Các Thượng Hội đồng Giám mục trong dòng lịch sử

0
25

CÁC THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC TRONG DÒNG LỊCH SỬ[1]

WHĐ (14.6.2022) – Theo Tự sắc Apostolica sollicitudo và theo Giáo luật 1983,[2] có ba hình thức THĐGM: “Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị khoáng đại (chung, thường lệ 3 năm), hội nghị ngoại thường và hội nghị đặc biệt”.[3]

  1. THĐGM thường lệ, bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích của toàn Giáo hội và được tổ chức 3 hoặc 4 năm 1 lần. Đến hiện nay, đã có 16 THĐ thường lệ.[4]Tính từ năm thành lập THĐ năm 1965 đến nay, trung bình khoảng 3-5 năm có một THĐGM thường lệ.
  2. THĐ ngoại thường bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích của toàn Giáo hội mang tính cấp bách cần có ngay giải pháp. THĐ loại này do Đức giáo hoàng triệu tập tùy theo hoàn cảnh đòi hỏi. Đã có 3 THĐ loại này, lần gần nhất là năm 2014 bàn về gia đình.
  3. THĐ đặc biệt nhằm thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến một châu lục hay một quốc gia, một vùng miền. Đã có 11 THĐ đặc biệt diễn ra, lần gần nhất là THĐGM cho vùng Châu Mỹ La Tinh vào năm 2019, bàn về vùng Amazon.

Như vậy, từ khi Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI thành lập đến nay, có tổng cộng 30 THĐGM với 3 hình thức nêu trên. Ở đây, chúng tôi liệt kê các THĐGM không theo hình thức và thể loại, nhưng theo thứ tự thời gian các THĐ diễn ra theo dòng lịch sử.[5]

  1. Thượng Hội đồng Giám Mục thường lệ lần thứ 1,diễn ra từ ngày 29/9–29/10/1967, về chủ đề: “Gìn giữ và cũng cố Ðức Tin Công Giáo, sự toàn vẹn, sức mạnh, sự khai triển, sự mạch lạc trên bình diện giáo lý và phát triển lịch sử”. Thời gian: 29/9-29/10/1967. Số nghị phụ tham dự: 197 vị. Các nghị phụ đã nghiên cứu, thảo luận về sự bành trướng của chủ nghĩa vô thần, về cuộc khủng hoảng đức tin, về những quan điểm thần học lệch lạc. THĐ đề nghị thiết lập một uỷ ban quốc tế các nhà thần học để hỗ trợ cho Bộ Giáo lý đức tin, cũng như để thảo luận về những lối tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu thần học. Do đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập Uỷ Ban Thần học quốc tế vào năm 1969. THĐGM cũng đề nghị xét duyệt lại Bộ giáo luật 1917, nhằm đáp ứng và phù hợp với công việc mục vụ hơn, cũng như để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới. Công trình này được khởi sự dưới thời đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI và hoàn thành với việc ban hành bộ giáo luật năm 1983, ở triều đại của đức thánh giáo hoàng – Gioan Phaolô II.

THĐGM cũng trình một số đề nghị lên Đức Thánh Cha những vấn đề mang tính mục vụ như: các giám mục cần kiểm tra các chủng viện trong lãnh thổ của mình; việc duyệt lại thủ tục của các trường hợp hôn nhân hỗn hợp và đề nghị duyệt lại Sách Lễ Rôma.

  1. THĐGM ngoại thường đầu tiên, về chủ đề : “Sự cộng tác giữa Tòa Thánh và các Hội đồng Giám Mục”. Thời gian diễn tiến từ ngày 11–28/10/1969. Số các nghị phụ tham dự: 146 vị. Tiếp nối tinh thần và đường hướng của công đồng Vaticanô II, THĐ bàn thảo những phương cách nhằm diễn tả và thể hiện tính Hiệp đoàn của các giám mục cùng với Đức Thánh Cha. THĐ đưa ra những đề nghị về việc tham gia của các giám mục trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ, cũng như mối tương quan giữa các Hội đồng Giám mục với Toà Thánh và với mỗi Giám mục. Ba điều được Đức Thánh Cha chấp thuận và ban hành ngay là: a/ Các khóa THĐ sẽ nhóm họp đều đặn 2 năm một lần (tuy nhiên về sau này, đã được sửa đổi thành “3 hoặc 4 năm”). b/ Giữa hai khóa họp, Văn phòng Tổng thư ký có nhiệm vụ phối hợp và tổ chức các công việc. c/ Các giám mục được phép đề nghị đề tài cho các khóa họp tới. Trong THĐGM lần này, một sự đồng thuận về cơ cấu tổ chức: giữa khóa họp II và khoá họp III, một Ủy ban Tổng thư ký được thiết lập gồm 12 giám mục được bầu và 3 giám mục được Đức Thánh Cha chỉ định. Ủy ban này còn có nhiệm vụ liên lạc với các Hội đồng Giám mục và chuẩn bị những chủ đề được đề nghị cho THĐ tiếp theo để trình lên cho Đức Giáo hoàng chọn lựa và quyết định.

Sau này, các thành viên của Ủy ban Tổng thư ký được bầu vào những ngày cuối của khóa họp thường lệ, để chuẩn bị cho THĐ kế tiếp.

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 2,với chủ đề: “Chức tư tế thừa tác và sự công bằng trên thế giới”. Thời gian diễn tiến từ ngày 30/9–06/11/1971, tức 4 năm sau THĐGM thường lệ lần thứ nhất năm 1967. Số nghị phụ tham dự: 210 vị.

Các nghị phụ thảo luận về những khó khăn của các linh mục khi thi hành tác vụ, và Trong các cuộc thảo luận, các nghị phụ đã khâm phục sự tận tâm của các linh mục trong tác vụ Lời Chúa và các bí tích, cũng như trong công tác mục vụ. Đồng thời các nghị phụ cũng đề cập đến những khó khăn mà các linh mục gặp phải trong khi thi hành tác vụ. Ngoài ra, khóa họp này cũng đề cập đến vấn đề công lý và nhận thấy sự cần thiết phải phân tích các biến cố quốc tế hay địa phương dưới ánh sáng Tin mừng. Các nghị phụ đã đề ra chương trình hành động của Giáo hội để cổ võ sự công bình ở tầm mức quốc gia và quốc tế. Chương trình với tám điểm, hướng tới hoạt động trên bình diện quốc tế, và đề nghị các Giáo hội địa phương quan tâm đến việc giáo dục và hợp tác đại kết trong lãnh vực công bình, bác ái. THĐ bế mạc với việc ban hành hai văn kiện De Sacerdotio Ministeriali (Ultimis temporibus) và De Iustitia In Mundo (Convenientes ex universo mundo). Theo những đề nghị của các nghị phụ tham dự THĐ, đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập Ủy ban “Công lý và Hòa bình”, tức Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình hiện nay.

