Để gia đình nên thánh – Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gia Thất

0
160

 Để gia đình nên thánh – Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Gia Thất

Gia đình là nền tảng của Giáo hội và xã hội. Gia đình là trường học, là chủng viện đầu tiên. Nói như vậy để chúng ta thấy được tầm quan trọng của gia đình trong Giáo hội và xã hội. Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia Thất. Đây là một gia đình thánh: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài là mẫu mực cho mỗi chúng ta. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một gia đình hạnh phúc, mọi người đều trở nên thánh. Để mong muốn của chúng ta trở thành hiện thực, xin gợi ý với anh chị em mấy điểm sau đây:

  1. Vâng theo thánh ý Chúa

Đây là điểm trọng yếu trong gia đình Thánh Gia. Đức Maria quyết giữ mình đồng trinh nhưng khi biết thánh ý Chúa muốn Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ liền thưa xin vâng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Thánh Giuse đã “ầm thầm rút lui” khi biết Mẹ có thai, nhưng khi biết được thánh ý Chúa, Ngài đã đón nhận Mẹ Maria về nhà mình. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (x. Pl 2,8). Trong thời gian hoạt động công khai, Ngài còn nói: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30).

Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta hãy luôn vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày. Thánh ý Chúa thể hiện qua giáo huấn của Chúa và Giáo hội.

Noi gương gia đình Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình chúng ta phải sống có tôn ti trật tự: Bề dưới vâng lời bề trên. Con cái vâng lời cha mẹ. Cháu chắt biết vâng lời ông bà (x.Hc 3, 3-7. 14-17a). Vợ biết phục tùng chồng (x. Cl 3,18). Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều này. Mặc dầu Ngài là Thiên Chúa nhưng khi còn sống trong gia đình Na-da-rét, Ngài luôn vâng lời Đức Mẹ và thánh Giuse, như Phúc Âm thánh Luca kể: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục hai ông bà” (Lc 2,51).

  1. Biết lắng nghe nhau

Bình thường thì người dưới phải lắng nghe bề trên. Con cái phải nghe lời cha mẹ. Vợ phải lắng nghe lời chồng. Cháu chắt phải lắng nghe lời ông bà. Nhưng trong thực tế có đôi lúc bề trên phải lắng nghe bề dưới. Cha mẹ phải lắng nghe con cái. Chồng phải lắng nghe vợ.

Mới đây, có một người phụ nữ khóc sướt mướt tới gặp tôi xin cầu cứu. Chị kể rằng: Chồng chị luôn bài bạc. Chị khuyên nhiều lần không được. Hôm nay, chị tới nơi “sòng bạc” để gọi chồng về. Anh tức giận và đánh cho chị một trận. Một câu chuyện tương tự khác: Có một người con trong gia đình, tuổi mới lên 14, nhắn tin cho tôi với nội dung sau: “Xin cha cầu nguyện cho cha mẹ con được hoà thuận thương yêu nhau. Hằng ngày con phải chứng kiến cảnh cha mẹ con cãi vã nhau, thậm chí là chửi bới, đánh đập nhau nữa. Con đã cầu nguyện nhiều mà chưa thấy Chúa nhậm lời. Có lần con mạnh dạn khuyên cha mẹ đừng chửi bới đánh đập nhau nữa. Chẳng những cha mẹ không nghe mà còn bảo con là ‘đồ mất dạy’”.

Đó là hai trong muôn vàn trường hợp xảy ra hằng ngày trong nhiều gia đình. Trong cuộc sống, đôi khi người dưới thấy bề trên làm không đúng nên góp ý, mong muốn bề trên sửa đổi để sống tốt hơn, nhưng bề trên không chịu nghe, thậm chí còn ngược đãi, nghĩ xấu cho bề dưới. Ước gì, các bậc bề trên không chỉ truyền lệnh mà còn phải lắng nghe lời góp ý của người dưới trong những điều hợp tình hợp lý.

  1. Cầu nguyện với nhau và cho nhau

Kinh nguyện trong gia đình hết sức quan trọng. Chúa Giêsu nói: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”(Lc 21,36). Đó là một mệnh lệnh. Người Việt nam chúng ta có thói quen cầu nguyện hôm sớm trong gia đình. Hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường qui tụ mọi thành viên trong gia đình cầu nguyện chung với nhau trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Có lẽ nhờ thế mà Chúa Mẹ gìn giữ gia đình chúng tôi vượt qua được mọi gian nan khốn khó. Ngày hôm nay, do ảnh hưởng của xã hội, công việc, Internet, phim ảnh…nhiều gia đình bỏ mất thói quen tốt này. Thư chung HĐGM Việt Nam năm 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên, đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này”(số 6). Đó là những lời tâm huyết của các Giám Mục Việt nam gửi tới các gia đình công giáo. Vì vậy, muốn giữ được hạnh phúc gia đình, muốn cả gia đình chu toàn bổn phận nên thánh hãy giữ giờ kinh tối sáng để cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau.

  1. Sống liên kết và yêu thương nhau

Sự “vô cảm” đang thống trị xã hội chúng ta. Sự vô cảm cũng đang len lỏi vào nhiều gia đình. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải sống liên đới với nhau: giữa cha mẹ con cái, anh em ruột thịt, họ hàng, làng xóm láng giềng với nhau. Không chỉ liên đới với nhau trong lời cầu nguyện mà còn liên đới với nhau trong cuộc sống khi vui khi buồn, như thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12,15). Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, ‘hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau’ (Cl 3,12-13)” (Số 6). Ngày hôm nay, bạo hành giữa các thành viên trong gia đình đang ở mức báo động, rất nhiều gia đình thiếu đức yêu thương, đánh mất sự liên đới. Đau lòng khi thấy Cha mẹ từ khước con cái. Con cái từ bỏ cha mẹ. Anh chị em ruột thịt loại trừ nhau. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hậu quả đó, nguyên nhân mà tôi thường gặp là do vấn đề kinh tế: tranh nhau từng tấc đất hay tài sản của cha mẹ, ông bà để lại. Hy vọng những chuyện đau lòng đó và những chuyện khác tương tự không diễn ra trong các gia đình của chúng ta. Nếu có, chúng ta hãy ngồi lại với nhau để xin lỗi, tha thứ và nối lại tình liên đới trong yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho mỗi gia đình chúng con noi gương gia đình Thánh Gia, luôn biết vâng theo thánh ý Chúa, biết quý trọng đức vâng lời, biết lắng nghe nhau, biết cầu nguyện với nhau và cho nhau, đặc biết mỗi thành viên trong gia đình luôn biết bỏ qua những giận hờn, ghen ghét để sống liên kết với nhau trong tình yêu thương. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành