CÙNG ĐỨC KITÔ PHỤC SINH BƯỚC VÀO THẾ GIỚI
Bước đi với Đức Ki tô Phục sinh, chúng ta cũng hãy là những ngọn lửa mang ánh sáng Phục sinh bình an của Thiên Chúa đến với mọi người.
Ánh sáng của Đức Kitô luôn hừng hực đủ để chiếu sáng cả vũ trụ này, ánh sáng ấy lên lỏi đến từng ngõ ngách và cả những nơi tưởng chừng là nhỏ bé và tối tăm nhất trong tâm hồn mỗi người. Dưới ánh sáng Phục sinh, chúng ta có quyền hy vọng lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa, để rồi sống sung mãn nguồn ân sủng nơi Thiên Chúa và ra đi trao ban tình yêu ấy cho mọi người.
1/ Tình yêu ra khỏi mình.
Đức Giêsu, “dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục,” (Dt 5,8) rồi chúng ta cũng hãy nhớ đến lời mời gọi của Chúa Giê su đối với những kẻ muốn theo Người: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.” (Lc 9,23)
Từ bỏ con người cũ, của tội lỗi, của đam mê xấu và những gì là xa rời Chúa, để bước vào một thế giới mới với ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Ánh ánh Phục sinh dẫn dắt chúng ta luôn đi ngay lối, hướng dẫn lương tâm và soi tỏ mọi ước muốn của chúng ta. Đức Kitô Phục sinh bước ra khỏi uy quyền, bước xuống với con người, ở giữa và trao ban tình yêu cho con người bằng chính cái chết đau thương trên Thập giá.
Khi có cảm tình với một ai đó, chúng ta dễ dàng tìm thấy niềm vui khi gặp gỡ, nói chuyện hay thậm chí khi chỉ nghĩ đến họ. Tình yêu thôi thúc chúng ta hướng mọi cảm xúc, ánh nhìn và cả tư tưởng về người mình yêu. Đứng trước và đối diện với anh chị em đồng loại, chúng ta có thấy mình đang bị lôi cuốn hay không? Họ là ai? Có phải là cha mẹ, anh chị em và người thân cận của chúng ta không? Nếu đã là con Thiên Chúa, thì tất cả chúng ta là anh chị em với nhau; giống như cách Chúa Giê su đã nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”(Mc 3, 35) Tình yêu cũng không gói gọn trong từng yêu đôi lứa, khép kín trong một gia đình hay một dòng tộc, nhưng phải là tìm yêu “tha nhân”. Nói như thế cũng đúng, bởi lẽ, Chúa Giêsu nói với chúng ta phải biết “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời.” (Mt 5, 44-45) “Tình yêu đích thực sẽ giúp phát triển, và những hình thức tình bạn cao quý nhất sống trong trái tim cho phép bản thân được hoàn thiện. Mối quan hệ của đôi lứa và tình bạn được định hướng để mở rộng trái tim ra xung quanh chúng ta, giúp chúng ta có thể ra khỏi chính mình để chào đón mọi người.” (Thông điệp Tất cả anh em, Đức thánh cha Phanxicô, số 89)
2/ Tình yêu hy vọng.
Trong sứ điệp mùa chay năm nay (2021), Đức thánh cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy biết sống niềm hy vọng, điều ấy thật phù hợp với mỗi người chúng ta trong hoàn cảnh của đại dịch Covid-19 và bầu khí vui mừng của đại lễ Phục sinh. Chúa Kitô Phục sinh đã vén bức màn tăm tối che phủ con mắt chúng ta, chính Người đã cho chúng ta nhìn thấy và nhận ra ánh sáng thật của rạng đông ngày Phục sinh; đó chính là ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của niềm hy vọng. Ánh sáng Phục sinh giúp chữa lành những thứ bệnh hoạn tật nguyền đã từng hành hạ thân xác và cả tâm hồn, ánh sáng Ấy cũng khơi lại những ước muốn tốt đẹp đã có và đang đến với chúng ta.
Câu chuyện người Samari nhân hậu nhắc lại cho chúng ta lòng thương xót của Chúa, chính cử chỉ quan tâm cứu chữa của người ngoại giáo này đã khơi lên niềm hy vọng nơi người bị nạn, một niềm hy vọng tưởng chừng đã bị tắt lịm vì sự thờ ơ. Câu chuyện người Samari nhân hậu cũng nhắc nhớ chúng ta sống niềm hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa thông qua Con một của Người là chính Đức Giêsu Kitô; tình yêu ấy được biểu hiện cụ thể nơi cuộc tử nạn và Phục sinh. Bên cạnh đó, tình yêu còn được khởi đi nơi sự giao hoà với Thiên Chúa, khi nhắn nhủ với các tín hữu tại Côrintô, thánh Phaolô mời gọi họ hãy “giao hoà với Thiên Chúa.” (2Cr 5,20) “Một khi bản thân đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao tặng nó qua việc sẵn sàng đi vào cuộc trò chuyện ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua nỗi buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm ngày Phục sinh của tình huynh đệ.” (Sứ điệp mùa Chay 2021, Đức thánh cha Phanxicô)
Bên cạnh việc hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải tạo ra niềm hy vọng cho những người xung quanh, niềm hy vọng được khởi đầu nơi lòng nhân hậu của chúng ta, “lòng nhân hậu là sự giải thoát khỏi sự tàn nhẫn đôi khi xâm nhập vào các mối quan hệ của con người, khỏi sự lo lắng vốn ngăn cản chúng ta nghĩ đến người khác, khỏi sự bức bách bị phân tâm mà phớt lờ rằng người khác cũng có quyền được hưởng hạnh phúc.” (Thông điệp Tất cả anh em, số 224)
Sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô cũng khơi lên niềm hy vọng vào sự đổi mới của Thiên Chúa, “này đây Ta đổi mới mọi sự.” (Kh 21,5) Chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự đổi mới của Thiên Chúa, đặc biệt hay sống niềm tin tưởng ấy khi đứng trước những lo lắng trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn còn đó.
3/ Trao ban tình yêu.
Trước khi đi chịu tử nạn, Đức Giêsu truyền cho các môn đệ một điều răn mới, “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35) Bên cạnh đó, trong ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô khi hiện ra với các phụ nữ và với các tông đồ, Người luôn trao ban bình an của Thiên Chúa cho họ. Chính Chúa Giêsu đã đem đến tình yêu bình dân cho nhân loại, một tình yêu cao cả của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu; chúng ta là những người thụ hưởng tình yêu ấy, chính chúng ta cũng hãy biết trao ban tình yêu đã được nhận lãnh đến với hết mọi người. Tình yêu cũng được biểu hiện cụ thể nơi lòng bác ái, lòng bác ái thôi thúc chúng ta nhận ra những nhu cầu của anh chị em đồng loại. Người thiếu tình thương, người đang đói rách…, chúng ta có nhận ra những nhu cầu của họ? Mặt khác, tình yêu trao ban cũng được xuất phát từ sự khiêm nhường hy sinh. Khi nhận ra sự thiếu thốn của bản thân, chúng ta cũng có thể thấu hiểu và cảm thông cho sự thiếu thốn của những người xung quanh, để từ đó hy sinh giúp đỡ họ. Nói các khác, khi đủ khiêm nhường, chúng ta nhận ra sự yếu kém của bản thân, để rồi tìm đến người khác bằng tình yêu để học hỏi và trau dồi. Khi phục vụ những người gặp khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải thực sự kiên nhẫn và khiêm nhường, để đi sâu vào những nhu cầu của họ.
“Nếu Thiên Chúa yêu mến chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu mến nhau.” (1Ga 4,11) “Điều răn này chúng ta đã nhận từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu mến anh chị em mình.” (1Ga 4,21) Thánh Gioan mời gọi chúng ta đi từ tình yêu Thiên Chúa đến với anh chị em đồng loại, mà cụ thể là với những người ngay sát bên cạnh, những người nhỏ bé và bị loại trừ khỏi xã hội này.
Bước đi với Đức Ki tô Phục sinh, chúng ta cũng hãy là những ngọn lửa mang ánh sáng Phục sinh bình an của Thiên Chúa đến với mọi người. Để kết thúc những suy tư của mình, tôi xin được mượn những lời nhắn nhủ của Đức thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Đức Ki tô hằng sống như sau: “Cha đề nghị các bạn trẻ hãy vượt ra ngoài các nhóm thân hữu và xây dựng tình bằng hữu trong xã hội, tìm kiếm thiện ích chung. Hiềm thù xã hội thì dẫn tới hủy diệt. Các gia đình bị hủy diệt bởi hiềm thù. Các quốc gia bị hủy diệt bởi hiềm thù. Thế giới bị hủy diệt bởi hiềm thù. Và sự hiềm thù lớn nhất chính là chiến tranh. Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá bằng chiến tranh. Bởi vì họ không thể ngồi lại để đàm phán. […] Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội. Đó là điều không dễ dàng, cần phải luôn từ bỏ một điều gì đó, cần phải thương lượng, nhưng nếu chúng ta làm thế vì nghĩ tới lợi ích của mọi người, có thể chúng ta sẽ thực hiện được kinh nghiệm tuyệt vời về việc bỏ qua một bên những khác biệt để cùng nhau đấu tranh cho một mục đích chung. Nếu chúng ta tìm được những điểm tương đồng giữa rất nhiều khác biệt, trong nỗ lực dấn thân và đôi khi vất vả để bắc những nhịp cầu, để kiến tạo một nền hoà bình tốt đẹp cho mọi người, thì đây là phép lạ của nền văn hoá gặp gỡ mà những người trẻ có thể mạnh dạn và say mê sống cho nó.” (Thông điệp Đức Kitô hằng sống, số 169)
Giuse Lưu Hành, SDB