được sống”: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt”. (Ga 12,24). Theo nguyên tắc này Chúa Giêsu xác quyết: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Thầy phó tế Lôrensô đã nhận ra nguyên tắc và hiểu được quy luật ấy nên đã vui vẻ dâng hiến đời mình, sẵn sàng chết đi vì tình yêu.
– Yêu Chúa, thánh nhân đã rời bỏ quê hương Huétcô, nước Tây Ban Nha thân yêu để đến Roma du học. Tại đây ngài được biết đến là con người nổi danh về tài đức. Nhưng không vì thế mà ngài tìm cho mình cuộc sống vinh hoa, phú quý. Trái lại, thánh nhân đã dùng tài đức Chúa ban dấn thân phục vụ Chúa, dưới thời giáo hoàng Xíttô II, trong bối cảnh đầy hiểm nguy bởi sự cấm cách và bách hại khắt nghiệt của hoàng đế Đêciô.
– Yêu người, thánh nhân đã không ngại hy sinh dấn thân trong trách nhiệm phục vụ người nghèo. Với vai trò là vị phó tế trưởng, quảng trị tài sản của Giáo hội, ngài luôn ưu tư lo cho người nghèo. Ngay trong giờ phút nguy khốn nhất, với cái chết cận kề, ngài vẫn không quên dùng tất cả tài sản của Giáo hội đem ra phân phát cho người nghèo. Với ngài tài sản quý giá nhất chính là người nghèo. Nên sau khi phân phát hết của cải cho người nghèo, ngài đã dẫn họ đến trước mặt viên tổng trấn Valêrianô và xác nhận cho biết: những người nghèo đứng trước mặt tổng trấn chính là tài sản của Giáo hội.
Tình yêu chính là sức mạnh thúc đẩy thánh Laurensô sẵn sàng phục vụ Chúa và tha nhân cho dẫu phải hy sinh tính mạng. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Thiên Chúa yêu thương”. Thánh nhân đã vui vẻ dâng hiến vì cảm thấy mình được Chúa yêu thương. Nên khi bị hỏa thiêu, ngài còn khôi hài nói với hoàng đế: Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn!  Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258 và đã được Thiên Chúa yêu thương ban thưởng sự sống đời đời vì đã coi thường mạng sống mình ở đời này.
Xin cho chúng ta có được tình yêu Chúa nồng nàn, để ta luôn trung kiên sống và làm chứng niềm tin dù có phải chịu nhiều gian khổ, ngay cả hy sinh mạng sống mình; đồng thời cũng xin cho chúng ta có được lòng yêu người, nhất là những người nghèo như thánh Laurensô, để ta tận tâm phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình.

