Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 26.06 đến ngày 01.07.2023

0
24

Phút lắng đọng Lời Chúa từ ngày 26.06 đến ngày 01.07.2023

26.06.2023

THỨ HAI TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 7,1-5

Lời Chúa:

“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1)

Câu chuyện minh họa:

Ðể kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.

Trong bữa tiệc, ông đem khoe một cái bật lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái bật lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.

Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra cái bật lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái bật lửa. Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là người đã đánh cắp cái bật lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khóat không mở túi áo ra cho mọi người xem.

Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái bật lửa trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.

Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: “Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?”.

Anh ta mới giải thích như sau: “Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi”.

Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng.

Suy niệm:

Gian dối và sự thật luôn xen lẫn nhau, chỉ có Thiên Chúa mới biết được lòng dạ con người. Người thấu suốt mọi sự dù người đó nghèo hèn hay sang trọng, còn con người chỉ nhìn thấy vẻ bên ngoài. Vì thế, con người rất dễ bị sai lầm khi xét đoán. Khuynh hướng con người là thấy cái sai nơi người khác, dễ dàng kết án người khác. Chúa Giêsu đến để cải thiện khuynh hướng ấy, bằng cách hướng con người quay về lại chính mình, để nhìn nhận những yếu đuối bất toàn của bản thân để dễ dàng thông cảm với người khác.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm cung cách cư xử của Chúa Giêsu để có cái nhìn đúng về người anh em của mình, biết nhìn ra hình ảnh cao quý của chính Thiên Chúa trong người anh em mình. Cái nhìn duy nhất của Chúa Giêsu là sự cảm thông, yêu thương, nhân từ, tha thứ, quan tâm… Còn cái nhìn của chúng ta đối với người khác thì sao?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết học nơi Chúa tấm lòng quảng đại, để chỉ thấy điều tốt lành nơi anh chị em mình mà thôi, biết dẹp đi cái nhìn ích kỷ, nhỏ nhen để cuộc sống của chúng con trở nên dễ thở hơn, nhẹ nhàng hơn và bác ái với nhau hơn.

27.06.2023

THỨ BA TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 7,6.12-14

Lời Chúa:

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.” (Mt 7,13).

Câu chuyện minh họa:

Câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.

“Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxicô. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô Milano. Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.

Một hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo.

Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây.

Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy.

Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.

Macello đã giải thích về việc làm của mình như sau: “Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ đang ở đâu.

Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở”.

Suy niệm:

Xã hội chúng ta đang sống có rất nhiều người nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, vì thế chúng ta cần ra khỏi vỏ ốc an toàn của sự hưởng thụ, mà đến với người nghèo bằng việc chia sẻ, yêu thương và cảm thông với họ. Bên cạnh những sự nghèo đói cơm bánh còn có cái nghèo của những người thiếu sự an ủi, bị cô lập, bị loại ra khỏi một tập thể… Vì thế chúng ta cần ra khỏi mình, mang yêu thương của Chúa đến với họ. Đó là con đường hẹp mà Chúa muốn mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta đi theo.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ những ham mê, những sở thích riêng để đáp lại lời kêu gọi của Chúa “hãy nên trọn lành” để qua con đường hẹp đó, Chúa sẽ dẫn con vào con đường đầy hạnh phúc, và chan chứa niềm vui vĩnh cửu.

28.06.2023

THỨ TƯ TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Thánh Irênê, giám mục, tử đạo

Mt 7,15-20

Lời Chúa:

“Cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,20).

