CHA MẸ SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
WHĐ (29.5.2022) – Khi các con tôi mới bước vào tuổi đi học, tôi cứ băn khoăn về việc mình có thường xuyên sử dụng điện thoại trước mặt chúng hay không. Nên, một hôm, tôi đã cho chúng ngồi xuống và hỏi: “Các con à, thế các con nghĩ là bố thích làm gì nhất?”
Trong khi chờ đợi câu trả lời của bọn trẻ, tôi đã chìm đắm trong một chuỗi những suy nghĩ về việc sử dụng công nghệ một cách quá mức của mình. Và rồi, tôi bắt đầu nhận ra ảnh hưởng của việc sử dụng thiết bị điện tử đối với các con của tôi.
- Chúng ta tạo cớ cho trẻ có những hành vi tiêu cực để gây chú ý
Tôi chẳng bao giờ hết ngạc nhiên khi thấy bọn trẻ làm phiền tôi nhanh như thế nào mỗi khi tôi cầm điện thoại lên, dù tôi vẫn cố gắng duy trì sự chú ý của mình vừa vào chúng vừa vào màn hình điện thoại. Vì thực, chỉ trong vòng vài phút, bọn trẻ đã hướng về phía tôi để đặt ra nhiều câu hỏi; để đưa cho tôi xem những gì chúng làm được; hoặc chỉ để nhận nơi tôi một cái ôm,… Đôi khi, tôi nói ỡm ờ: “Chờ bố một chút” trong khi mắt tôi vẫn không rời ra khỏi chiếc điện thoại. Một điều rất rõ là, nếu tôi chỉ cần phớt lờ bọn trẻ thêm một chút, thì chúng bắt đầu nỗ lực bằng nhiều cách cốt để lôi kéo sự chú ý của tôi. Chẳng hạn như: chúng sẽ lải nhải lặp đi lặp lại các câu hỏi; rồi ném tung các đồ chơi; và thậm chí chọng choẹ nhau… chỉ với mục đích là để tôi rời mắt khỏi điện thoại và quan tâm đến chúng.
Tôi biết chắc, đây không phải là tình huống duy nhất và chỉ xảy ra dưới mái nhà tôi đâu. Là một giáo viên lớp 6 toàn thời gian, tôi cũng nhận thấy điều này nơi các học trò của tôi ở trường. Những học sinh cần tình yêu thương nhất thường có khuynh hướng thể hiện những hành vi tiêu cực nhằm tìm kiếm sự chú ý hơn những em khác. Những học sinh này dường như không có khả năng đồng cảm, không quan tâm đến người khác và rất hay gây rối, nhưng thực ra, là chúng đang tìm kiếm sự chú ý mà chúng thiếu, có khi vì do sự lạm dụng công nghệ trong gia đình hoặc thiếu sự kết nối bạn bè của chúng.
Giáo sư Sherry Turkle cũng đồng ý với nhận xét này, như ông diễn tả trong cuốn sách mà ông là tác giả rằng:
Tôi có trích dẫn từ một số sinh viên đại học mô tả về tuổi thơ khi các em không nhận được sự quan tâm của cha mẹ trong các bữa ăn trong gia đình. Điều đáng lo ngại là cha mẹ không phản ứng một cách thích hợp khi trẻ đang nỗ lực tìm kiếm sự chú ý của họ đối với chúng. Đây tuy là một tật xấu nhỏ và kín đáo nhưng đôi khi sẽ phát thành bệnh mà chúng ta cần phải quan tâm.
Thật vậy, trẻ em có những hành động tiêu cực, chủ yếu là do cha mẹ chúng thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử và bỏ bê chúng. Có lẽ điều này đúng trong ngôi nhà của tôi, và tôi nghĩ, nó cũng đúng với hàng triệu ngôi nhà trên khắp thế giới.
