5 Phút Lời Chúa Tháng 01/ 2016

0
33

01/01/16 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Lễ Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa Lc 2,16-21
TIN NHƯ ĐỨC MA-RI-A

“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19)

Suy niệm: Bà Thủ tướng Đức A. Merkel được tờ báo danh giá Time chọn là nhân vật của năm 2015. Bà được đánh giá là một người nữ có nhiều ảnh hưởng trong việc ổn định hòa bình tại Châu Âu cũng như phần nào các châu lục. Ngày đầu năm mới, Giáo Hội cũng giới thiệu cho ta một người nữ có nhiều ảnh hưởng trên đời sống đức tin của các tín hữu trên toàn thế giới. Đức Ma-ri-a, người nữ quyền lực ấy được Giáo Hội trình bày như là Mẹ Thiên Chúa, người tiên khởi trong các kẻ tin. Dân Ít-ra-en đã tin Thiên Chúa duy nhất, quyền năng, thương xót; còn Mẹ, hơn thế nữa, Mẹ tin một Thiên Chúa hạ mình nhập thể làm người. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người ấy cao siêu quá, Mẹ phải suy đi nghĩ lại mãi trong lòng mình.

Mời Bạn: Mẹ Thiên Chúa là danh xưng của Đức Ma-ri-a, cũng như Ki-tô hữu là danh xưng của bạn. Đức Ma-ri-a trở nên cao cả nhờ mối tương quan mẹ-con với Đức Ki-tô; bạn cũng được cao trọng nhờ thuộc về Đức Ki-tô, là người em, người môn đệ của Ngài. Đức Ma-ri-a luôn suy gẫm, tìm thánh ý Chúa để thi hành; bạn cũng hãy thực hiện ý Chúa mong muốn nơi bạn.

Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới, tôi nghĩ đến kế hoạch sống đức tin trong năm mới 2016: nỗ lực thực thi lòng thương xót như Đức Ma-ri-a trong Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót này.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, chúng con chúc tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã sinh ra Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa để chúng con cũng tin và sống đúng tư cách môn đệ Chúa Giê-su trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

02/01/16 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Th. Ba-xi-li-ô Cả và Ghê-gô-ri-ô Na-di-en Ga 1,19-28
KHÔNG THỂ TỐT HƠN

Khi người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông Gio-an: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (Ga 1,19-20)

Suy niệm: Trước lối sống thánh thiện khắc khổ của vị ngôn sứ trong hoang địa, trước lời rao giảng kêu mời sám hối bên bờ sông Gio-đan, người đương thời với ông Gio-an Tẩy Giả đã đặt câu hỏi: “Ông là ai?” Đây là cơ hội thuận tiện để ông Gio-an lên tiếng làm chứng: Ông không phải là Đấng Ki-tô, ông chỉ là tiếng hô để dọn đường cho Đấng ấy, thậm chí không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài. Nhờ lời chứng quý giá ấy của ông mà nhiều người đã nhận ra Đấng Ki-tô và tin theo Ngài. Tựa như ông Gio-an Tẩy Giả, cha Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê cũng khiến người ta câu hỏi “Ông là ai?” khi chọn chết thay cho người bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Nhờ sự hy sinh cao cả này, cha đã giúp người khác nhận biết mình là một linh mục Công Giáo. Cũng vậy, người ta sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô hay là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa khi ta dám sống yêu thương như vậy.

Mời Bạn: Rao giảng Tin Mừng bằng lối sống yêu thương không phải là phương pháp mới mẻ gì, bởi Chúa Ki-tô đã từng nêu gương cho chúng ta bằng một tình yêu đến cùng với Chúa Cha và với nhân loại. Như thế, khả năng làm chứng phụ thuộc vào mức độ mà chúng ta sống yêu thương với người khác như thế nào.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy cố gắng duy trì một việc bác ái với tâm nguyện trở nên thương xót giống Chúa Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, xin cho con dám quên mình vì người khác để được nên giống Chúa hơn. Amen.

03/01/16 CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH – C
Mt 2,1-12
TÌM CHÚA HAY TÌM MÌNH?

“Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt 2,8)

Suy niệm: Lễ Chúa Hiển Linh nhắc nhớ rằng: Chúa vẫn luôn hiện diện với con người và Ngài vẫn tỏ mình ra qua mọi dấu chỉ, mọi biến cố. Nhưng vấn đề là con người có nhạy bén để nhận ra Ngài không? Bạo vương Hê-rô-đê cũng muốn tìm Chúa, nhưng không phải để tôn thờ mà tìm để giết Chúa, vì ông sợ mất ngai vàng. Còn ba nhà đạo sĩ thì bắt đầu từ việc nghiên cứu các vì sao, họ đã dấn thân vào một cuộc hành trình đầy gian lao, nguy hiểm để tìm cho được Vua Vũ Trụ. Họ đã gặp được Ngài nơi Hài Nhi Giê-su bé nhỏ, nghèo hèn! Và họ “sấp mình thờ lạy,” dâng kính những lễ vật để tỏ lòng thần phục vị Vua Vũ Trụ mà họ vừa được triều bái. Cũng một việc “tìm Chúa”, nhưng mục đích lại rất khác nhau! Vì đi tìm Chúa khác với tìm mình.
Mời Bạn kiểm điểm: Lâu nay tôi đang trên đường tìm Chúa hay tìm mình? Tìm Chúa để tôn thờ Ngài? Hay tôi tìm chỉ để xin Ngài ban cho tôi một điều gì đó? Hoặc có khi tôi làm công việc của Ngài, nhưng để cho danh tôi được nổi? Hoặc tôi chỉ tìm Ngài khi “thuận buồm xuôi gió,” còn khi gặp khó khăn, tôi dễ dàng bỏ Ngài? Các nhà đạo sĩ hôm nay nhắc nhở chúng ta thanh tẩy mọi ước muốn ích kỷ vụ lợi để dấn thân tìm Chúa mọi giây phút trong cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Xét mình: – Trên đường tìm Chúa, gặp khó khăn, tôi sẽ phản ứng ra sao? – Đâu là  trường hợp tìm Chúa một cách trá hình?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm Ngài là lẽ sống của con, để con luôn trung thành dù gặp gian khổ, vì biết rằng Chúa vẫn ở bên con.

04/01/16 THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Mt 4,12-17.23-25
CHÚA DỌN NHÀ

Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li.  (Mt 4,12)

Suy niệm: Hôm nay Chúa dọn nhà: Ngài bỏ Na-da-rét chuyển về Ca-phác-na-um. Điều đó có nghĩa là Chúa phải từ bỏ một nếp sống đã quen thuộc suốt 30 năm qua, để dấn thân vào một cuộc sống khác, bấp bênh “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20); Chúa “dọn nhà” để tiếp tục cuộc từ bỏ đã bắt đầu khi Ngài “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” của một vị Thiên Chúa, để “mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế” (x. Pl 2,6-7). Chúa dọn nhà để bắt đầu giai đoạn mới trong sứ vụ của Ngài: Ngài đến ở Ca-phác-na-um, “thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,” vùng đất của dân ngoại, để đem Ánh Sáng Tin Mừng toả chiếu cho muôn dân, cho “đoàn dân đang ngồi trong tối tăm được thấy một ánh sáng huy hoàng” (Mt 4,16).

