Dấu Thánh Giá, Logo của Giáo Hội- Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi

0
206

Dấu Thánh Giá, Logo của Giáo Hội- Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi

“Tôi còn nhớ, một trong những câu hỏi trong sách giáo lý cho trẻ em ngày xưa: ‘Dấu chỉ của Kitô hữu là gì? Thưa, là dấu thánh giá’. Tất cả các thể chế, các thương hiệu ngày nay đều có một dấu hiệu riêng biệt, một logo nói lên nét đặc biệt của cơ quan, công ty mình. Tôi nghĩ đến các Kitô hữu đầu tiên, họ đáng được nhận giải thưởng quảng bá giỏi nhất, họ đã tạo ra một logo biểu tượng cho hình ảnh của Giáo hội. Người ta khó có thể tìm một hình ảnh nào đơn giản hơn, trọn vẹn hơn, qua chiều sâu, chiều rộng, tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị của Giáo hội, cây thánh giá hội đủ các yếu tố trên” (x. phanxico.vn, 12.12.2016).

Theo truyền thống của Giáo hội, khi bắt đầu bất cứ công việc gì, người tín hữu làm “Dấu Thánh Giá” để tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi; và khi kết thúc công việc, họ đọc kinh “Sáng Danh” để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hôm nay Giáo hội mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Bởi thế, con người chỉ có thể biết được Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải trong Kinh Thánh.

Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, đó là sứ điệp cơ bản của Cựu ước (Đnl 6,4-5) và Tân ước cũng đã ghi nhận lại (Mc 6,4-5).

Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau. “Đức Giêsu là Chúa Con, Đấng tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha đầy lòng thương xót, Đấng đã mang “lửa” vào mặt đất. Lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần” (x.Bài giảng lễ Chúa Ba Ngôi năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô).

Tân Ước mạc khải Ba Ngôi: sự hợp nhất của Ba Ngôi trong sứ mạng của ngôi thứ hai – Ngôi Con : Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bắt đầu sứ vụ, bầu trời mở ra với tiếng Chúa Cha phán cùng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh của chim bồ câu (x. Mt 3, 16-17; Mc 1, 9-11; Lc 3, 22-22). Tin Mừng Gioan đã nhiều lần đề cập Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã mạc khải: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”(Ga 14,16). Sự gắn bó giữa Chúa Cha và Chúa Con luôn khắng khít “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10), gắn bó đến nỗi như Chúa Giêsu thổ lộ : “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30), và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Chính Thánh Thần là Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con, Thánh Thần làm chứng về Ngôi Lời : “…Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15, 26 ). Như Chúa Giêsu sau đó loan báo : “Khi nào Thần Khí sự thật đến … tất cả những gì Người đã nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết … Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13.14).

Sách Công vụ Tông đồ ghi lại bài giảng của Tông đồ Phêrô về Giáo huấn Thiên Chúa Ba Ngôi trong công trình cứu độ và cả trong giây phút hiện tại: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe”(Cv 2,33).

Chúa Ba Ngôi hiện diện ở trong ta nếu như ta sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23). Giữ Lời Thầy, Lời Cha Thầy và chúng ta như Chúa Giêsu nhấn mạnh là Ba Ngôi Thiên Chúa đến ở cùng.

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra cách rõ ràng qua các vai trò và hoạt động của từng ngôi vị: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc nhân loại và Chúa Thánh Thần thánh hóa và hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả, nhưng rất gần gũi với đời sống của mỗi người Kitô hữu. Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế Giáo Hội 4).

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cơ bản của đức tin Kitô giáo. Chính vì khẳng định có Ba Ngôi trong Thiên Chúa mà đức tin khác biệt trong phần cơ bản với các tôn giáo khác, kể cả những tôn giáo độc thần như Do thái giáo và Hồi giáo. Đồng thời đức tin vào Ba Ngôi trong Thiên Chúa là luồng ánh sáng soi chiếu tất cả các yếu tố khác của Kitô giáo. Người ta chỉ có thể hiểu được một cách đúng đắn hình ảnh và sự nghiệp của Đức Giêsu Kitô với tất cả các chiều kích dưới ánh sáng đức tin ấy mà thôi.

Mầu nhiệm Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần được mạc khải cho các kitô hữu trước hết không phải như một đạo lý cần phải thấu hiểu, nhưng như một kinh nghiệm để sống trong Thánh Thần, bước theo Chúa Giêsu để đến với Chúa Cha. Qua Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu đón nhận đời sống mới từ Chúa Cha, được đồng hoá với Chúa Kitô nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đời sống ấy phản ánh sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi, được thể hiện trong cộng đoàn Giáo hội là Thân mình của Đức Kitô (Ep 4,4-5).

Ngay từ thời các Tông đồ, đời sống mới trong Ba Ngôi còn được hiểu như là đời sống theo ba nhân đức hướng thần: Tin, Cậy, Mến (1Tx 1,3; 5,8; 1Cr,7.13; Rm  5,1-5; 12,6-12).

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu trở thành con của Chúa Cha và phản ánh nét độc đáo của Chúa Cha, đó là tình yêu trao ban và sáng tạo. Phản ánh ấy là đức Mến, đó là ân huệ lớn lao nhất (1Cr 13.13), nhờ đó con người nên giống “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và có thể đi bước đầu để yêu mến một cách vô vị lợi và với óc sáng tạo.

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được tháp nhập vào Chúa Con nhập thể và phản ánh trong cuộc sống của mình nét độc đáo của người Con ấy, đó là khả năng đón nhận tình yêu. Phản ánh này là đức Tin. Khi sống đức tin người tín hữu tham dự một cách nào đó vào động tác vĩnh cửu của tình yêu, qua đó người Con hoàn toàn chấp nhận sự sống từ Chúa Cha và trở thành hình ảnh của Người.Tin là chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu mình, là phó thác và là vâng phục (Rm 1,5; 6,17; 2Cr 10,4).Như vậy Đức Kitô là đối tượng của đức tin, đồng thời cũng là gương mẫu cho đức tin của chúng ta, vì Người đi trước chúng ta trong cuộc chiến đấu của đức tin (Dt 12,2).

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và phản ánh nét độc đáo của Người, đó là mối dây liên kết và sự cởi mở tự do đối với tình yêu. Phản ánh này trong đời sống của người kitô hữu là đức Cậy, nó mở rộng cõi lòng của tín hữu để đón nhận tương lai của Thiên Chúa. Đức cậy khơi động đức mến và khích lệ sự vâng phục của đức tin.Đức cậy liên kết sự táo bạo của đức mến với sự kiên nhẫn của đức tin và sẽ không làm cho người tín hữu phải thất vọng (Rm 5,5).(x.Thiên Chúa Ba Ngôi, Norberto).

Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.

Dấu Thánh Gía là một chương trình cho ngày sống của con người buổi sáng, buổi chiều, lúc ăn uống cùng cả khi đi đường, lúc đứng qùy hay nằm trên giường.Làm dấu Thánh Gía trên thân thể là lời cầu nguyện, đồng thời cũng là chúc lành cho chính mình cùng cho người khác nữa.

Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu Thánh Giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.

Dấu Thánh Gía – Logo của Giáo Hội, là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết “khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa”. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An