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 3, với đề tài : “Loan báo Tin Mừng trong thế giới hôm nay”. Thời gian diễn tiến từ ngày 27/9–26/10/1974. Số nghị phụ tham dự: 209 vị. Trong khóa họp này, các giám mục một lần nữa tái khẳng định: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (TG 2). Các nghị phụ xác định truyền giáo là đặc tính cốt yếu của Giáo hội, và mỗi tín hữu có nghĩa vụ làm chứng cho Đức Kitô ở mọi thời và mọi nơi trên thế giới. Gắn liền với đề tài loan báo Tin mừng, các nghị phụ cũng đặc biệt quan tâm và thảo luận về chủ đề “giải phóng”, là vấn đề thời sự lúc bấy giờ. Đây vấn nạn này liên quan chặt chẽ với công cuộc Phúc âm hóa của Giáo hội, bởi vì Phúc âm hóa nhằm mục đích giải phóng con người, trước hết và trên hết là giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Kết thúc THĐ, các nghị phụ không biểu quyết văn kiện nào, nhưng gửi những ý kiến, đề nghị lên Đức giáo hoàng. Với những ý kiến và đề nghị của các nghị phụ, Đức thánh giáo hoàng Phaolô VI đã cho soạn thảo và công bố tông huấn Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” ngày 08/12/1975.
  2. THĐGM thường lệ lần thứ 4, diễn ra từ ngày 30/9–29/10/1977, với đề tài: “Việc Huấn giáo trong thời đại chúng ta”. Số nghị phụ tham dự: 204 vị. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 30/09 – 29/10/1977 trong bối cảnh rất đặc biệt: ngày 06/08/1978, Đức Phaolô VI băng hà, sau đó, Đức Gioan-Phaolô I cũng qua đời đột ngột sau 33 ngày trên ngai tòa giáo hoàng (từ 26/08 – 28/09). Các nghị phụ đã bàn về việc dạy giáo lý trong thời đại hôm nay, đặc biệt cho thiếu nhi và thanh niên. THĐ đã trình lên Đức Thánh Cha 35 kiến nghị và hơn 900 ý kiến liên quan đến đề tài Huấn giáo. Các kiến nghị được chia thành 6 lãnh vực: Sự quan trọng của việc canh tân công tác huấn giáo; Bản chất của việc huấn giáo một cách đúng đắn; Những tác nhân của việc huấn giáo; Sự cần thiết của việc huấn giáo liên tục; Các phương thế huấn giáo; Một số nhận định về công việc huấn giáo.

Khi kết thúc THĐ, các nghị phụ đã gửi một Bản tuyên ngôn tóm lược những vấn đề được bàn thảo trong THĐ với tên gọi: “Sứ điệp gửi Dân Chúa”. Căn cứ trên những kiến nghị của các nghị phụ, Tông huấn Catechesi Tradendae (Về việc dạy Giáo lý trong thời đại chúng ta) được Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 16/10/1979. Văn kiện này nhấn mạnh việc chọn Chúa Kitô làm nền tảng cho công việc giảng dạy giáo lý, nhằm giúp bồi dưỡng đời sống đức tin cho các Kitô hữu không phân biệt tuổi tác lớn bé. Văn kiện cũng đề cập đến những vấn đề như: chương trình giảng dạy hợp lý, hệ thống hóa nội dung và tính trung thực của giáo lý, nhiệm vụ của các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên, các trường học và gia đình trong việc giảng dạy giáo lý.

  1. THĐGM đặc biệt liên quan đến quốc gia Hà Lan. Thời gian diễn tiến từ ngày 14 – 31/01/1980. Chủ đề: “Tình hình mục vụ tại Hà Lan”. Số các nghị phụ tham dự: 19 vị. Cho đến thời điểm này, các khóa họp THĐGM thường lệ hay ngoại thường, đều bàn về những vấn đề liên quan đến toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, THĐ đặc biệt lần này được triệu tập để bàn về tình hình của Giáo hội tại một quốc gia. Khóa họp lần này dành cho những vấn đề của Giáo hội tại Hà Lan, và cũng bàn thảo đề tài “hiệp thông” trong Giáo hội, với những hệ luận thực hành từ địa phương đến cấp độ hoàn vũ, đặc biệt về vai trò của Giám mục trong giáo phận cũng như trong Hội đồng giám mục với vai trò là Thầy dạy đức tin, luân lý và là mục tử của Giáo hội. Trên nền tảng thần học của công đồng Vatican II, các nghị phụ đưa ra các hướng dẫn liên quan đến chức tư tế thừa tác, đời sống thánh hiến, vai trò giáo dân tham gia vào sứ mạng chung của Giáo hội, về các bí tích, huấn giáo và đại kết.
  2. THĐGM thường lệ lần thứ 5,với đề tài: “Gia đình Kitô hữu”. Thời gian từ ngày 26/9–25/10/1980. Số nghị phụ tham dự: 216 vị. THĐ tái khẳng định lập trường của Giáo hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân và về thông điệp Humanae Vitae  (Sự sống con người) của Đức Phaolô VI năm 1968. Kết quả của THĐ là Tông huấn Familiaris Consortio (Về vai trò của gia đình Kitô hữu trong thời hiện đại) được Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban hành ngày 22/11/1981. Văn kiện này đề cập đến hoàn cảnh của các gia đình trong thế giới ngày nay, về kế hoạch của Thiên Chúa đối với đời sống hôn nhân, gia đình, về vai trò của gia đình Kitô Giáo, việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình, việc gia đình tham dự vào sự phát triển của xã hội, gia đình cùng sẽ chia sứ vụ và đời sống của Giáo Hội, về quyền của trẻ em và người già, về vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái, về kế hoạch hóa gia đình và điều tiết sinh sản. Cũng qua THĐ này, các nghị phụ đã đệ trình lên Đức giáo hoàng đề nghị soạn thảo bản “Hiến chương về quyền của gia đình” và sau đó được Đức giáo hoàng công bố ngày 22/10/1983.
  3. THĐGM thường lệ lần thứ 6,với chủ đề: “Hòa giải và Sám hối trong sứ mạng của Giáo Hội”. Bối cảnh và thời gian diễn ra THĐ từ ngày 29/09–29/10/1983, dịp Năm Thánh ngoại thường, kỷ niệm 1950 năm Chúa Giêsu chịu tử nạn và phục sinh để cứu độ nhân loại. Số nghị phụ tham dự: 221 vị. Các nghị phụ thảo luận việc áp dụng những hoa trái của cuộc cứu chuộc vào đời sống con người, kêu gọi sự hòa giải và xác định: “Giáo hội là bí tích của sự hòa giải và là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân”.

Kết quả của THĐ là Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hòa Giải và Sám hối) được Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 02/12/1984.[6]

