Gia đình- Nơi nảy sinh những thánh nhân

0
51

Thưa các bạn trẻ, tôi cũng là một người trẻ, xin được chia sẻ với các bạn cái nhìn của tôi về gia đình trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta thường nghe nhắc đến gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, gia đình là nền tảng của xã hội,… và sẽ có vô vàn khái niệm xoay quanh gia đình. Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh đến những thành phần cốt yếu trong gia đình là cha, mẹ và con cái. Những thành phần này có bổn phận, trách nhiệm và mối liên hệ nào với nhau, và họ là gì của nhau.

Khác với một gia đình thông thường, gia đình công giáo khoác lên mình sứ điệp của Thiên Chúa là giáo dục con cái như món quà Chúa tặng ban, ngoài ra đây còn là nơi chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa và là dấu hiệu của sự hiệp nhất. Gia đình là một Giáo hội thu nhỏ và gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Trong sách Sáng thế Đức Chúa là Thiên Chúa phán : “Con người ở một mình không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 1, 18) Cha mẹ phải trở thành mối liến kết hoàn chỉnh, hợp nhất và thống nhất. Không phải chỉ để hòa thuận và yêu thương, nhưng còn là mẫu gương tốt lành cho con cái nói theo.

  1. Gia đình – dấu chỉ của sự yêu thương.

Với sự tác hợp và chúc lành của Thiên Chúa, con người lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Chúa. Nếu Chúa nói đến giới răn mới là: “Các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con” (Ga 13,34), thì chắc hẳn đây không chỉ là một lệnh truyền, mà đây cò là một dấu hiệu để nhận biết; để con người nhận biết đây là gia đình của Thiên Chúa và là môn đệ của Người: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga13,15).

Yêu thương không chỉ là một điều kiện mà nó đã trở nên một cử chỉ cần thiết và là một điều căn bản khi nhắc đến Thiên Chúa vì như lời thánh Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu”. Chính vì thế, gia đình trở nên môi trường hữu hiệu nhất để trở thành trường dạy yêu thương. Trong đó, cha mẹ trở nên những nhân chứng sống động nhất cho tình yêu.  Gia đình là một chỉnh thể hợp nhất từ huyết thống nên dễ dàng yêu thương và từ đó sự yêu thương lan tỏa ra bên ngoài. Như điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”, nhưng Chúa Giê-su lại nói thêm “còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh”. Qua những minh chứng từ lời Chúa, chúng ta dùng chính gia đình của mình để học và thực hành sự yêu thương, sau đó đem tình yêu thương ấy cho đi; vì tình yêu mà không cho đi đâu có thể gọi là tình yêu.

Con người sống giữa hai mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Thánh Gioan đã phân tích cụ thể cho chúng ta rằng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Cùng với sứ điệp mùa chay của Đức Thánh Cha Phanxico có nhắc đến tha nhân là một hồng ân; họ là ai? Và gia đình phải tương quan với tha nhân như thế nào. Thưa các bạn, tha nhân là những người có mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với ta, thân cận hoặc xa lạ, gần hoặc xa. Tha nhân nhắc nhớ gia đình phải biết cho đi, cho đi nhưng không với lòng quảng đại và bác ái. Cho đi tình yêu thương là hoa trái của sự biết ơn và cảm thông.

  1. Người cha bên con cái.

Nếu nói đến người cha, chúng ta vẫn hay nhắc đến Thánh cả Giu-se, một người cha mẫu mực và khôn ngoan. Nhưng trước khi nói đến vai trò làm cha, chúng ta cũng không quên nhắc đến vai trò làm chồng của người đàn ông trong gia đình. Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phao-lô đã viết “người chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5, 24), ở đây, thánh nhân cũng nhắc đến tình yêu, bởi lẽ tình yêu là mối dây liên kết mọi sự và cũng là khởi sự cho mọi việc.

Với trách nhiệm làm cha, thì có vô số điều cần phải nói đến, dù là nhỏ nhặt hay to lớn; nhưng tôi chỉ muốn nói với các bạn một vài điều mà người ta cho là nhỏ nhặt, không đáng nói đến.