Câu chuyện minh họa:

Ngày kia có một người nghèo nhặt được một cái ví, trong đó có hai trăm đồng vừa vàng vừa bạc. Nhớ lại lời Chúa, người đó muốn trả lại cái ví cho người chủ. Nhưng không biết tìm đâu ra người chủ. Người nghèo liền viết một tấm bảng kêu gọi người mất ví tìm đến nhà mình để nhận lại. Đọc được tấm bảng người mất ví tìm vào nhà người nghèo để xin nhận lại cái ví. Sau khi tra hỏi kỹ càng, người nghèo liền trao cái ví cho người chủ. Người này cảm ơn rối rít và tặng cho người nghèo hai mươi đồng, tức là mười phần trăm số tiền có trong ví, theo như qui định thời bấy giờ. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món quà. Người chủ liền trao cho mười đồng, nhưng ông cũng từ chối. Cuối cùng người chủ nài nỉ ông nhận cho năm đồng, người nghèo cũng một mực không nhận. Khổ tâm vì không thể nói lên được lòng biết ơn của mình, người chủ đành ném cái ví xuống đất rồi nói như sau: “Bởi vì ông không chịu nhận cho một đồng nào, nên tôi tuyên bố là tôi cũng không hề mất một đồng nào”. Nghe thế, người nghèo đành phải nhận món quà của người giầu. Nhưng tức khắc ông đem chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông.”

Suy niệm:

Người nghèo trên đây đã không tham lam khi nhặt được của rơi, không nhận quà khi người ta đền ơn, nhưng vì lòng bác ái ông đã nhận và cũng vì bác ái mà ông đã trao ban cho người nghèo hơn ông. Đây quả thật là hình ảnh đẹp tuy ông nghèo về vật chất nhưng ông giàu về lòng quảng đại, bác ái, và tình người.

Hôm nay Chúa sử dụng hình ảnh xem quả thì biết cây, để nói với mỗi người chúng ta về sự kết hiệp của chúng ta thế nào đối với Chúa. Cây lành, cây xấu thì tự nó không thể thay đổi được nhưng chúng ta mang danh là Kitô hữu, chúng ta cần biến đổi mỗi ngày để trở nên tốt hơn, giống hình ảnh Chúa nhiều hơn. Những ai là môn đệ thật sự, thì đời sống của họ sẽ trổ sinh hoa trái của Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5,22-23).

Mỗi chúng ta tự vấn bản thân mình xem đời sống và việc làm của chúng ta có chứng minh được chúng ta là con cái Chúa chưa?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con kiên trì, nhẫn nại, thay đổi bản thân để mỗi ngày đời sống hằng ngày cũng như đời sống tâm linh của con trổ sinh hoa trái tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.

29.06.2023

THỨ NĂM TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

Mt 16,13-19

Lời Chúa:

“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

Suy niệm:

Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.

Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.

Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần… Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: “Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi”.

Suy niệm:

Nhận biết và tuyên xưng Con Thiên Chúa là một ơn quan trọng, vì nhận biết là một trong ba yếu tố: biết, tốt và hợp để dẫn tới tình yêu. Cha ông ta thường bảo: “Vô tri bất mộ”, không biết thì không mến, chúng ta không thể mến yêu một người mà chúng ta không hề quen biết, nhưng nếu chỉ nhận biết không mà thôi thì chưa đủ, chưa trọn vẹn. Vì biết thì chưa chắc đã mến, ma quỉ nhận biết Thiên Chúa rõ ràng (Mc 3,12), nhưng chúng đâu có mến yêu Thiên Chúa.

Hẳn không ai trong chúng ta muốn nhận biết Thiên Chúa để rồi thù ghét Ngài như ma quỉ, nhưng cũng phải nhận rằng chúng ta chưa nhận biết và yêu mến Chúa cho đủ. Chúng ta cần nhận biết Thiên Chúa và đem hết tâm hồn yêu mến Chúa là Đấng đã chết vì yêu chúng ta.

Lạy Chúa, nếu chúng con biết đặt cuộc đời trên nền tảng là lòng yêu mến Chúa thì không quyền lực nào thắng nổi, xin Ngài củng cố niềm xác tín ấy nơi con để con luôn trung thành và hăng say phụng sự Chúa.