  1. THĐGM ngoại thường lần thứ 2, với đề tài “Kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 24/11–08/12/1985. Số các nghị phụ tham dự: 165 vị mà thành phần chính yếu là các Chủ tịch Hội đồng giám mục của các Giáo hội địa phương. THĐ đã soạn thảo bản “Tường trình chung cuộc” (Relatio finalis) được công bố vào chính ngày bế mạc, với tựa đề tóm gọn bốn Hiến chế của công đồng Vaticanô II: “Giáo hội, trong Lời của Chúa, cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô để cho ơn cứu độ của thế giới”, trong đó với kiến nghị xin Đức giáo hoàng cho soạn thảo quyển giáo lý chung. . Đức Gioan-Phaolô II đã đón nhận những ý kiến của các nghị phụ, ngài cho biên soạn và sau đó công bố “Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo” đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc công đồng Vaticanô II (11/10/1962 – 11/10/1992). Ngoài ra, các nghị phụ cũng đề nghị nghiên cứu Bản quy chế pháp lý của các Hội đồng giám mục, cũng như thẩm quyền của cơ quan này trong lãnh vực đạo lý. Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô đã hiện thực hóa đề nghị này qua Tự sắc Apostolos Suos (Về bản chất thần học và pháp lý của các Hội đồng giám mục, ban hành ngày 21/05/1998.
  2. THĐGM thường lệ lần thứ 7, với chủ đề: “Ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 01/10 – 30/10/1987. Số nghị phụ tham dự: 232 vị. Đây là THĐ với đề tài bàn về người giáo dân, do đó, đại diện giáo dân được mời tham dự với vai trò dự thính viên (Auditores), được phát biểu trong THĐ và chia sẻ quan điểm trong các nhóm thảo luận (Circuli Minores). Đây cũng là lần đầu tiên, hai giáo dân gồm một nam và một nữ, được chỉ định làm phụ tá cho vị Tổng Thư ký của THĐ. Với các tài liệu của THĐ trong đó có 54 kiến nghị đệ trình lên Đức giáo hoàng và kết quả: Tông huấn hậu thượng hội đồng “Christifideles laici” (Kitô hữu giáo dân) được Đức Gioan – Phaolô II ban hành 30/12/1988.
  3. THĐGM thường lệ lần thứ 8,với chủ đề: “Việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay”. THĐ diễn ra từ ngày 30/09–28/10/1990. Các nghị phụ tham dự: 238 vị. Trước đây, THĐGM thường lệ lần thứ hai từ ngày 30/9–06/11/1971 đã bàn về chức tư tế thừa tác, và nhấn mạnh khía cạnh thần học. THĐGM lần này chú trọng đến khía cạnh mục vụ và quá trình đào tạo chủng sinh – linh mục ở cả hai giai đoạn trước và sau khi chịu chức linh mục. THĐ đã trình lên Đức thánh cha 41 kiến nghị, theo đó, Tông huấn hậu thượng hội đồng Giám mục được soạn thảo và được Đức thánh giáo hoàng Gioan–Phaolô II ban hành ngày 25/03/1992 với tựa đề: “Pastores Dabo Vobis”.
  4. THĐGM đặc biệt về Châu Âu lần 1, với đề tài “Để chúng ta trở nên chứng nhân của Đức Kitô, Đấng giải thoát chúng ta”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 28/11–14/12/1991. Số các nghị phụ tham dự: 137 vị. Trước đó, ngày 22/11/1990, trong chuyến viếng thăm mộ thánh Mêtôđiô tại Velehrad, Đức Gioan-Phaolô II đã ngỏ ý triệu tập một THĐGM để bàn thảo về tình hình của Châu Âu trước những sự kiện lịch sử và những biến đổi chính trị tại châu Âu, qua đó xác định vai trò của Giáo hội trong việc tái thiết đại lục này. Vì tính cách đặc biệt và cấp bách của THĐ lần này, nên phải thay đổi một số điều khoản của nội quy để có thêm nhiều đại biểu giám mục của Trung Âu và Đông Âu tham dự. Thay cho tài liệu, các nghị phụ nhận được một bản Kim chỉ nam (Itinerarium) để suy tư và trả lời cho những câu hỏi được đặt ra (Summarium). Điều đặc biệt trong THĐGM lần này, ngoài các nghị phụ, những đại diện của các Giáo hội Chính Thống và Tin lành cũng được mời tham dự với danh nghĩa “đại biểu anh em” (Delegati Fraterni). Trong phiên họp bế mạc, các nghị phụ của THĐ đã công bố bản “Tuyên ngôn” trong đó, trình bày một chương trình cho việc Tân phúc âm hóa châu Âu và kêu gọi tình liên đới giữa các công dân trên toàn lục địa này.
  5. THĐGM đặc biệt về Châu Phi lần 1,với chủ đề: “Giáo hội tại châu Phi và sứ mạng phúc âm hóa hướng đến năm 2000: “Các con sẽ là những chứng nhân của Thầy” (Cv 1, 8). Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 10/4 – 08/5/1994. Số các nghị phụ tham dự: 242 vị. Trước đó, với THĐGM Châu Âu diễn ra cách vội vàng, thì thời gian chuẩn bị khóa họp cho châu Phi khá dài. Ngày 06/01/1989, Đức Gioan-Phaolô II đã loan báo ý định triệu tập một THĐ đặc biệt về Châu Phi. Sau đó, một Ủy ban tiền THĐ được thành lập gồm các thành phần của hàng giám mục Châu Phi. Tháng 06/1989, một Văn phòng Tổng thư ký được thành lập để chuẩn bị cho THĐ. Đến tháng 07/1990, Lược đồ dùng làm cơ sở cho các buổi hội thảo và cầu nguyện mới được phát hành. Tài liệu làm việc được công bố vào tháng 02/1993, nhân cuộc viếng thăm Uganda của đức Gioan-Phaolô II. Thánh lễ khai mạc và bế mạc THĐ này được cử hành với nhiều sắc thái văn hóa truyền thống Châu Phi với âm nhạc và vũ điệu.

Những cuộc thảo luận của các nghị phụ xoay quanh năm đề mục: a/ Loan báo Tin mừng. b/ Hội nhập văn hóa. c/ Đối thoại. d/ Công lý và hòa bình. e/ Phương tiện truyền thông xã hội. Kết quả của THĐ với Tông huấn hậu thượng hội đồng: Ecclesia in Africa (Giáo hội tại châu Phi), được ký ngày 14/09/1995, và được công bố nhân dịp Đức Gioan-Phaolô II viếng thăm các quốc gia Châu Phi châu: Cameroun, Nam Phi, Kenya từ ngày 14 – 20/09 năm 1995. Qua Tông Huấn này, Đức Gioan-Phaolô II nêu lên các vấn nạn tại Châu Phi như tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng, những vấn đề về nhân quyền, sự tự do của con người, việc đô thị hóa, vấn đề nợ quốc tế, mua bán vũ khí, giải phóng phụ nữ, người tị nạn và di dân, những mối quan ngại và đe dọa về nhân chủng học, dịch bệnh Sida, chế độ nô lệ tại một số quốc gia, những quan hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, việc hội nhập văn hóa (inculturation), đào tạo giáo dân, linh mục, cùng với những vấn đề khác có liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng tại lục địa Phi Châu.