Người cha học cách biết lắng nghe con cái. Ai cũng biết cha thường không sống cảm xúc như người mẹ, vì người đàn ông phải cứng rắn khi là trụ cột cho gia đình. Học cách lắng nghe không chỉ là việc trao đổi trực tiếp với con cái, nhưng còn thể hiện ở cách bạn quan sát con cái mỗi ngày. Sự lắng nghe biểu lộ cho việc bạn có quan tâm và thực sự muốn thấu hiểu con cái mình. Việc trao đổi với con cái giúp bạn thấu hiểu những suy nghĩ và hành động của con cái; bên cạnh đó việc quan sát để thấy được cảm xúc, lời nói và thái độ của con cái ở biểu hiện bên ngoài để có thể thấu hiểu được nội tâm của con cái.

Người cha học cách nhẫn nại với con cái. Sự nóng nảy phá vỡ hình ảnh một người cha nhân hậu và làm mất đi vẻ đẹp của sự yêu thương. Với con cái, người cha luôn là một chỗ dựa vững trãi và an toàn, bạn đừng để đánh mất điều đó trong mắt con cái. Hơn thế nữa, sự nhẫn nại còn thể hiện sự cảm thông, đôi lúc sự nhẫn nại giúp bạn thấu hiểu và thấy rõ được mọi vẫn đề mà con cái đang gặp phải để là người chia sẻ và giúp đỡ đầu tiên cho con cái mình. Và một điều mọi người vẫn hay nhắc đến đó là khoảng cách của cha và con cái không thân thiết và gần gũi như với mẹ, bởi một phần con cái thường thấy cha ít biểu hiện tình cảm, thường cứng rắn và nóng tính. Chính vì thế, sự nhẫn nại giúp bạn kéo con cái xích lại gần mình hơn. Học hỏi như lời Thánh Phao-lo trích trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô như sau: “những người làm cha thì đừng chọc tức con cái, nhưng hãy dưỡng dục, biết răn bảo sửa dạy theo đạo Chúa” (Ep 6, 4).

Người cha biết dành thời gian cho con cái. Với nhịp độ phát triển của xã hội và những đòi buộc của cuộc sống, khiến con người dễ bỏ quên những giá trị tinh thần. Một điều được nhắc đến khá nhiều trên những phương tiện thông tin đại chúng đó là người đàn ông ít dành thời gian cho gia đình. Đối với gia đình của Thiên Chúa, việc người cha dành thời gian cho gia đình là rất quan trọng, trong đó có những người con. Thời gian bên con cái là lúc bạn tạo cho chúng một tuổi thơ đủ đầy những yêu thương, lớn hơn nữa thì thời gian bên con cái giúp chúng tự tin, can đảm và bản lĩnh hơn qua việc bạn giáo dục và dạy dỗ chúng. Rồi khi chúng trưởng thành, thời gian bạn dành cho chúng sẽ là chỗ dựa tinh thần và là nơi an toàn để chúng trở về sau những vất vả của cuộc sống.

Người cha phải trở nên một mẫu gương hoàn hảo. Bạn không thể bắt con cái ngoan lành đạo đức khi cha của chúng tội lỗi và chẳng ra gì. Bạn nên nhớ, trong gia đình, cha mẹ luôn phải là gương mẫu đầu tiên để con cái nhìn vào; không những thế, với con cái thì cha mẹ sẽ là mẫu gương mà chúng nhìn đến đầu tiên. Không thể dạy con cái hòa thuận yêu thương khi người cha hay cãi vã và đánh đập trong gia đình; cũng như thế, bạn không thể dạy con cái trở nên tốt khi bạn đầy rẫy những khuyết điểm. Bạn cũng chẳng thể bắt con mình biết bác ái và quảng đại khi bản thân bạn lúc nào cũng chỉ biết tích góp cho bản thân. Thế đó, bạn hãy là mẫu gương tốt cho con cái noi theo.