Mời Bạn: Chúa Giê-su “dọn nhà” từ Thiên Quốc xuống làm người nơi trần gian để mạc khải cho chúng ta “dung mạo hữu hình của Chúa Cha vô hình” (Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót). Chúng ta được kêu gọi tiếp tục sứ mạng của Đức Ki-tô là có lòng “thương xót như Chúa Cha” để loan báo và làm chứng cho thương xót của Chúa cho nhân loại đang sống trong thế giới vô cảm ngày nay.

Chia sẻ: “Chỉ có 2 trong 10 người Việt sẵn sàng ngăn chặn cái ác” (Tuổi Trẻ 28/12/2015). Bạn nghĩ gì về nhận xét trên? Đức ái Ki-tô giáo có giúp bạn đủ dũng khí để sẵn sàng chống lại các ác không?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm biến kinh “Thương người có 14 mối” thành hành động cụ thể của bạn.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

05/01/16 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
BẺ RA VÀ TRAO BAN

Đức Giê-su đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi.” (Mc 6,37)

Suy niệm: Khi nói về thực phẩm, ta thường nghĩ đến các chất dinh dưỡng và số lượng calori thực phẩm ấy cung cấp. Thật ra, thực phẩm còn mang ý nghĩa linh thánh: đó là hồng ân Chúa ban để ta có dịp chia sẻ, bày tỏ tình liên đới với đồng loại. Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ đã có thái độ bi quan, tránh né trước cơn đói của dân chúng. Trước tiên là giải pháp đùn đẩy trách nhiệm: giải tán dân chúng để họ tự tìm kiếm gì để ăn; thứ đến là lý luận: 200 quan tiền bánh (hơn sáu tháng tiền công) cũng chẳng thấm thía gì với đám đông như vậy. Thế nhưng, chỉ cần phần đóng góp từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, phép lạ vĩ đại đã xảy ra. Trong tay Đức Giê-su, ít cũng hóa ra nhiều. Bẻ ra và trao ban là hai động tác giúp làm dịu cơn đói của người thiếu thốn.

Mời Bạn: Có một quy luật tự nhiên huyền nhiệm tuyệt vời: ba điều ta khao khát nhất trên đời là hạnh phúc, tự do, và an bình tâm hồn, ta chỉ đạt được khi biết chia sẻ chúng cho người khác. Bạn đừng sợ mình có quá ít khả năng, của cải… để chia sẻ. Hãy tập chia sẻ, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự do, và an bình hơn bao giờ hết từ xưa đến nay.

Sống Lời Chúa: Tôi tập bẻ ra và trao ban thời giờ, khả năng, vật chất, sự quan tâm… cho người khác, như một cách sống lòng thương xót của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa  thương xót đám đông bơ vơ, và bày tỏ lòng thương xót ấy không chỉ bằng việc giảng dạy Tin Mừng Nước Trời, mà còn cho họ ăn no nê. Noi theo lòng thương xót của Chúa, xin cho con biết sẵn sàng bẻ ra và trao ban những gì mình có cho những người anh em chung quanh, đặc biệt trong Năm Thánh này. Amen.

06/01/16 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
NÉT ĐẸP GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. (Mc 6,46)

Suy niệm: Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt sum họp trước bàn thờ gia đình để cầu nguyện chung với nhau quả là một nét đẹp bình dị của đời thường mà lạ thay, không dễ mấy gia đình có được! Hình ảnh tốt đẹp ấy cho thấy niềm tin của người Ki-tô hữu không chỉ mang tính cá nhân, mà còn mang tính tập thể, là niềm tin của cả Giáo Hội. Gia đình lại chính là Giáo Hội thu nhỏ. Vì thế, Giáo Hội luôn khuyến khích chúng ta xây dựng gia đình dựa trên nền tảng cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa. Duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình, đó không chỉ là truyền thống tốt đẹp của gia đình Công giáo, mà còn có tác dụng loan báo Tin Mừng cho những gia đình anh em lương dân chung quanh môi trường chúng ta đang sinh sống.

Mời Bạn: Ngày nay do áp lực công việc, giờ giấc học hành, cũng như của nhu cầu giải trí, các gia đình Ki-tô giáo đang đánh mất dần nét đẹp của hình ảnh gia đình đồng tâm cầu nguyện. Gia đình bạn thế nào? có còn duy trì được giờ đọc kinh chung với nhau mỗi tối không?

Sống Lời Chúa: Ý thức bao ích lợi của việc cầu nguyện chung, tôi quyết tâm tập thói quen cả nhà cùng cầu nguyện trong giờ kinh tối trong năm mới 2016 này. Đó là cách xây dựng đời sống đức tin và cũng là cách xây dựng hạnh phúc gia đình: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa ưa thích tìm nơi vắng vẻ, giờ khắc thinh lặng để cầu nguyện với Chúa Cha. Noi gương Chúa, xin cho gia đình chúng con cũng biết dành thời gian để mọi thành viên của gia đình sum họp cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Amen.

07/01/16 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Thánh Rây-mun-đô, linh mục Lc 4,14-22a
SỐNG TRONG NĂM HỒNG ÂN

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi… Người đã sai tôi đi… công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18.19)

Suy niệm: Năm Toàn Xá (Năm Thánh) được sách Lê-vi (ch. 25) qui định như sau: dân Ít-ra-en phải cử hành Năm Thánh cứ mỗi 50 năm, để thiết lập sự hòa giải giữa con người với nhau và với Thiên Chúa. Trong Năm Thánh ấy, nô lệ được phóng thích, đất đai thế chấp được trả về chủ cũ, nợ nần được tha. Qua dòng lịch sử, Dân Chúa cũng duy trì niềm hy vọng sẽ có một Năm Thánh mà Thiên Chúa sẽ cử hành. Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, “hôm nay” Đức Giêsu đã khai mở Năm hồng ân đó: Ngài hiện diện và thi thố lòng thương xót cho kẻ nghèo hèn, kẻ bị giam cầm, người mù, người bị áp bức, đưa con người bước vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, được tham dự vào đời sống Thiên Chúa, gọi Người là Cha.

Mời bạn: Năm Thánh Lòng Thương Xót đã bắt đầu. Ước gì khi hòa nhịp vào biến cố này với Giáo Hội, bạn cảm nghiệm được rằng: “Thương xót là nhịp cầu nối Thiên Chúa và con người, mở trái tim chúng ta cho niềm hy vọng rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương đến muôn đời, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 2).

Sống Lời Chúa: Hai việc cần làm trong Năm Thánh này: Lãnh nhận lòng thương xót Chúa và thực thi lòng thương xót với người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin sai Thần Khí Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con; để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo, công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa. Amen. (Kinh Năm Thánh).

08/01/16 THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-16
TIN, TÍN THÁC VÀO CHÚA

Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh. (Lc 5,13)

Suy niệm: Một bàn tay đụng chạm, một lời được thốt ra: “Tôi muốn, anh hãy sạch đi,” và lạ lùng thay, hiệu quả xảy ra ngay tức thì! Thế nhưng, không phải bất cứ bàn tay và môi miệng nào cũng làm được điều kỳ diệu ấy, mà phải là của Đức Giê-su. Điều kỳ diệu đó nay được tiếp tục trong các bí tích, để khi các thừa tác viên được Đức Giê-su ủy thác cử hành các bí tích ấy bằng lời nói và cử chỉ, thì hiệu quả của ơn cứu độ, Lòng Thương Xót của Chúa cũng phát sinh ngay lập tức  nơi người lãnh nhận. Tuy nhiên, để được hiệu quả ấy, một điều không thể thiếu là đức tin của người lãnh nhận. Tin là đón nhận Đức Ki-tô đến gặp gỡ tôi, Người là Đấng thực hiện nơi tôi tất cả những gì mà thế gian không làm được (x. Ga 6,67-68).

