Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy lòng thương xót đối với tội nhân. Chính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu khi còn trên Thánh Giá đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta.
Khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, thánh sử Gio-an đã nhấn mạnh tới vết thương ở cạnh sườn Người như sau: “Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra”.
Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong cảnh cơ hàn.
Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lại khung cảnh chiều thứ sáu Tuần thánh. Rốt cuộc, cực hình của Chúa trên Thập giá dù sao cũng chấm hết. Kẻ thù ra về hãnh diện như là đã chiến thắng vì việc làm của họ. Chúa vẫn cứ yên lặng và rồi những yên lặng kéo theo: Chúa bị vu cho là người phá rối và đã bị nhà cầm quyền loại trừ. Đám đông dân chúng bỏ đi và chỉ còn lại tiếng thổn thức não nề của Maria, của Maria Mađalena và của những phụ nữ đạo đức khác. Rồi tiếng ngựa phi của những anh lính vừa hoàn thành phận sự mà họ phải làm. Họ đánh dập ống chân 2 tên trộm cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu, rõ ràng là người đã chết, nếu có đánh dập ống chân Người cũng vô ích. Nhưng để an tâm hơn, một anh lính không biết tên gì đã thực hiện một hành động có tính biểu tượng cao cả, đó là lấy đòng đâm thủng trái tim Người. Thế là “Máu và nước chảy ra”.
Mừng lễ Noi gương Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11,29): Đức Giê-su không giấu môn đệ về những đòi hỏi nghiêm túc của Người, về con đường chật hẹp leo dốc mà ít người muốn đi, về thập giá mà chúng ta phải vác đi hằng ngày để theo sau Người giống như ông Si-mon Ky-rê-nê đã làm trên đường thánh giá. Như thế, sự an bình Người hứa ban, không phải là thứ bình an dễ dãi giả tạo, nhưng là sự bình an trong tâm hồn sau khi đã trải qua đau khổ. Sự bình an của người ý thức mình được Chúa Giê-su yêu thương và biết mình đang trung thành thực thi theo thánh ý Chúa muốn. Bấy giờ các sự khóa gặp phải sẽ biến thành ách êm ái và gánh nhẹ nhàng (x. Mt 11,30), do được đón nhận với tình yêu Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai mệt mỏi chán chường và vất vả với những gánh nặng hãy đến với Người. Người ngỏ lời trực tiếp với những người đang nghe Người nói. Họ đang phải “gánh” 613 điều luật buọc mà các kinh sư đã bày ra khi giải thích Cựu Ước (23,4) và họ đang vất vưởng như đàn chiên không có người chăn dắt (x. 9,36). Người hứa ban cho họ được nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Phải chăng chúng ta ngạc nhiên và thất vọng vì Người cũng mời chúng ta nhận lấy ách của Người?
Từ quan điểm của Đức Giêsu, con người không “tự do” theo kiểu hoàn toàn là mình, không mắc bất cứ ràng buộc nào. Trong tư cách là thọ tạo của Thiên Chúa, do chính bản tính của mình, con người luôn ở trong thế quy chiếu về với Thiên Chúa. Hỏi về sự tự do đích thực đúng ra là hỏi về mối dây ràng buộc đích thực. Chỉ khi chấp nhận được ràng buộc với vị Chúa tể đích thực, người ta mới được tự do thật, thoát khỏi ràng buộc với mọi chủ nhân khác.
Vì thật sự biết Thiên Chúa nhờ hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa không phải cách méo mó giới hạn, nhưng trong thực tại đúng đắn của Thiên Chúa. Và Người ra sức dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, đồng thời khuyến khích chúng ta tin tưởng tuyệt đối nơi Người và ký thác trọn vẹn nơi Người. Nhận lấy ách của Người chính là đón nhận tất cả sứ điệp của Người và sống như Người vẫn sống, đó là hết lòng yêu mến Chúa Cha và dấn thân phục vụ loài người.
Thánh Tâm Chúa Giêsu, ta thấy hình ảnh một Thiên Chúa là Cha, vì yêu thương, Ngài đã lặn lội để tìm kiếm con người, bất chấp những gian nan khổ cực. Câu chuyện Chúa Giêsu kể cho các biệt phái và kinh sư hôm nay nói về tình thương của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc, trò chuyện, đồng bàn với những người thu thuế và những người bị coi là tội lỗi, các luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó chịu, họ chỉ trích Chúa Giêsu.
Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, nhưng tình yêu ấy đặc biệt quan tâm đến những người đau khổ trong tâm hồn và trong thể xác. Những người thu thuế, những người tội lỗi đều là những người đau khổ trong tâm hồn, những người bị xã hội Do Thái khinh dễ và khai trừ. Khi con Thiên Chúa xuống trần gian, Người đón tiếp hết mọi người, nhưng đặc biệt Người quan tâm đến những người thấp hèn: các phụ nữ, các trẻ em, những người chăn chiên, chăn cừu, những người đau ốm, những người thu thuế, những người tội lỗi… Có lần Chúa Giêsu nói: “Chỉ có người bệnh mới cần đến thầy thuốc”
Ta phải ý thức rằng chúng ta được cứu rỗi không phải vì chúng ta đã lập được công nghiệp gì, nhưng vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Thế. Khi chúng ta còn là tội nhân, tình yêu của Thiên Chúa đã đi trước và tình yêu ấy thật là đại lượng. Vì thế không ai trong chúng ta được thất vọng. Dẫu chúng ta có tội lỗi đến đâu, có lạc xa Chúa đến đâu thì tình yêu của Thiên Chúa cũng có đủ sức để biến đổi trái tim chúng ta.
Và rồi nhìn lên Chúa Giêsu, ta phải noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với anh chị em chúng ta. Người nói: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Cho dẫu anh em chúng ta có lầm lỗi đến đâu, chúng ta cũng không được thất vọng, nhưng hãy dùng tình thương mà đối xử với họ. Chỉ có tình thương mới đưa lại an vui cho mọi gia đình, mọi tâm hồn và có khả năng biến đổi thế giới.
Huệ Minh