  1. Người mẹ công giáo trong xã hội hôm nay.

Dù cuộc sống thay đổi, công việc hay hoàn cảnh sống khác nhau nhưng người mẹ luôn khá qua trọng trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc. Không chỉ quen với việc nội trợ, nhưng người mẹ hôm nay còn được xã hội trọng dụng. Với tất cả những khó khăn và gánh nặng như thế, người mẹ càng phải biết phó dâng cho Chúa gia đình của mình.

Người mẹ với tâm tình cầu nguyện và chiêm niệm. Mẹ Ma-ri-a xưa dưới mái nhà Nazaret hằng chiêm ngắm Chúa, cầu nguyện và lắng nghe lời Người. Thánh nữ Monica tin tưởng cầu xin Chúa, thế nhưng lời thỉnh cầu liên nỉ của bà với việc trở lại của thánh Augutino chỉ được ban cho bà sau 16 năm kêu khóc. Với xã hội hôm nay, các bà mẹ công giáo đang bị đe dọa mất đi sự kiên trì và tính bền bỉ; điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu như mất đi đời sống cầu nguyện, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể, như Đức Ma-ri-a đã thưa xin vâng. Qua việc cầu nguyện, người mẹ vừa dâng tâm tình của mình lên Thiên Chúa, vừa là bài học và mẫu gương cho con cái noi theo trong việc đạo đức và kính sợ Thiên Chúa.

Người mẹ chu toàn bổn phận. Không chỉ là gia đình, nhưng với con cái, người mẹ cần chu toàn những bổn phận của mình. Hơn ai hết, người mẹ hiểu rõ con cái muốn gì và cần gì. Cùng với người cha, người mẹ phải có bổn phận nuôi dưỡng và giáo dục con cái theo luật Chúa truyền, đó là những gì mà họ đã hứa khi cử hành bí tích hôn phối.

Người mẹ là một kho tàng của sự hy sinh. Không ai khác có thể cảm nhận rõ nhất sự hy sinh của mẹ cho bằng con cái. Có những hy sinh rất thầm lặng, có những hy sinh rất khổ đau, và cũng có những hy sinh rất vĩ đại. Nếu người làm mẹ không biết hy sinh thì gia đình chẳng thể nào bình yên. Con cái cần những hy sinh của mẹ, bạn tưởng tượng nếu người chồng lo việc tài chính, người mẹ chỉ biết ngồi lê đôi mắt thì ai sẽ chăm sóc con cái lúc chúng đau ốm, rồi ai giáo dục chúng những lúc hư hỏng. Người mẹ công giáo không chỉ là hy sinh mà còn là từ bỏ; từ bỏ cuộc sống riêng để sống cho gia đình và con cái, sau đó là nhận lãnh, nhưng không nhận lãnh cho bản thân mà là nhận lãnh cho con cái. Không thu góp cho bản thân mà thu góp cho con cái. Nhưng điều quan trọng là mọi việc người mẹ làm đều âm thầm và lặng lẽ, đôi khi chẳng cần ai biết đến, đó chính là nét đẹp mà một bà mẹ công giáo cần có.

Qua những khía cạnh nhỏ nhoi ấy nhưng rất cụ thể, tôi hy vọng chúng ta có thể thấy rõ được vị trí của mình khi làm cha mẹ đối với gia đình và con cái, vì không ai có thể thay thế được cha mẹ khi nhắc đến gia đình và con cái. Trong gia đình, một yếu tố thứ ba tạo nên nó chính là con cái, đây là những món quà quý giá nhất mà Chúa ban tặng cho gia đình mà cụ thể là người làm cha làm mẹ.

  1. Con cái bên cha mẹ theo lời Chúa dạy.

Thảo kính cha mẹ. Trong những giới răn mà Chúa dạy con người đối với tha nhân thì việc thảo kính cha mẹ là điều răn đứng hàng đầu. Bên cạnh việc đòi buộc như thế lại là một lời hứa cho phần thưởng mai sau, “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5, 16; Xh 20, 12). Không chỉ thực hiện vì mục đích, nhưng đây còn là động lực và ơn lành Chúa ban cho con cái đối với cha mẹ là những người đại diện Chúa ở trần gian này. Việc thảo kính cha mẹ bao gồm vâng lời, kính trọng và giúp đỡ cha mẹ, từ đó làm cho các ngài có niềm vui và hạnh phúc. Cha mẹ là đại diện của Thiên Chúa, cha mẹ là thầy dậy, và cha mẹ là người đồng hành với ta; hơn thế nữa, cha mẹ góp phần vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa dựng nên chúng ta. Sách Huấn ca khuyên chúng ta “Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc.” (Hc 3:8), đúng như thế, hãy hành động cụ thể để thảo kính cha mẹ cách xứng hợp nhất.