Mời Bạn: Mỗi lần lãnh nhận bí tích, bạn có tin nhận Chúa Giê-su thật sự hiện diện, làm cho đời bạn thật dồi dào ơn Chúa, Lòng Thương Xót của Ngài? Nếu tin, sao bạn còn thờ ơ, lãnh đạm với Lời Chúa và ân sủng Chúa ban. Một trong những đường hướng Đức Phan-xi-cô vạch ra để dân Chúa sống Năm Thánh Lòng Thương Xót đạt hiệu quả tốt nhất là siêng năng cử hành và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa. Bạn đã sẵn sàng thực hiện lời nhắn nhủ ấy chưa?

Sống Lời Chúa: Luôn tâm nguyện hoặc khẩu nguyện câu: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.

Cầu nguyện: “Con tin Chúa ơi! Chúa chính là niềm vui con; tình Ngài đỡ nâng cho con qua muôn ngàn gian khó. Con tin Chúa ơi! Chúa chính là niềm an ủi con. Ngài hằng chở che cho con thoát những ngày tối tăm.”

09/01/16 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
ĐỂ DANH CHÚA ĐƯỢC CẢ SÁNG

Gio-an Tẩy giả nói: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)

Mời bạn quan sát cuộc đối thoại giữa Gio-an Tẩy giả và các môn đệ. Các môn đệ của Gio-an rõ là ‘khéo lo’ cho thầy mình. Họ thấy Chúa Giê-su là người trước đây đã đến chịu phép rửa của thầy mình, bây giờ cũng làm phép rửa và càng ngày càng thu hút dân chúng, nên họ lo ngại thế giá của thầy mình bị lu mờ. Họ báo cáo tình hình cho thầy mình nghe, nhưng lời lẽ của họ không dấu được vẻ ghen tỵ. Gio-an Tẩy giả thật xứng danh là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế cả trong việc giáo dục môn sinh của mình. Ông tự làm mình lu mờ đi, để dạy cho các môn đệ biết vai trò đích thực của “người được sai đi” làm sứ giả của Đấng Mê-si-a và hơn nữa không ít lần ông đã sai họ đến với Chúa Giê-su để họ trở thành môn đệ Người.

Bạn ơi, bạn được mời gọi để làm Gio-an Tẩy giả ngay nơi bạn sống: Thay vì tạo những hào quang củng cố chính mình hay gây gương xấu cản lối tha nhân đến với Chúa, chúng ta hãy biết làm mình “lu mờ đi” để “tiếng nói của Chúa Ki-tô được nghe thấy”. Thư chung của HĐGMVN 2007 vẫn còn tính thời sự: những nhà giáo dục, các thầy cô giáo, nói rộng ra, mọi Ki-tô hữu đều là những người có trách nhiệm giáo dục đức tin. Họ chính là “đại sứ của Đức Ki-tô… bằng chính đời sống và lương tâm kitô hữu,” nhờ đó “mọi người sẽ nhìn thấy họ mà gặp được Thiên Chúa” (số 26).

Sống Lời Chúa: Tìm đọc và học Thư chung của HĐGMVN 2007 về giáo dục Kitô giáo. Bạn và nhóm của bạn làm gì cho những người đang bị thiệt thòi về giáo dục văn hoá và giáo dục đức tin?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và lòng háo danh, để con liên lỉ tìm kiếm và thi hành ý Chúa.

10/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 1 TN – C
Chúa Giê-su chịu phép rửa Lc 3,15-16.21-22
LIÊN ĐỚI VÀ ĐỒNG HÀNH

Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người. (Lc 3,21)

Suy niệm: Hành vi đầu tiên của Đức Giê-su ngay lúc chào đời là đồng hành với các người di dân và vô gia cư, khi sinh ra trong hang bò lừa, máng cỏ. Việc làm đầu tiên của Ngài khi xuất hiện công khai là đồng hành với các tội nhân sám hối bên giòng sông Gio-đan. Hành vi cuối cùng của Ngài khi chịu chết là đồng hóa với các tử tội trên thập giá. Trọn cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người ấy luôn là đồng hành, liên đới với những người nghèo dễ bị tổn thương, bé mọn, tội lỗi, thất bại trong nhân loại. Muốn đồng hành, Ngài phải hạ mình xuống ngang hàng với họ; để liên đới, Ngài phải chia sẻ nỗi đau của họ. Khi hạ mình cúi xuống với con người, Ngài nâng họ lên, đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mời Bạn: Nhờ lòng thương xót cụ thể qua cung cách đồng hành và liên đới ấy của Con Thiên Chúa, bạn được nâng lên hàng con cái Thiên Chúa, là công dân của Nước Trời, bạn hữu của Chúa Ki-tô. Bạn được mời gọi bớt sống cho mình, để có thể đồng hành và liên đới với những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ tình liên đới bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các công tác tông đồ của hội đoàn hay các công việc thiện nguyện xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn… Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
(Rabbouni)

11/01/16 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Mc 1,14-20
SÁM HỐI, “ĐẶC SẢN” KI-TÔ HỮU

“Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)

Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, Đức Bênêđictô kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.” Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót. Không như một số người lầm tưởng Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”

Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới.

Sống Lời Chúa: Dành vài phút trước khi ngủ để gặp gỡ Chúa và thực hành sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

12/01/16 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21b-28
ĐẤNG CÓ UY QUYỀN

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. (Mt 17,12)

Suy niệm: Chúa Giê-su xuất thân từ một gia đình lao động, không có địa vị gì trong xã hội, cũng không có phe cánh bè phái bao che bảo hộ. Khi nghe Chúa giảng dạy, thính giả sửng sốt nhận định: “Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền.” Quả thật, trong lúc các kinh sư tập trung vào việc giải thích câu chữ của lề luật hay truyền thống thì Chúa Giê-su ban bố lề luật và dùng hành động chứng tỏ uy quyền của mình: chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỉ, dẹp yên bão tố, biến nước thành rượu, cho người chết sống lại… Tuy nhiên, Chúa Giê-su hành xử uy quyền không như kẻ thống trị đòi cho được kẻ hầu người hạ, nhưng như người tôi tớ phục vụ khiêm tốn và quảng đại, như lời Người đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Mời Bạn tự hỏi: Tôi có tôn thờ và suy phục quyền bính của Chúa Giê-su không? Tôi có đặt Ngài làm vua để Ngài làm chủ và hướng dẫn tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của tôi không? Và nếu tôi được chia sẻ đôi chút quyền hành, tôi có dùng quyền đó để phục vụ anh em, phục vụ cộng đoàn như một người tôi tớ theo tinh thần của Chúa hay không?

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống đơn sơ và khiêm tốn bằng cách sẵn sàng phục vụ trong những việc nhỏ bé âm thầm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết rằng: càng thuộc về Chúa bao nhiêu con càng phải trở nên giống Chúa bấy nhiêu. Xin giúp con mỗi ngày một trở nên giống Chúa hơn.