Thứ ba

Bài đọc 1
Đnl 31,1-8
Môsê đến nói với toàn dân Israel tất cả những lời này: “Tôi hôm nay đã một trăm hai mươi tuổi. Tôi không còn đi đứng được nữa, nhất là khi Chúa đã phán cùng tôi rằng: ‘Ngươi sẽ không qua sông Giođan này’. Chúa là Thiên Chúa của ngươi sẽ qua trước ngươi, chính Người sẽ tiêu diệt các dân tộc ấy trước mặt ngươi và ngươi sẽ thắng chúng. Chính Giosuê sẽ qua trước ngươi như Chúa đã phán. Chúa sẽ đối xử với chúng như đã đối xử với Sêhon và Og là vua người Amorê và với đất nước các vua ấy. Người đã tiêu diệt chúng. Vậy khi Chúa nộp chúng cho các ngươi, các ngươi sẽ đối xử với chúng như tôi đã truyền cho các ngươi. Hãy dũng mạnh và kiên trì, đừng sợ, đừng kinh hãi trước mặt chúng. Vì chính Chúa là Thiên Chúa các ngươi dẫn đường cho các ngươi, Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi các ngươi”.
Ông Môsê gọi ông Giosuê đến và nói với ông trước mặt toàn dân Israel rằng: “Hãy dũng mạnh và can đảm: vì anh sẽ đem dân này vào Đất Nước Chúa đã thề hứa sẽ ban cho cha ông chúng; chính anh sẽ bắt thăm phân chia phần đất ấy. Chúa là Đấng dẫn đàng cho anh, chính Người sẽ ở với anh. Người sẽ không bỏ rơi và lìa khỏi anh. Anh đừng sợ và đừng kinh hãi”.
Tin mừng
Mt 18,1-5.10.12-14
Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.
“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.
“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.
Suy niệm
Lời Chúa hôm nay vẽ lên cho chúng ta biết được chân dung đích thực của nhà lãnh chân chính theo ý muốn của Chúa. Đó là nhà lãnh đạo có tinh thần khiêm tốn chân thành; tôn trọng tha nhân và nhất là biết kiến tạo tinh thần hiệp nhất. (x. Mt 18,1-5.10.12-14).
Chân dung nhà lãnh đạo ấy chính là Môsê mà bài đọc I hôm nay nói đến.
– Với tinh thần khiêm tốn, Môsê đã biết chấp nhận giới hạn khả năng và sức khỏe của mình mà vâng phục thánh ý Thiên Chúa, sẵn sàng ở lại bên đây sông Giođan, cho dẫu mong ước lớn nhất của ông là được lãnh đạo dân chúng đặt chân lên miền đất hứa.
– Với tấm lòng thương yêu và tôn trọng con dân, Môsê hiểu được nổi lo lắng của họ, cũng như của Giôsuê nhà lãnh đạo trẻ. Hiểu được hành trình phía trước tuy ngắn ngủi, nhưng vẫn còn đó biết bao là gian nguy, nên Môsê đã an ủi, động viên tinh thần họ với những lời lẽ hết sức cảm động và chân thành..
– Với mong ước kiến tạo tinh thần hiệp nhất toàn dânMôsê đã dùng uy tín của mình mà nhắc nhở và kêu gọi tinh thần hiệp nhất trong cùng một đức tin vào Thiên Chúa quyền năng theo sự hướng dẫn của Giôsuê.
Trãi qua 40 năm gian khổ với đầy những thử thách trong suốt hành trình nơi sa mạc, Môsê hiểu được tinh thần hiệp nhất dân tộc quý giá là nhường nào. Chính nhờ sức mạnh đoàn kết một lòng, với niềm tin sắt son vào Đức Chúa mà ông cùng toàn dân vượt thắng mọi hiềm nguy. Vì thế ông thiết tha kêu gọi toàn dân hãy hiệp nhất trong Thiên Chúa.
Xin Chúa cho các nhà lãnh đạo, nhất những người lãnh đạo các cộng đoàn Họ đạo, có được tinh thần khiêm tốn chân thành trước Chúa và tha nhân; luôn biết hy sinh quên mình phục vụ trong tinh thần tôn trọng và yêu mến. Nhất là biết tìm mọi cách để kiến tạo sự hiệp nhất yêu thương nơi cộng đoàn mình phục vụ, theo gương của Môsê nhà lãnh đạo đẹp ý Chúa..