Quan tâm và ủi an. Ai cũng có lúc buồn phiền, cha mẹ cũng thế; đôi khi chính chúng ta là những người con lại làm cho cha mẹ bận tâm. Hãy biết quan tâm, hỏi thăm và chia sẻ với cha mẹ, và nếu chúng ta làm các ngài buồn phiền thì hãy biết sửa đổi, và khắc phục những sai lỗi của mình. Bạn đừng nghĩ khi đã trưởng thành, bạn tưởng chừng không cần đến cha mẹ nữa, điều đó làm cho các ngài thấy tủi thân, vì đối với cha mẹ con cái dù có lớn đến đâu thì vẫn mãi là con. Đặc biệt khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, dễ buồn phiền vì sự cô đơn lạc lõng, những lúc như thế cha mẹ rất cần con cái ở bên động viên và an ủi.

Nhẫn nại và chịu đựng mẹ cha. Bạn thấy điều này rõ nhất khi cha mẹ về già, tay chân luộm thuộm, trí nhớ không còn minh mẫn… Khi ấy, bạn dễ tỏ ra khó chịu và cáu gắt. Bạn khoan hãy phàn nàn; bạn cần nhìn lại quá khứ, những lúc nhỏ dại bạn cũng thường té ngã khi tập đi, bạn cũng hay chạy nhảy đổ bể đồ đạc, bạn cũng thường quên lời cha mẹ dạy dỗ… những lúc ấy ai đã bao dung để nâng bạn lên, quan tâm chăm sóc bạn, rồi ai đã hướng dẫn bạn thật tốt, đó chính là cha mẹ bạn. Bởi thế, khi cha mẹ già nua yếu ớt, bạn hãy biết nhẫn nại hơn, chịu đựng để giúp đỡ và chăm sóc các ngài.

Điều đơn giản nhưng lại là điều tuyệt vời, gia đình là thế, nếu bạn biết cách chăm sóc thì gia đình ấy sẽ tươi tốt và sinh nhiều hoa trái tốt tươi. Với thái độ của giới trẻ và đáp lại lời mời gọi của Đức thánh cha trong việc chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình, tôi thấy mình cần nói lên suy nghĩ và cho đi cái mình nghĩ để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa nơi anh em. Trước hết chúng ta phải làm cho gia đình mình trở thành nơi yêu thương, sau đó để tình yêu ấy trổ sinh và cho đi đến với những gia đình khác. Dấu chỉ của Thiên Chúa tình yêu là sự yêu thương, hãy trở nên một Đức Ki-tô mới giữa gia đình trong xã hội hôm nay với việc vượt ra khỏi giới hạn của sự sợ hãi và thách đố của thời đại để thực hiện giới luật yêu thương. Như lời Thánh Gia-cô-bê đã nói: “Đức tin không có việc làm là Đức Tin chết”, quả đúng như thế, tin vào tình yêu của Thiên Chúa mà không thể hiện tình yêu ấy cho tha nhân thì sao gọi là tin. Chúng ta thấy được rằng đức tin hướng dẫn hành động và chính hành động lại củng cố và làm chứng cho đức tin. Gia đình phải trở nên nơi hành động của đức tin; bởi Chúa dạy nhiều điều về gia đình như hôn nhân là một bí tích và sự liên kết của thiên Chúa; việc thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ; những mối liên hệ và trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng… phải để tất cả trở nên sống động và hữu ích trước mặt Thiên Chúa và con người, rồi mọi sự sẽ được Chúa trả công cách xứng đáng.

Lưu Hành