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 9, với chủ đề: “Đời sống thánh hiến và sứ mệnh trong Giáo hội và trong thế giới”. THĐ diễn ra từ ngày 02/10 – 29/10/1994. Số các nghị phụ tham dự: 245 vị. Trải qua dòng lịch sử, đã có những THĐGM về linh mục và giáo dân. THĐ lần này với đối tượng những người sống đời thánh hiến với bậc tu sĩ. Các nghị phụ lắng nghe phát biểu của nhiều dự thính viên nam nữ tu sĩ. THĐ bổ nhiệm một nam và một nữ tu làm Thư ký đặc biệt và nhiều tu sĩ nam-nữ được mời tham dự với vai trò Dự thính viên hay chuyên viên của THĐ. Ngày 25/03/1996, Đức Gioan-Phaolô II ban hành Tông huấn hậu THĐGM Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến), trong đó đề cập đến ba  3 lời khấn: khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, những hình thức cũ và mới của đời sống thánh hiến, vai trò của các bề trên dòng, vai trò của các tu sĩ nam-nữ tu dòng trong việc giáo dục và nhiều những vấn đề khác.
  2. THĐGM đặc biệt về Liban, với chủ đề: “Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta: Ðược canh tân bởi Chúa Thánh Thần, trong tình liên đới, chúng ta làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa”. Thời gian diễn ra công đồng từ 26/11 – 14/12/1995. Số các nghị phụ tham dự: 69 vị. Do bối cảnh bị tàn phá do cuộc chiến tranh kéo dài tại đất nước Liban, đã tạo ra nhiều khó khăn, bất ổn cho Giáo hội tại đây, ngày 06/06/1991, Đức Gioan-Phaolô II đã bày tỏ ý định triệu tập một THĐ đặc biệt về quốc gia Liban. Một Hội đồng chuẩn bị được thành lập vào tháng 01/1992, một bản Lược đồ được công bố ngày 13/03/1993. Các câu trả lời cho những điều gợi ý được tập họp thành Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) được phổ biến ngày 01/11/1994. Kết quả của THĐ với Tông thư hậu thượng đồng mang tựa đề: Une nouvelle espérance pour le Liban (Một niềm hy vọng mới cho nước Liban) được Đức ban hành tại thủ đô Beyrouth ngày 10/05/1997 nhân chuyến viếng thăm quốc gia này. Sau đó, một Ủy ban hậu THĐ được thiết lập để lượng định những hiệu quả của Tông huấn trong thực tế và hàng năm Ủy ban Đặc biệt nhóm họp để lượng định tình hình tại Liban.
  3. THĐGM đặc biệt về Châu Mỹ La Tinh, với đề tài: “Gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô hằng sống : con đường hoán cải, hiệp thông và liên đới tại Mỹ Châu”. Thời gian diễn ra THĐ từ 16/11 – 12/12/1997. Số nghị phụ tham dự: 233 vị. Trong bối cảnh Giáo hội đang trong tiến trình chuẩn bị cho Năm Thánh 2000, qua Tông thư Tertio Millennio Ineunte, Đức Gioan-Phaolô II bày tỏ ước muốn tổ chức các THĐGM cấp lục địa, do đó, tiếp theo sau các THĐ về Châu Âu (1991) và Châu Phi, (1994, THĐGM lần này được đặc biệt dành cho Châu Mỹ La Tinh. Do đó, một Hội đồng tiền THĐ được thành lập ngày 12/06/1995. Lược đồ được soạn thảo và hoàn thành ngày 03/09/1996 và Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) được phổ biến ngày 10/09/1997.

Qua THĐ, các nghị phụ đã thảo luận về mối tương quan giữa Tin mừng và văn hoá, về những đặc tính căn bản như: hoán cải, hiệp thông, liên đới, nhằm đáp ứng những thách đố của thời đại. Kết quả của THĐ với Tông huấn hậu thượng hội đồng: Ecclesia in America (Giáo Hội Tại Mỹ Châu La Tinh) được Đức Đức Gioan-Phaolô II ký và ban hành ngày 23/01/1999 tại đền thánh Đức Mẹ Guadalupe- Mexico trong chuyến viếng thăm Mexicô. Tông Huấn này nhấn mạnh đến công tác mục vụ, việc hợp tác truyền giáo, việc di dân, việc giáo dục, việc đối thoại liên tôn, vai trò của các Giám Mục, linh mục triều cũng như dòng, các phó tế, giáo dân, việc cổ võ ơn gọi, mục vụ giới trẻ. Tông huấn cũng đề cập đến những thách đố về các vấn đề xã hội, môi trường, tệ nạn tham nhũng, buôn bán ma túy, tình trạng chạy đua vũ trang, vấn đề toàn cầu hóa, nợ của các quốc gia thuộc Thế Giới Thứ Ba, vấn đề nhân quyền, quyền được sống ngay khi đứa trẻ còn trong lòng mẹ cho đến tuổi trưởng thành hay già nua.

  1. THĐGM đặc biệt về Châu Á, với đề tài: “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ, và sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Ngài tại châu Á: “…để họ được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10)”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 19/04 – 14/05/1998. Số nghị phụ tham dự: 191 vị. Cũng trong bối cảnh, Giáo hội đang tiến tới Năm thánh 2000, các THĐ được Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II tiếp tục hướng đến các châu lục. Đặc biệt, Châu Á là một đại lục rộng lớn, nơi là cái nôi của nhiều nền văn hóa và các tôn giáo lớn trên thế giới và 2/3 dân số thế giới đang sinh sống. Tuy nhiên, Giáo hội Á Châu chỉ là một thiểu số, một đoàn chiên nhỏ bé, khiêm tốn. Trong THĐ này, các nghị phụ nhấn mạnh đến vai trò của Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, là Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại. Giáo hội tại lục địa này phải tiếp tục thi hành sứ mạng của Đức Kitô bằng chứng ta yêu thương và phục vụ. Tiến trình chuẩn bị cho THĐGM Á Châu diễn tiến như sau: Thành lập Hội đồng Tiền THĐ vào ngày 10/09/1995 gồm các Hồng y và Giám mục. Lược đồ được soạn thảo và phổ biến ngày 03/09/1996 và Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) được phổ biến ngày 13/02/1998. Với THĐGM lần này, mối quan tâm đặc biệt của các nghị phụ là làm thế nào trình bày Chúa Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất tại một lục địa đa văn hóa, đa tôn giáo này.

Kết quả của THĐ qua những cuộc thảo luận và những đề nghị của các nghị phụ được  đúc kết trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia (Giáo hội tại Á Châu). Văn kiện này được Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ký và công bố ngày 06/11/1999 tại đền thờ Thánh Tâm ở New Delhi, Ấn độ.

  1. THĐGM đặc biệt về Châu Ðại Dương, với đề tài: “Đức Giêsu Kitô và các dân tộc tại châu Đại Dương: bước theo con đường của Ngài, công bố chân lý của Ngài, sống sự sống của Ngài”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 22/11–12/12/1998. Số các nghị phụ tham dự: 117 vị, trong đó, tất cả Các giám mục tại châu lục này đều được mời tham dự. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Các giám mục Châu Đại Dương tham dự, chuyến đi “Ad Limina” của các ngài được sắp xếp trùng vào thời gian THĐ.

Để chuẩn bị, Hội đồng tiền THĐ được thành lập ngày 07/06/1996, Hội đồng này lo thu thập các ý kiến đóng góp, các câu trả lời để soạn thảo các tài liệu làm việc. Những vấn đề được gợi lên cho các nghị phụ thảo luận gồm: việc đem Tin mừng vào văn hóa, mối quan tâm đến việc huấn giáo và huấn luyện, mục vụ dành cho giới trẻ, vấn đề người di dân và các sắc dân bản địa.

Kết quả của THĐ thể hiện qua Tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Oceania (Giáo hội tại châu Đại Dương), được Đức Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban hành ngày 22/11/2001 và lần đầu tiên, Tòa thánh sử dụng phương tiện Internet để công bố và phổ biến Văn kiện THĐ đến các Giám mục tại các giáo phận cho vùng Châu Đại Dương và cho Giáo hội trên toàn thế giới.

Qua Tông huấn này, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin Mừng “là một ưu tiên hàng đầu cho Giáo Hội thuộc khu vực Châu Đại Dương” và “Thời gian đã chín mùi để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc của vùng Thái Bình Dương”. Tông huấn cũng bàn về những ảnh hưởng của việc hiện đại hóa tại Châu Đại Dương, về vai trò của các giáo lý viên, việc đối thoại liên tôn, về công việc giảng dạy của Giáo Hội về xã hội; Tông huấn cũng nhấn mạnh đến tính bất khả xâm phạm của sự sống, về vấn đề lạm dụng tình, về những người bản xứ, về tầm quan trọng của Kinh Thánh, về phụng vụ, vai trò của các linh mục và phó tế, về cuộc sống thánh hiến tu sĩ, về giáo dân, và nhiều vấn đề khác. Năm 2003, Ủy ban hậu THĐ được nhóm họp để lượng định việc thực hiện tông huấn THĐ.

  1. THĐGM đặc biệt về Châu Âu lần 2, với đề tài : “Chúa Giêsu Kitô, sống động trong Hội Thánh, là nguồn mạch Hy vọng cho Âu Châu”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 01/10-23/10/1999. Số nghị phụ tham dự: 165 vị. Đây là THĐ đặc biệt cuối cùng trong số các THĐ cho từng châu lục trước khi Giáo hội bước vào Năm Thánh 2000. Trước đây vào năm 1991, đã có THĐ đặc biệt về Châu Âu lần thứ nhất, nhưng thế giới, đặc biệt Châu Âu lúc bấy giờ đang trải qua rất nhiều biến động về chính trị, văn hóa và xã hội, đặc biệt với sự sụp đổ của hệ thống cộng sản Liên Xô – Đông Âu. Nhiều thách đố mục vụ cho Giáo hội trong một bối cảnh phức tạp, do đó, việc triệu tập THĐGM lần thứ 2 cho Châu Âu là điều rất cần thiết. Để cho THĐ đặc biệt này, Hội đồng tiền chuẩn bị được thành lập, với sự cộng tác của các chuyên gia giúp phát thảo Bản Lược đồ và Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) được phổ biến ngày 21/06/1999. Kết quả của THĐ được thể hiện qua việc ngày 28/06/2003, Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban hành Tông huấn hậu THĐ Ecclesia in Europa (Giáo hội tại châu Âu). Qua Tông Huấn này, Đức thánh Gioan-Phaolô II nhấn mạnh chủ đề về Đức Giêsu Kitô là “niềm hy vọng của chúng ta”. Ngài nêu lên những thách đố và những dấu hiệu hy vọng của Giáo Hội tại Âu Châu, những nhu cầu cấp thiết của việc rao giảng Phúc Âm của niềm hy vọng, việc đối thoại với các tôn giáo khác, việc Phúc âm hóa nền văn hóa, những vấn đề liên quan đến các tổ chức truyền thông đại chúng, việc mang đến cho những người nghèo một niềm hy vọng mới, và vấn đề di dân v.v. Để thúc đẩy việc thực hiện tông huấn, một Ủy ban hậu THĐ cũng đã được thiết lập.
  2. THĐGM thường lệ lần thứ mườivới đề tài: “Giám mục, người phục vụ Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, để đem lại niềm hy vọng cho thế giới”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 30/9–27/10/2001. Số nghị phụ tham dự: 247 vị. Ngày 16/06/1998, lược đồ được phổ biến ngày 16/06/1998 và gửi đến tất cả các giám mục để tham khảo ý kiến. Sau khi đón nhận những ý kiến của Các giám mục gởi đến cho văn phòng tổng thư THĐ, tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) được phát hành ngày 01/06/2001. Tham dự THĐ, các nghị phụ đã bàn thảo về nhiệm vụ của các giám mục, đặc biệt khi Giáo hội và thế giới bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba.

Ngày 16/10/2003, nhân kỷ niệm 25 năm trong vai trò là Mục tử của Giáo hội hoàn vũ, Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã công bố Tông huấn hậu THĐ Pastores Gregis (Mục tử đoàn chiên). Tông huấn nhấn mạnh đến vai trò của Giám mục là tôi tớ Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới.

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 11với đề tài: “Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. Số các nghị phụ tham dự: 252 vị. Thời gian diễn ra THĐ từ 02/10 – 23/10/2005. Trước đó, ngày 29/11/2003, Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã phê chuẩn đề tài và quyết định triệu tập THĐGM năm 2005, nhưng thánh nhân qua đời vào ngày 02/04/2005. Với chủ đề Thánh Thể, THĐGM được chuẩn bị với “Năm Thánh Thể” và Đại Hội Thánh Thể diễn ra tại Guadalajara từ ngày 10/10-17/10/2004. Năm Thánh Thể kết thúc vào ngày bế mạc THĐ 23/10/2005.

Tiếp nối tinh thần và quyết định của vị tiền nhiệm, Đức thánh cha Bênêđictô XVI quyết định tiếp tục thực hiện THĐGM. Trong THĐ lần này, các nghị phụ thực hiện việc bỏ phiếu bằng hình thức điện tử. Ngày 22/02/2007 Đức Bênêđictô XVI công bố Tông huấn hậu THĐ Sacramentum Caritatis (Bí tích Tình yêu).

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 12với đề tài: “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”, chủ đề này được Đức thánh cha Bênêđictô XVI chọn lựa ngày 06/10/2006. Đề tài này có liên quan đến THĐGM thường lệ lần thứ 11 năm 2005, vì chưng Thánh Lễ với hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 05/10-21/10/2008. Số các nghị phụ tham dự: 253.

Với THĐ về Lời Chúa diễn ra trong bối cảnh “Năm Phaolô” (28/06/2008-29/06/2009. Do đó, THĐ với nghi thức khai mạc diễn ra tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Điểm đặc biệt của THĐGM lần này là một Rabbi Do Thái được mời phát biểu trước các nghị phụ, và đức thượng phụ Bartôlômêô I, thượng phụ Constantinopolis của Giáo hội Chính thống, đã giảng cho các nghị phụ trong một buổi Kinh chiều tại nhà nguyện Sixtine. Tông huấn hậu THĐ “Lời Chúa” (Verbum Domini) được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố ngày 30/09/2010.

  1. THĐGM Phi Châu lần thứ hai, với đề tài: “Giáo hội tại châu Phi phục vụ cho sự hòa giải, công lý và hòa bình. “Anh em là muối đất… Anh em là ánh sáng cho thế gian” (Mt 5, 13.14)”. Thời gian diễn ra THĐ  từ ngày 04/10 – 25/10/2009. Số nghị phụ: 239 vị gồm: 33 hồng y, 3 thượng phụ Đông phương, 75 tổng giám mục, 120 giám mục, 8 linh mục. Ngoài ra, để phục vụ cho THĐ còn có 55 linh mục thuộc văn phòng tổng thư ký, 30 phụ nữ: 10 nữ chuyên viên và 20 nữ quan sát viên. Đáp lại lời yêu cầu của các giám mục Châu Phi, Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ngày 13/11/2004 đã tuyên bố triệu tập THĐ lần hai, bàn về Châu Phi. Ngày 22/06/2005, ĐTC Bênêđictô XVI xác nhận quyết định ấy. Đối diện với thực tại chính trị, xã hội và văn hóa của Châu Phi, các nghị phụ THĐ đã thảo luận việc Giáo hội có thể làm gì để phục vụ cho sự hòa giải, công lý và hòa bình, do đó THĐ này được xem như đại hội của sự phục sinh và niềm hy vọng. Đàng khác, các nghị phụ tập trung bàn thảo vấn đề sứ mạng của Giáo hội, nên THĐ cũng được xem như một lễ Hiện Xuống Mới. Có đến 57 đề nghị được trình lên ĐTC để cho công việc soạn thảo tông huấn hậu THĐ.