Thứ tư

Bài đọc 1
Ðnl 34,1-12
Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Ðan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: “Ðây là Ðất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: “Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi”. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó”. Môsê, tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt, thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê. Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel.
Tin mừng
Mt 18,15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ. “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Suy niệm
Bài đọc 1 hôm nay tường thuật lại cái chết của Môsê, vị cha già của dân tộc Israel. Cái chết của ông đã để lại bao tiếc thương cho con dân Do Thái.
– Tiếc thương vì trãi qua 40 năm chịu bao gian lao, khổ nhọc trong vai trò dẫn dắt dân Chúa, nay thành quả ấy sắp hoàn thành, thì cũng chính là lúc ông phải ra đi về với Chúa, khép lại một quá khứ hào hùng, lẫy lừng bên ngoài quê cha đất tổ cho một con người luôn trung thành với lý tưởng đến cùng.
– Tiếc thương vì suốt 40 năm qua, ông cùng dân sát cánh bên nhau, cùng đồng thân, đồng phận trong vui buồn sướng khổ, thì nay ông cùng đồng tử với một thành phần dân chúng cùng thế hệ ông, để lại cho thế hệ mai sau bao tiếc nuối, yêu thương.
– Tiếc thương vì một nhà lãnh đạo tài ba, đức hạnh, thương dân đã ngã xuống. Nên họ đã khóc thương ông thật nhiều và tổ chức tang lễ thật trang trọng cho một ngôn sứ đã làm bao điều lẫy lừng không ai sánh bằng.
Nếu như cái chết của Môsê để lại trong dân nhiều vương vấn, hối tiếc khó mà chấp nhận được, thì đối với bản thân Môsê đó lại là cái chết vinh dự. Bởi lẽ ông dám chết đi cho ý riêng, chết cho sứ mạng và chết cho quê hương dân tộc theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, sự ra đi của ông là một sự ra đi trong an bình không hối hận và luyến tiếc. Nên khi chết cặp mắt đức tin của ông vẫn ngời sáng, khí lực sức mạnh tình mến Chúa, thương dân nơi ông không hề suy giảm.
Xin cho chúng ta có được lòng tin tưởng, phó thác vào thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vì tin rằng ý Chúa luôn tốt ngàn lần hơn ý ta.
Xin cho chúng ta luôn tận tâm chu toàn bổn phận Chúa trao phó theo gương Môsê, để dẫu có nhắm mắt lìa đời, ta không hề vấn vương, ân hận, nhưng luôn an vui thanh thản trong an bình, bởi lẽ mình đã chu toàn tốt bổn phận Chúa trao.
Suy niệm 2
Nếu cách đây 40 năm, nơi vùng sa mạc Mađian, tại núi Hôreb, Thiên Chúa hiện ra nơi bụi gai cháy bừng, để trao ban cho Môsê sứ mạng cao cả là đưa dẫn dân Người ra khỏi ách nô lệ Aicập về miền đất hứa Canaan, thì hôm nay tại đồng bằng Môáp, trên núi Nơvô, đối diện thành Giêricô bên kia sông Giođan, Chúa cũng lại hiện ra và chỉ cho ông thấy miền đứa hứa. Nhưng ông lại không được đặt chân vào!
Nếu khi xưa chặng đường mà Chúa kêu gọi Môsê dấn bước là chặng đường dài và đầy dẫy gian nan, khốn khó bởi sự ngăn cách của biển đỏ bao la và sa mạc mênh mông xa vời, thì nay chặng đường còn lại là chặng đường ngắn ngủi trông thấy từ bên đây sông. Nhưng Chúa lại trao sứ mạng lãnh đạo ấy lại cho người khác và muốn ông bỏ lại tất cả, ngay cả thân xác bên ngoài đất hứa, khi mà nhiệm vụ sắp hoàn thành, vinh quang sắp tận hưởng.
Nếu cuộc đời ta đã dày công làm việc vất vả, với bao thành quả tốt đẹp gầy dựng nên. Nhưng bất ngờ Chúa lại không muốn ta tận hưởng mà trao lại cho người khác. Vậy ta có can đảm chấp nhận thánh ý Chúa trong niềm vui và tin tưởng như Môsê không? Thật khó biết bao!
 Xin cho chúng ta có được lòng can đảm để đón nhận những ngang trái cuộc đời trong niềm tin tưởng phó thác vào bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, vì biết rằng đường lối Chúa luôn tốt cho đời ta.

Thứ năm

Bài đọc 1
Gs 3,7-10a.11.13-17
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay Ta sẽ bắt đầu tôn ngươi lên trước mặt toàn thể Israel, để chúng biết rằng: Ta đã ở với Môsê thế nào, thì cũng sẽ ở với ngươi như vậy. Phần ngươi, ngươi hãy truyền lệnh này cho các thầy tư tế mang hòm giao ước rằng: “Khi các thầy đã đến sông Giođan, các thầy hãy đứng giữa lòng sông”. Rồi Giosuê nói với con cái Israel rằng: “Hãy tiến lại đây mà nghe lời Chúa là Thiên Chúa các ngươi”. Và Giosuê nói: “Cứ dấu này mà các ngươi nhận biết Thiên Chúa hằng sống ở giữa các ngươi. Đó là hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, sẽ dẫn các ngươi qua sông Giođan. Khi các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa, chủ tể địa cầu, vừa đặt chân trong nước sông Giođan, thì nước phía dưới tiếp tục chảy đi và khô cạn, còn nước phía trên thì dừng lại thành một khối”. Vậy, khi dân nhổ trại để qua sông Giođan, thì các thầy tư tế mang hòm giao ước đi trước dân. Vừa khi những người mang hòm giao ước đến sông Giođan và chân họ đụng nước, (suốt mùa gặt, sông Giođan tràn lan dọc theo hai bên bờ) thì nước từ nguồn chảy xuống dừng lại một nơi, từ xa trông như dãy núi kéo dài, từ thành Ađam đến luỹ Sarthan; còn phần nước phía dưới chảy vào biển Araba tức là Biển Mặn, thì chảy cạn hết. Dân vượt qua nhắm thẳng thành Giêricô. Các thầy tư tế mang hòm giao ước của Thiên Chúa đứng yên trên đất khô, giữa sông Giođan, và dân đi qua lòng sông khô cạn.
Tin mừng
Mt 18,21-19,1
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. “Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. “Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.
Suy niệm
 Biến cố vượt qua biển đỏ lạ lùng của dân Do Thái năm xưa và biến cố vượt sông Giođan hôm nay là hai biến cố lẫy lừng mà Thiên Chúa thực hiện trên dân Người.
Qua hai biến cố trọng đại này cho thấy Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Người: Khi thì bằng cột mây, lúc thì bằng khám giao ước. Với sự hiện diện của Thiên Chúa thì cho dù có gặp những nguy khốn, tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng sẽ trở nên bé nhỏ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Đúng như lời Thiên Thần Gáprien đã nói với Đức Maria: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” . (Lc 1, 37).
Tha thứ 1 lần còn dễ, nhưng tha thứ hoài, tha thứ mãi như lời dạy của Chúa Giêsu qua bài Tin mừng hôm nay quả là khó hơn cả vượt sông sâu, leo núi cao hiểm trở. Bởi lẽ, để tha thứ đòi hỏi ta phải vượt qua biển sâu của tự ái và núi cao của kiêng căng, tự mãn. Khó như vượt biển đỏ mênh mông, sông Giođan sâu thẳm ấy vậy mà với Thiên Chúa mọi chuyện đều trở nên dễ dàng như trở bàn tay. Do đó mọi việc đều có thể làm được nếu ta có lòng tin vững vàn vào Thiên Chúa uy quyền. Chính vì thế Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy luôn nghĩ đến tình thương và lòng bao dung tha thứ của Chúa dành cho ta để nhờ đó ta có thể dễ dàng tha thứ cho nhau.
Xin cho chúng ta luôn biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa quyền năng. Nhất là trong những khi gặp nguy khó, chúng ta hãy chạy đến tìm nương tựa nơi trái tim đầy yêu thương của Người. Xin cho chúng ta cũng có được tấm lòng bao dung của Chúa để ta biết cảm thông và sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến ta.