13/01/16 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT Mc 1,29-39
CẦU NGUYỆN, PHƯƠNG DƯỢC HỮU HIỆU

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (Mc 1,35)

Suy niệm: Cuộc hội thảo của Hiệp Hội Các Y Bác sĩ Công Giáo tại Mi-lan, I-ta-li-a, ngày 18/11/2006 đúc kết: “Cầu nguyện là một phương thuốc thần diệu cho tâm linh và thể xác của con người”. Trong bài phát biểu bế mạc cuộc hội thảo, các y bác sĩ Công Giáo đã được xác định “là những người nhiệt tình phục vụ, và đã biết nhìn sâu vào nhu cầu cần thiết của sức khoẻ tâm linh cũng như toàn thể sinh hoạt của con người để tìm ra phương dược hữu hiệu nhất giúp trị liệu các bệnh nhân.” Họ nhìn lên Đức Ki-tô như mẫu mực của vị bác sĩ siêu phàm, luôn tìm thánh ý Thiên Chúa trong việc cứu chữa các bệnh nhân, cũng như biết lấy sự cầu nguyện làm khởi điểm và động lực cho mọi hoạt động.

Mời Bạn: Bạn có phải là người để cho đủ thứ sự việc trong ngày chiếm đoạt, đến nỗi không có lấy một chút thời gian định tâm cầu nguyện?

Chia sẻ: Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình.” Bạn có thể sắp xếp công việc của bạn để thực hành như Mẹ đề nghị không?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để đọc lời Chúa, cầu nguyện nhờ đó bạn nhìn lại các việc bổn phận của mình, và chu toàn cách tốt đẹp hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con nghệ thuật dùng những lúc nghỉ ngơi đôi ba phút, trở lại tiếp xúc với lòng mình, lắng nghe tiếng Chúa và từ đó rút ra nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng dũng cảm mới. Amen.

14/01/16 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45
CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh được sạch!” (Mc 1,41)

Suy niệm: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Ep 2,4) và lòng thương xót ấy được biểu lộ nơi Đức Giê-su. Hành động chạnh lòng thương của Đức Giê-su đã biến đổi hoàn toàn con người bất hạnh vì chứng bệnh phong: từ một bệnh nhân với thân xác bị lở loét, đau đớn thành một người lành sạch; từ một con người bị cách ly khỏi cộng đồng xã hội vì chứng bệnh lây nhiễm, nay anh được hội nhập và sinh hoạt như bao người trong cộng đồng xã hội; từ một con người bị coi là ô uế bị loại trừ khỏi các sinh hoạt tôn giáo, nay anh được hòa nhập với mọi người và được quyền tham dự phụng vụ tôn thờ Thiên Chúa cùng với cộng đoàn. Chính lòng thương xót của Chúa đã đụng chạm tới người phong hủi và hồi phục cho anh phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.

Mời Bạn: Về thể lý phần đông chúng ta không mắc bệnh phong, nhưng về phần hồn không ai dám nói mình là người lành sạch. Tội lỗi là một thứ bệnh phong của linh hồn. Như người bị bệnh phong cần được Chúa thương xót, chúng ta cũng cần được Chúa chạnh lòng thương. Chúa là Cha giàu lòng thương xót và sẵn sàng chữa lành cho chúng ta, chỉ cần chúng ta đến với bí tích hòa giải với lòng thống hối.

Sống Lời Chúa: Lập lại nhiều lần trong ngày lời xin ơn tha thứ trong đầu mỗi thánh lễ: “Xin Chúa thương xót chúng con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và không mệt mỏi khi tha thứ. Xin dủ lòng thương xót thân phận yếu hèn của chúng con và phục hồi cho chúng con phẩm giá làm người và làm con Chúa.

15/01/16 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Mc 2,1-12
CHÚA CHỮA LÀNH

Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)

Suy niệm: Như người ta thường nói: “sinh, lão, bệnh, tử”, bệnh tật gắn liền với thân phận con người như hình với bóng. Có những căn bệnh mà người Do Thái cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên bệnh nhân vì họ tội lỗi. Tin Mừng hôm nay cho thấy người bại liệt bất lực không làm gì được, anh ta phải cần đến người khác giúp đem mình đến gần Đức Giê-su để xin Ngài chữa lành. Từ một đôi chân tưởng chừng không bao giờ anh đi được, nhưng với lòng tin tưởng vào Đức Giê-su, anh đã được chữa trị cả bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn: “Tội con đã được tha rồi!” và “Hãy đứng dậy, vác chõng của con mà đi về nhà!”. Anh trút được cái ách nặng nề. Cuộc sống của anh bắt đầu tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Mời Bạn: Mỗi chúng ta đều là một bệnh nhân cần được chữa trị, một tội nhân cần được thứ tha. Mang những thương tích trong tâm hồn mình đến với Chúa với lòng tin mạnh mẽ, chắc chắn ta sẽ được Chúa chữa trị và tìm lại được sự bình an, thanh thản và niềm hạnh phúc sâu xa. Liên đới trong đức tin và đức ái, chúng ta cũng cần giúp những anh chị em đang ở xa Chúa vì ‘bệnh bại liệt linh hồn’ đến với Chúa để được Người chữa lành.

Chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn về một lần được chữa trị bởi Bí Tích Hòa Giải.

Sống Lời Chúa: Siêng năng lãnh nận Bí Tích Hòa Giải cách ý thức, vì đây là phương tiện chính thức Chúa dùng để chữa trị chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời để con luôn chạy đến với Chúa để được chữa lành những thương tích của cuộc đời con. Amen.

16/01/16 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc 2,13-17
NÊN SỨ GIẢ LÒNG THƯƠNG XÓT

Đức Giê-su nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)

Suy niệm: Chúa Giê-su là Đấng thánh, nhưng sứ mạng của Ngài là đến để kêu gọi những người tội lỗi trở lại với Chúa. Không những mời gọi họ hoán cải ăn năn và tha thứ cho họ, Ngài còn trao ban cho họ niềm vui được làm mới lại cuộc đời. Việc Ngài kêu gọi Lê-vi, người thu thuế, là một điển hình. Chính vì được đánh động bởi tình yêu bao dung của Chúa Ki-tô, ông đã dứt khoát đứng dậy, thoát ra khỏi vòng nô lệ cho tiền bạc để trở thành một tông đồ cần mẫn của Đức Ki-tô. Đúng như Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót nói, những ai bước vào lòng Chúa thương xót sẽ “cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Cha là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng.” Chính nhờ kinh nghiệm có một không hai này, Lê-vi lắng nghe, ghi nhớ lời Chúa và trở nên người viết Tin Mừng loan báo Chúa Giê-su là Đấng “chạnh lòng thương”.

Mời Bạn: Thiên Chúa thương xót người tội lỗi, và Ngài không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Nhưng Ngài cần sự ưng thuận và cộng tác của bạn như một lời thỉnh cầu để được Ngài chữa lành. Như người bệnh cộng tác khai bệnh rành rọt để sớm được chữa lành, sự sám hối nơi bạn là lòng thành thực chứng tỏ bạn cần đến vị thầy thuốc Giê-su.