Lược đồ được gửi đến các giám mục ngày 27/06/2006 và ĐTC đã trực tiếp trao Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) cho các chủ tịch Hội đồng giám mục vào ngày 19/03/2009, nhân chuyến viếng thăm các nước Cameroun và Angola. Trong thời gian họp THĐ đặc biệt về Châu Phi lần 2, thánh lễ phong thánh vào chúa nhật 11/10/2009 cho 5 vị chân phước:

– Zygmunt Szczęsny Feliński

– Francisco Coll y Guitart

– Josef Daamian de Veuster

– Rafael Arnáiz Barón

– Marie de la Croix (Jeanne) Jugan

Tông Huấn hậu THĐ Africae Munus (Cam Kết của Phi Châu), với nội dung: Giáo Hội tại Phi Châu phục vụ cho việc hòa giải, công lý và hòa bình, được ĐTC Bênêđictô XVI ban hành tại Ouidah, nước Bénin vào sáng chúa nhật 20/11/2011.

  1. THĐGM đặc biệt về Trung Ðôngvới đề tài: “Giáo hội Công giáo tại vùng Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá”, “Các tín hữu đông đảo mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4, 32)”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 10/10 – 24/10/2010. Số các nghị phụ tham dự: 185 vị. Khi nói đến THĐGM hướng về khu vực Trung Đông, đây là vùng lãnh thổ bao gồm các quốc gia: Arab Saudi, Bahrein, Chypre, Ai cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Giorđani, Iran, Irak, Koweit, Liban, Oman, Qatar, Syria, Thổ nhĩ kỳ, Yemen.Với diện tích 7.180.912 km vuông, dân số là 356.174.000 nhân khẩu, trong đó số tín hữu Công giáo là 5.707.000 người (1,6%). Giáo hội Kitô tại Trung đông với sắc thái đa dạng, ngoài nghi lễ La tinh còn nhiều nghi lễ khác như: Copte, Syriac, Melkit, Maronit, Chalđê, Armêni, ngoài ra còn có 14 nhóm thuộc Giáo hội Chính thống và Tin lành. Bối cảnh chính trị vùng Trung đông khá bất ổn do sự đối nghịch, chiến tranh khiến nhiều cư dân và các Kitô hữu phải rời bỏ quê hương, tị nạn đến các vùng miền khác để sinh sống. Trong bối cảnh ấy, THĐ nhắm đến hai khía cạnh mục vụ: hiệp thông nội bộ giữa các Giáo hội khác nghi lễ với nhau và làm chứng tá cho Chúa Kitô tại chính nơi quê hương của Người.

Tham dự Đại hội THĐ lần này, có các thượng phụ và giám mục của các Giáo hội Chaldée, Hy Lạp, Copte, Syrie, Maronite, Arménie, Thượng phụ Giáo hội Công giáo Latinh tại Giêrusalem. Ngoài ra, còn có 14 vị đứng đầu các Thánh bộ và  Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh có liên hệ nhiều với cuộc sống Giáo Hội tại Trung Ðông. Ðức Bênêđictô XVI cũng chỉ định 17 Nghị Phụ khác và còn có 10 đại diện Liên hiệp các bề trên tổng quyền, 36 chuyên viên và 34 dự thính viên nam nữ, 1 đại diện của Do thái giáo và 2 đại diện Hồi giáo. Trong THĐ, một rabbi Do thái, một đại diện Hồi giáo dòng Sunni và một đại diện Hồi giáo Shiite được mời phát biểu.

Thành quả mà THĐ này đạt được với sự kiện ngày 14/09/2012, trong chuyến tông du đến Libanô, ĐTC Bênêđictô XVI đã đến Vương cung thánh đường thánh Phaolô ở thị trấn Harissa, cách thủ đô Beyrouth khoảng 20Km, để chủ tọa nghi thức ký và công bố Tông huấn hậu Thượng hội đồng: Ecclesia in Medio Oriente (Giáo Hội tại Trung Đông).

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 13với chủ đề: “Tân Phúc âm hóa để loan truyền đức tin Kitô giáo”. Thời gian diễn tiến THĐ từ ngày 07/10 – 28/10/2012, đây cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II (11/10/1962) và 20 năm ngày công bố “Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo” (11/10/1992). Do đó, trong kỳ THĐGM lần này, ÐTC Bênêđictô XVI đã chủ sự những nghi thức phụng vụ đặc biệt: khai mạc THĐ và tuyên phong hai vị tiến sĩ Hội Thánh: Thánh Gioan Avila và Thánh Hildegard Bingen ngày 07/10/2021; Thánh lễ khai mạc Năm Ðức tin nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Số nghị phụ tham dự: 262 vị gồm: 103 Châu Âu, 63 Châu Mỹ, 50 Châu Phi, 39 Châu Á, 7 Châu Ðại Dương. Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền 10 vị, Giáo hội Công giáo Ðông phương 3 vị, 37 vị tham gia do chức vụ (ex officio) và 40 được ÐTC chỉ định. Ngoài ra, tại THĐGM lần này còn có 45 chuyên gia, 49 dự thính viên, các đại biểu anh em của 15 Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội chưa hiệp thông với Giáo hội Công giáo cùng với ba khách mời đặc biệt: sư huynh Alois, Bề trên cộng đoàn Taizé, Pháp; mục sư Vest Lamar, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa kỳ, và ông Werner Arber, nguyên giáo sư vi sinh học tại Ðại học Basel, Thụy Sĩ và là Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Kết quả của THĐ là Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng), được Đức thánh cha Phanxicô ban hành tại Rôma ngày 24/11/2013 vào dịp bế mạc Năm đức tin.

  1. THĐGM ngoại thường lần thứ ba,với chủ đề: “Những thách đố mục vụ gia đình trong bối cảnh truyền giảng Tin Mừng”. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 05/10-19/10/2014. ĐTC Phanxicô là Chủ tịch của THĐGM và 3 vị Hồng Y Chủ tịch thừa ủy gồm: ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris-Pháp, ĐHY Luis Tagle, TGM Manila-Philippines và ĐHY Raymundo Damasceno Assis, TGM Aparecida-Brazil.

Tham dự THĐGM lần này có 253 nghị phụ đến từ 5 châu lục gồm: 13 vị lãnh đạo các Giáo hội Công giáo Đông phương, 114 vị Chủ tịch HĐGM, trong đó có Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, 25 vị Bộ trưởng các Thánh bộ và Chủ tịch các Cơ quan trung ương của Tòa Thánh, 9 thành viên Hội đồng của THĐGM, ĐHY Tổng thư ký Lorenzo Baldissero và Giám mục phó Tổng thư ký, 3 Bề trên Tổng quyền gồm: dòng Tên, dòng Capuchino và dòng thánh Giuse (CSI) và 26 nghị phụ do ĐTC bổ nhiệm trong đó có ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, ĐHY Walter Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ngoài ra, còn có các tham dự viên với 8 đại biểu của các Giáo Hội Kitô anh em, 38 dự thính viên, trong đó có 13 cặp vợ chồng và 16 chuyên gia.

ĐHY Tổng thư ký Lorenzo Baldissero cho biết, mục đích của THĐ nhằm “thể hiện cho thế giới ngày nay, vẻ đẹp và các giá trị của gia đình xuất phát từ sự loan báo của Chúa Giêsu Kitô, hầu phá tan nỗi sợ hãi và nâng đỡ niềm hy vọng”.[7]

Đề cập đến sự kiện này, cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa thánh nói: “Việc ấn định một Thượng HĐGM ngoại thường về đề tài mục vụ gia đình là một điều thực sự quan trọng. Đây là cách thức ĐTC muốn suy tư và hướng dẫn bước đường của Giáo Hội, với sự tham dự trong tinh thần trách nhiệm của hàng Giám Mục khắp nơi trên thế giới” […] “thật là điều đúng đắn khi Giáo hội cùng đồng hành trong suy tư, cầu nguyện và đề ra những đường hướng mục vụ chung, trong những điểm quan trọng nhất  như mục vụ gia đình, dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và các Giám mục. Việc ấn định THĐGM ngoại thường cho thấy rõ con đường đó”.[8] Ngày 26/09/2014, văn phòng Tổng thư ký THĐ đã cho công bố Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris).

Ngày 19/10/2014, dịp kết thúc THĐ, thánh lễ phong chân phước cho Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Vị tiền nhiệm đã thiết lập cơ chế THĐGM ngày 15/09/1965.

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 14với chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới ngày nay”. Số thành viên tham dự gồm: 270 nghị phụ và 45 dự thính viên, trong đó có 18 đôi vợ chồng. Thời gian diễn ra THĐ từ ngày 04/10 – 25/10/2015. Trước đó, ngày 23/06/2015, cuộc họp báo công Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) với sự chủ tọa của ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký THĐGM, ĐHY Peter Erdoe, TGM Erztergom-Budapest – Hungari, Tổng tường trình viên, và Đức Cha Bruno Forte, TGM giáo phận Chieti Vasto – Italia. Trong THĐ này, ngày 18/10/2015, ĐTC Phanxicô đã tuyên thánh cho 4 vị : Ông Louis Martin và bà Zélie Martin, song thân của Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu; Linh mục Vincenzo Grossi và nữ tu Marie de l’Immaculée de la Croix. Hoa trái của THĐ này là Tông huấn hậu THĐ Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu), được ĐTC Phanxicô ban hành ngày lễ Thánh Giuse 19/03/2016.
  2. THĐGM thường lệ lần thứ 15với chủ đề: “Giới trẻ, Đức tin và biện phân ơn gọi”.  Thời gian diễn tiến từ ngày 03/10 – 28/10/2018. Số thành viên tham dự: 409 vị và lần đầu tiên có hai giám mục Trung hoa tham dự THĐ.

Để chuẩn bị cho THĐ này, tại Rôma, từ ngày 19/03 – 24/03/2018, ĐTC Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với 300 bạn trẻ được chọn từ khắp năm châu. Ngày 08/05/2018, Văn phòng Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục đã công bố Tài liệu làm việc cho các nghị phụ trong THĐ.

Trong bầu khí tươi trẻ của THĐ, vào chúa nhật ngày 14/10/2018, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tôn phong hiển thánh cho 7 vị: Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng của Thượng hội đồng Giám mục; Đức tổng giám mục Oscar Arnulfo Romero Galdámez của San Sanvador; Linh mục Francesco Spinelli; Linh mục Vincenzo Romano; Nữ tu Maria Caterina Kasper; Nữ tu Nazaria Ignazia di Santa Teresa di Gesù; và Nunzio Sulprizio, người trẻ Italia.

Trước đó, ngày 15/09/2018, ĐTC Phanxicô ký ban hành Tông hiến mới “Episcopalis communio”[9] (Sự hiệp thông Giám Mục), nhằm cải tổ cơ cấu THĐGM theo hướng “truyền giáo” được đề ra trong tông huấn Evangelii Gaudium.[10]

  1. THĐGM đặc biệtvới chủ đề: “Amazon: Những Nẻo Ðường Mới Cho Giáo Hội Và Nền Sinh Thái Toàn Diện”. Thời gian diễn ra THĐ: từ ngày 06/10 – 27/10/2019. Tham gia THĐ này có 185 nghị phụ, 6 vị đại diện từ các Giáo hội anh em, 12 khách mời đặc biệt và 80 chuyên gia (không có quyền bỏ phiếu), 16 đại diện của các nhóm thổ dân Amazon. Trước đó, vào ngày 15/10/2017, ĐTC Phanxicô tuyên bố mở Khóa họp đặc biệt THÐGM Thế Giới về vùng Amazon. Ngày 08/03/2018, ĐTC bổ nhiệm 18 thành viên vào Uỷ ban Tiền THĐ. Uỷ ban sẽ cộng tác với Văn phòng Tổng Thư ký để chuẩn bị cho THĐ đặc biệt này. Những gương mặt nổi bật của Ủy ban này gồm: ĐHY Claudio Hummes, Tổng giám mục Sao Paolo-Brazil, là Chủ tịch của REPAM (Mạng lưới Giáo hội Toàn Amazon); ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Thăng tiến việc Phát triển Con người Toàn diện; ĐHY Carlos Aguiar Retes, TGM México, cùng với một số vị giám chức ở châu Mỹ Latinh và Đức ông Mauricio Lopez, Thư ký Điều hành của REPAM.

Lưu vực Amazon, nằm ở vị trí trung tâm của Nam Mỹ, một khu vực rộng 7,8 triệu km2, với 9 quốc gia gồm: Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana, Suriname và Guyana. Tại vùng Amazon này, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, rộng 5,3 triệu km2, là nguồn nước ngọt, “lá phổi” của hành tinh chúng ta, vô cùng phong phú của môi trường sinh học của cả thế giới.[11]

Ngày 17/06/2019, cuộc họp báo công bố Tài liệu làm việc của THĐGM miền Amazon do ĐHY Lorenzo Baldisseri chủ tọa. Ngày 02/02/2020, tại đền thờ Thánh Gioan Laterano, ĐTC Phanxicô đã ban hành Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng với tựa đề:  Querida Amazonia (Amazon Thân Yêu).[12]

  1. THĐGM thường lệ lần thứ 16[13]đang diễn ra với chủ đề “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ”.[14]Ngày 09/10/2021, tại Hội trường THĐGM, ĐTC Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI.[15] Thời gian cho THĐ từ tháng 10/2021 đến đại hội của các nghị phụ tại Rôma vào tháng 10/2023.[16] THĐGM 16 với 3 đặc tính: Hiệp thông, Tham gia và tính Sứ vụ. Đây là lần đầu tiên một THĐ được tổ chức cả bên ngoài Vatican với 3 giai đoạn: [17]
  2. Giai đoạn cấp Giáo phậnvới mục đích tham vấn cộng đoàn Dân Chúa, đây là giai đoạn lắng nghe.

Các Giáo hội địa phương sẽ bắt đầu hành trình của mình vào Chúa Nhật 17/10/2021, dưới sự chủ tọa của Giám mục giáo phận. Mục đích của giai đoạn này là tham vấn cộng đoàn Dân Chúa. Do đó, Ban Thư ký THĐ sẽ gửi tài liệu chuẩn bị, kèm theo bảng câu hỏi và một cẩm nang các đề xuất, để thực hiện việc tham vấn trong từng Giáo hội địa phương. Trước tháng 10/2021, mỗi giám mục sẽ bổ nhiệm một vị chịu trách nhiệm cấp giáo phận, như là điểm tham chiếu và kết nối với Hội đồng giám mục. Và Hội đồng giám mục sẽ bổ nhiệm một người hay một nhóm chịu trách nhiệm liên lạc với Ban Thư ký của Thượng Hội đồng. Các ý kiến đóng góp sẽ được gửi đến HĐGM. Các giám mục sẽ nhóm họp  một thời gian để phân định, sau đó sẽ đúc kết thành văn bản để gởi cho Ủy ban Tổng Thư ký của THĐ. Khi văn bản đúc kết của các HĐGM được gởi đến Ủy ban Tổng thư ký, Tài liệu Làm việc (Instrumentum Laboris) sẽ được soạn thảo, và được gởi đến các Giáo hội địa phương vào tháng 09/2022.

  1. Giai đoạn cấp châu lụcvới mục đích đối thoại và phân định

Khi đã nhận được Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris), từ tháng 9/2022 – 3/2023 dành cho giai đoạn hai, cấp châu lục. Mục đích của giai đoạn này là để trao đổi về Tài liệu Làm việc. Sau đó, tài liệu cuối cùng sẽ được soạn thảo và gửi cho Ủy ban Tổng Thư ký vào tháng 3/2023. Ủy ban này sẽ tiến hành việc soạn thảo một Tài liệu Làm việc thứ hai, dự kiến phổ biến vào tháng 6/2023.

  1. Giai đoạn hoàn vũ: các nghị phụ đến Rôma tham dự THĐGM.

Con đường hiệp hành sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 10/2023 với việc cử hành THĐGM tại Rôma, theo các quy định được thiết lập trong Tông hiến Episcopalis Communio (Sự  Hiệp thông của Giám mục) của ĐTC Phanxicô ngày 15/09/2018.[18] Tông hiến này, gồm 27 điều khoản mở rộng vai trò của THĐ, như là một cơ quan cố vấn và đề nghị rằng, các quyết định của THĐGM, sau khi được ĐTC phê chuẩn, sẽ trở thành một phần trong huấn quyền của Hội Thánh. ĐTC Phanxicô viết rằng: khi đưa ra Tông Hiến này, ngài hy vọng sẽ làm cho THĐGM trở nên “một công cụ đặc quyền hơn bao giờ trong việc lắng nghe dân Chúa”. Ngài viết rằng: “các Giám Mục nên tham khảo ý kiến của các tín hữu trước khi tham gia vào các cuộc thảo luận tại THĐGM”. Như thế, theo Đức Thánh Cha, THĐ sẽ là “một biểu hiện đặc biệt của việc hiện thực hoá hiệu quả sự quan tâm chăm sóc của hàng giám mục đối với toàn thể Giáo Hội.”

Tông Hiến Episcopalis Communio cũng mở rộng vai trò của vị Tổng thư ký THĐGM, từ việc chuẩn bị cho các cuộc họp đến việc theo dõi các kết luận của THĐ. Tài liệu cho biết vị Tổng Thư ký có thể triệu tập các cuộc họp trước các phiên họp của các Giám Mục, và sau khi THĐ kết thúc Ban Thư ký THĐGM chịu trách nhiệm “thực hiện các quyết nghị của THĐGM”.

Đức Phanxicô thường kêu gọi một sự quản trị Giáo Hội phổ quát mang tính “Thượng hội đồng”, ngài cũng nhấn mạnh thẩm quyền của THĐ khi đề cập đến các vấn đề tín lý. Ngài viết: “Nếu được vị Giáo Hoàng Rôma chuẩn y một cách rõ ràng, tài liệu cuối cùng (của một THĐGM) sẽ được kể vào số các Huấn Quyền thông thường của Đấng kế vị Thánh Phêrô.”

Con đường hiệp hành của THĐGM lần này là điều đã được Đức Thánh Cha mong muốn ngay từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài. Tài liệu viết: “Một tiến trình THĐ toàn diện sẽ chỉ được thực hiện cách đích thực, nếu các Giáo hội địa phương tham gia vào tiến trình đó. Các Giáo hội địa phương chỉ có thể tham gia cách đích thực, nếu các cơ quan trung gian của THĐGM cũng tham gia; tức là các THĐ của các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Hội đồng tư vấn và Hội đồng của các Giáo hội độc lập, và các Hội đồng Giám mục quốc gia, khu vực và châu lục.”[19]

Tạm kết

Trong tinh thần Hiệp Hành, cùng với Giáo hội, chúng ta đang sống trong bầu khí Thượng hội đồng lần thứ 30 của Giáo hội, nhưng với Thượng Hội đồng hiện nay, không chỉ là Thượng hội đồng thường lệ thứ 16, mà còn như là một “Thượng hội đồng đặc biệt” của toàn thể Giáo hội, với sự tham gia của mọi thành phần và với nhiều cấp độ, nhiều giai đoạn.

Trải qua dòng lịch sử hơn 50 qua, từ khi Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập cơ cấu Thượng hội đồng, tổ chức này đã đem lại rất nhiều ích lợi cho đời sống Giáo hội và cho thế giới, xã hội nhân loại. Tính Hiệp đoàn Giám mục với Đức thánh cha không chỉ dừng lại nơi Giám mục đoàn với vị thủ lãnh của Giáo hội, mà còn mở ra cho sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ chung của toàn thể Giáo hội, đặc biệt với sự canh tân Thượng hội đồng qua Tông hiến Episcopalis Communio của ĐTC Phanxicô. Trong buổi trả lời phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, ngày 25 tháng 9 năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, ÐHY Jan Schotte, Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục, đã gọi Cơ quan mới này là “một việc Quan phòng của Thiên Chúa”, ngài quả quyết: Việc thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới là một quyết định do Chúa Quan phòng, bởi vì đã cho phép Giám Mục Đoàn thực thi vai trò “đoàn thể tính” của mình. Ðức Hồng Y nói: “Nhìn về các Khóa họp của Thượng Hội Ðồng từ trước đến nay, tôi có thể xác quyết rằng: Thượng Hội Ðồng đã trở nên toàn phần của đời sống Giáo hội”.

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

Đọc thêm bài cùng tác giả: Lịch sử Thượng Hội đồng Giám mục

[1] Bài này được viết theo:  https://www.vatican.va/news_services/press/documentazione/documents/sinodo_indice_fr.html.

[2] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ giáo luật 1983, NXB: Tôn Giáo, 2016.

[3] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, mục IV.

[4] THĐ lần thứ 16 đang diễn ra với chủ đề “Vì một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ”.

[5] Tổng hợp và viết theo: https://www.vatican.va/roman_curia/synod/index_fr.htm.

 https://www.vatican.va/news_services/press/documentazione/documents/sinodo/sinodo_documentazione-generale_fr.html.

[6] Đây là lần đầu tiên, một văn kiện có tên gọi “Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng”.

[7] Lm. Giuse Trần Đức Anh, OP – Bản tin từ Radio Vatican.

[8] Ibidem.

[9] https://www.vatican.va/content/francesco/fr/apost_constitutions/documents/papa-francesco_costituzione-ap_20180915_episcopalis-communio.html.

[10]  Xem Tông huấn niềm vui của Tin mừng, số 27.

[11] https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2019-06/vatican-synod-bishops-amazon-instrumentum-laboris.html

[12] https://www.vatican.va/content/francesco/fr/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20200202_querida-amazonia.html.

[13] http://secretariat.synod.va/content/synod/fr.html.

[14] http://secretariat.synod.va/content/synod/fr/news/contenu-sur-le-prochain-synode.html.

[15] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-xvi.html.

[16] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-khai-mac-thuong-hoi-dong-giam-muc-xvi.html.

[17] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/dtc-thay-doi-cach-thuc-tien-hanh-thuong-hoi-dong-giam-muc.html.

[18] https://www.vatican.va/content/francesco/fr/apost_constitutions/documents/papa-francesco_costituzione-ap_20180915_episcopalis-communio.html.

[19] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/dtc-thay-doi-cach-thuc-tien-hanh-thuong-hoi-dong-giam-muc.html

#thuonghoidonggiammuctrongdonglichsu