- Chúng ta mất cơ hội để điều chỉnh hành vi của trẻ
Là cha mẹ, chúng ta hiểu con mình hơn bất kỳ ai, chúng ta biết khi nào thì năng lượng của bọn trẻ đạt tới mức cao nhất. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua cách chúng chạy nhảy, cách chúng nói chuyện, thậm chí ngay cả qua cách chúng quan sát xem có cách nào để làm điều gì đó hoặc gây rối một cách hiệu quả hay không. Do đó, có rất nhiều cơ hội trong ngày để chúng ta có thể điều chỉnh và chuyển hướng trẻ đến điều gì đó tốt đẹp hơn. Ví dụ như: Nhắc trẻ thu dọn đồ chơi này đi trước khi lấy đồ chơi khác ra để chúng khỏi phải nhặt cả đống đồ chơi cùng một lúc; Nhắc trẻ đã hoàn tất bữa ăn ngay cả khi chúng nói rằng chúng không đói, vì nếu không, chỉ 1 tiếng đồng hồ sau đó, trẻ sẽ thấy “cồn cào” ngay; Can thiệp khi đứa trẻ nhận ra món đồ chơi mà chúng đang chơi bị anh chị em khác giành lấy khi chúng hớ hênh; …. Khi bỏ lỡ những cơ hội như thế vì mải lướt màn hình điện thoại, chúng ta sẽ thấy trước được hậu quả là trẻ sẽ có nhiều hành vi tiêu cực như thế nào.
- Chúng ta gây ảnh hưởng đến việc phát âm của trẻ
Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng, những khoảnh khắc đầu đời rất quan trọng đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em. Từ sơ sinh đến 2 tuổi, não bộ của trẻ học cách phản ứng với các loại kích thích và kết quả là các kỹ năng vận động, nhận thức chiều sâu, và đặc biệt là khả năng ngôn ngữ của trẻ bắt đầu phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều quan trọng nhất là cảm giác thuộc về của trẻ cũng được củng cố khi chúng thường xuyên được tiếp xúc với những cái ôm, những nụ hôn, và vỗ về từ cha mẹ.
Việc nuôi nấng, chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh nhiều khi tạo ra cảm giác mệt mỏi, thậm chí là buồn chán. Nhiều bậc cha mẹ đã tìm thấy nơi công nghệ một “lối thoát” khỏi sự nhàm chán và căng thẳng của việc nuôi dạy con cái và nhu cầu cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi bị cuốn hút vào công nghệ, chắc chắn sự chú ý của họ bị phân tán và kết quả là họ ít nói với con hơn. Mặc dù họ có thể vẫn chăm lo cho con cách an toàn, vẫn tạo điều kiện để con vận động và tiếp xúc với môi trường xung quanh, nhưng họ có xu hướng là yên lặng hơn khi phải tập trung tâm trí và năng lượng của mình vào màn hình. Điều này dẫn đến kết quả là, vì thiếu tương tác ngôn ngữ, đứa trẻ có thể thích nghi với việc quan sát nhiều hơn nhưng lại chậm nói hơn.
Jenny Radesky, MD., một chuyên gia về hành vi trẻ em và cũng là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Mott thuộc Đại học Michigan, đã tiến hành nghiên cứu với các đồng nghiệp từ Trung tâm Y tế Boston đã phát hiện ra rằng “việc sử dụng thiết bị di động của cha mẹ có liên quan đến việc ít tương tác bằng lời nói và không lời hơn với trẻ em”.
- Chúng ta dần thiếu sự đồng cảm
Một nhóm nghiên cứu đã tiến hành một xét nghiệm để xem liệu việc sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên có ảnh hưởng đến khả năng đọc biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của người xa lạ nơi trẻ vị thành niên hay không.
Để làm điều này, nhóm nghiên cứu đã mời một số thanh thiếu niên, là những người tự nhận là họ sử dụng thiết bị điện tử thường xuyên hơn những người khác, tham gia một trại hè kéo dài một tuần.
Trước hết, nhóm nghiên cứu chia các thanh thiếu niên thành 2 nhóm; thứ đến, họ cho các em xem ảnh của một số người lạ nào đó; sau cùng, họ yêu cầu các em nói cho biết những người lạ đang ở trong tâm trạng nào dựa trên nét mặt và cử chỉ như được thấy trong hình. Mục đích của nghiên cứu là để đo lường khả năng đồng cảm của các em đối với người lạ, qua việc các em suy luận xem những người lạ này có buồn bã, tức giận, hoặc đang đói bụng,… hay không. Các câu trả lời được đều được ghi lại. Sau đó, 2 nhóm tuần tự lên đường.
Cả 2 nhóm đều có tuần cắm trại với những hoạt động giống nhau, ngoại trừ 2 điểm khác biệt: (1) về thời điểm, 2 nhóm đi cách nhau một vài tuần lễ; (2) có 1 nhóm được phép mang theo các thiết bị điện tử, còn nhóm kia thì không. Điều đó có nghĩa là, trong vòng một tuần ở trại, một nhóm sẽ chỉ được giao tiếp trực tiếp với những người khác, còn một nhóm vẫn có thể truy cập mạng xã hội, tin nhắn và các phương tiện giao tiếp kỹ thuật số khác.
Sau khi hoàn tất trở về, cả 2 nhóm sẽ làm lại cùng một bài trắc nghiệm về sự đồng cảm mà họ đã làm trước khi đi cắm trại. Kết quả cuối cùng cho thấy rằng:
Nhóm được sử dụng công nghệ đạt điểm cao hơn kết quả trước đó của họ một chút, còn nhóm không sử dụng thiết bị đạt điểm cao hơn so với trước đó là 20%. Điều này cho thấy, trong vòng 1 tuần lễ không dùng kỹ thuật số, và có nhiều tương tác với thực tế hơn, các thanh thiếu niên có thể nhận ra cảm xúc của người khác nhiều hơn.
Thật thế, khi dán mắt vào màn hình, chúng ta khó có thể nhận ra nhu cầu của người khác. Sức mạnh ý chí của chúng ta bị lôi cuốn bởi những gì chúng ta đang theo dõi, làm cho chúng ta bớt cởi mở để quan tâm đến người khác trong thực tế hơn. Việc cần đến người khác là nhu cầu tự nhiên của con người. Các cộng đoàn ngay từ thời sơ khai đã có được mối tương quan với nhau thông qua sự đồng cảm không phải chỉ vì nhu cầu về phương diện tâm lý mà còn vì sự sống còn của chính họ.
Với điện thoại di động trong tay, chúng ta dễ tập trung vào những gì mình đang theo dõi trong khi hoàn toàn phớt lờ những người đang hiện diện một cách rõ ràng trước mặt chúng ta. Đây là một vòng xoáy nguy hiểm ngăn cản chúng ta tương quan với người khác.
Tác giả P.J. Manney cho biết:
Có quá nhiều thông tin để chúng ta tiếp nhận. Bộ não của chúng ta nhiều khi không thể xử lý hàng loạt những câu chuyện tác động về mặt cảm xúc nên đã dẫn đến việc chúng ta phủ nhận hoặc kìm nén cảm xúc. Từ đó, chúng ta dần mất đi sự đồng cảm, và lòng trắc ẩn bởi vì chúng ta đã kiệt sức về mặt cảm xúc.