Sống Lời Chúa: Kể cho người khác nghe về lòng Chúa thương xót.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi tạo dựng con, Chúa không cần con, nhưng khi cứu độ con, Chúa cần con cộng tác.” Xin cho con thành tâm sám hối và thiết tha được Chúa thứ tha chữa lành. Xin cho con nên sứ giả của lòng thương xót.

17/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – C
Ga 2,1-11
QUA MẸ MA-RI-A ĐẾN VỚI CHÚA GIÊ-SU

“Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” (Ga 2,5)

Suy niệm: Thấy đôi tân hôn trong tiệc cưới bỗng hết rượu, Mẹ Ma-ri-a nhập cuộc: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo.” Mẹ vững tin vào Chúa Giê-su, nhờ đó mà dấu lạ đầu tiên được thực hiện, dẫn đôi tân hôn và các môn đệ đến với Đấng là nguồn mạch đức tin. Sau đó, Mẹ xóa mình đi, biết rằng mình chỉ giữ vai trò chuyển cầu. Mẹ không hoạt động song song với Chúa Giê-su, Mẹ chỉ hoạt động cho Chúa. Chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Ki-tô. Nhưng Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa cách bảo đảm nhất (Per Mariam ad Jesum). Lòng tôn kính Mẹ, vì thế, phải dẫn đưa ta đến với Chúa Ki-tô. Thánh Grignon de Montfort lưu ý rằng ta không tận hiến cho Đức Mẹ, mà tận hiến cho Chúa Giê-su qua Đức Mẹ và nhờ Đức Mẹ.

Mời Bạn: Suy xét lại lòng sùng kính Đức Mẹ và các thánh của ta, phải chăng ta coi các ngài như là Thiên Chúa, khi dừng lại ở một lòng mộ mến quá nặng cảm tính, ủy mị đến độ tôn thờ, mà quên rằng các ngài là những phản ánh Thiên Chúa toàn chân, thiện, mỹ.

Sống Lời Chúa: “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin, phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 67).

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin dẫn con đến với Chúa bằng một lòng tin-cậy-mến vững vàng, nồng ấm như Mẹ. Amen.

18/01/16 THỨ HAI TUẦN 2 TN
Bắt đầu tuần lễ cầu cho các ki-tô hữu hiệp nhất Mc 2,18-22
CẢM NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

Có người đến hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2,18)

Suy niệm: Người nêu vấn nạn này quả là biết quan sát và biết nhận ra sự khác biệt: các môn đệ của Gio-an và phái Pha-ri-sêu thì giữ chay, còn môn đệ Chúa Giê-su thì không. Tại sao có sự khác biệt này? Câu hỏi này thật quan trọng, vì có giải đáp được nó thì mới tìm ra được đặc điểm riêng của người môn đệ Chúa Ki-tô. Chính Ngài giải đáp vấn nạn này: Ăn chay hay không là tuỳ ở chàng rể, hình ảnh chỉ về Đức Ki-tô. Các môn đệ Ngài không ăn chay ư? Thưa, có chứ! Nhưng họ không ăn chay như một phương thế để giảm cân, hay để chữa bệnh. Thậm chí cũng không phải để được coi là đạo đức. Họ có ăn chay nhưng để biểu lộ tâm tình khao khát tột cùng: họ muốn kết hiệp cách sâu xa nhất với Đức Ki-tô, muốn chia sẻ với Ngài những nỗi niềm tha thiết nhất của Ngài. Và các việc khác cũng thế: người môn đệ Chúa làm hay không làm cũng chỉ vì Ngài mà thôi.

Mời Bạn: Hẳn bạn cũng tham gia nhiều công tác từ thiện, làm nhiều việc hữu ích cho người khác, nhưng liệu trong những công việc ấy, bạn có thể hiện được nét độc đáo của người môn đệ Chúa, hay bạn chỉ làm như một nhân viên xã hội? Để thể hiện được điều đó trước tiên bạn cần cảm nhận được nơi chính mình niềm khao khát sống cho Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô mà thôi.

Chia sẻ: Kiểm điểm một công tác xã hội từ thiện nhóm của bạn đã thực hiện xem có biểu lộ được tinh thần của Đức Ki-tô không.

Sống Lời Chúa: Dành một phút cầu nguyện trước khi làm một việc gì.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

19/01/16 THỨ BA TUẦN 2 TN
Mc 2,23-28
TRÁNH THÓI NỆ LUẬT

“Ngày sa-bát được tạo ra cho con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)

Suy niệm: Luật ngày sa-bát là một ngòi nổ thường trực tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu. Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến mức phi nhân và nô lệ hoá con người như thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục vụ cho con người, chứ không ngược lại. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật Giáo Hội. Là một cơ chế lớn, Giáo Hội cần một bộ giáo luật khá ‘kềnh càng’; tuy nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc kết ở điều cuối cùng (đ. 1752) như sau: “lex suprema, salus animarum” (luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn). Đáng tiếc là trong thực tế, thói nệ luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu đó, ít hay nhiều, nơi các ‘chủ chăn’ lẫn ‘con chiên’.

Mời Bạn: Nhìn ngắm thái độ của Đức Giê-su đối với luật. Ngài không ‘nổi loạn’ dẹp bỏ hết luật lệ; song Ngài cũng không đặt luật trên con người. Ngài trả luật về đúng vai trò và ý nghĩa của nó.

Chia sẻ: Nhân câu chuyện về ngày sa-bát, thử xét việc giữ luật ngày Chúa Nhật của chúng ta ngày nay: 1) Có phải việc bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật trong mọi trường hợp đều là tội trọng không? 2) Một người thường xuyên ‘đi lễ’ Chúa Nhật, nhưng cũng thường ngồi ngoài sân tán gẫu, hút thuốc, nói chuyện trên điện thoại di động, v.v… thì có hoàn thành bổn phận giữ ngày Chúa Nhật không?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm mọi việc bổn phận với tất cả tấm lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết làm các việc bổn phận một cách có chất lượng, bằng cách đặt cả tấm lòng mình vào đó. Và xin giải phóng con khỏi thói nệ luật, để có thể sống trong sự tự do của con cái Chúa.

20/01/16 THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo Mc 3,1-6
LÀM GÌ ĐỂ “GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT”?

Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ? cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh…” (Mc 3,4)

Suy niệm: Xã hội ngày hôm nay có lắm điều mâu thuẫn: nào là bảo vệ mầm sống con người nhưng lại cho phép phá thai; nào là cổ võ cho hoà bình thế giới, nhưng lại gây chiến tranh chết chóc, khủng bố đó đây; nào là nâng cao phẩm giá con người nhưng nhân phẩm của biết bao người đã bị chà đạp qua những tệ nạn xã hội như sì ke, ma tuý, thuốc lắc… Lời Chúa Giê-su thúc bách chúng ta phải suy nghĩ và trả lời chứ không được nín lặng: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ; cứu mạng người hay giết đi?”

