Suy niệm hằng ngày tuần X Thường Niên- A

0
18

Suy niệm hằng ngày tuần X Thường Niên- A

Thứ Hai Tuần X Thường Niên
(2Cr 1,1-7; Mt 5,1-12)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Phúc cho ai có lương tâm trong sạch thì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Theo lời Chúa dạy, khi chúng ta có lương tâm trong sạch chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa, vậy chúng ta thấy Thiên Chúa khi nào? Chúa không nói, nhưng dựa vào nền tảng Thánh kinh, khi có lương tâm trong sạch chúng ta sẽ thấy Chúa ở đời này lẫn đời sau.

Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện anh trộm lành, mặc dù là ăn trộm, nhưng trong giây phút sau cùng anh đã ăn năn sám hối, anh đã nhận ra Chúa, và Chúa đã hứa ban hạnh phúc Nước trời cho anh, nghĩa là khi còn sống ở đời này anh đã nhận ra Chúa, và Chúa hứa ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên đàng với tôi, nên khi lên Thiên đàng, anh cũng sẽ được thấy Chúa.

Nhưng đối với mỗi người chúng ta, Chúa không còn hiện diện với chúng ta cách hữu hình, nên chúng ta không thể nào nhận ra sự hiện diện của Chúa cách hữu hình theo như các môn đệ hay anh trộm lành, mà chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa qua những dấu chỉ xung quanh chúng ta, nhận ra Chúa qua tiếng lương tâm của chúng ta để chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày.

Đó là việc khi có lương tâm trong sạch sẽ nhìn thấy Thiên Chúa ở đời này và đời sau. Nhưng có một vấn đề đặt ra là khi không có lương tâm trong sạch thì tất nhiên sẽ không được nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng tình trạng này sẽ như thế nào, có thay đổi được không? Thưa khi còn sống, chúng ta có thể thay đổi được để tạo cho mình có lương tâm trọng sạch, nên mới có câu nói: Thánh nào cũng có một quá khứ và tội nhân nào cũng có một tương lai.

Khi chết đi thì sao? Chúng ta nhớ trong kinh Nghĩa đức tin: “ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn, mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được, và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên thiên đàng hưởng phúc đời đời, kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng.” Như vậy, ai lên thiên đàng sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, còn ai xuống hỏa ngục thì sẽ không được nhìn thấy Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta biết có một tình trạng nữa đó là những linh hồn đang thanh luyện trong luyện ngục, tâm hồn họ chưa thanh sạch nên phải ở trong tình trạng thanh luyện, không được thấy mặt Thiên Chúa, khi thanh luyện rồi, thì họ sẽ được thấy mặt Thiên Chúa, nên chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, xin Chúa thứ tha những lầm lỗi thiếu sót để họ sớm hưởng nhan thánh Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để thay đổi đời sống của mình, để mình có thể nhận ra Chúa không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau. Amen.

Thứ Ba Tuần X Thường Niên
(2Cr 1,18-22; Mt 5,13-16)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Có một câu chuyện được kể như thế này: một em thiếu nhi con nhà giàu, học giỏi và đạo đức đến cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con chúc tụng Chúa và tạ ơn Chúa đã cho con sinh ra trong gia đình đạo đức và hạnh phúc. Nhưng tại sao Chúa lại cho người bạn thân của con phải cực khổ, gia đình nghèo khó, bố bạn ấy là lao động chính trong gia đình mà nay phải đau nặng, mấy anh chị em vừa bán vé số, bán báo vừa đi học, nhưng nay đã phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Chúa không thương bạn con sao?” Chúa trả lời: “con thật là một thiếu nhi ngoan, một người bạn tốt, biết quan tâm đến người khác, biết nghĩ đến người bạn kém may mắn hơn mình. Nhưng này con, con hãy nhớ rõ điều này, đó là vì Ta thương bạn con, nên Ta mới dựng nên con và cho nó kết bạn với con.” Câu chuyện này cho chúng ta thấy được một thực tế, đó là mỗi người chúng ta khi được Thiên Chúa tạo dựng trong cuộc đời này không phải chỉ cho chính mình mà là cho người khác.

Hiểu được như thế, chúng ta mới hiểu được rằng khi Chúa dùng hình ảnh muối và ánh sáng là để muốn các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”, nghĩa là Chúa muốn các môn đệ của Ngài không phải chỉ là muối, không phải chỉ là ánh sáng là đủ, mà muối này phải cho đời, ánh sáng này phải cho trần gian, khi cho đi mới thực thi đúng bản chất của mình.

Chúng ta thử nghĩ, cho dù muối mặn, muối vẫn giữ được bản chất của nó, nhưng không ai sử dụng, không giúp ích được cho đời thì muối vô dụng. Ánh sáng cũng vậy, ánh sáng thì sáng thật đó, nhưng chẳng soi sáng cho trần gian, chẳng ai cần ánh sáng đó, thì ánh sáng đó cũng là vô tích sự, cũng là thứ vứt đi mà thôi.

Hình ảnh đó chúng ta cũng thấy được nơi một số người có tài thật sự, giỏi thật sự, nhưng chúng ta biết đã có tài thì phải có tật, bởi có cái tật, nên chẳng làm việc được với ai hết, thì cái tài đó là vô ích. Bên cạnh đó, đối với người có tài thì có tật tự cao, kiêu ngạo, còn người xem ra không có tài thì có tật là tự ti, ai cũng có tật cả.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng ai trong cuộc đời này cũng đều có tài cả, bởi thế có người đã nói như thế này: “Tài là một vật quý nên không ai toàn tài, nhưng tài là một vật cần nên không ai là không có tài”, nên đừng mặc cảm tự ti về mình, mà hãy đặt đúng vị trí của mình sẽ phát huy được lợi thế đó.

Một người cha đã nói với con trai của mình vừa tốt nghiệp: “Con đã tốt nghiệp, Bố sẽ dành tặng cho con một chiếc xe bố đã mua được nhiều năm trước… Nó đã hơn 50 tuổi. Nhưng trước khi bố đưa nó cho con, con hãy đưa nó đến chỗ bán xe cũ đã qua sử dụng xem họ trả cho nó bao nhiêu.”

Người con trai đi đến chỗ xe đã qua sử dụng, trở về với cha và nói: “Họ đề nghị 1,000 đô la vì trông nó đã quá đát.”

Người cha nói: “Con đưa nó đến tiệm cầm đồ.”

Người con trai đưa đến tiệm cầm đồ, trở về nói với cha: “Tiệm cầm đồ đã đề nghị 100 đô la vì nó là một chiếc xe sắt vụn.”

Người cha bảo con trai đưa nó đến câu lạc bộ ô tô và cho họ xem xe.

Đứa con trai đưa xe đến câu lạc bộ, trở về và nói với cha: “Một số người ở câu lạc bộ đã đề nghị $ 100,000 cho nó, vì nó là một Mustang cổ điển và được tìm kiếm, rất khó thấy trong số các thành viên câu lạc bộ.”

Người cha nói với con trai của mình: “Bố muốn con biết rằng con hãy ở đúng nơi coi trọng con đúng cách. Nếu con không có giá trị, đừng buồn và tức giận, điều đó có nghĩa là con đang ở sai chỗ. Những người biết giá trị của con là những người đánh giá cao về con, và không bao giờ được ở một nơi mà không ai nhìn thấy giá trị của mình.”

Cũng vậy, ai trong chúng ta cũng có tài cả, nhưng chúng ta không ở đúng vị trí của mình mà thôi. Thế nhưng khi đã ở đúng vị trí của mình, chúng ta hãy biết dùng tài năng Chúa ban mà phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội, phục vụ anh chị em của mình, có như thế chúng ta mới là muối, mới là ánh sáng hữu dụng, nếu không chúng ta chỉ là muối, chỉ là ánh sáng vô dụng mà thôi. Amen.

Thứ Tư Tuần X Thường Niên
(2Cr 3,4-11; Mt 5,17-19)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta chia sẻ một điểm đó là ý nghĩa của việc giữ luật, là điều kiện tiên quyết để vào Nước Trời, được tôn trọng như người lớn nhất trong Nước Trời. Ngược lại, ai khinh thường, chống đối thì là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Như vậy là thế nào? Bởi vì khi so sánh câu lời Chúa với thư của thánh Phaolo gởi tín hữu Galat chúng ta thấy dường như có sự mâu thuẫn, thánh Phaolo nói: “Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy” (Gl 2,16).

Vậy phải tin vào Chúa Giêsu hay phải giữ luật?

Đầu tiên, chúng ta hiểu Chúa Giêsu nói ai giữ và dạy người ta giữ luật sẽ là người cao cả trong Nước Trời là nói trong bối cảnh của Ngài, nghĩa là liên quan đến luật. Còn nhìn cách tổng quát hơn thì phải tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta biết Đức Mẹ được ví như hòm bia Thiên Chúa, hòm bia Thiên Chúa trong thời Cựu Ước là hòm đựng hai bia đá có khắc 10 điều răn trên đó, thời Tân Ước, Đức Mẹ được ví như Hòm bia Thiên Chúa, nghĩa là Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng của mình, và hai phiến đá của luật ngày xưa là hình ảnh của Chúa Giêsu ngày nay, nhưng hai phiến đá là vật chết, còn Chúa Giêsu là hình ảnh sống động. Ngài cũng tượng trưng cho lề luật, nhưng là luật yêu thương, luật có trái tim. Nghĩa là khi Chúa Giêsu đến, Ngài nâng lề luật lên, đó là đặt vào trong lề luật, cũng như cho những ai giữ luật một trái tim mới, để biết yêu thương như Ngài, chứ không giữ luật cách máy móc, nói theo ngôn sứ Êdêkien: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim chai đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36,26).

Như vậy, chúng ta phải hiểu theo lời của Chúa Giêsu giữ luật là phải giữ luật tình yêu, luật này phải mang trái tim của Ngài, nghĩa là giữ luật nhưng luật này phải đưa chúng ta đến với Ngài.

Còn theo thánh Phaolo thì con người nên công chính không phải vì giữ luật mà là tin vào Chúa Giêsu, nghĩa là nếu chúng ta giữ luật chết, luật không có trái tim, giữ luật mà không đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, thì sẽ không có sự công chính, nhưng nếu giữ luật tình yêu của Chúa, nghĩa là tin vào Chúa Giêsu, luật này đưa chúng ta đến với Chúa, thì sẽ được nên công chính. Nên lời Chúa Giêsu trong Tin mừng Mattheu và thư thánh Phaolo gởi tín hữu Galat không có gì mẫu thuẫn nhau, nhưng bổ túc cho nhau, để giúp chúng ta hiểu phải giữ luật với thái độ, với tâm tình nào để được ơn cứu độ mà thôi.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để cố gắng giữ luật trong tình yêu, khi giữ luật trong tình yêu nghĩa là chúng ta đã tin vào Chúa Giêsu thì chắc chắn chúng ta sẽ được ơn cứu độ. Amen.

Thứ Năm Tuần X Thường Niên

(2Cr 3,15-4,1.3-6; Mt 5,20-26)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi: “Nếu anh em không công chính hơn các người biệt phái và kinh sư thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Và: “Nếu anh em đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ có người đang có điều bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.” Nghĩa là phải trở về với cái bên trong của con người, cái đó mới là điều quan trọng.

Chúng ta thấy có nhiều người sống vinh quang bên ngoài nhưng bên trong thì mục rỗng, bề ngoài thành công lắm nhưng gia đình tan nát, nên điều quan trọng không phải là cái bên ngoài mà là cái bên trong. Chính vì vậy, phải đổi mới từ bên trong của mình. Người ta nói có tề gia, trị quốc mới bình thiên hạ được, bản thân mình lo chưa xong thì làm sao lo cho người khác được, hay không ai cho cái mà mình không có, phải có mới cho người ta được.

Tôi có xem bài giảng lễ phong chức ở Giáo phận phú cường ngày 8.6.2022. Đức Cha kể: “trước lễ một ngày là tĩnh tâm, khi tĩnh tâm xong thì ăn cơm, có một cha đã nói với các thầy, chúc mừng các thầy nhé, ngày mai đổi đời rồi.” Đức cha nói tiếp: “khi tôi nghe câu này làm cho tôi lo lắng, đổi đời này là đổi đời như thế nào? Có phải là đổi đời theo hướng tích cực để Chúa biến đổi mình, hay đổi đời như kiểu thế gian, làm cha làm chú người khác, bây giờ tao cha rồi, tụi bây sẽ biết tay tao, có phải đổi đời như vậy không, nếu vậy thì tôi cũng là người có lỗi, vì đã tiếp tay cho cái ác.” Và Đức Cha nói: “tôi hy vọng là các thầy sau khi làm linh mục thì hãy đổi đời theo hướng tích cực.”

Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi như thế, khi chúng ta lãnh nhận các bí tích, chúng ta cũng hãy đổi đời theo hướng tích cực, hãy để Chúa thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mình, để mình sống tốt hơn, để dù bên ngoài như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có bình an đích thực. Bên cạnh đó, khi chúng ta biết đổi đời theo hướng tích cực, chúng ta đang làm gương lành, đang giúp cho người khác đổi đời theo hướng tích cực. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó và xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta. Amen.

Thứ Sáu Tuần X Thường Niên

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

(Đnl 7,6-11;1Ga 4,7-16; Mt 11,25-30)

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Như vậy chúng ta cần hiểu: gánh nặng nề này là gánh nặng nề nào?

Thưa gánh nặng nề này chúng ta có thể hiểu là lề luật của người Do thái. Chúng ta hãy nhớ trong sách Công vụ tông đồ chương 15, có kể cuộc tranh luận về việc cắt bì hay không cắt bì cho những người kitô hữu gốc dân ngoại.

Trong diễn từ của mình, thánh Phêro có nói: “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy sao bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta không có sức mang nổi?” (Cv 15,8-10).

Gánh nặng này chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa thứ hai đó là những khó khăn vất vả trong cuộc sống, những đau khổ bệnh tật của chúng ta.

Gánh nặng này chúng ta cũng có thể hiểu là gánh nặng của tội lỗi, tội nguyên tổ, cũng như tội riêng của mỗi người chúng ta.

Những gánh nặng này, Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài, để Ngài nâng đỡ bổ sức cho chúng ta, đó là lời mà Chúa hứa với mỗi người chúng ta, chúng ta phải xác tín vào điều này.

Nhưng chúng ta thấy, để có thể bổ sức cho chúng ta, để Chúa vác lấy những gánh nặng của chúng ta thì Chúa Giêsu không nói xuông, nhưng Ngài đã xuống thế làm người: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).

Rồi Ngài chịu hạ mình xuống dưới dòng sông Giodan đứng chung với hàng tội nhân.

Rồi Ngài chịu đóng đinh chịu chết vì con người: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31).

Đó là những hành động thực tế mà Chúa Giêsu đã thực hiện, chứ không phải chỉ nói xuông trên môi miệng của Chúa.

Và chúng ta thấy tất cả những hành động của Chúa làm là vì ai? Thưa là vì thi hành thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha”, hay lương thực nuôi sống Thầy là thi hành thánh ý Chúa Cha, mà Chúa Cha yêu thương con người, nên chúng ta cũng có thể hiểu là tất cả hành động mà Chúa Giêsu làm là vì yêu thương con người, vì muốn nâng đỡ con người, chính vì thế mà những hành động Chúa làm đạt được kết quả như ý muốn của Chúa Cha. Nghĩa là những hành động của Chúa là hướng về người khác chứ không qui hướng về mình, đó chính là trái tim nhân hậu của Chúa dành cho con người.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng thế, noi gương Chúa Giêsu, khi chúng ta làm việc gì biết hướng về Chúa, biết hướng về anh chị em của mình, chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, và kết quả tốt đẹp đó sẽ quy hướng về chúng ta. Nghĩa là khi chúng ta có trái tim nhân hậu sẽ được đền đáp bằng trái tim nhân hậu, bằng sự chân tình.

Có một câu chuyện mang tên “Trái tim hoàn hảo”. Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!” Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế.” Chàng trai cười nói: “Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.” “Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.”

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để sống chân thành, biết nghĩ đến nhau, biết trao cho nhau những mẩu tim mà mình có vì người khác, để mỗi người chúng ta, ai cũng có được trái tim hoàn hảo như Chúa mong muốn. Amen.

 Thứ Bảy Tuần X Thường Niên

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

(Is 61,9-11; Lc 2,41-51)

Lm. Tôma Lê Duy Khang
Hôm qua chúng ta mừng lễ Thánh tâm Chúa Giêsu, trái tim Chúa Giêsu là trái tim hướng về người khác, mà cụ thể hướng về Chúa Cha, hướng về con người để nâng đỡ bổ sức cho con người. Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, nên cũng có trái tim như vậy, trái tim hướng về Thiên Chúa, thi hành thánh ý Thiên Chúa, và hướng về Con của mình là Chúa Giêsu. Và chúng ta biết trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã trối chúng ta lại cho mẹ, nên Mẹ cũng hướng về chúng ta cũng yêu thương chúng ta.

Giáo sư Văn Như Cương trong một dịp tết về quê cõng mẹ, ông làm bài thơ: “Con 60 cõng mẹ 84, mẹ ơi mẹ nhẹ thế nay ư, con ơi con đừng lo cho mẹ, mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ.” Có một câu chuyện cũng nói lên tình mẹ như thế.

Ở một gia đình nọ, sau khi bố qua đời, người con trai có gia đình riêng đã đưa mẹ đến ở một nhà dưỡng lão. Thỉnh thoảng anh cũng có đến thăm, song mỗi lần tới cũng vội vội vàng vàng, chỉ kịp biếu mẹ chút đồ rồi nhanh chóng rời đi vì nói có việc, hai mẹ con hầu như chẳng có thời gian chuyện trò. Bà mẹ buồn lắm, vừa thươпg nhớ con trai, vừa thươпg nhớ các cháu, nhưng chẳng dám bảo con trai đưa con dâu cùng các cháu đến.

“Chắc chúng nó lúc nào cũng bận, mình chẳng nên làm phiền”, bà tự nhủ.

Một ngày kia, sức khỏe của bà cụ yếu dần, rồi con trai bà nhận được cuộc gọi từ viện dưỡng lão. Đầu dây bên kia là giọng nói yếu ớt của người mẹ: “Hãy đến thăm mẹ đi.”

Người con trai chạy đến viện dưỡng lão, thấy rằng tình hình của mẹ mình khó mà qua khỏi được. Đến lúc này, anh mới nhận ra mình là kẻ vô tâm đến mức nào. Hai hàng nước mắt anh tự dưng lăn xuống, anh qùy gối xuống bên người mẹ già ốm yếu của mình rồi hỏi: “Mẹ, giờ mẹ có muốn con làm điều gì cho mẹ không?”

Người Mẹ nắm chặt tay con trai dặn dò: “Hãy cho người lắp quạt ở viện dưỡng lão này nhé, vì ở đây không có quạt, пóпg lắm. Ngoài ra, con hãy mua một chiếc tủ lạnh rồi chất đồ ăn vào đó nữa, vì có nhiều hôm mẹ đã phải đi ngủ với cái bụng đói đấy.”

Nghe những lời này, người con trai vừa đau lòng, vừa ngạc nhiên nên đã hỏi lại: “Sao mẹ ở đây lâu, phải chịu đựng những điều này mà không nói với con? Giờ đây, mẹ nói những điều đó thì còn có ích gì nữa?”

Đến lúc này, người mẹ mới xoa đầu người con trai, giống như bà vẫn thường hay làm cách đây nhiều năm, khi anh vẫn còn là một đứa trẻ. Bà nhẹ nhàng trả lời: “Con trai, Mẹ có thể chịu пóпg, chịu đói khát, chịu đau đớn vì không muốn làm phiền con, nhưng khi con già đi, các con của con cũng đưa con vào đây, thì mẹ sợ rằng, con sẽ không chịu được đâu…”

Mừng lễ hôm nay, chúng ta xác tín một điều trái tim vẹn sạch của Mẹ, sở dĩ vẹn sạch không chỉ vì Mẹ hướng về Chúa, mà Mẹ còn hướng về con cái của mình, cụ thể là mỗi người chúng ta, nên chúng ta được mời gọi chạy đến với Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ không bỏ rơi chúng ta bao giờ.

Để kết thúc, chúng ta dành ít phút giây để nhớ lại kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van, chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ, là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.