Thứ sáu

Bài đọc 1
Gs 24,1-13
Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này: Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: Thuở xưa tổ tiên các ngươi là Tharê, cha của Abraham và Nacor, đã ở bên kia sông, và đã thờ các thần ngoại. Bấy giờ Ta đã đem Abraham, tổ phụ các ngươi, từ bên kia sông và đã dẫn đưa ông vào đất Canaan. Ta lại làm cho con cháu ông trở nên đông đúc, đã ban cho ông được Isaac. Ta lại ban cho Isaac được Giacóp và Êsau. Trong hai người này, Ta đã ban cho Êsau miền núi Sêir làm sản nghiệp. Còn Giacóp và con cái thì xuống Ai-cập. Sau đó, Ta đã sai Môsê và Aaron, và trừng phạt Ai-cập bằng những phép lạ. Rồi Ta đã dẫn các ngươi và cha ông các ngươi ra khỏi Ai-cập, và các ngươi đã đi tới Biển. Người Ai-cập đuổi theo cha ông các ngươi với chiến xa binh mã cho đến Biển Đỏ. Bấy giờ con cái Israel kêu cầu Chúa và Người đã khiến sự tối tăm ngăn giữa các ngươi và quân Ai-cập, và làm cho biển tràn ra mà vùi lấp chúng. Chính mắt các ngươi đã thấy tất cả những gì Ta đã làm ở Ai-cập, rồi các ngươi đã ở lâu trong hoang địa. Sau đó, Ta đã đưa các ngươi vào xứ Amorê, bên kia sông Giođan. Chúng đã giao chiến với các ngươi và Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Các ngươi đã chiếm được đất đai của chúng, và Ta đã tiêu diệt chúng trước mặt các ngươi. Rồi Balac, con Sêphor, vua xứ Moab, dấy lên giao chiến với Israel. Vua ấy đã cho mời Balaam, con của Bêor, đến để chúc dữ các ngươi. Ta không muốn nghe Balaam. Nhưng trái lại Ta đã dùng nó chúc phúc cho các ngươi và Ta đã cứu các ngươi thoát khỏi bàn tay nó. Sau đó, các ngươi đã qua sông Giođan và đến Giêricô, dân thành này, cũng như các người Amorê, Phêrêsê, Canaan, Hêthê, Gergêsê, Hêvê, Giêbusê, đã giao chiến với các ngươi. Nhưng Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Ta đã cho ong bò vẽ đi trước các ngươi, và Ta đuổi hai vua xứ Amorê ra khỏi các địa hạt của họ mà không cần nhờ đến cung kiếm của các ngươi. Ta đã ban cho các ngươi một vùng đất mà các ngươi không mất công đánh chiếm. Ta đã cho các ngươi được ở những thành mà các ngươi không phải xây cất, Ta đã cho các ngươi những vườn nho và vườn ôliu mà các ngươi không vun trồng.
Tin mừng
Mt 19,3-12
Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”. Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”.
Suy niệm
Qua Giôsuê, Thiên Chúa nhắc lại những biến cố hiển hách mà Người đã thực hiện trên dân Người trong suốt chiều dài lịch sử. Nhắc lại những biến cố ấy để thấy rằng: Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân Người lớn lao là dường nào.
Có thể nói tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Do Thái sâu hơn đại dương, cao hơn núi, vững bền hơn thép và rộng lớn hơn bầu trời. Dẫu cho dân Người đã nhiều lần phản phúc, phản bội giao ước, nhưng với tình yêu lòng trung tín, Người vẫn luôn bao dung tha thứ cho dân.
Xin cho các đôi vợ chồng luôn biết quy hướng về Thiên Chúa giàu lòng yêu thương và trung tín với lời giao ước, để họ biết yêu thương và trung tín với nhau trong đời sống hôn nhân; đồng thời cũng cho họ có lòng bao dung, tha thứ để họ sẵn sàng tha thứ cho nhau mỗi khi lầm lỗi, ngõ hầu giữa vẹn lời thề hứa thuở ban đầu. 