- Chúng ta khiến mức độ căng thẳng tăng cao hơn
Khi thiết bị điện tử làm mờ ranh giới giữa công việc, gia đình và cuộc sống xã hội, khiến các bậc cha mẹ thường xuyên cảm thấy như họ đang ở nhiều nơi cùng một lúc nên họ phải vật lộn để cân bằng tất cả: vừa dành thời gian chăm sóc con cái, vừa dành thời gian cho cuộc sống gia đình, vừa làm việc, và vừa hòa nhập với xã hội… Ví dụ: Chúng ta đang chăm con, thì điện thoại liên tục kêu, tiếng “tít” báo có email, có tin nhắn mới, rồi thông báo trên mạng xã hội, cảnh báo tin tức nóng hổi, một văn bản “khẩn cấp”… những lúc như thế, thật khó để chuyển đổi giữa não bộ của chúng ta và các khía cạnh khác của cuộc sống vì tất cả các ranh giới đều bị xóa nhòa và trộn lẫn với nhau.
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy việc cha mẹ sử dụng công nghệ di động quá nhiều không chỉ gây nên tình trạng quá tải thông tin, và căng thẳng cảm xúc mà còn có thể ảnh hưởng đến cách họ phản ứng với con cái, kiệt sức, căng thẳng vì bị kéo theo nhiều hướng khác nhau.
Ngoài ra, một khi bị phân tán tâm trí khỏi những thực tế hiện tại, chúng ta có xu hướng phải cố gắng bắt kịp mọi khía cạnh khác của cuộc sống.
Chẳng hạn, vì chúng ta đã chọn lãng phí thời gian để chơi game, hoặc lướt mạng xã hội quá nhiều, thì cách nào đó, cuộc sống của chúng ta trở nên mất cân bằng và trách nhiệm của chúng ta bị chểnh mảng. Kết quả là, chúng ta có thể làm gián đoạn thói quen của gia đình khi phải tranh thủ làm nhiều việc hơn với ít thời gian hơn; phải thức khuya hơn, thức dậy sớm hơn, có khi không còn giờ cho các bữa ăn, phải bỏ những cuộc hẹn, thời gian bên người thân để có thể bắt kịp nhịp sống và chu toàn các bổn phận.
- Chúng ta hãy tự chọn lựa cách sử dụng thiết bị điện tử của mình
Vẫn biết rằng, như Radesky nhận định: “Bạn không nhất thiết phải ở bên con 100% thời gian, vì trên thực tế, việc chúng độc lập là điều lành mạnh và cần thiết”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa ra một vài câu hỏi để chọn cho mình cách sử dụng thiết bị điện tử sao cho thích hợp nhất:
– Tôi muốn con mình trở thành người như thế nào khi chúng trưởng thành?
– Tôi muốn con mình làm gì với thời gian riêng của chúng: Đọc những cuốn sách hay; Viết lách đôi chút; Chiêm ngưỡng và thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên? Rèn luyện giữ gìn sức khoẻ? Gặp gỡ, giúp đỡ người khác? Cầu nguyện?
– Tôi muốn con mình tiêu hao quĩ thời gian như bất tận trên điện thoại chăng?
Do đó, chúng ta hãy thận trọng về tần suất mình lướt điện thoại trước mặt bọn trẻ. Con cái chúng ta sẽ học hỏi điều này từ nơi chúng ta.
***
Và lúc này đây, trở về với thực tại về câu hỏi mà tôi đã đưa ra: “Các con à, thế các con nghĩ là bố thích làm gì nhất?” Tôi chợt thấy lo lắng, vì nghĩ rằng bọn trẻ sẽ bộc bạch một sự thật về thói nghiện kỹ thuật số của tôi: “Bố ơi, chắc chắn là bố thích điện thoại nhất!”.
Nhưng, không phải thế!
Các con tôi đã đồng loạt nói rằng:
“Bố à, bố thích mẹ, bố thích ôm ấp chúng con; bố thích viết nữa! Chúng con biết, đó là những thứ bố yêu thích nhất!”.
Có lẽ tôi đang là một người cha đúng mực. Ít nhất là các con của tôi nhìn nhận điều này theo cách nhìn của chúng.
Tôi ước là mình có thể giữ mãi được điều này…
Tác giả: T.J. Burdick
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com ;
và sciencedaily.com
#sudungthietbidientu #anhhuongdentreem