Mời Bạn: Phải chăng đang có nhiều mâu thuẫn ngay trong cách chúng ta sống đạo? Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày nghỉ ngơi, ngày thờ phượng Thiên Chúa, ngày làm việc lành phúc đức, ngày thăm viếng ủi an nhau… Thế nhưng có khi ta lại lợi dụng ngày nghỉ để làm những việc ngược lại: để lỗi luật Chúa, để ngồi lê đôi mách, để cờ bạc, nhậu nhẹt, để sống buông thả… Mỗi ngày chúng ta hãy coi lại cách sống, cách phản ứng của mình trước câu hỏi của Chúa Giê-su. Tôi phải làm gì vào ngày Chúa Nhật? Thờ phượng Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh lễ và thực hiện những việc bác ái, tông đồ như thăm viếng người đau ốm, tật nguyền, tham gia sinh hoạt các đoàn thể trong giáo xứ.

Sống Lời Chúa: Giữ đúng ngày Chúa Nhật như ý Chúa muốn: Tham dự Thánh lễ, làm một việc tốt phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một trái tim nhân hậu để con yêu mến Lời Chúa và luôn luôn yêu mến điều thiện hảo. Amen.

21/01/16 THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo Mc 3,7-12
CHÚA GIÊ-SU, ĐẤNG CHỮA LÀNH

Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. (Mc 3,10)

Suy niệm: Trang Wikipedia liệt kê các danh y trong lịch sử, gồm gần 100 danh y bên Tây và 24 danh y bên Đông, nhưng không thấy có tên “Giê-su.” Có lẽ không phải vì người thống kê quên sót, mà vì Chúa Giê-su còn hơn là một danh y nữa. Dù sao, phải nhận rằng ngòi bút của các tác giả Sách Tin Mừng, cách riêng của Mác-cô, khắc hoạ Chúa Giê-su là một nhà chữa bệnh tuyệt vời: người ta từ khắp các nơi lũ lượt đến với Người; Người chữa lành nhiều bệnh nhân khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Đức Phật thấy cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử; nhưng trong thực tế bệnh tật không chỉ chiếm có một phần tư biển khổ của nhân loại, mà hẳn gấp nhiều lần hơn thế. Hơn nữa, nỗi khổ do bệnh tật lại rơi vào đại đa số người nghèo. Là hiện thân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa Giê-su không chỉ là Đấng chữa lành những tật bệnh phần xác, mà cả những thương tích của linh hồn nữa.

Mời Bạn: Nhìn kỹ Chúa Giê-su trong cả cuộc đời và sứ vụ của Người, cho tới biến cố thập giá, để thấy có lương y nào chữa trị tật bệnh con người bằng cách mang lấy những bệnh tật và gánh lấy những đau khổ của người ta như Chúa Giê-su, người Tôi Trung của Gia-vê?

Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng mỗi chúng ta đều cần được chữa trị và cũng đồng thời có sứ mạng chữa trị không?

Sống Lời Chúa: Ta tập nhạy cảm với những nỗi đau thể lý và tinh thần của người xung quanh, để góp một chút gì trong khả năng mình (một lời nói, một nụ cười…) đem lại sự xoa dịu cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!

22/01/16 THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Th. Vinh-sơn, phó tế, tử đạo Mc 3,13-19
NHỮNG KẺ NGƯỜI MUỐN

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. (Mc 3,13)

Suy niệm: Để tiếp tục công việc của Ngài, Chúa Giê-su đã chọn những kẻ người muốn để họ đến ở với Người. Điều khác thường ở chỗ Nhóm Mười Hai này đều là những người bình thường, thậm chí còn ‘dưới mức trung bình’ chứ không phải là những con người ưu tú xuất chúng theo những tiêu chí tuyển chọn của người đời: một Phê-rô hăng hái, nhưng đã chối Thầy Giê-su ba lần; một Gio-an nóng tính với biệt danh “con của thiên lôi;” một Tô-ma cứng cỏi hoài nghi đòi thọc tay vào lỗ đinh thì mới tin Chúa sống lại; còn Ta-đê-ô và Si-mon lại mang tiếng quá khích. Cũng phải kể đến Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ đã bán Thầy. Vượt lên trên tất cả giới hạn đó, Đức Giê-su đã nhẫn nại, đón nhận các ông, huấn luyện các ông, để các ông quy tụ cho Ngài một dân tộc của giao ước mới.

Mời Bạn: Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Hiệp nhất giữa anh em Công giáo (khoảng 1,5 tỉ người), với Chính Thống giáo, Tin Lành, và Anh Giáo (tất cả gồm khoảng 2 tỉ). Ngày xưa, Chúa Giê-su đã huấn luyện nhóm Mười Hai. Với tính khí mỗi người mỗi khác, Chúa đã làm cho họ nên một trong Chúa. Các môn đệ đã dám sống và tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Hôm nay, Bạn và tôi, chúng ta đã được Chúa Giê-su chọn. Vì thế, chúng ta hãy để Chúa Giê-su huấn luyện, để trở nên người môn đệ có tâm hồn hiệp nhất, để thuộc về những kẻ Người muốn.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và thăm viếng một người anh em ki-tô hữu gần bạn nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

23/01/16 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Mc 3,20-21
SỰ “ĐIÊN RỒ” CỦA THIÊN CHÚA

Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà… Thân nhân Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí ! (Mc 3,20-21)

Suy niệm: Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày xưa có thơ luận chuyện dại-khôn: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ; người khôn người đến chốn lao xao” đã nghiệm ra rằng điều mà người đời cho là khôn nhưng thực ra chỉ là dại, và ngược lại lối sống vô vi siêu thoát tưởng chừng là dại nhưng thực ra lại là khôn ngoan vượt trên mọi lối sống tầm thường. Chúa Giê-su khi thi hành sứ mệnh cứu độ Chúa Cha giao phó, cũng không ít lần bị người đời cho là điên rồ, bị quỷ ám… (x. Mt 11,18; Lc 23,11; Ga 10,20). Nhưng có lẽ cũng chưa phũ phàng bằng Ngài bị chính những người thân coi là mất trí đến nỗi họ phải cho người đi bắt Chúa để đem về quản thúc tại gia! Thánh Phao-lô cảm nghiệm được sự phũ phàng đó khi Ngài chia sẻ: “điều mà người Do Thái cho là ô nhục, dân ngoại cho là điên rồ” thì lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đó chính là “Đức Ki-tô chịu đóng đinh” mà thánh nhân đang rao giảng (x. 1Cr 1,17-25).

Mời Bạn: Lắm khi chúng ta hành động theo kiểu ‘gió chiều nào, che chiều ấy’, không dám mạo hiểm sống triệt để theo Tin Mừng của Chúa Ki-tô vì sợ áp lực của xã hội, sợ bị thiệt thòi quyền lợi. Hôm nay, Chúa mời bạn nhận ra và xác tín gánh vác lấy sự điên rồ của thập giá Chúa Ki-tô nhưng đó chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt mọi sự khôn ngoan của người đời.

Sống Lời Chúa: Mạnh dạn chấp nhận những khó khăn thiệt thòi khi sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trung thành theo Chúa đến cùng trên con đường thập giá.