30.06.2023

THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 8,1-4

Lời Chúa:

“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mt 8,2)

Câu chuyện minh họa:

Nhà thần học Teuler người Đức thuật lại: “Có lần tôi muốn tìm một định nghĩa về thánh ý Chúa, tôi suy nghĩ mãi nhưng tìm không ra; tôi cứ thơ thẩn dạo quanh các vườn hoa, vào các nhà thờ, lục tìm trong các thư viện, nhưng vẫn không tìm ra. Một hôm, tôi vào cầu nguyện trong nhà thờ; lúc đi ra, tôi thấy một ông cụ già ăn mày đang đứng ở cửa nhà thờ ngả mũ xin tiền. Theo thói quen, tôi lấy tiền biếu cụ và chào:

– Chúc ông một ngày tốt đẹp.

Cụ già trả lời:

– Ngày nào lại chẳng phải là một ngày tốt!

Nghĩ là ông già gàn, bướng bỉnh, tôi dừng lại và hỏi:

– Xin lỗi cụ. Cụ đói rách thế này mà cụ bảo là ngày nào cũng tốt được sao?

Ông cụ trả lời:

– Thưa ông, tôi theo ý Chúa. Chúa muốn mưa, tôi cũng muốn; Chúa muốn nắng, tôi cũng muốn; Chúa muốn sướng, tôi cũng muốn; Chúa muốn cực, tôi cũng muốn chấp nhận tất cả. Phần tôi, tôi đã phấn đấu làm việc lúc còn trẻ, nên cũng đủ ăn; giờ này, già cả rồi, nhờ bà con rộng lòng bố thí, cũng đủ ăn. Ngày nào cũng đẹp, cũng tốt!

Ông Teuler kể tiếp: “Cụ già này thông minh hơn tôi. Chính ông đã cho tôi định nghĩa thánh ý Chúa là gì!”

Suy niệm:

Chúa không chỉ chạnh lòng thương những nỗi thống khổ gây nên bởi đói khát, bệnh tật, mà Ngài còn chạnh lòng thương trước nỗi khổ bơ vơ của con người nữa.

Xã hội mà chúng ta đang sống, chắc chắn là không thiếu gì những chuyện thương tâm, những cảnh đau thương như thời của Chúa Giêsu. Nhưng thái độ của chúng ta trước những nỗi khổ đó của người chung quanh như thế nào? Chúng ta có “ĐỘNG LÒNG THƯƠNG” để chia sẻ với những người đó không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đón nhận và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời, để chúng con chỉ muốn điều Chúa muốn.

01.07.2023

THỨ BẢY TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Mt 8, 5-17

Lời Chúa:

“Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” (Mt 8,13)

Câu chuyện minh họa:

Người ta kể về một người đạo đức nọ như sau: Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà đó là tiến hành cuộc giải phẫu. Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà.

Vào thời buổi mà thuốc tê mê chưa có, thì bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng. Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: “Lạy Chúa tôi”.

Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn phạm đến Chúa. Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con: “Con ơi, con hãy im đi, con làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều”.

“Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ”. Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc tê mê đã xoa dịu cơn đau đớn của bà.

Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội và căn dặn: “Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con”.

Suy niệm:

Niềm tin đơn sơ của người phụ nữ này đã làm cho chúng ta đáng khâm phục. Nếu trong cơn đau đớn hay những thử thách cùng cực, chúng ta có nhớ đến Chúa, và đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa không? Chúa không chỉ chạnh lòng thương những nỗi thống khổ gây nên bởi đói khát, bệnh tật, mà Ngài còn chạnh lòng thương trước nỗi khổ bơ vơ của con người nữa.

Viên đại đội trưởng trong Tin mừng hôm nay có thái độ rất đặc biệt đối với người nô lệ của mình. Ông làm hết mọi cách để cứu nó, không còn là vai trò chủ – tớ trong đế quốc La mã thời bấy giờ nữa, nhưng ông yêu thương người nô lệ của mình hết lòng, và điều ấy đã làm cho Chúa Giêsu chạnh lòng. Không những thế, ông là người ngoại giáo nhưng lại thể hiện một niềm tin phi thường, phi thường đến tột độ: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. Đó là tiếng nói của lòng tin, tiếng nói dẫn ông đến hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Lạy Chúa, xin cho đức tin của con mỗi ngày thêm vững mạnh hơn để con tiến gần hơn với hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho