Cộng đoàn là tổ ấm yêu thương. Làm gì được gọi là cộng đoàn nếu như người ta sống lẻ loi tách biệt. Cộng đoàn là sự quy tụ. Bao gồm những con người có chung lý tưởng và sống chung niềm tin. Như đàn ong miệt mài tìm mật, người trong cộng đoàn cũng đang dấn thân đi tìm chân lý. Chân lý ấy là gì? Xin thưa chân lý ấy chính là Đức Giêsu Nadaret, người Thầy dạy Đạo Yêu Thương.
Yêu và thương là hai trong nhiều cung bậc cảm xúc của con người. Nếu chưa thương mà yêu thì đó là tình yêu ngụy tạo. Không gì có thể diễn tả tình yêu chân thực cho bằng sự rung động của con tim. Đấy cũng làm tâm trạng của Đức Giê-su trên bước đường rao giảng Tin Mừng:“Chúa Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36)
Đám đông dân chúng là một cộng đoàn. Hơn nữa lại là cộng đoàn đức tin. Cộng đoàn này mang vào mình nhiều tính điển hình với các nhiệm vụ riêng biệt. Tuy nhiên, trong bài viết này xin được đề cập đến 2 vấn đề cơ bản: chăm sóc đời sống tâm linh và nuôi dưỡng mối tương giao trong cộng đoàn.
- Chăm sóc đời sống tâm linh
Sách Thánh mô tả “các tín hữu thời Giáo hội sơ khai siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (x.Cv 2,42). Tham dự thánh lễ và cầu nguyện là cao điểm của việc thờ phượng Thiên Chúa. Thật vậy, ngay trong xã hội hôm nay, chúng ta vẫn thấy nơi các cộng đoàn có những hoạt động đạo đức tương tự. Đôi khi, những hoạt động thờ phượng có phần đa dạng hơn về cả qui mô và hình thức.
Chăm sóc đời sống tâm linh còn là nuôi dưỡng lòng yêu mến Chúa và các thánh. Bằng cách nào? Chẳng phải chúng ta cũng bắt chước Thánh Matthêu ghi lại lời Chúa Giêsu đã hứa: “Nơi nào có hai ba người họp nhau nhân danh Thầy, Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20)? Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải hiểu rằng chúng ta đang đi chung một con đường. Nhưng đi chung không có nghĩa là chúng ta đi con đường của nhau. Mặc dù chúng ta là một cộng đoàn, nhưng những thành viên trong đó sẽ phải tự mở ra cánh cửa tâm linh của mình để gặp gỡ Thầy Chí Thánh.
Một thực tế cho thấy anh chị em lương dân ngày nay cũng đang có cái nhìn khá thiện cảm ở các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ và đời sống thánh hiến bởi đời sống tốt đời đẹp đạo, cùng với đó là tinh thần đạo đức và thánh thiện. Điều này được diễn tả bằng đời sống văn hóa, rồi qua thái độ siêng năng kinh lễ, và thực hiện các việc làm đạo đức. Đây có thể coi là sự kết nối. Bởi các thành viên trong cộng đoàn “cùng tin một điều, sống cùng một nơi và dưới một quyền bính”. Nên đời sống cầu nguyện dường như thấm nhuần tinh thần hiệp nhất, chất chứa thông điệp yêu thương.
- Nuôi dưỡng mối tương giao trong cộng đoàn
Bên bờ sông Giođan năm nào, có tiếng vọng từ trời cao: “Đây là con Ta yêu dấu, và kẻ làm đẹp lòng Ta mọi đàng” (x.Mt 3,17). Lúc đó, Chúa Cha đã tỏ bày cho nhân loại biết được Chúa Giêsu chính là con của Chúa Cha. Đây là chi tiết rất đặc biệt nói lên sự âu yếm dịu dàng của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu. Giữa hai Ngôi Vị có mối quan hệ rất gần gũi “cha – con” chứ không phải xa lạ. Hai Ngôi Vị cũng có tương quan thân thiết giống với cách xưng hô của con người.
Trong ca khúc Diễm xưa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thổi vào sỏi đá cái hồn. Ông cho rằng ngay cả “sỏi đá cũng cần có nhau”. Dường như cố nhạc sĩ muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tình cảm của kiếp con người. Tình cảm ấy là tình yêu, tình bạn và tình bằng hữu. Cho nên một Linh mục đã viết lên bài ca với những lời như sau: “Tôi chỉ thật sự là người nếu tôi sống với anh em tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo. Loài hoa này không có loài hoa lạc loài.”
Thật vậy, tình thân là một thứ gì đó thiêng liêng ở cộng đoàn. Nơi quy tụ những con người vốn dĩ rất khác biệt. Tình thân giúp ta nhận dạng được khuôn mặt của Thiên Chúa và mọi người. Tuy vậy, “để nuôi dưỡng sự hiệp thông tâm trí giữa những người được gọi chung sống trong một cộng đoàn, nhất thiết phải trau dồi những đức tính cần có trong tất cả các mối quan hệ nhân bản : sự kính trọng, lòng tốt, sự chân thành, tự kiềm chế, lịch thiệp, biết khôi hài và tinh thần chia sẻ.
Những tài liệu mới đây của Huấn quyền có nhiều gợi ý và chỉ dẫn phong phú cho đời sống cộng đoàn như : đơn sơ vui vẻ, thẳng thắn và tín nhiệm lẫn nhau, có khả năng đối thoại, và thành tâm chấp nhận kỷ luật tốt lành của cộng đoàn”. (Văn kiện đời sống huynh đệ cộng đoàn số 27).
Trong lịch sử sống cộng đoàn, các bậc tiền nhân không chỉ để lại những kinh nghiệm quý cha cho con cháu về việc giữ gìn và gieo vãi hạt giống đức tin. Đó không chỉ dừng lại ở việc chăm sóng đời sống đức tin, mà còn mở rộng và nuôi dưỡng các mối tương quan với người khác. Mà các ngài còn “sống chết với sứ điệp yêu thương” từ Đức Ki-tô để đi vào cả những phương diện khác mà để lại những giá trị rất thiết thực cho cộng đồng nhân loại. Tuy nhiên, đây chỉ là hai nhiệm vụ cơ bản có thể hình thành nên cộng đồng tôn giáo mà ở đó cộng đoàn sẽ trở thành tổ ấm yêu thương của các thành viên thuộc về nó.
Lạy Chúa, để cộng đoàn rực sáng yêu thương. Chúng con biết rằng mình phải không ngừng nỗ lực lắng nghe và thực hiện lời chỉ dạy từ Bài học Yêu Thương của Thầy Chí Thánh. Chúng con biết rằng chúng con phải là người yêu thương anh chị em đồng loại vì chúng con “cùng một Cha trên trời”. Tuy vậy, yêu thương người khác lại là điều không dễ dàng. Nhất là nơi người có định kiến với con. Con thấy yêu thương sẽ không bao giờ có nếu người ta chỉ sống cho riêng mình. Và yêu thương càng trở nên xa vời nếu người ta cất dấu nó trong suy nghĩ. Xin Tình Yêu của Đấng giàu Lòng Thương Xót biến đổi chúng con.
Phút Hiện Tại