24/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – C
Lc 1,1-4;4,14-21
KHÔNG AI BỊ LOẠI TRỪ

“Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19)
Suy niệm: Tại một số thành phố lớn, trên những tuyến đường sang trọng mọc lên những tấm biển cấm đánh giày, cấm bán hàng rong, cấm lưu thông các loại xe thô sơ, xe ba bánh, xe đẩy… Để đảm bảo vẻ mỹ quan thành phố, vì sự nghiệp phát triển, đám lê dân “trán dồ, răng hô” không có chỗ trên sân chơi “đẳng cấp” đó. Bức tranh thế giới hiện đại được khắc hoạ bằng những nét thật khốc liệt: Hố ngăn cách ngày càng lớn giữa một thiểu số chiếm hữu phần lớn tài nguyên trong khi đại đa số nhân loại chia nhau phần nhỏ còn lại. Ngay từ đầu cuộc sống công khai, Chúa Giê-su đã xác định đường hướng cho sứ vụ của Ngài là loan báo Tin Mừng cho người nghèo, không loại trừ ai. Lời tiên tri I-sa-i-a ứng nghiệm khi chính Ngài mặc lấy thân nô lệ, hạ mình vâng lời chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,7-8) để mở ra “một năm hồng ân của Chúa.”

Mời Bạn: Năm Thánh “Lòng Thương Xót” là thời gian cao điểm để Hội Thánh là hiền thê của Đức Ki-tô “noi theo cách sống của Ngài, Đấng đến với mọi người không trừ ai,” tiếp tục sứ mạng “loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa” để nhờ đó Thiên Chúa có thể “đụng chạm tới con tim và khối óc của con người” (Tông Sắc, số 12).

Sống Lời Chúa: Từ bỏ hưởng lợi cách ích kỷ để sẵn sàng chia sẻ với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa, là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, để chúng con, với lòng hăng say mới, sẵn sàng đem Tin Mừng đến cho người nghèo, bị áp bức, bị lãng quên.

25/10/16 THỨ HAI TUẦN 3 TN
Th. Phao-lô, tông đồ trở lại Mc 16,15-18
Kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các ki-tô hữu hợp nhất
LỆNH LÊN ĐƯỜNG

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Khi hoàn tất sứ mạng trần thế theo lệnh của Chúa Cha, Đức Giê-su đã ký lệnh lên đường cho các Tông đồ. Người ký lệnh là Đức Giê-su, người nhận lệnh là các Tông Đồ và Hội Thánh, sứ vụ phải thực hiện là loan báo Tin Mừng, địa điểm công tác là tứ phương thiên hạ, đối tượng phục vụ  là mọi loài thọ tạo. Mệnh lệnh rõ ràng, và dứt khoát phải được thực hiện dù thuận lợi hay không, kể cả hy sinh mạng sống. Bất tuân chống lệnh, đào ngũ, buông khí giới hoặc đầu hàng theo địch… đều là tội đại nghịch. Một mệnh lệnh triệt để mang tính sống còn như thế, đòi hỏi người lính, là các môn đệ, phải ‘tự hiến và tận hiến’ cho lý tưởng, không chần chừ do dự, không thỏa hiệp và nỗ lực “hết lòng, hết sức, hết trí khôn’ để xứng đáng là đạo quân tinh nhuệ của Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Lệnh lên đường của Đức Giê-su đòi hỏi mọi tín hữu từ bỏ tháp ngà-pháo đài đóng kín của tâm hồn để đi ra khỏi chính mình, đến với tha nhân ở tận “vùng ngoại biên.” Mệnh lệnh thì dứt khoát, lý tưởng thì cao cả, nhưng phận người lại mỏng giòn yếu đuối, kẻ thù bủa vây tứ phía. Làm thế nào để thực hiện và hoàn tất, nếu không để Đức Giê-su trực tiếp huấn luyện và trang bị vũ khí thích hợp, vì “không có  Thầy, anh em không thể làm gì được.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày gia đình tôi sẽ đọc, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa và quyết tâm thực hiện một việc cụ thể.

Cầu nguyện: Sốt sắng đọc Kinh Năm thánh Lòng Thương Xót, với tâm tình cầu nguyện.

26/01/16 THỨ BA TUẦN 3 TN
Th. Ti-mô-thê-ô và Ti-tô, giám mục Lc 10,1-9
TIN MỪNG BÌNH AN

“Nếu ở đo, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” (Lc 10,6)

Suy niệm: Đường đời đâu có bằng phẳng và đường theo Chúa cũng chẳng bằng phẳng gì. Có nơi người ta sẵn sàng đón sứ giả của Chúa; có nơi người ta thẳng thừng từ chối. Chính vì thế các môn đệ Chúa luôn phải đối mặt với cơn cám dỗ chiều theo lối sống thế gian mà bỏ qua lòng trung thành với Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài. Cơn cám dỗ càng dữ dội khi truyền thông đang lèo lái đám đông nại vào lòng thương xót của Chúa để buông thả theo dục vọng thấp hèn, khiến cho người sứ giả của Chúa lắm lúc cũng phải hoang mang. Tuy nhiên, sứ giả “có trách nhiệm không thể được hướng dẫn bởi lòng thương xót mù mờ”, mà phải trung thành với Lời Chúa để mọi người được nghe lời cứu độ và được bình an. Nếu sứ giả của Chúa hôm nay loan báo một thứ tin vui khác lạ với Tin Mừng, hoặc chỉ loan báo một phần của Tin Mừng, thì cả sứ giả và người nghe sứ giả chẳng nhận được sự thật và chẳng chẳng có bình an.

Mời Bạn: Thánh Ti-mô-thê-ô và Ti-tô đã dâng hiến cuộc đời loan báo Tin Mừng và trung thành với lời Chúa. Hằng ngày thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, bạn có quyết tâm trung thành với Tin Mừng và đức tin đã lãnh nhận không?

Sống Lời Chúa: Đọc kinh chung và chia sẻ lời Chúa trong nhóm hay trong gia đình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa chính là Lòng-Thương-Xót của Thiên Chúa làm người. Xin cho con trung thành giới thiệu Chúa cho mọi người và trung thành với ý muốn của Chúa để anh chị em con được bình an.

27/01/16 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. An-giê-la Mê-ri-xi, trinh nữ Mc 4,1-20
HÃY GIEO CÁCH HÀO PHÓNG

“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,… sỏi đá,… bụi gai,… đất tốt…” (Mc 4,3-8)

Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Pa-lét-tin hiếm có những khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống mới mong có mùa gặt mai sau. Thế giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh “đất tốt” để hạt giống Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Chúa dạy các môn đệ của Ngài không được bó tay, nhưng phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân và phó thác cao. Bởi gieo trồng vun tưới là việc của Phao-lô, của A-pô-lô, của bạn, của tôi, của chúng ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6).

Mời Bạn: Lòng người dù có là sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo đất. Chẳng hạn các thánh Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu!

Sống Lời Chúa: Việt Nam đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng còn khá nhiều ‘đất hoang’. Đừng trì hoãn nữa, nhưng hãy gieo cách hào phóng bằng chính sinh hoạt thường ngày.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Năm Thánh.