Thứ bảy

Ngày 15 tháng 08

ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Bài Ðọc I
Kh 11,19a; 12,1-6a,10ab
Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.
Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.
Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.
Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện”.
Bài Ðọc II
1 Cr 15,20-26
Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.
Tin mừng
Lc 1,39-56
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.
Suy niệm
Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay, đem đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Bởi tin rằng mai sau chúng ta cũng được về trời hưởng vinh phúc cùng với Mẹ. Vì cha mẹ có bao giờ quên con cái và muốn xa rời những đứa con yêu quý bao giờ!
Tuy nhiên để được ở bên Mẹ trong niềm hạnh phúc thiêng đàng, đòi hỏi ta phải sống xứng danh là con yếu dấu của Mẹ. Để trở nên con yêu dấu của Mẹ, không gì khác hơn là chúng ta noi gương sống như Mẹ đã sống. Đó là sống giới luật Tình Yêu mà Chúa đã dạy.
Yêu Chúa, Đức Maria đã luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy: “ Vâng, này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ).
Yêu Chúa, Mẹ đã chấp nhận những hệ lụy đau khổ xảy đến, khi đón nhận cưu mang và sinh hạ Hài Nhi Giêsu.
Yêu Chúa, Mẹ đã can đảm bước đi cùng với Con Mẹ là Đức Giêsu trên mọi nẻo đường đời. Con đường ấy là đường hẹp và là con đường thập giá. Nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đời đời. Như lời Chúa Giêsu đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy tự bỏ mình vác thập giá mình mà theo Ta….” (Mc 8,34).
Yêu nhân loại, Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân thế.
Yêu nhân loại, Mẹ đã không ngại chấp nhận gian khổ “vội vả lên đường” thăm viếng và ở lại chăm sóc cho người chị họ Êlizabeth trong lúc sắp sinh nở. Quả là một hy sinh lớn lao!
Yêu nhân loại, Mẹ đã nhận thánh Gioan, đại biểu nhân loại, làm con Mẹ, cho dẫu trong hoàn cảnh đau khổ tột cùng dưới chân thập giá và tương lai mịt mù.
Chính tình yêu là động lực giúp cho Đức Maria sẵn sàng từ bỏ ý riêng, chấp nhận dấn thân hy sinh suốt đời để Phục vụ Chúa và dâng hiến cho tha nhân.
Có thể nói hình ảnh người phụ nữ được thánh Gioan mô tả trong sách Khải huyền hôm nay là hình ảnh tượng trưng cho Đức Mẹ. Dẫu lộng lẫy, kiêu sa xuất hiện trên trời nơi đền thờ Thiên Chúa cao sang, nhưng bên cạnh đó Mẹ cũng phải đối diện với bao nguy hiểm của mãn xà hung ác là sự dữ.
Như thế bên cạnh hạnh phúc vinh quang nước trời, vẫn luôn có bóng dáng của đau khổ bởi sự dữ đang trực chờ, cần phải vượt qua bằng sức mạnh của Tình yêu nhờ liên kết chặt chẻ với Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững vào quyền năng Thiên Chúa.
Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ Maria hằng gắng bó chặt chẻ với Chúa Giêsu để kín múc sức mạnh và sự sống nơi Người, vì “nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22), nhất là luôn biết chu toàn giới luật Tình Yêu mà Chúa chỉ dạy qua việc tận tâm phục vụ tha nhân theo gương Mẹ Maria, hầu xứng danh là con Mẹ và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời.
Xin Mẹ thương giúp chúng con!