28/01/16 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Th. Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ HT Mc 4,21-25
QUẢNG ĐẠI NHƯ CHÚA

“Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy, và còn cho hơn nữa.” (Mc 4,24)

Suy niệm: Mark Zuckerberg, sáng lập viên và là tổng giám đốc công ty mạng xã hội facebook, trong dịp con gái đầu lòng chào đời đã quyết định tặng 99% tài sản của mình (45 tỉ USD) để thành lập một quỹ từ thiện với mục đích phát triển môi trường giáo dục và y tế cho các trẻ em trên thế giới. Trong lá thư rất xúc động gởi con gái, Mark cho biết mình “có trách nhiệm rất lớn trong việc tạo ra một thế giới tốt lành hơn cho con và cho tất cả trẻ em.” Thiên Chúa cho con người được trở nên vô cùng giàu có khi Ngài tặng ban cho họ vũ trụ này làm gia sản; và hơn thế nữa, Ngài còn ban cho chúng ta Người Con duy nhất để đền bù tội lỗi chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy dùng cái “đấu quảng đại” ấy của Ngài mà đong đầy tình thương cho anh em, và đáp lại Ngài cũng dùng chính đấu tình thương ấy mà đong lại cho chúng ta.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn luôn được mời gọi làm toả sáng các giá trị Tin mừng qua những nỗ lực xây dựng đời sống xã hội tốt đẹp hơn; bằng sự quảng đại dấn thân và cho đi để phục vụ người khác. Nhờ đó bạn cũng được giàu lên trong đời sống đức tin của mình.

Chia sẻ: Điều bạn có thể quảng đại cho đi trong cuộc sống hiện nay là gì?

Sống Lời Chúa: Đọc lại lời ĐGH Phanxicô trong ngày bế mạc đại hội giới trẻ thế giới (2013): “Ai trao niềm vui đức tin sẽ nhận được niềm vui, đừng sợ sống quảng đại với Đức Kitô và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết sống quảng đại, biết mở lòng ra với Chúa và biết mở lòng ra đón nhận anh em mỗi ngày. Amen.

29/01/16 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Mc 4,26-34
SỨC MẠNH ÂM THẦM

“Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)

Suy niệm: Nếu bạn gieo một hạt lúa xuống đất, rồi cứ 5 phút bạn moi lên coi thử xem chuyện gì đã xảy ra cho nó, có lẽ bạn sẽ tưởng rằng nó đã chết, nhưng chính lúc ấy cả một qui trình vận hành phức tạp đã bắt đầu khởi động bên trong hạt lúa ấy. Những người nông dân tuy không học lập trình, nhưng họ đã biết vận dụng tiến trình phát triển của hạt lúa một cách nhuần nhuyễn trong việc canh tác của mình. Để hạt giống phát triển, họ làm phần của họ: chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho hạt giống: cày xới đất, bón phân, làm cỏ, v.v… Hạt giống cứ âm thầm phát triển theo qui luật: nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết hạt và trở thành một vụ mùa bội thu. Sức mạnh âm thầm của Lời Chúa cũng thế: một khi hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, hạt giống đó sẽ âm thầm mọc lên và sinh hoa trái, bất chấp mọi thế lực cản phá.

Mời Bạn cộng tác vào công việc “canh tác Lời” của Thiên Chúa. Chúa muốn tuyển bạn làm người cày bừa, gieo giống, chăm bón, làm cỏ hay thu hoạch hoa màu trong cánh đồng thế giới. Việc của bạn là làm chứng cho Ngài cách kiên trì và luôn luôn hy vọng; phần còn lại hãy để sức mạnh âm thầm của Lời Chúa hoạt động.

Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm gì về sức mạnh âm thầm của Lời Chúa?

Sống Lời Chúa: Mạnh dạn nói Lời Chúa khi được Thánh Thần thúc đẩy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết kiên trì gieo Lời Chúa dù gặp điều kiện thuận lợi hay không.

30/01/16 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mc 4,35-41
ĐỨC KI-TÔ LÀ AI ĐỐI VỚI BẠN?

“Người là ai mà cả gió lẫn biển đều phải tuân lệnh Người?” (Mc 4,41)

Suy niệm: Nhạc sĩ P. Kim trong một tác phẩm của mình đã tự hỏi: “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai vậy?” Đó là câu hỏi mà các tông đồ thốt lên khi tận mắt chứng kiến Thầy mình chỉ nói một lời mà gió và biển đang ào ào sôi sục phải vâng lệnh lặng im ngay tức khắc. Mặc dù được phúc ở gần Chúa, nhưng mãi đến hôm nay, các tông đồ của Chúa mới đặt câu hỏi về con người Giê-su đó. Đặt câu hỏi cũng có nghĩa là đã trả lời rồi: không phải là thường nhân thì phải chăng là Người được Thiên Chúa sai đến? Thế nhưng, ngay lúc đó, các ông đã không trả lời được rành rọt, mà phải với thời gian, đặc biệt là sau khi Chúa sống lại, các ông mới hiểu và nhận ra Người đích thực là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Mời Bạn: “Đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Đó cũng là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải thường xuyên tự hỏi mình về Đức Ki-tô và mối tương quan với Ngài. Chúa Ki-tô vẫn đang hiện diện trong mỗi người chúng ta, cùng đồng hành trong mọi vui buồn, thành công và thất bại của cuộc sống. Làm sao có thể nhận ra Chúa nếu như ta không có mối liên hệ mật thiết với Người! Mời bạn xét lại mối tương quan giữa bạn với Chúa. Những hoàn cảnh đổi thay xảy đến trong đời có làm thay đổi mối tương quan đó không? Bạn có than trách Chúa khi gặp khó khăn thử thách không?

Chia sẻ cảm nghiệm của bạn về Chúa Giê-su hiện diện trong đời bạn.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian tâm sự với Chúa Giê-su để sống thân thiết hơn với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là tình yêu của con, xin cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

31/01/16 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – C
Lc 4,21-30
ĐÓN NHẬN LỜI HẰNG SỐNG

Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4,22)

Suy niệm: Nhà bác học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 là A. Einstein thú nhận: “Khi còn bé, tôi đã học cả Kinh Thánh và sách Talmud. Là người Do Thái, nhưng tôi đã bị khuôn mặt sáng ngời của Đức Giê-su Na-da-rét mê hoặc… Chưa ai đọc các sách Tin Mừng mà không cảm thấy sự hiện diện thật sự của Đức Giê-su. Tính cách của Ngài rung lên trong mỗi từ ngữ. Một đời sống như vậy không huyền thoại nào chứa hết được.” Trước Einstein 20 thế kỷ, dân làng Na-da-rét cũng bị mê hoặc bởi những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người như vậy. Đó không chỉ là lời khôn ngoan của bậc vĩ nhân, mà còn là Lời hằng sống, là Ngôi Lời Thiên Chúa, là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Mời Bạn: “Đức Giê-su là một bậc thầy nghệ thuật không ai bì kịp về khả năng phơi bày cái cốt lõi thâm sâu của chân lý tinh thần” (G. Vermes). Ngài không chỉ nói những lời hay ý đẹp, nhưng còn có thể giúp bạn nhận thức chân lý mang tính sinh tử cho đời mình. Bạn hãy đọc và nghiền ngẫm lời Ngài trong sách Tin Mừng để hiểu được chân lý ấy.

Sống Lời Chúa: Trong năm mới cũng là Năm Thánh này, tôi sẽ dành thời gian mỗi ngày đọc một đoạn Tin Mừng nhằm giúp mình hiểu biết và yêu mến Chúa Ki-tô hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thán phục lời hay ý đẹp từ miệng Chúa như bao người khác. Thế nhưng, nhiều khi nại cớ bận rộn công việc mỗi ngày, con ngại ngùng khi phải dành thời gian đọc và suy gẫm Lời Chúa. Kế hoạch sống của con trong năm nay là có thời giờ tiếp cận Lời Chúa hằng ngày. Amen.